Hiệu Minh Khi đọc entry này, chúng ta nên cảm ơn ngày 9-11-1989 (viết theo ngày Mỹ 11-9-1989). Ngày đó bức tường Berlin sụp đổ, gây hiệu ứng domino, toàn bộ Đông Âu và Liên Xô tan rã. Việt Nam đã kịp thay đổi, mới có thế hệ bloggers như hôm nay. Nếu bức tường hãy còn Điều gì sẽ xảy ra nếu không có ngày đó. Nếu còn sống, ông Erich Honecker, Tổng bí thư ĐCS Đông Đức, gần 100 tuổi. Biết đâu, ông vẫn còn đủ sức leo lên cầu thang có tay vịn mạ vàng, cuối tuần đi săn nai ở ngoại ô Berlin, nơi cấm kỵ đối với người khác. Dân chúng xếp hàng đợi tem phiếu. Nước Đức thống nhất, Honecker chạy sang Liên Xô lánh nạn vì biết mình không thể thoát sự trừng phạt do tội ác gây trong quá khứ. Ông đã ra lệnh bắn tất cả những ai trèo tường sang Tây Berlin. Bị trục xuất trở lại Đức để ra tòa. Tuy nhiên, ông bị ung thư giai đoạn cuối nên được sang Chile tị nạn và chết ở đó. Đông Đức không còn trên bản đồ thế giới. Năm 1986, tôi có dịp đi qua Rumani trên chuyến tầu từ Bulgaria sang Hungary dự hội thảo khoa học ở Budapest. Khi tầu dừng ở Bucarest (thủ đô Rumani), xuống ga đi dạo. Trong một giờ ngắn ngủi, cảnh sát nhà ga đã ba lần kiểm tra giấy tờ của hành khách trong phòng đợi. Một số người bị lôi vào nắn của quí xem có lựu đạn không. Dân chúng đồn rằng, có thể tổng thống Rumani, Nicolae Ceauşescu, không biết phía dưới có những bất cập, nên đã tìm cách đưa thư tận tay khi ông đến các địa phương. Thay vì xem xét, ông vứt những bức thư ấy cho bên an ninh xử lý. Tiếng nói của dân đã bị dập tắt, và sự im lặng đã làm suy vong chế độ. Ba năm sau, chế độ Ceauşescu đi theo số phận bức tường Berlin. Phiên tòa được gọi là Kangaroo Court (kết án không cần xét xử) diễn ra hai tiếng trên tivi, Ceauşescu đã bị bắn như chính ông đã từng xử án hàng chục ngàn người Rumani bằng những phiên tòa kangaroo khác. Bức tường dài khoảng 200km đã chia rẽ Đông Tây vì ý thức hệ suốt mấy chục năm. Khi nó đổ, Elsin “phản động” mang xe tăng bắn vào nhà quốc hội, người Việt Nam choáng váng, không hiểu “phe ta” đi về đâu. Nếu bức tường còn, rất có thể, “phe ta”, thay vì ngồi viết blog, chat yahoo như hôm nay, vẫn đang xếp hàng mua gạo, bánh mỳ bằng tem phiếu, một sản phẩm tệ hại nhất của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhầm lẫn giữa duy ý chí và nhu cầu thật của con người. Bức tường không đổ thì người Đông Đức không thể sống như một người Đức. Người Nga, người Đông Âu không được sang Tây Âu tự do. Người Việt Nam muốn sang Mỹ phải làm lý lịch kể ba đời hoặc tìm cách đi thuyền nan ra biển. Hỏi rằng, ai muốn quay lại cái ngày xưa “tem phiếu” ấy. Câu trả lời, 100% là không, kể cả người lãnh đạo cao nhất. Thế thì ngày 9-11 đáng kỷ niệm lắm chứ. Tại sao không? Ngày 9-11 của người Mỹ Thằng cu nhà này đi học lớp 1 đã được dạy, nếu bị bố mẹ đánh, hãy gọi 911, số của cảnh sát. Bin Laden chọn đúng ngày 11-9-2001 để tấn công nước Mỹ. Gọi theo ngày tháng Mỹ là 9-11, thật kỳ lạ, trùng với ngày tường Berlin sụp đổ. Bây giờ người Mỹ nhớ 911 là số cứu hỏa, gọi cảnh sát và cũng là nỗi đau do Bin Laden gây ra. Người Mỹ tự hào là số Một trên thế giới sau sự kiện Berlin và chiến tranh lạnh đã kết thúc. Cho đến khi Bin Laden sai quân lao máy bay vào Lầu Năm Góc và WTC thì họ nhận ra, bức tường kia sụp đổ, có thế lực khác trỗi dậy chống lại nước Mỹ. Các tòa nhà chính phủ của Mỹ ở Washington DC được bao quanh bởi những barrie bằng bê tông kiên cố để chống khủng bố. Sứ quán Mỹ ở đâu cũng thế, tường cao, hào sâu. Người ta gọi đùa đó là “bức tường Berlin” của xứ sở cờ hoa và tự do. Giá trị Mỹ đã giúp phần nào cho bức tường Berlin biến mất. Đông Âu khao khát tự do, dân chủ, nhân quyền hay kinh tế thị trường rất con người. Nhưng rồi sự kiêu ngạo, ngủ quên trong chiến thắng, bị khủng bố bất ngờ nên họ phải xây những barrie khác. Ngày xưa có thể vào thăm Nhà Trắng, Pentagon dễ dàng, nhưng nay phải qua hàng rào kiểm soát chặt chẽ hơn cả những bốt canh trên tường Berlin. Visa nhập cảnh khó hơn, lên máy bay bị kiểm soát đến từng túi quần. May mà chưa bị nắn của quí như thời ở Rumani. Hàng hóa Việt nam xuất khẩu sang Mỹ phải qua một bức tường dựng lên theo kiểu Mỹ sao cho cao bồi được hưởng lợi nhiều nhất. Basa phải được gọi tên là catfish mới được bán ở Cosco va Safeway.”Vinh dự” là catfish thì chất lượng phải Mỹ và cơ hội basa Nam Bộ vào Texas rất khó. Ông Bush dựng lên bức tường “trục quỉ” bao gồm những nước không thích chính sách diều hâu của Mỹ. Tường Berlin sụp đổ nhưng người Mỹ lại cũng xây cho mình những bức khác. Từ bức tường ảo đến bức tường tư duy BBC đã viết về 14 bức tường khác nhân dịp 20 năm sau ngày bức tường Berlin bị kéo đổ. Hiện nay, thế giới vẫn còn đầy những ngăn cách chia rẽ quốc gia, cộng đồng và gia đình từ Brazil, Uzbekistan, Bờ Tây sang tới Mexico. Nguyên nhân có thể khác nhau – để ngăn ngừa bạo động, nhập cư lậu hay thậm chí là bệnh lở mồm long móng – nhưng kết quả thì giống nhau: chia rẽ và đe dọa Nhưng BBC quên mất bức tường lửa (firewall) trong thế giới ảo. Trong mạng máy tính, firewall là rào chắn, bao gồm một thiết bị phần cứng hoặc phần mềm trong mạng máy tình, nhằm ngăn chặn việc truy cập các thông tin không mong muốn, hoặc giúp khóa các thông tin bảo mật nằm trong mạng nội bộ. Chiến tranh thông tin sau chiến tranh lạnh là nỗi nhức nhối của bao quốc gia. Bức tường lửa kiểu mới này tuy chỉ là một thiết bị bé tí nhưng có độ dài và sức mạnh gấp ngàn lần bức tường Berlin. Khi bạn đọc entry này cũng là lúc bức tường “Berlin ảo” đang làm việc. Mọi lời bình mang tính khủng bố, mầu sắc chính trị, chống chế độ đều bị những “lính canh” trên bốt gác đọc được. Kết thúc entry, Blog HM xin chia sẻ một bức tường khác. Mời bạn đọc đóng góp thêm cho phong phú. Trong cuộc sống hàng ngày, bản thân chúng ta cũng có những tư duy được xây nên như những bức tường Berlin. Người ta bảo, sau 25 tuổi, khó thay đổi được tính cách. Định kiến cá nhân như bức tường thành kiên cố rất khó phá bỏ. Xây dựng firewall không khó, vượt qua không khó, phá đi chỉ cần rút điện, nhưng để bỏ firewall ra khỏi tư duy mới là vấn đề nan giải nhất. Khó khăn nhất là đập bức tường của chính mình. Giống như ta thường dễ đánh giá lỗi lầm của người khác nhưng lại khó nhận ra sai lầm của bản thân. Một người bình thường với cách nghĩ khô cứng có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của bản thân, gia đình hay một cộng đồng. Người lãnh đạo quốc gia với tư duy lối mòn có thể làm suy vong một dân tộc. Họ thay đổi có thể giúp quốc gia hưng thịnh. Gorbachev đưa ra cải tổ vì ông không muốn lối mòn của 70 năm XHCN. Dù kết quả không như ông mong đợi, nhưng Đông Tây đã hòa hợp hơn, toàn cầu hóa đã xảy ra, nhân loại được hưởng lợi vì sự thay đổi đó. Bức tường Berlin đã bị phá, 14 bức tường của BBC trong tương lai có thể lung lay, firewall có thể bị rút ra khỏi mạng. Nhưng để phá bức ngăn cách trong tư duy con người, không thể dùng những phương pháp ấy. Thay vì đó, mỗi người cần biết học cách tự nhìn nhận bản thân. Nếu có nhiều người chê bạn cổ lỗ, bảo thủ, trì trệ, đó là lúc bạn cần thay đổi chính mình. Bạn có thay đổi thì mới mong người khác đập bức tường của họ. Làm được điều đó, mới mong tương lai tươi đẹp được đơm hoa kết trái như đã xảy ra cách đây 20 năm khi người Đức tự phá bỏ bức tường Berlin. 9-11-2009 http://quechoa.info/2011/11/09/16920/#more-16920 Theo blog Hiệu Minh . dựng lên bức tường “trục quỉ” bao gồm những nước không thích chính sách diều hâu của Mỹ. Tường Berlin sụp đổ nhưng người Mỹ lại cũng xây cho mình những bức khác. Từ bức tường ảo đến bức tường. của bao quốc gia. Bức tường lửa kiểu mới này tuy chỉ là một thiết bị bé tí nhưng có độ dài và sức mạnh gấp ngàn lần bức tường Berlin. Khi bạn đọc entry này cũng là lúc bức tường “Berlin ảo”. bản thân chúng ta cũng có những tư duy được xây nên như những bức tường Berlin. Người ta bảo, sau 25 tuổi, khó thay đổi được tính cách. Định kiến cá nhân như bức tường thành kiên cố rất khó