Các paraben và ung thư vú Các paraben có phải là một trong những thủ phạm gây ung thư vú ở phụ nữ? Gần đây, trên phương tiện truyền thông thế giới qua mạng internet xuất hiện sự lo lắng về vấn đề các paraben được sử dụng phổ biến trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm có liên quan đến ung thư, đặc biệt là ung thư vú (UTV) ở phụ nữ thường xuyên dùng mỹ phẩm nhất là các chế phẩm hạn chế tiết mồ hôi. Người tiêu dùng càng có lý do để lo lắng khi có thông tin rằng, ngày 5/3 vừa qua, Quốc hội nước Pháp đã bỏ phiếu thông qua một dự thảo luật đề nghị ngay lập tức cấm việc sử dụng các chất có tác dụng phá hủy các nội tiết tố như các hợp chất phthalate, các alkylphenol và các paraben trong hàng hóa tiêu dùng (thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm). Tuy nhiên, để dự thảo luật này trở thành luật, cần sự phê chuẩn của Thượng viện Pháp. Thượng viện Pháp chưa có kế hoạch bỏ phiếu thông qua dự luật này. Mặc dù vậy, thông tin này một lần nữa đã làm nóng sự quan tâm của công chúng về mối liên quan giữa paraben và ung thư. Sự nghi ngờ về tác dụng gây ung thư của các paraben lần đầu tiên xuất hiện từ năm 1998. Khi đó, các công trình nghiên cứu cho thấy tính chất tương tự oestrogen của các paraben. 12 công trình nghiên cứu khẳng định hoạt tính tương tự oestrogen của các paraben được thể hiện khi tiêm cho chuột. Điều đó cho thấy các paraben có thể là một dạng oestrogen yếu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận xét, khi các paraben vào cơ thể bằng đường uống, người ta không chứng minh được hoạt tính oestrogen của chúng. 6 năm sau, vào năm 2004, bác sĩ Philipa Darbre và các cộng sự tại University of Reading (Anh quốc) đã tiến hành nghiên cứu phân tích 20 mẫu bệnh phẩm UTV phụ nữ. Công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Độc học thực nghiệm, các nhà nghiên cứu nói trên cho rằng họ đã tìm thấy vết của các paraben trên tất cả các mẫu bệnh phẩm UTV. Thí nghiệm của bác sĩ Darbre và cộng sự đặt ra giả thuyết là các paraben hấp thụ vào tổ chức tuyến vú sau khi các mỹ phẩm được sử dụng trên da. Bác sĩ Darbre cũng nói rằng: “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh sự tích lũy (của các paraben) trong tổ chức cơ thể người” và “điều đó chứng tỏ nếu người ta bị phơi nhiễm với các hóa chất này (các paraben), chúng có thể tích lũy trong cơ thể. Sự tích lũy này là đáng lo ngại bởi vì các paraben đã được chứng minh khả năng có hoạt tính tương tự các nội tiết tố oestrogen của phụ nữ. Các oestrogen có khả năng thúc đẩy sự phát triển của UTV. Và như vậy, cần hết sức thận trọng xem xét có được sử dụng các paraben trong chuỗi sản phẩm sử dụng rộng rãi trên vùng ngực phụ nữ, kể cả các sản phẩm khử mùi”. Trong khi đó, bác sĩ Philip Harvey, biên tập viên châu Âu của tạp chí này cho rằng, các kết quả nghiên cứu cần được phân tích và giải thích một cách thận trọng. Phụ nữ cần thận trọng khi dùng các sản phẩm hạn chế tiết mồ hôi. Các kết quả nghiên cứu của bác sĩ Darbre đã được đài BBC đưa tin ngày 11/1/2004. Tuy nhiên, đối với công trình nghiên cứu của bác sĩ Darbre và các cộng sự thuộc University of Reading cũng có nhiều chuyên gia nhận xét rằng: 1. Cỡ mẫu nghiên cứu quá nhỏ, chỉ có 20 mẫu bệnh phẩm UTV. 2. Không so sánh với mẫu tổ chức vú của người không bị ung thư. 3. Không nghiên cứu trên các bộ phận khác của cơ thể, bởi vì các paraben có thể hấp thu vào bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. 4. Không xác định được nguồn gốc của paraben là từ các chế phẩm chống mồ hôi, các chế phẩm chăm sóc cơ thể khác hoặc có thể từ các chế phẩm sử dụng trong nhà. Trước khi BS. Darbre tiến hành nghiên cứu trên 20 mẫu bệnh phẩm ung thư vú ở phụ nữ, cũng đã có một số công trình nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa các paraben với ung thư vú trên người. Năm 2002, đã có một nghiên cứu dịch tễ học so sánh 813 phụ nữ bị ung thư vú với 793 phụ nữ không bị ung thư vú. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa nguy cơ bị ung thư vú với việc sử dụng các mỹ phẩm ngăn mồ hôi, các mỹ phẩm khử mùi hoặc thực hành cạo lông dưới cánh tay. Trong một nghiên cứu khác công bố năm 2003, các nhà nghiên cứu báo cáo các phụ nữ bị ung thư vú nói rằng từ trẻ họ đã sử dụng các mỹ phẩm ngăn mồ hôi và thực hiện cạo lông dưới cánh tay thường xuyên hơn các phụ nữ được chẩn đoán ung thư khi đã lớn tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thiết kế nhóm đối chứng là phụ nữ không mắc ung thư vú và bị các nhà chuyên môn cho rằng công trình nghiên cứu không chứng minh được sự an toàn của việc thực hành vệ sinh vùng dưới cánh tay. Tuy nhiên, cũng có những tuyên bố trong một số email trên internet cho rằng: 1. Việc cạo lông vùng dưới cánh tay làm cho các chất gây ung thư trong các chế phẩm chống mồ hôi hấp thu vào cơ thể thông qua các khía răng của dụng cụ cạo lông. Các chất này tích tụ ở các hạch bạch huyết vùng dưới cánh tay và không thể bài tiết ra ngoài qua mồ hôi. Điều đó làm tăng nồng độ độc chất và có thể dẫn đến biến đổi nhiễm sắc thể tế bào để tế bào lành thành tế bào ung thư. 2. Đa số các khối ung thư xuất hiện ở một phần từ phía trên bên ngoài của bầu vú vì rằng khu vực này liên quan chặt chẽ đến các hạch bạch huyết bị phơi nhiễm hóa chất. 3. Đàn ông ít có nguy cơ bị ung thư vú vì họ không cạo lông vùng dưới cánh tay và lông ở vùng này giữ cho các hóa chất trong các chế phẩm chống mồ hôi không được hấp thu vào cơ thể. Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ chính mình? Trước tình hình quan điểm của các nhà nghiên cứu khoa học và các nhà quản lý dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm đang còn rất phân tán và chưa nhất quán về mối liên hệ giữa các paraben với ung thư vú, người tiêu dùng cần phải làm gì? Trong trường hợp này, có lẽ điều cần thiết trước tiên là áp dụng “Nguyên tắc thận trọng phòng ngừa” (the precautionary principle). Nguyên tắc này cho rằng: Nếu ở đâu có mối nguy hại tiềm tàng thì điều tốt nhất là phải cẩn trọng. Áp dụng nguyên tắc này trong bảo vệ sức khỏe có nghĩa là cần áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa hơn là chờ đợi đến khi có các chứng cứ khoa học đáng tin cậy. Nếu chúng ta lo lắng về mối quan hệ giữa các paraben với ung thư, đặc biệt là ung thư vú thì hành động khôn ngoan nhất trước hết là cần tránh sử dụng các hóa chất đang còn bàn cãi. Tốt nhất, người tiêu dùng hãy đọc kỹ nhãn hiệu hàng hóa dù đó là mỹ phẩm, thực phẩm hay dược phẩm xem có các chất này trong công thức hoặc thành phần sản phẩm hay không. Người sử dụng mỹ phẩm nên tìm mua các sản phẩm mà nhà sản xuất công bố là các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên và không sử dụng chất bảo quản. Trên thị trường Việt Nam có nhiều dòng sản phẩm như vậy. Các nhà sản xuất cần lắng nghe ý kiến và mối quan tâm của công chúng để có kế hoạch chủ động loại trừ các paraben ra khỏi sản phẩm của mình, sử dụng các chất bảo quản chống vi khuẩn an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đối với dược phẩm, khi cho phép các nhà sản xuất sử dụng chất bảo quản là các paraben, chắc chắn cơ quan quản lý thuốc đã dựa trên những cơ sở khoa học tối thiểu. Vì vậy, cũng nên cân nhắc giữa lợi ích tác dụng, sự cần thiết của thuốc và nguy cơ tiềm ẩn của các chất bảo quản paraben có trong thuốc để quyết định sử dụng đúng đắn. Tốt hơn là người tiêu dùng có thể lựa chọn các dược phẩm có tác dụng tương tự của những nhà sản xuất không sử dụng các paraben làm chất bảo quản. . Các paraben và ung thư vú Các paraben có phải là một trong những thủ phạm gây ung thư vú ở phụ nữ? Gần đây, trên phương tiện truyền thông. phụ nữ bị ung thư vú với 793 phụ nữ không bị ung thư vú. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa nguy cơ bị ung thư vú với việc sử dụng các mỹ phẩm ngăn mồ hôi, các mỹ phẩm khử. paraben và ung thư. Sự nghi ngờ về tác dụng gây ung thư của các paraben lần đầu tiên xuất hiện từ năm 1998. Khi đó, các công trình nghiên cứu cho thấy tính chất tương tự oestrogen của các paraben.