I. Đại cương về Nhà nước 1. Nguồn gốc và bản chất Nhà nước 1.1. Tổ chức xã hội và quyền lực trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ Từ thời kỳ cổ đại và trung đại đã có nhiều tư tưởng tiếp cận và đưa ra những lý giải khác nhau về nguồn gốc nhà nước. Các nhà tư tưởng theo thuyết thần học cho rằng: Thượng đế là người sắp đặt trật tự xã hội, nhà nước là do thượng đế sáng tạo ra để bảo vệ trật tự chung. Do vậy nhà nước là lực lượng siêu nhân, quyền lực nhà nước là vĩnh cửu và sự phục tùng quyền lực là cần thiết và tất yếu. Trong khi đó, những nhà tư tưởng theo thuyết gia trưởng lại cho rằng nhà nước là kết quả phát triển của gia đình, là hình thức tổ chức tự nhiên của cuộc sống con người. Đến khoảng thế kỷ 16 đến 18 đã xuất hiện hàng loạt quan niệm mới về nguồn gốc nhà nước. Nhằm chống lại sự chuyên quyền, độc đoán của Nhà nước phong kiến, đòi hỏi sự bình đẳng cho giai cấp tư sản trong việc tham gia nắm giữ quyền lực nhà nước, đa số các học giả tư sản đều tán thành quan điểm cho rằng sự ra đời của nhà nước là sản phẩm của một khế ước (hợp đồng) được ký kết giữa những con người sống trong trạng thái tự nhiên không có nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phản ánh lợi ích của các thành viên trong xã hội và mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu nhà nước phục vụ họ, bảo vệ lợi ích của họ. Vì thế, thuyết khế ước xã hội đã có vai trò quan trọng là tiền đề cho thuyết dân chủ cách mạng và cơ sở tư tưởng cho cách mạng tư sản để lật đổ ách thống trị phong kiến. Tuy nhiên học thuyết này giải thích nguồn gốc nhà nước trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy tâm, coi nhà nước lập ra do ý muốn, nguyện vọng chủ quan của các bên tham gia khế ước, không giải thích được cội nguồn vật chất và bản chất giai cấp của nhà nước. Một số học thuyết khác tuy mức độ phổ biến có hạn chế hơn so với thuyết khế ước xã hội, nhưng đã xuất hiện và nhiều tập đoàn thống trị đã sử dụng làm cơ sở lý luận để giải thích nguồn gốc và bản chất của nhà nước như: Thuyết bạo lực cho rằng, nhà nước xuất hiện trực tiếp từ việc sử dụng bạo lực của thị tộc này đối với thị tộc khác mà kết quả là thị tộc chiến thắng “nghĩ ra” một hệ thống cơ quan đặc biệt (nhà nước) để nô dịch kẻ chiến bại. Các học giả của thuyết tâm lý lại cho rằng, nhà nước xuất hiện do nhu cầu tâm lý của con người nguyên thuỷ luôn muốn phụ thuộc vào các thủ lĩnh, giáo sĩ…Vì vậy, nhà nước là tổ chức của những siêu nhân có sứ mạng lãnh đạo xã hội. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, những học thuyết và quan điểm trên chưa giải thích được đúng nguồn gốc của nhà nước. Với quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử Chủ nghĩa MácLênin đã chứng minh một cách khoa học rằng, nhà nước không phải là những hiện tượng xã hội vĩnh cửu và bất biến. Nhà nước chỉ xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Chúng luôn vận động, phát triển và sẽ tiêu vong khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại và phát triển của chúng không còn nữa. Chế độ cộng sản nguyên thuỷ là hình thái kinh tế xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Đó là một xã hội không có giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật. Cơ sở kinh tế của xã hội cộng sản nguyên thuỷ là chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thấp kém, công cụ lao động thô sơ, con người chưa có nhận thức đúng đắn về thiên nhiên và về bản thân mình, họ luôn bất lực trước những tai họa của thiên nhiên, năng suất lao động thấp. Trong điều kiện đó, con người không thể sống riêng biệt mà phải dựa vào nhau, cùng chung sống, cùng lao động và hưởng thụ những thành quả lao động chung. Mọi người đều bình đẳng trong lao động và hưởng thụ, không ai có tài sản riêng, không có người giàu, kẻ nghèo, không có tình trạng người này chiếm đoạt tài sản của người kia. Lúc này xã hội chưa phân thành giai cấp và không có đấu tranh giai cấp. Do những điều kiện kinh tế đó đã quyết định đời sống xã hội của chế độ cộng sản nguyên thủy. Tế bào cơ sở của xã hội không phải gia đình mà là thị tộc. Sự xuất hiện của tổ chức thị tộc đã đặt nền móng cho việc hình thành hình thái kinh tế xã hội đầu tiên trong lịch sử hình thái kinh tế xã hội: cộng sản nguyên thuỷ. Cơ sở kinh tế của xã hội cộng sản nguyên thuỷ tạo ra hình thức tổ chức xã hội là thị tộc (tổ chức cơ cấu đầu tiên của loài người). Thị tộc là một tổ chức lao động, sản xuất, một bộ máy kinh tế xã hội. Sự phát triển của xã hội cộng với các yếu tố tác động khác đòi hỏi thị tộc phải mở rộng quan hệ với các thị tộc khác, dẫn đến sự xuất hiện các bào tộc và bộ lạc bao gồm nhiều bào tộc hợp thành. Để tổ chức và quản lý thị tộc, xã hội đã hình thành hình thức Hội đồng thị tộc bao gồm tất cả những người lớn tuổi trong thị tộc với quyền hạn rất lớn. Tổ chức quản lý bào tộc là hội đồng bào tộc bao gồm các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự của các thị tộc. Hội đồng bộ lạc là hình thức tổ chức quản lý của bộ lạc với nguyên tắc tổ chức quyền lực của thị tộc nhưng có sự tập trung cao hơn. Như vậy, trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ đã xuất hiện và tồn tại quyền lực nhưng đó là quyền lực xã hội xuất phát từ xã hội và phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội. Bởi những người đứng đầu thị tộc, bào tộc, bộ lạc hoàn toàn không có đặc quyền, đặc lợi nào, mà họ cùng chung sống, cùng lao động và hưởng thụ như mọi thành viên khác.