Trăm năm ly hợp- kỳ 6 Lê Khắc Hoan 6- Tôn sư Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Thi đua ái quốc. “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua!” Đầu tháng 5-1952, Đại hội 154 chiến sĩ tiêu biểu công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc bầu được 7 anh hùng chiến sĩ thi đua: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyến Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh. Trong đó, 5 người là anh hùng chiến đấu, 2 người là anh hùng sản xuất công nông nghiệp. Chưa có anh hùng chiến sĩ tiêu biểu cho ngành giáo dục! Trong khi, ngay từ năm 1945 đã xác định ba trọng tâm thi đua yêu nước của toàn dân Việt Nam là “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Thì đây, tháng 2-1956, mở đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành giáo dục lần thứ nhất. Dự đại hội, “ nhà giáo Lê Khắc” có những hai đại biểu, à không, thực chất là có tới bốn người! * Sáng Mồng hai tết Bính Thân 1956, Văn Trí đang ăn tết ở nhà anh chị Lê Trần Cảnh – Lê Khắc Thiếu Mộc thì có công điện hỏa tốc của Ty giáo dục Thanh Hóa: Hiệu trưởng trường cấp 1 Hoằng Sơn Lê Trần Cảnh và hiệu trưởng trường cấp 1 Hoằng Thắng Lê Ngọc Ấn lên ngay thị xã Thanh Hóa để kịp ra Hà Nội dự đại hội chiến sĩ thi đua ngành giáo dục. Vui nổ trời. Toàn ngành giáo dục Thanh Hóa có hai trường được Bộ tuyên dương thì cả hai đều là nhiệm sở của anh chị em Lê Khắc. Hai vợ chồng Cảnh - Mộc là hiệu trưởng và cốt cán của trường Hoàng Sơn. Còn Văn Trí, chiến sĩ thi đua của trường Hoằng Thắng. Lê Trần Cảnh phóng xe đạp như bay vượt 20 km đường đá tới Ty giáo dục cũng vừa lúc Lê Ngọc Ấn có mặt. Ty đã mua vé ô tô cho hai anh đi chuyến xe thư đầu tiên sáng Mồng ba Tết. Xe lăn bánh từ 5 giờ sáng. Đoạn đường chỉ 150km, nhưng phải qua 4 con phà Hàm Rồng, Đò Lèn, Gián Khuất, Phủ Lý nên tuy xe thư ưu tiên mà cũng phải 3 giờ chiều mới tới bến xe Kim Liên. Nhờ mang theo xe đạp, hai anh tới ngay 77 Phạm Hồng Thái là nhà cụ Nguyễn Đình Phong, giáo sư kỳ cựu Trung học Chu Văn An, là thân phụ của ông anh rể Nguyễn Đình Cơ. Lại có mặt người con rể của cụ Phong, giáo sư Ngụy Như Kon-Tum, hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Anh Cảnh và anh Ấn được tiếp đãi thân tình và trọng thị. Quây quần quanh mâm cỗ tết là 4 nhà giáo tiêu biểu từ tiểu học tới đại học. Buổi tối, cụ Phong dẫn hai thầy giáo Thanh Hóa thăm phố phường Thủ đô. Sáng hôm sau, anh Ngụy Như Kon-Tum đạp xe “dẫn đường” tới Đại học Tổng hợp là địa điểm liên lạc. Đại hội khai mạc sáng 17 tháng 2, tức là Mồng năm tết Bính Thân, tại trường Sư phạm miền núi trung ương ở Cửa Bắc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cùng hai thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn và Hà Huy Giáp trực tiếp điều khiển các phiên họp. Xen kẽ cứ một buổi nghe báo cáo tổng kết, tình hình nhiệm vụ mới, lại một buổi tuyên dương thành tích đơn vị và cá nhân thi đua xuất sắc. Họp chung trên hội trường và trao đổi kinh nghiệm ở các tổ phân theo khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng khu Tả ngạn, khu Ba, khu Tư, các thành phố lớn…Tối ngày 18, chiếu bộ phim nổi tiếng “Bài ca sư phạm” thể hiện quan điểm giáo dục bằng lao động và giáo dục trong tập thể của Ma-ka-ren-kô. Phim vừa mới nhập từ Liên Xô, bản thuyết minh tiếng Nga chưa kịp chuyển ngữ sang tiếng Việt, nên giáo sư Nguyễn Khánh Toàn phải cầm lấy mi-crô vừa xem vừa thuyết minh. Tối ngày 20, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới thăm, tuyên dương thành tích ngành giáo dục, đặc biệt đề cao nghề dạy học, “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” làm Lê Trần Cảnh… phổng mũi. Khi Thủ tướng chào và ra xe, anh Cảnh cùng mọi người vây lấy, tranh thủ bá vai hót cổ thân thiết như cha con. Rồi đồng thanh nài nỉ: “Giúp chúng cháu mời Bác Hồ tới thăm Đại hội cho chúng cháu thỏa lòng, mời Bác Hồ ghé một phút thôi cũng được!” Sau bữa cơm chiều 21, ban tổ chức thông báo: tất cả đại biểu ăn mặc chỉnh tề, đúng 18 giờ 30 có mặt ở hội trường. Hoan hô rầm trời: tối nay chắc chắn được đón Bác Hồ rồi. Chưa tới giờ quy định, các đơn vị đã đông đủ nghiêm chỉnh ngồi đúng vị trí. Các đại biểu vừa được phong tặng danh hiệu “chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành giáo dục”, mỗi người trên ngực cài một bông hồng bằng lụa, ngồi riêng ở ba dãy ghế đầu, làm thành một vùng đỏ chói. Hội trường im phăng phắc khi đoàn xe ô tô tiến vào, chạy tới cuối dãy nhà. Hồi hộp ngóng nhìn. Không thấy Bác Hồ đâu, chỉ thấy mươi cảnh vệ mặc thường phục tỏa ra khép hết các cánh cửa hai bên hội trường. Bỗng, từ cửa ngách sân khấu lớn, Bác đi ra, theo sau là Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Tưởng chừng hội trường bốc mái vì tiếng hô vang “Bác Hồ muôn năm!” Bác bước lên bục diễn giả, vẫy tay chào và ra hiệu cho mọi người im lặng ngồi xuống. Nhìn quang cảnh một thoáng, Bác quay lại ra hiệu cho Bộ trưởng lại gần và nói nhỏ… Nghe xong, Bộ trưởng lui vào sau cánh gà. Rồi trưởng ban tổ chức bước xuống, truyền đạt ý Bác: chiến sĩ thi đua là từ phong trào mà ra, do phong trào gây dựng mà thành, vậy không nên tách khỏi phong trào. Đề nghị ai ở đơn vị nào trở về với đơn vị ấy! Cả hội trường xôn xao. Các cá nhân xuất sắc vui vẻ quay về chỗ đơn vị mình. Thừa cơ lộn xộn, Lê Trần Cảnh xông lên chiếm chỗ trống ngay giữa hàng ghế đầu, chỉ cách chỗ Bác đứng chừng hai mét. Một vị trí tuyệt vời để ngắm rõ từng sợi râu trắng như cước. Trước mắt, Bác hiện lên như ông tiên trong truyện cổ, râu tóc bạc phơ, da hồng, mắt sáng tinh anh, tiên phong đạo cốt. Cảnh tượng trên sân khấu rộng lớn, chỉ có Bác đang nói chuyện và Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cung kính chắp tay đứng bên làm các nhà giáo tiêu biểu của cả nước liên tưởng hình ảnh xúc động từ 700 năm trước đã được vẽ tranh minh họa trong Quốc văn giáo khoa thư: vạn thế sư biểu Chu Văn An ngồi tựa gối xếp trên giường, xung quanh là cựu môn sinh, các vị tể tướng, thượng thư đương chức, chắp tay đứng hầu. “… Bác đến đây với tư cách đồng nghiệp, vì Bác cũng có lúc làm nghề dạy học. Bác muốn nói với các cô các chú đôi điều về cái nghề các cô các chú đang làm. Ngày xưa, cách đây trên hai ngàn năm, cụ Khổng làm nghề dạy học, có hơn ba ngàn học trò, đã nói gọn về cái nghề của mình trong 8 chữ “học nhi bất yếm, giáo nhân bất quyện” nghĩa là “học không biết chán, dạy người không mỏi”. Hiểu rộng ra, người thầy giáo có hai việc song song là dạy và học. Muốn dạy người phải tự dạy mình. Muốn dạy phải học. Có học không biết chán thì mới đủ vốn liếng dạy người không mỏi…” Cả hội trường lắng nghe như uống từng tiếng. … Bài nói chuyện của Bác Hồ, về sau Lê Trần Cảnh càng ngẫm càng thấm. Càng chú tâm học hỏi vận dụng tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Nắn nót ghi vào sổ công tác những lời dạy của Bác về tu dưỡng đạo đức. “Trời có bốn mùa xuân hạ thu đông. Đất có bốn phương đông tây nam bắc. Người có bốn đức cần kiệm liêm chính. Thiếu một trong bốn mùa không thành trời. Thiếu một trong bốn phương không thành đất. Thiếu một trong bốn đức không thành người.” Lại nhớ lời Bác giảng giải thế nào là đạo đức. “Chúa Giê-su dạy: đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Trong những thành tố bồi đắp nên tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, phải chăng Khổng giáo dự phần ít nhiều? Năm 1965, Bác Hồ sang Trung Quốc dưỡng bệnh, đúng thời kỳ “cách mạng văn hóa vô sản” ra sức “phê phán Khổng Tử”, mà đúng sinh nhật của mình, Bác đã hành hương về Khúc Phụ thăm đền Khổng Tử, ngồi đọc bia ở sân đền, làm mấy câu thơ: “ Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ Tùng xưa miếu cũ vẫn uy nghi Khổng gia thế lực giờ đâu tá Chỉ thấy ánh tà rọi xuống bia”. … Dứt câu chuyện, Bác Hồ giơ tay vẫy chào rồi quay người đi rất nhanh qua cửa ngách sân khấu. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên tránh sang một bên nhường lối rồi bước sát sau Bác. Lê Trần Cảnh tính chen ra sân chiếm chỗ tiễn Bác, nhưng tổ cảnh vệ vẫn trấn giữ bên ngoài các cánh cửa hội trường khép chặt. Lát sau, cửa mở, các đại biểu miền núi Tây Bắc và Việt Bắc ngồi dãy ghế bên ngoài ùa ra trước. Cả hội trường dồn đẩy ùn ùn phía sau. Ai cũng mong được tới gần Bác. Nhưng trên sân chỉ còn hai chiếc com-măng-ca đít tròn chở đội bảo vệ xịt khói nối đuôi nhau ra cổng. Lê Trần Cảnh vóc vạc tầm thước nên nghển cổ vẫn bị hàng rào người che khuất. Cố lách tìm lối chen lên. Cái cậu mảnh khảnh cao kều ở phía trước bị huých vào sườn, liền quay lại, lầu bầu “Bác về rồi, chen làm chi nữa…”. Và mừng rỡ kêu to: - Ủa, anh Cảnh! - Ôi trời, thằng Văn Khê, cứ tưởng anh chàng thổ mừ nào. Thì ra anh rể em vợ cùng là đại biểu chính thức, nhưng khác đơn vị, nên cùng họp một hội trường mà tới ngày thứ tư mới nhận ra nhau. Anh Cảnh kéo Khê tới chỗ ở của đoàn Thanh Hóa. Lê Ngọc Ấn nghe giới thiệu, vui lắm, liền rủ Cảnh và Khê ra quán cóc ngoài cổng trường, thưởng thức trà nóng vỉa hè Thủ đô. Căn bệnh méo mó nghề nghiệp thời buổi “chỉnh huấn quanh năm, hội báo hàng ngày” chưa hề thuyên giảm! Giờ nghỉ gặp nhau hàn huyên mà anh Ấn chực biến thành buổi trao đổi kinh nghiệm thi đua. May là không khoác vẻ long trọng. Anh vui vẻ xuề xòa: - Mình cũng họ Lê, vậy nhập vào tổ Lê Khắc luôn. Mấy khi nhà giáo vùng biển và vùng cao gặp được nhau. Ưu tiên miền núi, cho Văn Khê nói trước. Vốn tính chu đáo, Khê từ châu Thuận xuống đã thủ sẵn trong túi tập báo cáo thành tích giáo dục vùng cao Pá Chải, liền dúi cho anh Cảnh và anh Ấn mỗi người một bản in li-tô. - Hai anh tí nữa cầm về phòng, đọc sau. Giờ ngồi đây kể chuyện giáo dục Hoằng Hóa cho em nghe với. Vinh dự thật, chiếm cả hai suất cơ sở của tỉnh Thanh… Anh Cảnh kể trước đi. - Em Khê đừng coi thường bọn này không biết soạn văn bản. Này, phải nhớ huyện Hoằng Hóa các anh là lò khoa bảng, thời xưa có tới 47 tiến sĩ Nho học. Đây, bản tự thuật này anh tranh thủ “ngoáy” tối mồng Hai Tết ở Ty giáo dục. Khê chỉ cần đọc lướt “cóc nhảy” là biết bà chị ruột với ông anh rể dạy dỗ ra làm sao. * … Tháng 9-1954, vợ chồng tôi nhận công lệnh về trường Hoằng Sơn. Tôi làm hiệu trưởng, dạy lớp 4. Vợ tôi dạy lớp 2 (vợ tôi sau đó được bầu làm phó thư ký công đoàn giáo dục huyện Hoằng Hóa). Trường 4 lớp nhưng chỉ có 3 giáo viên, còn lớp 1 chia nhau dạy. Trước đây, thời kháng chiến, các lớp đặt nhờ nhà dân. Nay bắt tay xây dựng cơ sở vật chất, tôi xin xã trưng dụng ngôi đình Bản Định làm trường. Một số hoành phi câu đối tịch thu trong CCRĐ đang dồn đống trong đình, tôi xin hết làm bảng tên trường, bảng đen, đóng bàn ghế. Còn thiếu to! Tôi lại xin xã được hạ cây đa cổ thụ gốc to hai người ôm đĩnh đạc ngự trăm năm nay giữa đồng làng. Gỗ ván tạm đủ nhưng không có tiền công thợ. Tôi bèn lập tổ đóng bàn ghế gồm phụ huynh thạo nghề mộc. Cùng ra đồng khảo sát, đo đạc tính toán ngay tại gốc đa. Thống nhất thi công theo cách khoán gọn. Tổ thợ tự lo liệu hạ cây, xẻ gỗ, đóng bàn ghế. Gốc cây và toàn bộ củi cành chuyển thành tiền công thợ. Ba tuần sau, trường nhận đủ 20 bộ bàn ghế hợp quy cách. Hôm họp sơ kết, các cụ bảo rằng tiền công vừa khéo chứ thợ mộc không thiệt thòi đâu. Mà lợi to, con cháu ta ngồi bàn ghế mới thơm phức. Trường lớp thêm khang trang. Dân làng ngang qua nhìn vào đều tấm tắc: hàng chục năm nay mới thấy trường ra trường! …Thầy giáo có nhiệm vụ liên hệ phối hợp giáo dục với cha mẹ học sinh. Nhưng phụ huynh mỗi lớp rải ra mấy xã, thầy đi thăm không xuể. Bèn tổ chức họp phụ huynh theo khu vực. Mỗi khu vực một giáo viên phụ trách chung, nắm danh sách tất cả học sinh. Luân phiên nửa tháng họp một khu, hai tháng là quay vòng hết 4 khu toàn trường. Buổi họp có mặt tất cả giáo viên, báo cáo, trao đổi cặn kẽ với từng phụ huynh. Bà con khỏi phải đi xa, nên tới dự đông đủ. …Lớp 2 của vợ tôi dạy có học sinh Bích Thủy là con chị Bạch Đằng, cán bộ y tế đi công tác biệt phái, bố cháu lại ở xa. Bích Thủy vừa học vừa phải thay cha mẹ trông 3 em trai. Vợ tôi lên lớp buổi chiều, còn buổi sáng đem con gái Hồng Châu 4 tuổi tới nhà chị Bạch Đằng, cháu Châu chơi với 3 em nhỏ, còn vợ tôi vừa soạn bài vừa kèm Bích Thủy. Nhờ thế em Thủy trở thành học sinh giỏi. Lại thêm thành tích trông ba em nhỏ cho cha mẹ đi công tác. Thủy được chọn làm học sinh điển hình lên huyện báo cáo. Bản báo cáo do cô viết, trò học thuộc rồi lên nói. Thủy thông minh lanh lợi, vẫn giữ cách nói năng ngây thơ nên được huyện đánh giá cao và cử đi báo cáo thi đua toàn tỉnh. Thành ra cô giáo cũng có thành tích. … Trường tôi làm chưa được nhiều, nhưng trong một thời gian ngắn mà đã có trường ra trường, xây dựng được mối kết hợp giáo dục nhà trường- gia đình, lại có học sinh tiêu biểu báo cáo lên trên. Tỉnh phong Hoằng Sơn là “Tổ giáo viên xuất sắc” để Bộ tặng cờ thi đua… * Tới lượt Lê Ngọc Ấn kể chuyện Hoằng Thắng. Anh Ấn chỉ ngoài ba mươi tuổi mà nom hom hem, da tái mét vì bệnh dạ dày kinh niên. Anh bảo bây giờ các cậu nghe chuyện người đứng lớp xuất sắc nhất của trường tớ. Chính là “nhóc” Văn Trí nhà ta đó. Lê Ngọc Ấn không giấu vẻ âu yếm khi gọi Văn Trí là “thằng nhóc”. Em út, ít tuổi nhất, được đồng sự quý mến gán cho nhiều biệt danh nhất. “… Hắn như con mọt sách. Ở trọ nhà dân, không có bàn có tủ, đầu giường xếp bốn chồng sách cao nghệu. Đi đâu ra khỏi cổng cũng cầm theo cuốn sách. Họp hành, giờ giải lao cũng cắm đầu vào sách…” “… Hắn là kho đề toán. Bảo rằng học theo thầy giáo Nguyễn Cảnh Toàn ở sư phạm khu Tư. Mỗi đề mẫu trong sách giáo khoa, hắn chế thêm năm bảy đề tương tự, cho học trò làm các kiểu bài “chết thôi”. Thiếu giấy, hắn rọc rẻo giấy trắng đầu thừa đuôi thẹo ở báo cũ, tỉ mẩn cắt cùng khuôn khổ cỡ bằng bàn tay, chép đề toán do hắn nghĩ ra. Dùng xong thì dán nối tiếp đầu đuôi, cuộn tròn như cối pháo. Hắn có chục “cối đề toán” như thế…” “… Hắn là cây sáng kiến. Tự đặt chỉ tiêu mỗi tuần nộp hiệu trưởng một bản sáng kiến. Không phải nặn từ trong đầu rồi viết ra giấy, mà hắn đúc rút từ cải tiến đứng lớp. Tớ thấy hay hay, liền gửi thử mấy bản sáng kiến kinh nghiệm của hắn cho tờ Chuyên san cấp một của Vụ giáo dục phổ thông. Không ngờ họ sử dụng liền liền. Tòa báo không trả nhuận bút bằng tiền, mà biếu cả đống tem thư. Giáo viên trong trường ai cần gửi thư đi đâu thì tới Trí lấy tem. Mọi người khoái, phong hắn là nhà báo trường ta…” Sau hòa bình 1954, mạng lưới giáo dục ở miền Bắc còn rất mỏng. Hai ba xã chung nhau một trường cấp 1. Nhiều trường không toàn cấp, chỉ có lớp 1, lớp 2. Hoàng Thắng cũng như Hoàng Sơn đều là trường liên xã, thế mà mỗi nơi chỉ có một lớp 4. Giáo viên phụ trách lớp nào do Ty giáo dục trên tỉnh phân công. Hiệu trưởng phải dạy lớp cao nhất. Ty phát công lệnh điều Trí dạy lớp 3. Nhưng khai giảng một tháng, biết Trí dạy giỏi, Lê Ngọc Ấn bèn “làm chui”, đôn Trí dạy lớp 4, còn mình xuống lớp 3, dành thêm thì giờ quán xuyến các mặt hoạt động của trường. Thầy dạy lớp 4 non choẹt tuổi 18, vóc dạc mảnh mai gió thổi bay, mà học trò nhiều cô cậu cao to lộc ngộc, mặt lốm đốm mụn trứng cá. Lớp có mươi nữ sinh biết diện áo cánh phin và cặp tóc i-nốc sáng lóe. Gái quê xứ Thanh tuổi ấy phần đông đã là “chị nhiêu” (có chồng). Lớp 4 Hoằng Thắng có mấy em cha mẹ đã gả bán nhưng chưa cho nhà trai cưới, bảo để cháu nó học hết cấp một hẵng hay. Sợ mất con dâu, có cụ nhà trai tới tìm Trí, vòng vo nói khó “thầy cũng như cha, việc trăm năm hệ trọng của các cháu nhờ thầy lưu ý giữ dùm”. “…Hắn biết chi mà giữ, giữ thân mình chưa xong!- anh Ấn tủm tỉm - Làm ông mối, nhưng nhóc vẫn hoàn nhóc. Vẫn tính khí trẻ con ưa khoe. Được giao lớp bốn, sướng. Tìm cách phô phang. Các lớp đặt nhờ nhà dân, 7 lớp phân tán rải rác 7 nơi. Lớp 4 được ưu tiên ngôi nhà to nhất giữa làng Hồng Văn. Thế là Trí xin ván, mua sơn kẻ biển tên “Trường cấp I Hoằng Thắng”, dựng cột tre sừng sững như cái cổng chào trên đường làng. Còn ở cổng nhà người ta thì đóng đinh trưng tấm bảng nền trắng chữ đỏ to tổ bố: LỚP BỐN (trịnh trọng như biển đề tên trường đại học!). Trong lớp tinh những cột nhà. Hắn mua giấy ngũ sắc, cắt dán hoa hoét giăng chéo lòng thòng trên đầu học trò. Y như trang hoàng đám cưới. Giờ sinh hoạt tập thể cuối tuần, hắn mang ghi-ta tới lớp, thầy dập phèng phèng, trò gân cổ gào í ửn …” Chuyện Trí hát hò, anh Ấn nhớ một kỷ niệm vui vui. Trong buổi mít tinh kỷ niệm 25 năm thành lập Đảng, 3-3-1955, cờ búa liềm treo lên, chủ tịch xã cẩn thận dặn trước “các đồng chí đứng nghiêm chào cờ mà không hát quốc ca…” Trí đứng bên anh Ấn, bắt bẻ: chào cờ Đảng không hát quốc ca thì phải hát Quốc tế ca chứ… Ấn chưa kịp phản ứng thì tiếng hô dõng dạc vang lên “chào cờ, chào!” Trí rập chân đứng nghiêm, ưỡn ngực. “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian/ Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…” Tiếng hát trùm khắp năm gian đình im phắc. Anh Ấn và vài người khác mấp máy môi dựa dẫm hòa theo, vì giai điệu thì thuộc nhưng ca từ chỉ nhớ mang máng. Mít tinh xong, chủ tịch xã không trách móc gì. Lại tấm tắc: tôi được nghe bài này mấy lần trên huyện, nhưng chưa thấy ai hát say sưa như thầy Trí. Nghe hùng tráng như tiếng kèn xung trận! Ngay năm đầu, lớp 4 Hoằng Thắng thi hết cấp đậu 100%, dẫn đầu toàn huyện Hoằng Hóa. Kỳ thi chuyển cấp lên lớp 5, đậu 90%. Trí được phong chiến sĩ thi đua, sở giáo dục Liên khu Tư tặng bằng khen. … Anh Ấn chân tình khen: Nhà giáo Lê Khắc khá. Lại trẻ măng. Nhóc Trí chưa đầy 19. Mộc và Khê 22. Cảnh “già” nhất cũng chỉ 24. À nhưng mà hậu sinh khả úy, tuổi Đảng của Cảnh có ít hơn mình đâu nhỉ. Cảnh lập “kỷ lục” đảng viên trẻ nhất, 15 tuổi đã vào Đảng. Cùng năm 1947 với mình. Anh Cảnh nói: Bọn này ít tuổi cũng có cái thiệt là chưa kịp lớn đã bước vào thời chiến nên thất học. Như Cảnh đây lên thị xã Thanh Hóa học trung học từ năm 1944, thụ giáo thầy Hữu Loan, tác giả Màu tím hoa sim, mà nay Cảnh vẫn chưa có bằng tú tài. Mấy anh chị em nhà này toàn dạy cấp 1. Văn Khê cãi: Dạy cấp 1 thì sao nào? Xem đấy, hai trường tiêu biểu của giáo dục Thanh Hóa dự đại hội này đều là cấp 1. Em chỉ mong nước nhà mau thống nhất, mấy chục nhà giáo Lê Khắc từ miền Bắc kéo về Huế, chăm nom dạy dỗ lớp trẻ nhỏ, gọi là đền đáp công ơn quê cha đất tổ. Anh Cảnh đăm chiêu: Ý nguyện mà em Khê vừa thổ lộ cũng là điều anh tâm niệm. Nhưng anh em ta phải nâng học vấn. Có trình độ đại học, mai sau về quê vợ, mình phục vụ ngành giáo dục được nhiều hơn. … Lê Trần Cảnh sau đó 10 năm đã học tập trung lấy được bằng đại học sư phạm khoa toán. Nhưng phải hàng chục năm sau đó, đất nước mới thống nhất. Chuyển vùng về quê vợ, anh Cảnh làm tổ trưởng chuyên môn dạy toán cấp 3 Hương Trà chỉ được 3 năm thì về hưu non. Nhưng rất may, đội ngũ vài chục con cháu Lê Khắc tản cư ra Bắc năm 1946, sau năm 1975 trở về làm giáo dục, đã có “đại diện” xứng đáng phục vụ đắc lực quê hương Bình Trị Thiên. Đó là chú út Lê Khắc Hân, năm 1956 đang là cậu trò nhỏ mài ghế lớp 5! * Hân tốt nghiệp khoa toán đại học sư phạm Vinh năm 1962, tròn 20 tuổi. Vào nghề dạy toán ở cấp 3 Gia Lộc, Hải Dương. Dạy giỏi, viết lách khá, nên lọt mắt xanh cơ quan quản lý. Được điều lên Ban tu thư soạn sách giáo khoa “B”, tức là sách dùng cho các trường học vùng giải phóng phía Nam đang ngày càng mở rộng, cho tới 1975 thì “mở” ra toàn miền Nam. Đó chính là cơ duyên đưa Lê Khắc Hân trở về trực tiếp phục vụ quê hương. Trên trang web của gia tộc Lê Khắc làng Văn, chú út đã thuật lại cặn kẽ thành tích huy hoàng ngành giáo dục Bình Trị Thiên bồi dưỡng học sinh giỏi môn toán giai đoạn 1975-1983. “… Ngay sau ngày 30-4-1975, thứ trưởng Võ Thuần Nho dẫn đoàn chúng tôi vào miền Nam bồi dưỡng, huấn luyện giáo viên thực hiện chương trình và sách giáo khoa (CT & SGK) cách mạng từ năm học đầu tiên 1975-1976. Bộ môn Toán của tôi có 4 người. Sau hơn một tháng khẩn trương làm việc, tôi trở ra Hà Nội. Vừa chân ướt chân ráo về đến cơ quan thì vụ tổ chức cán bộ mời đến hỏi: “Trưởng ty giáo dục Thừa Thiên-Huế yêu cầu đồng chí về đó phụ trách chỉ đạo bộ môn toán, ý đồng chí thế nào?” Khi tôi ghé Huế trên đường vào Nam, anh Nguyễn Kỳ, trưởng ty – nguyên cục trưởng cục B-C kiêm thủ trưởng trại sách B - đã trao đổi chuyện này. Đối với tôi, ngay sau giải phóng được trở về phục vụ quê hương, phụng dưỡng mẹ già thì còn gì hạnh phúc bằng. Vậy là tôi về Huế. Ngày đầu tôi đến nhận công tác, anh Nguyễn Kỳ ôm vai thân mật, giọng Huế chay nhỏ nhẹ tình cảm: “… Cậu có nhiều thuận lợi để góp sức phát triển giáo dục quê hương đang muôn vàn khó khăn… Hân chú ý, trong khi quán xuyến chăm lo chất lượng đại trà, đừng có quên mũi nhọn nhé”. Cái “mũi nhọn chất lượng” ấy, tôi luôn nhớ. Lúc còn dạy học ở Hải Dương, tôi đã tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi toán của tỉnh, rất thú vị mô hình lớp phổ thông chuyên toán. Lúc này (1975-1976), miền Bắc đang theo hệ giáo dục phổ thông 10 năm, các lớp phổ thông chuyên toán đã thực hiện ổn định CT&SGK, có chế độ chính sách rõ ràng… Thừa Thiên-Huế và toàn miền Nam thì thực hiện CT&SGK mới của hệ 12 năm, chưa có chút gì cho chuyên toán. Vậy là phải tự làm từ bước đầu. Trước hết, xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giảng dạy. Tìm trong “vốn nhà- tại chỗ”, ở đại học tôi mời các anh Lê Đình Phi, Lê Tự Hỷ, Lê Tự Rô và ở phổ thông là các anh Châu Trọng Ngô, Lê Quanh Ninh, Ngô Viết Diễn, Ngô Hữu Phước, Lê Văn Thu…cùng nhau bàn thảo nội dung chương trình và chia nhau biên soạn giáo trình. Chọn trường Quốc học làm nơi đặt các lớp chuyên toán…Quan trọng hơn hết là thuyết phục lãnh đạo tỉnh duyệt chế độ chính sách tạm thời cho lớp chuyên gồm học bổng và phần thưởng cho học sinh, kinh phí cho bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất, chế độ lương thưởng đối với giáo viên. Cuối cùng là chọn thầy và tuyển trò. Nhanh chóng tìm ra cho mỗi lớp chuyên toán hai giáo viên giỏi phụ trách môn chuyên, còn giáo viên các môn khác chọn ngay trong trường Quốc học. Trò thì tổ chức thi tuyển. Năm học 1976-1977 đã là tỉnh lớn Bình Trị Thiên, trong một tỉnh có hai hệ giáo dục phổ thông, lấy Hiền Lương làm “giới tuyến”, nửa Nam hệ 12 năm, nửa Bắc hệ 10 năm. Trong khó khăn, ngay năm học ấy Bình Trị Thiên xuất quân tham dự kỳ thi học sinh giỏi với toàn miền Bắc và môn Toán đoạt giải nhất toàn đoàn. Thực hiện cả hai hệ nên khối lượng công việc chỉ đạo chuyên môn, tổ chức thi cử luôn phải nhân đôi. Dạo đó công cụ còn thô sơ. Tôi sử dụng thành thạo máy đánh chữ. Trong các kỳ thi toán, trưởng ty Nguyễn Kỳ (vốn là giáo viên toán) duyệt, tôi ra đề và đánh máy xtăng-xin, một công nhân quay rô-nê-ô. Tôi tự tay đốt bản xtăng-xin, bản in thử rồi cho đề thi vào phong bì, niêm phong. Đề thi đảm bảo tuyệt mật. Thế mà có một lần ra đề thi học sinh giỏi, mọi công đoạn hoàn thành lúc 21 giờ, kể cả việc khóa và niêm phong tủ đựng đề thi của phó trưởng ty Nguyễn Đình Ngộ, tôi xoa tay khóa cửa phòng về nhà sau ngày làm việc căng thẳng. 11 giờ khuya, trằn trọc, linh tính mách bảo hình như sơ suất gì đó, tôi bèn vùng dậy trở lại cơ quan vào phòng kiểm tra thì hú vía: bản gốc đề thi viết tay khi đánh máy xtăng-xin tôi bỏ ngăn kéo, quên bẵng không lấy ra đốt! Thầy dạy chuyên toán “cây nhà lá vườn”, ưu tiên trẻ, thực sự có năng lực, chú trọng phương pháp dạy tư duy cho học sinh giỏi. Ba thầy giáo trẻ Trần Văn Khải, Trần Thanh Thiên và Lê Văn Quang được phân công chủ nhiệm 3 lớp với sự tiếp tay của các nhà giáo tuổi nghề già dặn, kiến thức uyên thâm, kinh nghiệm dày dạn như Ngô Viết Diễn, Lê Văn Thu, Ngô Hữu Phước… Chúng tôi lần lượt mời các giáo sư Phan Đức Chính, Lại Đức Thịnh, Văn Như Cương, Ngô Xuân Sơn, Nguyễn Đăng Phất… về Huế, vừa truyền đạt kinh nghiệm dạy học sinh giỏi toán, vừa bồi dưỡng các chuyên đề quan trọng cho đội tuyển. Các giáo sư đều là tác giả biên soạn CT&SGK cho trại sách B nên rất nhiệt tình giúp tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn. Năm học thứ 3, Huế đã có Hồ Đình Duẩn được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic toán quốc tế (IMO) năm 1978 ở Rumani và em đoạt giải ba. Đó là thành tích đầu tiên của các tỉnh phía Nam! Và cũng là kỷ niệm không quên với bản thân tôi. Số là trong các lần Huế có học sinh giỏi được chọn vào đội tuyển quốc gia, tôi đều nhận lãnh nhiệm vụ “chăn dắt” các em. Kỳ thi năm 1978 ấy, thầy trò bay ra Hà Nội, lần đầu bỡ ngỡ, kinh phí eo hẹp, tôi đưa Duẩn về tá túc nhạc gia của tôi. Dù nhà cửa không mấy rộng rãi, ông bà cụ dành riêng cho thầy trò cả căn gác yên tĩnh để “tu luyện”. Ngày ba bữa, mẹ vợ tôi- một bà cụ Huế chính gốc - thết đãi món ăn Huế ngon lành khiến Duẩn lần đầu ra Hà Nội mà tưởng như sống ở nhà mình. Thắng lợi quốc tế đầu tiên khích lệ chúng tôi lao vào việc bồi dưỡng các lứa học sinh giỏi tiếp sau. Tại Vương quốc Anh năm 1979, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất và giải đặc biệt. Năm 1982, tại Hungari, Ngô Phú Thanh giải nhì. Năm 1983, tại Pháp, Nguyễn Văn Lượng giải nhì và Hoàng Ngọc Chiến giải ba. ( Thành tích quốc tế gián đoạn bởi hai năm 1980 và 1981 nước ta không dự thi IMO; còn thi chọn học sinh giỏi trong nước thì đội toán của Bình Trị Thiên vẫn dẫn đầu). Suốt đời tôi không quên cái đêm mưa Huế dầm dề năm 1979 ấy, tình cờ đi qua một chiếc loa công cọng đúng lúc phát thanh viên đọc vang lên “Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất và…” Vậy là hối hả đạp xe tới nhà anh Nguyễn Kỳ. Chia sẻ niềm vui, ôm nhau trong đầm đìa nước mắt. …Năm 1981, trong một cuộc gặp giữa lãnh đạo giáo dục hai địa phương, giám đốc sở giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Quang Vịnh- một người Huế, thần tượng của giới trẻ (Lê Quang Vịnh và các anh / tiểu đội anh hùng của tuổi xanh) đặt vần đề với anh Nguyễn Kỳ và tôi để rồi ngay sau đó Bộ quyết định điều chuyển vợ chồng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh. …Cảm động nhất là khi sự việc đến tai bí thư tỉnh ủy Bùi San, ông đã gọi tôi lên hỏi lý do rời Huế: hay là đồng chí có thắc mắc về chế độ đãi ngộ, về quyền lợi… Cứ thẳng thắn trình bày nguyện vọng, tỉnh sẽ giải quyết… Trời, Bình Trị Thiên nghèo như thế mà quan tâm đầu tư phát hiện bồi dưỡng tài năng toán học như thế…, hỏi có đâu hơn? Bản thân tôi được trọng dụng năng lực chuyên môn, ưu đãi quyền lợi thiết thân nâng bậc lương, cấp nhà ở. Tôi đòi hỏi gì hơn nữa?” Lê Khắc Hân mãi mãi biết ơn sự quan tâm chăm sóc của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế với ngành giáo dục, với lớp chuyên toán và với bản thân mình. Ai ai đều biết nguồn gốc sâu xa của thành công huy hoàng này là do Thừa Thiên - Huế phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Đó là đạo lý bền vững ngàn năm của dân tộc Việt. Không phân biệt hệ ý thức, chính kiến. Không kể là thường dân hay nguyên thủ quốc gia. Thì đấy, 2008, 2009, 2010…, năm nào chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng tới thăm các thầy giáo cũ, thầy Lâm Cảnh Nhạc, thầy Phạm Văn Thành… Trước đó, áp Tết Kỷ Mão 1999, chủ tịch nước Trần Đức Lương tới nhà thăm thầy giáo cũ Hồ Cơ. Rồi áp tết Quý Mão 2003, tổng bí thư Nông Đức Mạnh trọng thị mời thầy Hồ Cơ tới tiếp kiến với câu chào đón chân tình: "Thưa cụ, cụ nay đã 81 tuổi mà tôi mới 61; cụ lại là thày học của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và của hàng trăm cán bộ cốt cán, nhà khoa học của đất nước, nên cụ cũng như thày học của tôi". Suy xét mọi khía cạnh, hình thức biểu hiện của truyền thống người Việt trọng đạo tôn sư, không thể không nói tới bức ảnh thờ ở căn nhà 10 Trần Thúc Nhẫn thành phố Huế. Tháng 7-1975, khi Ủy ban quân quản công nhận chị Thiếu Mộc có quyền sở hữu ngôi nhà do hậu duệ của ông ngoại Nguyễn Hữu Mẫn ký giấy chuyển giao, anh Lê Trần Cảnh đã tới nhận nhà. Toàn bộ thiết bị gia dụng bị tháo gỡ từ bao giờ, riêng bàn thờ còn nguyên vẹn với bức truyền thần Hiệp tá đại học sĩ Nguyễn Hữu Mẫn. Bà con Nguyễn Hữu đằng ngoại kể lại rằng: cả miền Nam những năm 1955-1963 chỉ có hai bức truyền thần như thế. Một ở nhà số 10 Trần Thúc Nhẫn - cố đô Huế và một ở dinh Ngô tổng thống - thành đô Sài Gòn. Bởi, ông Diệm theo tôn chỉ Quân Sư Phụ của đạo Nho, tôn thờ di ảnh sư phụ bên cạnh di ảnh thân phụ. Anh Lê Trần Cảnh không ít lần xúc động về tình nghĩa tôn sư của thầy trò xứ Huế. Các dịp hội hè lễ lạt, trường cấp 3 Hương Trà (sau này là trung học phổ thông Đặng Huy Trứ) không bao giờ quên thành viên cũ Lê Trần Cảnh. Học trò cũ thường rủ nhau tới thăm thầy Cảnh, biếu cân chè, chai rượu, có dịp 20-11 mang tới cái phong bì bên trong có 65 đồng, và hóm hỉnh: chúng em biết tháng cuối cùng thầy nhận lương 65 đồng nên bàn nhau biếu một tháng lương để thầy nhớ thời dạy học. Có những món quà giá trị vật chất đâu có nhiều mà nhớ mãi. Năm ấy học trò chở tới 10 Trần Thúc Nhẫn một xe ba gác chất đầy thân cây sa mộc đã cưa bằng đầu bằng đuôi, nói là quốc lộ Một mở rộng nên triệt hạ hàng cây bên đường mà thầy cùng bọn em trồng năm 1976. Nhà trường bảo mang thành quả của thầy ngày xưa tới biếu thầy. Tấm lòng vàng trọng đạo tôn sư thủy chung như nhất làm dịu nỗi buồn nhà giáo già. Anh Cảnh tự vịnh: Sống đến tám mươi kể đã nhiều Xưa nay tuổi ấy có bao nhiêu Tai lành tai điếc nghe ngơ ngác Cẳng thấp cẳng cao bước vẹo xiêu Mắt sáng mắt mù nhìn chập choạng Tay run tay rẩy viết cong queo Ơn trời cái óc còn minh mẫn Vẫn cứ ngày ngày đủ mấy chiêu Những lúc quạnh hiu, da diết nhớ bao đồng nghiệp thuở xưa. Nhớ ngày đại hội thi đua anh em Lê Khắc sum vầy 60 năm trước. Nhớ lời cậu em vợ Văn Khê hứa hẹn đinh ninh ngày về dạy dỗ đàn em xứ Huế. Anh Cảnh đây, dù thiệt thòi, ít ỏi, cũng có được 3 năm đầm ấm thầy trò Hương Trà - Văn Xá. Còn em, thất tung lưu lạc nơi đâu, Văn Khê? . Trăm năm ly hợp- kỳ 6 Lê Khắc Hoan 6- Tôn sư Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Thi đua ái quốc. “Người. tuyển. Năm học 19 76- 1977 đã là tỉnh lớn Bình Trị Thiên, trong một tỉnh có hai hệ giáo dục phổ thông, lấy Hiền Lương làm “giới tuyến”, nửa Nam hệ 12 năm, nửa Bắc hệ 10 năm. Trong khó khăn, ngay năm. hương Bình Trị Thiên. Đó là chú út Lê Khắc Hân, năm 19 56 đang là cậu trò nhỏ mài ghế lớp 5! * Hân tốt nghiệp khoa toán đại học sư phạm Vinh năm 1 962 , tròn 20 tuổi. Vào nghề dạy toán ở cấp 3