BÀI DỰ THI KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH GD&ĐT THỦ ĐÔ (10/1954-10-2014) Họ và tên: Lê Thị Hoa Lớp: 9A1 Trường: THCS Ngô Sĩ Liên Chủ đề: Viết về thầy cô, về nhà trường, các kỷ niệm, ký ức, dấu ấn ngành nghề sâu sắc, các phong trào thi đua, các cuộc vận động và các hoạt động nổi bật của đơn vị, của ngành GD&ĐT Hà Nội 60 năm qua. Bài làm Thời gian trôi đi nhanh quá, cứ âm thầm và lặng lẽ mà thấm thoát đã bốn năm tôi ngồi dưới mái trường này. Thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ làm cho tôi cảm nhận được tất cả những điều tốt đẹp nhất từ mái trường THCS Ngô Sĩ Liên. Mới ngày nào, tôi còn là cô học trò mới bước vào ngôi trường với nỗi lo lắng, bỡ ngỡ thì giờ đây tôi đã là một học sinh lớp 9 và sắp phải xa mái trường thân yêu-ngôi nhà thứ hai của mình. Trong tôi lúc này đây thật nhiều cảm xúc đang đan xen lẫn lộn, vui có, buồn có, lo lắng có,… nhưng đặc biệt nhất vẫn là lo sợ. Tôi sợ vì phải xa thầy cô,xa mái trường, xa những đứa bạn ngày nào cùng tôi đùa nghịch và chọc ghẹo nhau,… và sợ cả khi phải tự mình bước chân vào một cánh cổng trường mới-cánh cổng trường THPT, điều đó khiến có đôi lúc tôi muốn lùi bước. Nhưng nghĩ về tương lai phía trước, nghĩ về kì vọng và sự trông mong của thầy cô, nghĩ về niềm tin tưởng mà bạn bè gửi gắm cho tôi, tôi lại muốn đứng dậy để bước tiếp trên đường đua của mình. Và những lúc này, tôi thầm cảm ơn cuộc sống này đã đưa tôi đến mái trường này để tôi được học tập, được yêu thương, được bao bọc dưới tình thương của những người thầy cô đáng quý, những người bạn mà tôi chẳng thể tìm được ở đâu,… Ngôi tường của tôi tự hào mang tên nhà sử học nổi tiếng của quê hương Chương Mỹ-Ngô Sĩ Liên. Trường được thành lâp từ năm 1984, với 30 năm xây dựng và phát triển để cùng hòa nhập với giáo dục Thủ đô, không phải một thời gian quá dài nhưng cũng đủ để trường tôi xây dựng nên một bề dày thành tích đáng tự hào. Nhớ ngày nào, những ngày đầu của tháng 8, tiết trời ấm áp, khi trên con đường đến trường mới lạ còn cảm thấy có một chút lo sợ, tự ti về bản thân, run sợ trước thách thức mới đang chờ đón tôi phía trước thì khi đặt chân đến ngôi trường này những cảm giác ấy hoàn toàn tan biến. Và cái ấn tượng đầu tiên của tôi về trường đó là một cái gì đó rất gần gũi, thân quen. Ngôi trường hiện lên thật đẹp đẽ, to lớn, khang trang và bừng lên rực rỡ dưới cái nắng vàng thu dịu dàng. Những tán lá cây dang rộng, một làn gió mát rượi thoảng qua đưa tâm hồn vào những điều tuyệt vời nhất. Qua những dãy hành lang lớp học chạy dài, qua những lớp học, tôi bước lên cầu thang dãy nhà A, lên đến tầng 3, tấm biển lớp được đặt ngay ngắn. Bước vào lớp, những đứa bạn ai nấy đều xa lạ, không thân thuộc nhưng làm quen mới thấy thật vui vẻ, thật gần gũi. Và ngày hôm ấy, lần đầu tiên tôi được gặp được cô- cô Trần Thị Minh Hạnh. Ấn tượng đầu tiên của em về cô là một con người rất thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng nhiều lúc đối với học sinh cô rất tâm lí và hài hước. Có thể nói, ngôi trường này đã giúp tôi có thật nhiều điều quý giá mà tôi sẽ chẳng thể tìm thấy ở đâu trong cuộc sống này: những người bạn, những người thầy cô, những tri thức, những bài học làm người, những yêu thương và cả niềm tin trong cuộc sống. Đưa bánh xe thời gian quay trở về bốn năm trước, nghĩ lại tôi thấy mình thật quá trẻ con và thật sự còn làm nhiều điều không phải . Những ngày mới học ở trường, dưới bàn tay uốn nắn của cô, cô đối với tôi quả thật rất nghiêm khắc, điều đó làm tôi cảm thấy vô cùng sợ và tự hỏi rằng tại sao cô phải nghiêm khắc với chúng tôi như vậy? Nhưng sợ thì sợ, chúng tôi, những cô cậu học trò “ Nhất quỷ , nhì ma” vẫn luôn bày trò phá hoại mà không cần biết hậu quả và chính những điều đó khiến cô giáo của chúng tôi thấy đau đầu. Nhưng rồi, thời gian trôi qua đã giúp tôi nhận ra, cô nghiêm khắc là muốn tốt cho chúng tôi, muốn cho chúng tôi trưởng thành, muốn chúng tôi nên người. Cô luôn ở bên cạnh, sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo chúng tôi trong mọi việc. Cô đứng trên bục giảng dạy bằng cả tấm lòng, nhiệt huyết của mình, cô truyền nguồn cảm hứng vào những tiết học văn, cô cho chúng tôi biết nói lời cảm ơn, biết nói lời xin lỗi, cô giúp cho chúng tôi tạo ra một cuốn sổ với thật nhiều trang viết với hình ảnh thú vị. Không phải chỉ trên bục giảng mà ở bất cứ lúc nào gặp cô, cô cũng dạy cho chúng tôi nhưng bài học, không nhât thiết phải là những bài văn, những vần thơ, mà cô dạy cho chúng tôi những bài học về kinh nghiệm sống thật quý báu. Không hiểu vì sao tôi lại thích những bài giảng về đạo đức về kinh nghiệm sống ấy của cô đến vậy. Có lẽ bởi vì tôi thích những câu nói châm biếm sâu sắc nhưng cũng thật hài hước của cô, những câu nói khiến chúng tôi phải suy nghĩ thật lâu mới có thể ngấm, mới có thể hiểu và khi hiểu ra rồi chúng tôi mới nhìn nhau và bật cười vì nó thật ý nghĩa, khiến chúng tôi phải tự nhìn lại bản thân… Tôi thương cô vì cô vất vả, dẫu cô ốm nhưng không bao giờ cô bỏ giờ tự quản trong 15p đầu giờ trên lớp, thương ánh mắt cô thật buồn, những giọt nước mắt lăn dài trên má vì chúng tôi không ngoan Tôi càng thương cô hơn vì cô luôn là một người giáo viên công bằng và luôn đặt mình ở góc độ học trò để nhìn nhận vấn đề, cô luôn tìm cách để thấu hiểu được bọn học trò chúng tôi và nâng đỡ cho những bước chân ngây dại của chúng tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa cô bênh vực cho những điều sai trái của tôi, cô luôn biết những khuyết điểm của mình và cố gắng khắc phục, cũng như góp ý khuyên răn với những khuyết điểm của chúng tôi một cách tinh tế để hoàn hảo hơn trong mắt mọi người, chính điều đó khiến tôi càng khâm phục cô. Có người từng nói với tôi rằng: “Đời học sinh thật dài nhưng cũng thật ngắn khi ta càng trưởng thành, lớn khôn và dần rời ghế nhà trường.” Câu nói ấy khiến tôi suy nghĩ thật nhiều. Bốn năm ngồi dưới mái trường này đối với tôi trôi qua thật nhanh và ngắn ngủi, chỉ kịp ghi dâu trong tôi những kỷ niệm thân thương, đáng nhớ về người cô đáng kính, về những đứa bạn tinh nghịch một thời Có thể, tôi không chủ nghiệm chúng tôi suốt bốn năm ấy, nhưng cô vẫn luôn dạy những kinh nghiệm sống cho chúng tôi, luôn theo dõi những bước đi của chúng tôi. Và vì thế mà những kỉ niệm của tôi về cô cứ sâu sắc dần, cứu in đậm dần trong tâm trí tôi. Nếu được nói với cô một điều tôi sẽ nói rằng: “ Cô ơi! Em thương cô lắm, thương tấm lòng rộng mở của cô, cô nghiêm khắc nhưng rất mực thông cảm với luc học trò nghịch ngợm chúng em, sự sâu sắc và gần gũi của cô nữa và còn vô vàn những điều khác nữa, đó chính là cả một tâm hồn, một trái tim mà cô dành cho chúng em, và dẫu đó chỉ là tình cảm một chiều của cô, cô cho đi chẳng mong nhận lại điều chi cả. Đối với em, em đã lớn hơn sau hai năm học với cô, em có được một tâm hồn mới, một sự tự ti vốn ẩn nấp trong em đã dần biến mất, một trái tim biết cảm thông và lắng nghe, một tinh thần vượt khó cho dù vấp ngã,… Em đã học ở cô là sự nỗ lực không ngừng, cô chính là điểm tựa cho em đứng lên sau vấp ngã, gạt đi nước mắt em lạc bước để bước tiếp ở cuộc đời này, em đã biết nhìn nhận vấn đề và không còn nữa những đánh giá ngây ngô, những lời nói thiếu suy nghĩ.” Và nếu ai đó cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước thời gian quay trở lại để tôi được ở gần cô nhiều hơn , để hiểu cô hơn, để yêu thương cô nhiều hơn, để làm cô cười nhiều hơn, để không làm cô buồn, …để ở bên những đứa bạn thân, để chúng tôi được cười với nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn, thân nhau hơn, trao cho nhau nhiều tình cảm hơn, để sửa những lỗi sai, để không ai phải buồn, phải giận dỗi,… để nói lời cảm ơn, để nói lời xin lỗi mà tôi chưa kịp nói, … Nhưng sự thật thì thời gian sẽ chẳng cho ai cơ hội quay ngược lại, làm lại cả. Vậy nên quãng thời gian còn lại ở mái trường này, tuy ngắn ngủi nhưng tôi sẽ cố gắng để nó trở thành quãng thời gian đẹp nhất trong quãng đường đời của mình. Tôi sẽ cùng bạn bè cố gắng học tập vì niềm kỳ vọng, tin tưởng của thầy cô, sẽ cố gắng để ghi lại những ký ức, kỷ niệm, khoảnh khắc thật đẹp… Để khi xa nhau rồi, sẽ không bao giời quên nơi này, mái trường này và sẽ mãi yêu, mãi quý, mãi trân trọng những hình ảnh đẹp, những ký ức tuổi học trò như một món quà của cuộc sống ban tặng. Và rồi tương lai còn phía trước, những trang kỷ niệm sẽ vẫn đang được chúng tôi viết tiếp, ghi dấu tiếp…