1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

tạp chí khoa học: VŨ BẰNG VÀ VIỆC XÂY DỰNG CHÂN DUNG CÁC NHÀ VĂN CÙNG THỜI

7 512 5

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 229,01 KB

Nội dung

VŨ BẰNG VÀ VIỆC XÂY DỰNG CHÂN DUNG CÁC NHÀ VĂN CÙNG THỜI HÀ MINH CHÂU ( * ) TÓM TẮT Vũ Bằng có một mảng sáng tác về đời sống và đời viết của những nhà văn cùng thời với ông. Đó là chân dung những nhà văn được dựng nên bằng những hồi ức, bằng những tình cảm nhớ thương, quý trọng và cả biết ơn. Qua chân dung những nhà văn cùng thời được mô tả rất thật và sinh động, Vũ Bằng cho người đọc hiểu hơn về cuộc sống, tâm hồn, phong cách và tài năng của họ. Đồng thời, người đọc cũng thấy được diện mạo của văn học Việt Nam những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ hai mươi. ABSTRACT Through the real lively description, readers will know more about the writers’life, their thoughts, style, and talents as well as the aspect of Vietnamese Literature in the 30s, 40s of the 20 th century. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cuộc đời, tư tưởng của bất cứ một nhà văn lớn nào cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến tác phẩm văn học – con đẻ tinh thần của họ. Nắm bắt được đầy đủ, cụ thể, chi tiết về những ước mơ, hoài bão, những thăng trầm trong cuộc đời và cả những tính cách, thói quen của các nhà văn, người đọc sẽ có thêm điều kiện hiểu sâu sắc tác phẩm của nhà văn. 2. NỘI DUNG Nhiều nhà văn Việt Nam, sau quá trình sống và sáng tác, đã viết tự truyện, hồi kí kể lại cuộc đời viết văn của mình, trong đó có những câu chuyện liên quan đến đồng nghiệp, đến diện mạo văn học. Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan, Bước đường viết văn của Nguyên Hồng, Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài, Hồi ký song đôi của Huy Cận… là những hồi kí mà qua đó, người đọc biết và hiểu rõ hơn về chuyện đời, chuyện văn của những văn nghệ sĩ. Vũ Bằng không viết về chính cuộc đời viết văn của ông nhưng trong hồi kí về cuộc đời làm báo (Bốn mươi năm nói láo), về chuyện cai thuốc phiện (Cai), ông luôn đề cập đến bạn văn và những câu chuyện về làng văn Việt Nam hồi tiền chiến. Ngoài Nhà văn lắm chuyện tập hợp những câu chuyện vui về các nhà văn, Vũ Bằng còn viết nhiều bài dựng chân dung các đồng nghiệp đăng trên Tạp chí Văn học (Sài Gòn) từ những năm sáu mươi. Nổi rõ trong những câu chuyện làng văn của Vũ Bằng là những vấn đề về cuộc sống và sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, có chuyện lành chuyện dữ, có chuyện vui chuyện buồn, có những lúc thuận buồm xuôi gió, có lắm khi lên thác xuống ghềnh. Có khi Vũ Bằng kể chuyện về một khoảnh khắc, có khi là chuyện về một quãng đời hoặc đôi khi là cả một đời văn. Từng phụ trách việc đọc, sửa, chọn bài và trông nom phần kĩ thuật của Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Phổ thông Bán nguyệt san, Vũ Bằng được giao thiệp với đủ mặt anh em văn nghệ sĩ, được kết giao với nhiều bạn mới. Ông xem đó là được cái may. Vũ Bằng ý thức rằng: “Trừ vấn ( * ) NCS, Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn đề nhuận bút hay vay mượn, anh em viết văn lúc đó hầu hết đều tiếp xúc với tôi, cho nên ngoài cái lợi được học hỏi thêm về văn hoá, văn chương ngoại quốc, ngoài cái lợi rút kinh nghiệm và trau dồi nghề nghiệp, tôi lại còn được biết rõ hơn về tài đức, tư tưởng, sở trường, sở đoản của từng anh em văn nghệ” (2, 365). Nhà văn Tam Ích từng viết thư tâm sự cùng Vũ Bằng:“Đời nhà văn và chuyện nhà văn thiếu gì chuyện thực như voi, không lấy nón úp được mà cứ như là vọng ngôn” (3, 633). Vũ Bằng viết chân dung đồng nghiệp cùng thời, dựng lại bóng dáng người xưa trong niềm bâng khuâng nghĩ đến những bạn văn cùng cộng tác với nhau, trong sự am tường, thấu hiểu, trong quan niệm văn sĩ là người và trong ý thức lời nói đọi máu. Vì lẽ đó, ông đã viết trong sự thành thật với những nhớ thương, quý tiếc, trân trọng, biết ơn và cả hối hận. Chân dung nhà văn của Vũ Bằng là chân dung hồi kí. Bởi lẽ tất cả được vẽ lại bằng trí nhớ, bằng hồi ức, bằng tâm tưởng. Vũ Bằng có nhiều bạn văn nhưng những người được ông dựng chân dung là những người ông quý trọng cả về tài năng lẫn nhân cách. Đó là các nhà văn, nhà thơ: Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Quang Dũng, Tam Ích, Vũ Đình Long, Tô Hoài, Hữu Loan, Văn Cao, Thạch Lam, Khái Hưng, Nguyễn Nhược Pháp, Đái Đức Tuấn, Hồ Dzếnh,v.v. Vũ Bằng không dựng chân dung theo một khuôn mẫu nào. Bởi lẽ, mỗi nhà văn để lại trong ông những ấn tượng khác nhau - có thể đó là hoàn cảnh sống, là tính cách, tài năng, là những điều bình thường lẫn khác thường. Tất cả được dựng lại trong trí nhớ của Vũ Bằng và khi thể hiện, Vũ Bằng tránh sự kể lể khô khan hoặc theo kiểu liệt kê năm tháng, sự kiện, mà bày tỏ tình cảm và phân tích, nhận định, đánh giá. Chính từ ý thức đó, ông đã dựng nên những chân dung có dáng dấp, có máu thịt, có sức, có hồn qua đời sống và đời viết của họ. Từ những chân dung riêng lẻ, ta thấy những điểm tương đồng và cả những khác biệt của các nhà văn. 2.1. Đời sống Làng văn Việt Nam thời trung đại đã từng tồn tại một Cao Bá Quát nghèo khó, dạy học trò kiếm tiền độ nhật, một Tú Xương gạo cứ lệ ăn đong một bữa. Đến thời tiền chiến, đời sống vật chất của các nhà văn cũng không khác gì. “Ở Việt Nam hồi tiền chiến, số nhà văn nghèo nhiều hơn số nhà văn giàu. Nói thật đúng ra, ở Việt Nam ít có nhà văn giàu” (9, 550). Vũ Bằng không nằm trong số những nhà văn nghèo. Tuy nhiên, cùng sống, cùng làm việc, ông am hiểu tường tận và đồng cảm, sẻ chia sâu sắc với cái nghèo, cái khổ của bạn văn. Đó là một Vũ Trọng Phụng với cuộc đời khổ ải, đắng cay, viết tối tăm mặt mũi, viết đến nỗi lao tâm lao tứ nhưng khi chết, ông vẫn phải chết trong nghèo nàn túng thiếu. Đó là một Nam Cao nghèo nhất trong các nhà văn, phải nuôi bà, mẹ, vợ và một đàn con. Đó còn là một Trần Huyền Trân sống heo hút trong một cái chòi đánh cá trên sông, thường thường mỗi tháng nhịn ăn ít nhất cũng năm sáu ngày. Đó cũng là một Thâm Tâm cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cả gia đình người nào người nấy trông buồn và xanh như thiếu máu. Và đó còn là một Nguyễn Bính gần hết kiếp người đi ở nhờ nhà của bạn,v.v. Quả là ngòi bút khó nuôi được nhà văn và người thân. Nói tuốt tuồn tuột hoàn cảnh sống của các nhà văn cũng là cái cách Vũ Bằng khẳng định phẩm cách và tài năng của họ: nghèo nhưng không phàn nàn than thở, nghèo nhưng vẫn giữ được tiết tháo, không vì nghèo mà sợ kẻ giàu, không vì nghèo mà phải gục đầu với kẻ mạnh, không vì nghèo mà sợ khó khăn vất vả (2, 373), khổ thế nào cũng thuỷ chung như nhất với anh em. Hơn nữa, chính trong hoàn cảnh nghèo túng đó, tác phẩm - những đứa con máu thịt của họ - đã nên vóc nên hình. Quan niệm nhà văn cũng là người, Vũ Bằng rất tự nhiên kể lại những thú chơi gọi là dật lạc của họ, trong đó có ông. Thời đó, các nhà văn cảm nhận về lẽ sống là sống thật, sống đủ đầy, sống cho bõ sống nên họ sống nhiều, sống gấp với rượu chè, hút xách, hát cô đầu và cả cờ bạc. Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Thâm Tâm, Đái Đức Tuấn, Tam Ích, Nguyễn Bính… là những nhà văn như thế. Họ vui thú với những cuộc chơi, để tận hưởng thú vui trần thế, để thoát li hiện tại, phiêu diêu trong trạng thái bay bổng, và cũng để tìm nguồn cảm hứng cho những trang văn, trang thơ. Chính tại những nơi ăn chơi đó, trong những lúc rượu say phiện đã, ý tưởng đã nảy sinh - người thì vừa hút vừa nghĩ, người thì vừa uống vừa bàn (1, 62)… Miêu tả những thú chơi của bạn văn, Vũ Bằng không xem đó là những thú tật, những điều đáng chê trách. Bởi lẽ, nói như Văn Giá, Vũ Bằng cũng là người ham chơi thuộc diện có tiếng và xem những niềm sinh thú là một lẽ tự nhiên trong cuộc sống con người. Cho nên, Vũ Bằng không thuyết minh cho những chân dung bằng cách tô hồng cái tốt, che lấp cái không hay. Ông trung thực với những điều vốn dĩ đã từng tồn tại trong cuộc sống đời thường của đồng nghiệp. Có kể ra thế mới thấy Nam Cao và Vũ Trọng Phụng là hai trường hợp đặc biệt, không vướng vào những dật lạc, không nằm dài chốn nhà hút, xóm cô đầu, chỉ chú tâm viết, lại viết thật hay. Đọc Lục xì, Làm đĩ, Lấy nhau vì tình, Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng, người đọc có khi nghĩ nhà văn là một tay chơi có hạng. Thôi, đi về, Từ ngày mẹ chết, Mua nhà, Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó… của Nam Cao là những truyện sinh động về những con bạc và những cơn say. Điều này gián tiếp lí giải về tài năng của nhà văn, cụ thể là khả năng quan sát và thể hiện. Viết về đời sống của các nhà văn, Vũ Bằng chú ý đến đời sống tinh thần, tình cảm của họ. Ông nói về thời kì các nhà văn thích nói tiếng Pháp, bắt đầu tìm hiểu tinh hoa Âu Tây, thích đọc những tác phẩm văn chương phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Nam Cao thích đọc Alphonse Daudet, Vũ Bằng và Nguyễn Tuân thích Dostoievsky, Lưu Trọng Lư mê André Gide… Trong Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ cũng đề cập đến việc nhà văn Lan Khai, Lưu Trọng Lưu, Vũ Bằng,v.v. thường nằm trong các tiệm thuốc phiện với những quyển sách Pháp, tiểu thuyết hoặc thơ. Theo Vũ Bằng, đó cũng là thời điểm cảm xúc, tâm hồn của người Việt Nam – nhất là thanh niên - chuyển mình mà chính người trong cuộc nhiều khi không biết (5, 284). Rõ rệt nhất là sự chuyển mình trong quan niệm về sự yêu thương và hạnh phúc, về đời sống tinh thần của mỗi người. Riêng với nhà văn, đó là sự tiếp thu, chịu ảnh hưởng từ phương Tây về quan niệm, phong cách, thể loại trong sáng tác. Quan niệm văn thi sĩ vốn là người lính tiên phong trên con đường tư tưởng và xúc cảm, Vũ Bằng đề cập đến những mối quan hệ riêng tư, những cuộc tình đau khổ của bạn văn. Điều đó cũng giải thích nguyên cớ của cái buồn, cái đau, cái sầu, cái thảm trong những sáng tác đã từng gây âm vang và vẫn mãi neo đậu trong lòng người thưởng thức. Chính những mối tình lãng mạn gieo vào lòng văn thi sĩ nỗi buồn mênh mang đã tạo nên cảm xúc, ý tưởng. Văn học Pháp đã từng có Lamartine với truyện Graziella, bài thơ Premier regret, Arvers với bài Sonet Malherbe, Stance à Du Perrier, Apollinaire với Le pont Mirabeau. Đó là những sáng tác ra đời bắt nguồn từ những cuộc tình tan vỡ. Vũ Bằng nhắc đến trường hợp Nguyễn Bính yêu vụng nhớ thầm, yêu mà không được chia sẻ tình yêu đã làm nên Lỡ bước sang ngang. Tản Đà nếm trải cái mùi vị thiết tha, say sưa, cay đắng của ái tình mà làm nên những bài thơ thương mây khóc gió. Hoàng Ngọc Phách bị một hình ảnh người đẹp ám ảnh, lấy người ấy làm nhân vật sống để viết nên câu chuyện hận tình, sầu thảm “Tố Tâm”. Sau những mối quan hệ riêng tư, Vũ Bằng quan tâm đến tinh thần, ý thức về đất nước, xã hội của các nhà văn. Điều đáng trân trọng là Vũ Bằng viết chân dung các nhà văn, nhà thơ trong khi đang ở đô thị Sài Gòn trước 1975 nhưng có thể nói, ông không viết theo thiên kiến chính trị, cũng không hề tỏ thái độ sợ sệt, mà xem việc các bạn văn yêu nước, hoà vào cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước của dân tộc là lẽ đương nhiên. Về thái độ này, ta cũng bắt gặp ở Tạ Tỵ, Nguyễn Vỹ. Vũ Bằng đã phác lại bầu không khí xã hội những năm bốn mươi: “Về phương diện chính trị, Pháp đô hộ ta, đất nước, với một bề ngoài thanh bình giả tạo, nuôi một mối oan hờn, chỉ rình cơ hội để phát tiết ra” (5, 226). Trước thực tế đó, một anh học trò sơ học lúc ấy cũng cảm thấy cái nhục “mất nước” và muốn làm một cái gì (5, 226). Hành động bỏ thành theo kháng chiến của các nhà văn Bùi Hiển, Lý Văn Sâm, Nguyễn Tất Thứ, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nam Cao, Nguyễn Bính, với Vũ Bằng, là hành động của những người biết suy nghĩ . Kể chuyện văn thi sĩ bị tù đày, bị tra tấn (trong đó có Tam Ích, Nguyễn Bính), chuyện Nam Cao hi sinh trên chiến trường, Vũ Bằng tỏ thái độ cảm phục họ - những tấm gương yêu nước sáng ngời. Cần nói thêm, đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm đối với nhà văn bên này chiến tuyến lại nói về chuyện một thời bên kia chiến tuyến. Khi ung dung kể lại những điều này, Vũ Bằng đã khẳng định bản lĩnh, cách nhìn và cái tâm của ông về con người, cuộc sống. Nó cũng cho ta hiểu hơn những phẩm chất tốt đẹp của những nhà văn - vốn là những con người bình thường. Theo chân Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, họ tiếp tục làm phong phú thêm đội ngũ những nhà văn, nhà thơ yêu nước. Trong mối quan hệ gắn bó lâu dài cùng sống, cùng sáng tác, Vũ Bằng có cái nhìn khá tinh tế về tính cách của từng người - không ai giống ai, không có một mẫu chung. Ở mỗi người, Vũ Bằng đều nhận ra những cá tính riêng. Ngô Tất Tố ngăn nắp, quy củ, nho nhã. Lưu Trọng Lư lúc nào cũng lơ mơ như ở trên mặt trăng rớt xuống. Tô Hoài hiền lành, chân thành nhưng ranh mãnh. Thâm Tâm “lì” và “kín”. Đái Đức Tuấn thân tình, khiêm nhường, suốt một đời chỉ sống với bạn, vì bạn, cho bạn. Vũ Trọng Phụng ít nói, khảnh ăn, tiết kiệm từng đồng xu. Thạch Lam lạnh lẽo, ít nói, ít cười, khiêm nhường, nhẹ nhàng, lặng lẽ. Nam Cao hiền lành, tử tế, chân thật và nhũn nhặn, Khái Hưng lanh chân, lẹ miệng. Vũ Bằng hiểu bạn đến thế là cùng. Đề cập đến đời sống, trong đó có hoàn cảnh, đời tư, tính cách, tâm hồn, Vũ Bằng muốn lí giải: những điều này có ảnh hưởng đến đời viết, đến quá trình hình thành tác phẩm của các nhà văn. Mặt khác, khi nói về đời sống của mỗi nhà văn, bao giờ Vũ Bằng cũng đặt nhân vật của mình trong mối quan hệ với các nhân vật nhà văn khác. Do vậy, ta không chỉ biết, chỉ hiểu về nhân vật chính mà qua đó còn thấy được hoàn cảnh, không khí chung của thời kì hoạt động văn học đó. Nói cách khác, trong đời sống văn học có dấu ấn của đời sống các nhà văn, nhà thơ. “Hai chữ Làng Văn rất là thông dụng thời bấy giờ, “làng” chính là ngụ ý đại gia đình, ý nghĩa anh em thân thuộc” (9, 536). 2.2. Đời viết Thấu hiểu hoàn cảnh, sở thích, tính cách của những bạn văn thời tiền chiến, Vũ Bằng nhận ra khả năng, ý thức, cá tính của họ trong sáng tạo văn chương. Như đã nói, Vũ Bằng dựng chân dung không theo một khuôn mẫu có sẵn mà từ chính sự phong phú trong đời sống, đời viết của bản thân các nhà văn và từ cách nhìn, cách nghĩ của Vũ Bằng về những nhà văn ấy. Không nói đến nguyên cớ đưa các bạn văn đến với con đường viết lách, rồi gắn chặt đời mình với nghiệp văn chương nhưng Vũ Bằng cho thấy khi đã vào nghề thì mỗi người đều có phong cách riêng với những đóng góp riêng. Từng nhắc đến cái nghèo của các nhà văn trong đời sống vật chất, Vũ Bằng cũng rất thành thật nói về ảnh hưởng của sự nghèo túng đến thái độ viết, lối viết của họ. Tuy nhiên, ông cho thấy họ sống kiếp nhà văn ngoài lí do hoàn cảnh khó khăn thì quan trọng nhất vẫn là xuất phát từ sự yêu thích, say mê, từ niềm khao khát khôn nguôi đối với nghề và có cả cái duyên kiếp sẵn có của mỗi nhà văn với việc cầm bút. Vũ Trọng Phụng đến với nghề văn còn vì thích viết văn, thích nghề báo. Thâm Tâm viết còn là vì để trong lòng không nổi thì viết ra, hay Nguyễn Tuân viết là để cho thoả cái lòng mình và chỉ viết khi nào thích chí thôi. Theo Vũ Bằng, điều quan trọng đòi hỏi nhà văn phải có là khả năng, là năng khiếu, là cái tài. Xuất phát từ sự cảm thụ các tác phẩm, từ việc quan sát cách sáng tác, sức sáng tác của nhà văn và từ sự yêu thích của công chúng, Vũ Bằng đánh giá cái tài của bạn văn. Những truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng đã là những truyện “bực thầy”. Cái tài của Vũ Trọng Phụng là chỉ nghe kể đã hình dung, liên tưởng. Nam Cao viết truyện đầu tiên đã thành công ngay, rồi càng viết càng hay. Đái Đức Tuấn là một nghệ sĩ tuyệt vời, tài hoa đến chân lông kẽ tóc. Ngô Tất Tố là người mà Vũ Bằng không chỉ kính phục về đức độ, mà còn cả về văn tài, học lực.Tô Hoài thuộc loại văn nghệ sĩ viết dễ dàng. Tản Đà say rượu làm thơ hay, là tay sành làm văn. Thâm Tâm lúc say làm thơ rất nhanh, khi viết truyện thì viết một mạch từ đầu chí cuối không xoá, sửa một chữ nào. Thanh Châu thấy bất cứ một sự việc gì cũng rung cảm mà lại viết nhanh, viết khoẻ. Dưới mắt Vũ Bằng, từ niềm say mê, từ sự tài hoa, họ đã cống hiến cả cuộc đời cho nghề viết, suốt cả một đời vẫn cứ âm thầm sống để mà viết (Vũ Trọng Phụng), viết chết thôi (Thâm Tâm) với ý thức trách nhiệm và tinh thần luôn học hỏi, trau dồi. Vũ Trọng Phụng là người theo sát tình hình quốc tế và là người tìm hiểu nhiều nhất những danh từ khó hiểu trong báo “Canard enchainé”. Thanh Châu phàm đã viết thì phải thích, chớ không thể viết miễn cưỡng. Tạ Tỵ là người trung thành với nghệ thuật. Tản Đà khi viết thì viết bằng những chữ chọn như thần, những vần lựa rất thánh, chữ hay vần khéo. Tô Hoài là một nhà văn chuyên tìm tòi, học hỏi, không lúc nào không chú tâm nhận xét thu thập tài liệu để làm một cái vốn cho công việc trước tác. Cùng ăn, cùng chơi, cùng làm việc, cùng tâm sự nên Vũ Bằng cũng biết được quan niệm sáng tác của các nhà văn. Quan niệm của Nam Cao về tiểu thuyết và đời người gom trong hai từ giản dị: “ Đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết in như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi, lọ là phải bầy đặt ra thêm làm gì” (5, 39). Nguyễn Tuân quan niệm đi giang hồ phải vui vẻ, viết thì phải làm thoả cái lòng mình. Thạch Lam cho rằng trong văn chương cũng như ngoài thực tế, lúc nào cũng thuần nhất trong ý niệm về cái sống. Tô Hoài sống với nhiều người và đã tìm những người cùng một tâm lý, tâm trạng, hoàn cảnh, ngưỡng vọng như nhau đúc lại thành nhân vật điển hình. Nhắc lại những quan niệm ấy cũng là cái cách Vũ Bằng muốn lí giải phần nào về xuất phát điểm hình thành nên phong cách sáng tác của họ. Trong các chân dung, Vũ Bằng cũng chỉ ra những nét riêng thuộc phong cách, nói đến quá trình sáng tác hoặc những tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn, nhà thơ gắn liền với những chặng đường sống của họ. Đồng thời, ông định giá vai trò và vị trí của họ trong nền văn học nước nhà, cụ thể là những đóng góp của họ trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Do đó, có thể thấy, Vũ Bằng viết chân dung văn học trong sự tụ hội cả văn tự sự lẫn văn phân tích bình luận. Cùng dựng chân dung Nguyễn Tuân nhưng Nguyễn Vỹ (Văn thi sĩ tiền chiến) không khẳng định tài năng và đánh giá vị trí của Nguyễn Tuân trong nền văn học dân tộc. Tạ Tỵ (Mười khuôn mặt văn nghệ) đánh giá Nguyễn Tuân là một văn tài lỗi lạc của nền văn học Việt Nam. Riêng Vũ Bằng cho rằng Nguyễn Tuân đã tìm được một lối đi riêng, truyện ngắn nào, tuỳ bút nào hay truyện dài nào của Nguyễn Tuân cũng có đóng một thứ dấu riêng, có cái gì độc đáo, không giống các nhà văn khác. Nguyễn Vỹ đau buồn, thấy mất mát trước cái chết của Vũ Trọng Phụng: Vũ Trọng Phụng chết, chúng tôi thấy một trống rỗng lớn trong làng văn Việt Nam ở những ngày tàn của thời Tiền chiến (9, 74). Vũ Bằng nhìn cả đời văn của Vũ Trọng Phụng để khẳng định Vũ Trọng Phụng đã phụng sự nghệ thuật vị nhân sinh, mất hơn mười năm (1952) vẫn chưa có người thay thế được. Không chỉ dựng diện mạo cho chân dung mà hầu như với chân dung nào, Vũ Bằng cũng phân tích, bình luận. Nhận xét về lối văn không cầu kì nhưng “đánh phát nào trúng phát ấy”, đi sâu vào tâm hồn người của Nam Cao, tác giả cho rằng Nam Cao chết giữa lúc chiến tranh sôi động là một thiệt thòi rất lớn cho phe văn nghệ. Nguyễn Bính là một nhà thơ bình dân nhưng đã gảy đúng khúc đàn lòng của con người. Về phương diện văn chương cũng như về tác phong đạo đức của Thạch Lam thì Thạch Lam quả là một con người độc đáo. Thơ Thâm Tâm làm rung động lòng người, gieo vần chọn chữ rất tài tình, đặc biệt là dùng ít chữ mà nói lên rất nhiều ý nghĩ và hình ảnh. Cho rằng Ngô Tất Tố là một nhà văn sống với dân chúng và phục vụ trung thành dân chúng, Vũ Bằng khẳng định Ngô Tất Tố xứng được một chỗ ngồi trong văn học sử. Theo Vũ Bằng, Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta, giọng thơ Hữu Loan mộc mạc, thật thà tạo nên cái độc đáo, truyện Trần Huyền Trân thì hay mà thơ thì tuyệt, riêng Tản Đà thì đã đánh một dấu son cho thi văn học sử hiện đại, đã để lại những lời thơ trác tuyệt. Dựng chân dung các bạn văn qua đời sống, đời viết của họ cũng có nghĩa là Vũ Bằng đã lí giải về cách tồn tại của nhà văn trong nền văn học cũng như trong lòng công chúng. Cách dựng chân dung của Vũ Bằng đa dạng, phong phú, sinh động trong sự thấu hiểu, viết bằng sự trung thực tận cùng. Có chân dung, Vũ Bằng trích lại những nhận định của các bạn văn khác - dựng chân dung thông qua cách nhìn của những người khác - như trường hợp với chân dung Tản Đà, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Hữu Loan. Có chân dung, Vũ Bằng viết bằng hình thức phỏng vấn như trường hợp Vũ Hoàng Chương. Điều này cũng cho thấy tác giả vừa thay đổi hình thức viết vừa tạo sự khách quan, nhất là đối với những bạn văn mà ông chưa hiểu thật tường tận. Chân dung hồi kí của Vũ Bằng được vẽ lại bằng sự am hiểu tường tận những sự việc, những cuộc đời, những tính cách xuất phát từ các mối quan hệ gắn bó lâu dài. Cái tôi cảm xúc của tác giả tràn đầy, hoà quyện trong khi viết về bạn văn, đúng như mong muốn của chính nhà văn Vũ Bằng: thổ lộ một ít tâm sự chất chứa ở trong lòng đã lâu (5, 15). Vì vậy, ta thấy trong đó sự cảm thông, sẻ chia của ông đối với những nỗi buồn, nỗi đau của các bạn văn. Nói cách khác, Vũ Bằng đã in cái nhìn, cách cảm thụ và đánh giá của ông qua chân dung các nhà văn. Góp thêm một cách nhìn, cách phản ánh sinh động và dồi dào cảm xúc về chân dung các nhà văn, nhà thơ hiện đại, đặc biệt là những nhà văn, nhà thơ tiền chiến, Vũ Bằng cũng đã góp thêm vào thể tài viết về văn học một thể tài chân dung văn học. Cùng với các công trình nghiên cứu và phê bình tác giả như Nhà văn, tư tưởng và phong cách (Nguyễn Đăng Mạnh), Văn chương tài năng và phong cách (Hà Minh Đức), Chân dung và tác phẩm (Hoàng Như Mai), Chuyện văn chuyện đời (Nguyễn Văn Hạnh), Chân trời có người bay (Đỗ Lai Thuý),v.v. chân dung văn học của Vũ Bằng giúp người đọc mở rộng vốn hiểu biết về văn học, về lao động của người làm văn học - đời sống phía sau của tác phẩm. Cũng như Tạ Tỵ, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Tuân,Vũ Bằng dựng chân dung như là một cách nhìn lại, nhìn một cách đầy đủ, khái quát sau khi đã có thời gian chiêm nghiệm nên việc dựng chân dung có ý nghĩa khẳng định, ngợi ca. Tuy nhiên, Vũ Bằng còn bày tỏ lòng ân hận, ăn năn, biện hộ cho những suy nghĩ trước đây nên viết như để thú tội, thanh minh cho những điều không phải lẽ. Đó là trường hợp đối với Ngô Tất Tố, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Thạch Lam. Vũ Bằng ân hận vì lúc đầu chỉ thấy Lưu Trọng Lư chậm chạp, lười biếng, trốn chui trốn lủi như con cù, ân hận vì thái độ coi thường Nguyễn Bính lúc đầu mà sau này ông gọi là bệnh ghê tởm, coi thường các bạn hữu chưa tên tuổi, ân hận vì đã đùa dai khiến Ngô Tất Tố nghĩ là hỗn láo, coi thường mà chưa có dịp xin lỗi. Vũ Bằng cũng tự thú là đã giữ lại một số truyện ngắn, kịch ngắn của Thâm Tâm không cho đăng (dù là vì sự sống còn của tờ báo, độc giả không say sưa thưởng thức), đã đánh mất một bản thảo quý nhất của Tô Hoài. Qua những chân dung của đồng nghiệp, ta thấy chân dung của một Vũ Bằng hiện lên theo đó: tình cảm, chân thành, hiểu bạn, biết sẻ chia và đặc biệt là biết nhận lỗi, ăn năn. Thẳng thắn mà nói, có những chân dung văn học mà người đọc khó có thể thật sự hài lòng bởi Vũ Bằng chưa thật dụng công khi thể hiện như trường hợp Quang Dũng, Hữu Loan, Tú Mỡ, Vũ Hoàng Chương. Tuy nhiên, khá nhiều những chân dung còn lại đã giúp ta hiểu rõ thêm những nhà văn lớn của dân tộc. Đặc biệt, chân dung Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Thâm Tâm, Thạch Lam là những chân dung khiến người đọc xúc động và trân trọng. 3. KẾT LUẬN Là nhà văn, đồng thời là nhà báo, Vũ Bằng xuất hiện trên văn đàn từ những năm ba mươi của thế kỉ hai mươi. Từ đấy, ông nhập cuộc vào đời sống văn học của đất nước. Những câu chuyện sinh động về làng văn và chân dung các nhà văn của Vũ Bằng đã góp phần tái hiện diện mạo của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Nó cho thấy mối quan hệ mật thiết của cuộc sống với tác phẩm văn học, cung cấp những thông tin bổ ích cho người đọc trong quá trình nhận diện tác giả và thâm nhập, cảm thụ tác phẩm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Bằng (1972), Xóm Khâm Thiên: Cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba mươi năm về trước (Số 170) . 2. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng (Tập 1), Nxb. Văn học, Hà Nội. 3. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng (Tập 2), Nxb. Văn học, Hà Nội. 4. Vũ Bằng (2000), Tuyển tập Vũ Bằng (Tập3), Nxb. Văn học, Hà Nội. 5. Vũ Bằng (2003), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội. 6. Văn Giá (2000), Vũ Bằng bên trời thương nhớ, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội. 7. Nguyễn Ngọc Thiện (2005), Phong cách và đời văn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 8. Tạ Tỵ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ, Nxb. Kim Lai, Sài Gòn. 9. Nguyễn Vỹ (2007), Văn thi sĩ tiền chiến, Nxb.Văn học, Hà Nội.

Ngày đăng: 18/01/2015, 00:41

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN