NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP Căn cứ từng chủ điểm, từng nội dung hoạt động mà xác định tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của học sinh trên cả ba mặt: nhận thức, hành vi – kĩ năng và thái độ. Có bốn mức độ đánh giá kết quả hoạt động của học sinh như sau: - Loại tốt: Học sinh: * Hiểu đầy đủ và rõ ràng các nội dung của từng chủ điểm giáo dục. * Tích cực, hăng hái, chủ động tham gia các nhiệm vụ mà tập thể giao cho và đạt kết quả tốt. * Đạt được các kĩ năng tham gia và tổ chức các hoạt động tập thể. - Loại khá: Học sinh: * Hiểu biết về nội dung của chủ điểm giáo dục chưa thật đầy đủ nhưng có ý thức tìm hiểu để bổ sung cho vốn hiểu biết của mình. * Tích cựctham gia các hoạt động chung của tập thể, tuy hiệu quả chưa cao. * Có được một số kĩ năng tham gia và tổ chức hoạt động tập thể mặc dù chưa thật thành thạo. - Loại trung bình: Học sinh: * Ít hiểu biết về nội dung của chủ điểm giáo dục, có cố gắng song chưa đạt được mục đích của hoạt động. * Chưa tích cực tham gia thường xuyên các hoạt động của tập thể. * Kĩ năng tham gia hoạt động tập thể còn yếu. - Loại yếu: Là những học sinh hầu như không hiểu biết gì về nội dung của chủ điểm giáo dục, thiếu ý thức tập thể, ít tham gia các hoạt động của tập thể. QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ Cần đánh giá kết quả hoạt động của học sinh theo quy trình sau đây: - Học sinh tự đánh giá, xếp loại. Các em tự đánh giá theo các tiêu chí của bốn mức độ đánh giá nêu trên. - Tổ học sinh đánh giá, xếp loại. Căn cứ vào việc tự đánh giá, xếp loại của cá nhân, tổ học sinh đóng góp ý kiến, bổ sung và xếp loại cho các thành viên tổ mình. Trong trường hợp học sinh hoạt động theo nhóm chuyên biệt thì nhóm sẽ đánh giá, xếp loại từng thành viên của mình. - Giáo viên chủ nhiệm là người đánh giá, xếp loại trên cơ sở các kết quả tự đánh giá của học sinh và đánh giá của tổ học sinh kết hợp với quan sát hoạt động của các em và trao đổi ý kiến trong những trường hợp cần thiết.