Hủy bỏ “triết lý đọc-chép” bằng công nghệ giáo dục? Điều quan trọng là phải để các em thích học Trước hết, khái niệm “Công nghệ” được hiểu là “một tập hợp các cách thức, các phương pháp dựa trên cơ sở khoa học và sử dụng vào sản xuất trong các ngành sản xuất khác nhau để tạo ra các sản phẩm vật chất và dịch vụ” - Từ điển Bách khoa toàn thư. Công nghệ mang tính kỹ thuật, khách quan, biến việc sản xuất một sản phẩm nhất định thành một quy trình, chia ra từng giai đoạn, với công cụ và các thao tác cụ thể, chuẩn xác, để rồi tạo ra các thành phẩm đồng đều về hình dáng, tính khả dụng và phẩm chất. Khái niệm “Công nghệ Giáo dục” nhằm diễn tả việc thiết kế giáo dục trẻ em như một khoa học và thực hiện chúng như một công nghệ. Người đưa ra khái niệm “Công nghệ Giáo dục” và triển khai (ở dạng thực nghiệm) công nghệ giáo dục ở Việt Nam là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại. Quan trọng hơn cả là triết lý nền tảng của công nghệ giáo dục, đó là phải làm sao cái công nghệ ấy bảo đảm được khi đi học, trẻ em vừa chiếm lĩnh được tri thức, tức là học được, vừa nhận thấy, một cách tự nhiên, rằng đi học là hạnh phúc, chiếm lĩnh tri thức là hạnh phúc. Công nghệ Giáo dục có mặt ở Việt Nam năm 1978 với sự ra đời trường Thực nghiệm tại Giảng Võ, Hà Nội. Đến năm 1985, trường Thực nghiệm được phép mở rộng ra các tỉnh “có yêu cầu”. Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ Giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục. Đến năm 2001, Công nghệ Giáo dục đã mở ra 43 tỉnh và thành phố. Nhưng sau đó dừng lại vì nghị quyết “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Việc đánh giá hiệu quả của Công nghệ Giáo dục và so sánh nó với phương pháp giáo dục chính thống vừa giúp xem xét khách quan một công trình khoa học với thiện ý chuyển hướng cách dạy học, vừa giúp nâng tầm sử dụng các phương pháp hiện đại trong nghiên cứu các vấn đề xã hội chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Vậy nói một cách đơn giản, Công nghệ Giáo dục là gì? Đó là tổ chức công cuộc giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, ở đó: 1. Giáo viên thiết kế, học sinh thi công, thầy tổ chức trò hoạt động thay cho giáo viên giảng giải học sinh nhắc lại. Nguyên lý vận hành được tóm gọn trong công thức A → a. Thành phần A gồm ba dạng khoa học, nghệ thuật và niềm tin. Mũi tên là quy trình tổ chức để học sinh có thể tự chiếm lĩnh A và có được cái A riêng trong tinh thần của từng em. 2. Phương pháp giáo dục không phải là cách giảng dạy mà là phương pháp để trẻ em chiếm lĩnh thực tại, chiếm lĩnh đối tượng khoa học, đi lại con đường nhà bác học đã đi, đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi, không buộc trẻ tiếp nhận chân lý có sẵn. Điểm cốt yếu của phương pháp tiếp cận vấn đề là tìm ra nguyên lý, chứ không nên hiểu theo nghĩa đen là tìm về cách mà các nhà khoa học ngày xưa đã thật sự đi qua để khám phá ra lời giải. 3. Nguyên lý của phát triển bài học là đi từ trừu tượng đến cụ thể, nâng nấc thang trừu tượng kế tiếp nhau để đi đến trình độ cụ thể ngày càng cao hơn. Từ phát triển hiện thực vật chất đến phát triển tư duy trong tâm lý và khái niệm. Rồi từ phát triển trong hợp tác với thầy giáo đến phát triển độc lập, từ trong giáo dục nhà trường đến ngoài khuôn khổ nhà trường. 4. Quá trình hình thành bài học là hành động phân tích tìm ra logic của khái niệm, hành động diễn đạt logic và phát hiện dưới các mô hình khác nhau và cuối cùng là hành động “chuyển vào trong”, tức là hiểu và có thể hành động. 5. Thiết kế là xác định mục đích (thí dụ đọc được chữ, làm được toán cộng với con số từ 1 tới 10), thao tác cần làm và phương tiện cần thiết để học sinh tự hành động chiếm lĩnh tri thức, và đánh giá kết quả học tập. 6. Giáo án là kế hoạch tổ chức cho học sinh làm, là bản thiết kế làm việc, rành rọt cái gì làm trước cái gì làm sau, thầy làm gì, trò làm gì, tức là phù hợp với từng học sinh. Giáo án không phải là cái thầy đọc cho học sinh chép. Sách giáo khoa chỉ là biên bản quá trình làm và kết quả làm việc giữa thầy và trò. Triết lý Công nghệ Giáo dục nếu hiểu một cách đại thể là một triết lý giáo dục dựa vào các kết quả của nghiên cứu tâm lý giáo dục trên thế giới. Công nghệ Giáo dục Việt Nam muốn thay thế nền giáo dục nhồi nhét, thầy đọc trò chép, về nhà thì học thêm và gò lưng luyện giải bài mẫu. Phương pháp này gần với phương pháp mà các trường tiểu học và trung học do Tổ chức Liên Hợp Quốc hiện đang quản lý gián tiếp (tiếp nhận ảnh hưởng của Piaget). Mặc dù đã mở từ lớp 1 cho tới lớp 12, song Công nghệ Giáo dục chỉ có thể nói chắc là nó đã làm chủ được bậc tiểu học. Nói thật chắc nữa, thì nó làm chủ được môn Tiếng Việt, môn Toán và môn Văn tiểu học. Nhưng học xong tiểu học Công nghệ Giáo dục, lên cấp trên, ít nhất các em cũng ngang trình độ chung. Điều quan trọng là học hết lớp 5 Công nghệ Giáo dục, trẻ em thích học, và trình độ thì khác hẳn! Hết lớp 1 các em đã đọc nhanh và viết không sai chính tả, hết lớp 3 không nói và viết sai câu, hết lớp 5 thì viết được một văn bản tử tế. Về văn, các em có cảm thụ văn mà học sinh các lớp đại trà không so sánh được. Về Toán cũng thế, hết lớp 1, các em tự làm lấy bảng cộng; chỉ sau 7 tuần đầu lớp 2, các em đã thành thạo các hệ đếm, và có thể cộng trừ tới hàng tỷ. Công nghệ Giáo dục đi thẳng vào “hiện đại hóa”, nhưng cái hiện đại hóa ấy không có nghĩa là chạy đua theo “kỹ thuật mới”, không có nghĩa là chạy đua theo những công cụ dạy học mới (như các trường tư thục hiện thời đang quảng cáo để chiêu sinh con nhà giàu, nhưng chưa giàu tới mức đủ sức cho con đi “du học” ngay từ bậc tiểu học). Không có một tư tưởng mới, thì nhập nhiều máy tính cũng chỉ thêm được các cửa hàng chơi game và chat thôi, chứ làm gì có công nghệ thông tin! Tôi cho rằng, muốn cải cách nền Giáo dục Việt Nam đến nơi đến chốn, thì trước hết phải “gỡ” cái nguyên lý hiện hành – bây giờ ta thích gọi bằng cái “triết lý” – để thay bằng cái mới hoàn toàn. Nguyên lý cũ là “Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ” cần được “gỡ đi” và thay bằng “Thầy tổ chức – Trò thi công”. “Thánh sống” cũng không làm lại được nền giáo dục mới trong một vài năm. Giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa đề nghị “thực nghiệm” đi trước một bước và cứ đưa dần vào đời sống, bắt đầu bằng thực nghiệm tiếp ở địa phương rồi đưa dần vào đại trà là một giải pháp chắc chắn và nhiều trách nhiệm xã hội. “Giỡ ra làm lại từ đầu” còn có ý nghĩa ở tư tưởng triệt để trong mọi việc, không làm theo lối nửa dân chủ nửa phong kiến, hiện đại hóa “kết hợp với” bản sắc dân tộc mà chẳng ai hiểu “bản sắc” là gì. Trong tình hình hiện nay của nền giáo dục, theo tôi sẽ là một giải pháp tốt nếu các nhà hoạch định chính sách giáo dục lựa chọn triết lý “công nghệ giáo dục” cho sự cải cách giáo dục hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh (TT&VH/Vietnam+) . “gỡ” cái nguyên lý hiện hành – bây giờ ta thích gọi bằng cái triết lý – để thay bằng cái mới hoàn toàn. Nguyên lý cũ là “Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ” cần được “gỡ đi” và thay bằng “Thầy tổ. và kết quả làm việc giữa thầy và trò. Triết lý Công nghệ Giáo dục nếu hiểu một cách đại thể là một triết lý giáo dục dựa vào các kết quả của nghiên cứu tâm lý giáo dục trên thế giới. Công nghệ. Hủy bỏ triết lý đọc-chép” bằng công nghệ giáo dục? Điều quan trọng là phải để các em thích học Trước hết,