Giao dịch điện tử với những tiện ích đem lại ngày càng khẳng định vai trò của mình đang dần thay thế cho các giao dịch truyền thống. Tuy nhiên, xét về bản chất thì giao dịch điện tử có đặc thù đó là luôn phải dựa trên các phương tiện trung gianphương tiện điện tử để tiến hành một hoặc nhiều các công đoạn trong giao dịch. Với sự xuất hiện của khâu trung gian đó thì không ít những đối tượng nhòm ngó đến việc lợi dụng điều này để thực hiện hành vi tội phạm hoặc bản thân một trong các bên khi xác lập giao dịch đã có mục đích lừa gạt hoặc các hành vi khác như chiếm đoạt tài sản, đánh cắp tài liệu mật, thay đổi nội dung trang web... Trước những hành vi đó, các bên khi tham gia vào giao dịch điện tử có thể gặp nhiều những rủi ro pháp lý do đặc thù của loại hình này đó là không có sự đối mặt trực tiếp giữa các bên. Với tình hình đó, pháp luật Việt Nam đã soạn thảo Luật giao dịch điện tử phù hợp với thông lệ quốc tế đó là thừa nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử tương đương với chứng cứ viết nhằm hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ giao dịch điện tử. Bài viết tập trung phân tích tính pháp lý của các chứng cứ điện tử và các nguyên tắc cơ bản đối với chứng cứ điện tử. Trên cơ sở những chứng cứ đó, tác giả hướng đến việc áp dụng và phân tích tình hình thực tế trong bối cảnh nền kinh tế chính trị Việt Nam.