1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Sáng kiến kinh nghiệm triết học cổ đại – hệ thống không chính phái pot

8 385 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 245,31 KB

Nội dung

Sáng kiến kinh nghiệm triết học cổ đại – hệ thống không chính phái C. HỆ THỐNG KHÔNG CHÍNH THỐNG 1. Trường phái Lokayata Trường phái Lokayata xuất hiện khá sớm trong phong trào đấu tranh chống lại truyền thống Vêđa và chế độ đẳng cấp ở Đông An. Tương truyền rằng, Brihaspati là người sáng lập ra trường phái Lokayata đầy tính duy vật, vô thần, khoái lạc này. Phái Lokayata cho rằng, vạn vật (kể cả con người) đều được tạo thành từ 4 yếu tố là đất, nước, lửa, gió (Tứ đại). Tính đa dạng của vạn vật là do sự kết hợp khác nhau của các yếu tố ấy mà thành. Còn linh hồn (ý thức) chỉ là một thuộc tính của cơ thể, do thể xác (vật chất) sinh ra, vì vậy, nó khả tử. Hơn nữa, phái Lokayata phủ nhận cả thuyết luân hồi, nghiệp báo; chế giễu quan niệm giải thoát…; đồng thời khẳng định con người chỉ sống có một lần trên thế gian; vì vậy, con người cần phải sống cho chính cuộc đời này chứ không phải cho cuộc đời nào khác. Phái Lokayata coi cảm giác, kinh nghiệm là nguồn gốc duy nhất của nhận thức, họ phủ nhận tính xác thực của nhận thức suy lý gián tiếp. Đặc biệt, họ lên án mạnh mẽ những suy luận trong Vêđa hay những kết luận được rút ra từ Vêđa. Việc phủ nhận thần thánh, thiên đường, điạ ngục và cuộc sống sau khi chết… đã đưa phái này đến với những quan niệm đạo đức khoái lạc, để từ đó, họ chủ trương giải phóng con người ra khỏi những kìm chế ham muốn, kêu gọi con người nên tận hưởng đầy đủ những gì mà mình mong muốn thỏa mãn. Do xa lạ với truyền thống tôn giáo và chế độ đẳng cấp của Ấn Độ mà phái Lokayata bị công kích dữ dội, nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. 2. Trường phái Jaina Trường phái Jaina (Kỳ na giáo) là một trường phái triết học – tôn giáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ V TCN. Theo truyền thuyết, người sáng lập ra đạo Jaina là một người đàn ông xuất thân từ đẳng cấp thứ hai trong xã hội, sinh ra ở ngoại thành Vaixali thuộc tỉnh Biha ngày nay, sống cùng thời với Phật Thích Ca. Năm 30 tuổi, do bị chấn động bởi sự kiện cha mẹ nhịn ăn tự tử vì lòng tin tôn giáo mà ông đã từ bỏ tất cả (gia đình, tiện nghi, quần áo…) đi lang thang tu khổ hạnh khắp miền Tây Bengan. Sau khi đắc đạo, ông được người đời kính phục, đặt biệt hiệu là Mahavira (Đại anh hùng) và được tôn làm Jina (Người khắc phục được mọi ham muốn). Ông đã lập ra đạo Jaina. Tư tưởng triết học cơ bản của đạo Jaina là thuyết về cái tương đối. Thuyết này cố dung hòa quan niệm về thực thể bất biến (trong Upanisát) với quan niệm vô thường (trong Phật giáo) và cho rằng, thực thể đầu tiên là bất biến, nhưng vạn vật – các dạng tồn tại cụ thể của nó thì biến chuyển không ngừng. Thế giới, vạn vật là sự thống nhất của cái bất biến và cái biến đổi. Thực thể có hai trạng thái cơ bản là jiva (sống) và ajiva (không sống). Jiva bao gồm quỷ, thần, người, chim, thú, cây, cỏ… mang lý trí, có linh hồn. Ajiva bao gồm không gian, thời gian, vận động, vật chất… Jiva và ajiva luôn liên kết tác động lẫn nhau. Phái Jaina coi linh hồn là lực lượng toàn năng và tồn tại đa dạng, nhưng năng lực của chúng bị hạn chế bởi thân xác mà nó liên kết. Muốn giải phóng và phát huy sức mạnh của linh hồn cần phải tu luyện một cách máy móc theo giới luật của đạo Jaina; cụ thể là thực hành: bất sát sinh, bất bạo lực, không hại sinh linh, sống khổ hạnh, không của riêng, ăn chay trường, không dùng vải che thân… 3. Trường phái Phật giáo Phật giáo là một trường phái triết học – tôn giáo lớn của nền văn hóa Ấn Độ cổ đại. Nó ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài đến đời sống tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. a) Sơ lược sự hình thành và phát triển Phật giáo Theo truyền thuyết, người sáng lập ra Phật giáo là Xítđácta Gôtama (Siddhartha Gautama, 563-483 TCN), con vua Sutđôđana (Suddhodana), thuộc bộ tộc Thích ca (Shakya) của nước Capilavaxtu, – một nước nhỏ ở miền Đông – Bắc Ấn Độ, nằm dưới chân dãy Himalaia, nay thuộc đất Nêpan. Năm 29 tuổi, Thái tử Xítđácta xuất gia đi tu để tìm kiếm con đường cứu vớt những nỗi khổ của loài người. Nhưng qua 7 năm, theo các bậc chân tu khổ hạnh của truyền thống tu luyện Ấn Độ mà Ngài vẫn chưa tìm ra chân lý. Cuối cùng, Ngài lang thang đến cánh rừng thiêng Uravela (Gaya, thuộc tỉnh Bihar, miền Bắc Ấn Độ) và ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề. Sau 3 ngày đêm suy ngẫm, Ngài phát hiện ra bản tính vô ngã, vô thường của thế giới. Ngài tiếp tục ngồi dưới gốc cây bồ đề thêm 49 ngày nữa để chiêm nghiệm tâm linh và giải thích thấu đáo bản chất của tồn tại, nguồn gốc của mọi khổ đau. Ngài cho rằng mình đã tìm được con đường cứu vớt chúng sinh. Từ đó trở đi, người ta gọi Ngài là Phật (Buddha), nghĩa là người đã giác ngộ – thấu hiểu chân lý. Sau khi thành Phật, Ngài xây dựng Giáo đoàn Phật giáo để rao giảng giáo lý của mình và được đệ tử tôn xưng là Thích Ca Mâuni, nghĩa là bậc hiền triết của dòng tộc Thích Ca. Sau khi Phật tịch, đạo Phật được truyền bá nhanh chóng ở miền Bắc An Độ. Để chấn chỉnh giáo lý, giáo luật và tổ chức, từ thế kỷ V-III TCN, đạo Phật đã triệu tập 3 cuộc đại hội ở nước Magađa. Từ nửa sau thế kỷ III TCN, đạo Phật truyền sang Xri Lanca, rồi sau đó truyền đến Myanma, Thái Lan, Inđônêxia… Đầu thế kỷ I, đạo Phật triệu tập đại hội 4 ở nước Cusan để thông qua giáo lý của đạo Phật cải cách gọi là Đại thừa, còn giáo lý của đạo Phật cũ gọi là Tiểu thừa. Kinh điển của Phật giáo có khoảng 5000 quyển, chia thành Tam tạng. Tạng Kinh ghi lại những lời giảng của Phật Thích ca nhằm giúp chúng sinh loại trừ phiền não và đạt đến niết bàn. Tạng Luật ghi lại những giới luật mà giáo đoàn Phật đề ra đòi hỏi các đệ tử phải tuân theo để cho thân – tâm thanh tịnh. Tạng Luận ghi lại những lời luận bàn của các bậc cao tăng, trưởng lão nhằm làm sáng rõ ý nghĩa của những lời kinh, để giúp người đời phân biệt được phải – trái, chính – tà. Tam tạng lại chia làm hai loại là Đại thừa và Tiểu thừa[1]. Tiểu thừa như là một cỗ xe nhỏ, con đường cứu vớt hẹp. Phái tiểu thừa cho rằng: Chỉ có một Phật duy nhất là Phật Thích Ca, và chỉ có Phật Thích Ca mới cứu độ chúng sinh được; chỉ có những người xuất gia đi tu mới được Phật Thích Ca cứu vớt đưa đến Niết bàn – cảnh giới yên tĩnh gắn liền với giác ngộ sáng suốt, không có phiền não khổ đau. Đại thừa như là cỗ xe lớn, con đường cứu vớt rộng. Phái đại thừa cho rằng: Phật Thích Ca là Phật cao nhất, ngoài ra còn có các Phật khác như Phật A Di Đà – vị Phật hiện đang giáo hóa ở cõi cực lạc phương Tây, Phật Di Lặc – vị Phật tương lai sẽ nối nghiệp Phật Thích Ca để giáo hóa cõi đời này (cõi Tabà), Phật Đại Dược Sư – vị Phật hiện đang giáo hóa ở cõi cực lạc phương Đông (cõi Tĩnh lưu li); Không chỉ có những người tu hành mà cả những người trần tục quy y Phật pháp cũng đều có thể được cứu vớt đưa đến niết bàn[2], nghĩa là có thể thành Phật – đó là các vị Bồ tát như: Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Am, Địa Tạng…, dù đã thành Phật nhưng họ tự nguyện ở lại cõi trần để cứu độ chúng sinh. Phái đại thừa đề cao tầng lớp tăng ni – người trung gian giữa tín đồ và Bồ tát, coi trọng nghi thức cúng bái và chủ trương thờ tượng Phật. Sau đại hội lần thứ 4, các nhà sư được khuyến khích ra nước ngoài truyền đạo. Từ Ấn Độ, Phật giáo đại thừa lan truyền vào các nước Trung Á và Đông Á như Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản (cả Bắc Việt Nam)… Trong khi đó, Phật giáo nguyên thủy – Phật giáo tiểu thừa vẫn tồn tại phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Xri Lanca, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nam Việt Nam… Ngày nay, sự chia rẽ giáo lý tiểu thừa và đại thừa đã được Phật giáo thống nhất ra sức khắc phục. b) Một số tư tưởng triết học cơ bản của Phật giáo nguyên thủy Tư tưởng triết học của Phật giáo nguyên thủy – tức tư tưởng của Phật Thích Ca – chủ yếu nói về thế giới quan và nhân sinh quan của Phật Thích Ca, và được trình bày trong bộ Kinh.  Thế giới quan: Thế giới quan của Phật giáo nguyên thủy được phản ánh trong thuyết duyên khởi và được làm sáng tỏ qua phạm trù vô ngã và vô thường. + Duyên khởi là nói tắt câu “Chư pháp do nhân duyên nhi khởi” có nghĩa là các pháp đều do nhân duyên mà có. Pháp là tất cả mọi sự vật, bao gồm cả vật chất và tinh thần, kể cả giáo lý. Còn nhân duyên là nguyên nhân và điều kiện. Duyên giúp cho nhân biến thành quả. Phật giáo cho rằng mọi sự vật, hiện tượng đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Duyên khởi từ tâm mà ra. Tâm là cội nguồn của vạn vật. Từ đây, Phật giáo nguyên thủy chủ trương vô tạo giả tức không có vị thần linh tối cao nào tạo ra thế giới. Quan niệm vô tạo giả gắn liền với quan niệm vô ngã, vô thường. + Vô ngã là không có một thực thể tối thượng tồn tại vĩnh hằng nào cả. Trong thế giới, vạn vật và con người được cấu tạo từ các yếu tố sắc, tức vật chất như đất, nước, lửa, gió và danh, tức tinh thần như thụ, tưởng, hành, thức mà không có đại ngã hay tiểu ngã gì cả. + Vô thường là không có cái gì trường tồn và vĩnh cửu cả. Trong thế giới, sự xuất hiện của vạn vật, kể cả con người cũng chỉ là kết quả hội tụ tạm thời giữa sắc và danh; khi sắc và danh tan ra, chúng sẽ mất đi. Điều này có nghĩa là, vạn vật luôn nằm trong chu trình sinh – trụ – dị – diệt; chúng luôn bị cuốn vào dòng biến hóa hư ảo vô cùng theo luật nhân quả. Nhân nhờ duyên mới sinh ra quả, quả nhờ duyên mà thành nhân mới, nhân mới lại nhờ duyên mà thành quả mới…; cứ như thế, vạn vật biến đổi, hợp – tan, tan – hợp mà không có nguyên nhân đầu tiên và kết quả cuối cùng nào cả. Như vậy, thế giới quan của Phật giáo nguyên thủy mang tính vô thần, nhị nguyên luận ngả về phía duy tâm chủ quan và có chứa những tư tưởng biện chứng chất phác.  Nhân sinh quan: Nhân sinh quan là nội dung chủ yếu của triết lý Phật giáo nguyên thủy. Nó thể hiện cô động trong câu nói của Phật Thích Ca: Hỡi chúng sinh, ta chỉ dạy cho các người chỉ có một điều, đó là điều khổ và diệt kho; Nếu nước biển có một vị là vị mặn thì học thuyết của ta cũng có một vị là vị giải thoát. Nhân sinh quan của Phật giáo được trình bày trong thuyết Tứ diệu đế [3] với bốn bộ phận là: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. + Khổ đế là lý luận về những nỗi khổ rõ ràng ở thế gian. Theo Phật có 8 nỗi khổ (bát khổ) trầm luân bất tận mà bất cứ ai cũng phải gánh chịu là: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ (yêu thương mà phải chia ly), sở cầu bất đắc khổ (muốn mà không được), oán tăng hội khổ (ghét nhau mà phải sống với nhau), ngũ uẩn khổ (sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn – sắc, thụ, tưởng, hành, thức). + Nhân đế là lý luận về những nguyên nhân dẫn đến nỗi khổ nơi cuộc sống con người. Phật giáo cho rằng con người còn chìm đắm trong bể khổ khi không thoát ra khỏi dòng sông luân hồi. Mà luân hồi là do nghiệp tạo ra. Sở dĩ có nghiệp là do lòng ham muốn, tham lam (ham sống, ham lạc thú, ham giàu sang…), do sự ngu dốt và si mê, nói ngắn gọn là do Tam độc (tham, sân, si) gây ra. Ngoài ra, nhân đế được diễn giải một cách lôgích và cụ thể trong thuyết Thập nhị nhân duyên (12 nguyên nhân dẫn đến bể khổ): vô minh, hành, thức, danh – sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão – tử. Trong 12 nguyên nhân ấy thì vô minh là nguyên nhân thâu tóm tất cả, vì vậy, diệt trừ vô minh là diệt trừ tận gốc sự đau khổ nhân sinh. + Diệt đế là lý luận về khả năng tiêu diệt được nỗi khổ nơi cuộc sống thế gian để đạt tới niết bàn. Khi vô minh được khắc phục thì tam độc sẽ biến mất, luân hồi sẽ chấm dứt…, tâm sẽ thanh thản, thần sẽ minh mẫn, niết bàn sẽ xuất hiện… Diệt đế bộc lộ tinh thần lạc quan của Phật giáo ở chỗ nó vạch ra cho mọi người thấy cái hiện tại đen tối, xấu xa của mình, để cải đổi, kiến tạo lại nó thành một cuộc sống xán lạn, tốt đẹp hơn. Phật giáo thể hiện khát vọng nhân bản, muốn hướng con người đến cõi hạnh phúc “tuyệt đối”, muốn hướng khát vọng chân chính của con người tới chân – thiện – mỹ. + Đạo đế là lý luận về con đường diệt khổ, giải thoát. Nội dung cơ bản của nó thể hiện trong thuyết Bát chính đạo (tám con đường đúng đắn) đưa chúng sinh đến niết bàn, đó là: chính kiến (hiểu biết đúng), chính tư duy (suy nghĩ đúng), chính ngữ (lời nói chân thật), chính nghiệp (hành động đúng đắn), chính mệnh (sống một cách chân chính), chính tinh tấn (thẳng tiến mục đích đã chọn), chính niệm (ghi nhớ những điều hay lẽ phải), chính định (tập trung tư tưởng vào một điều chính đáng). Chung quy, bát chính đạo là suy nghĩ, nói năng, hành động đúng đắn… ; nhưng về thực chất, thực hành bát chính đạo là khắc phục tam độc bằng cách thực hiện tam học (giới, định, tuệ). Trong đó, tham được khắc phục bằng giới (chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh); sân được khắc phục bằng định (chính tinh tấn, chính niệm, chính định); si được khắc phục bằng tuệ (chính kiến, chính tư duy). Ngoài ra, Phật giáo còn khuyên chúng sinh thực hành Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ẩm tửu); rèn luyện Tứ đẳng (từ, bi, hỉ, xa)… Phật giáo phản đối chế độ đẳng cấp, tố cáo xã hội bất công, đòi bình đẳng công bằng xã hội, khuyên chúng sinh luôn suy nghĩ về điều thiện và làm điều thiện… Như vậy, dù nhân sinh quan của Phật giáo nguyên thủy mang tính nhân bản sâu sắc; nhưng, nó cũng chứa đầy tính chất duy tâm chủ quan thể hiện qua các quan niệm bi quan yếm thế, không tưởng về đời sống xã hội, và thần bí về đời sống con người. [1] Chữ “thừa” có nghĩa là giáo lý của Phật có công năng như một chiếc xe đưa chúng sinh từ nơi cõi trần đầy đau khổ, luân hồi đến cõi Niết bàn. [2] Cõi Phật, đối lập với địa ngục – nơi đầy đọa kẻ tội lỗi. [3] Bốn chân lý kỳ diệu về đời sống nhân sinh của con người, không phân biệt đẳng cấp. . Sáng kiến kinh nghiệm triết học cổ đại – hệ thống không chính phái C. HỆ THỐNG KHÔNG CHÍNH THỐNG 1. Trường phái Lokayata Trường phái Lokayata xuất hiện khá sớm. chính niệm, chính định); si được khắc phục bằng tuệ (chính kiến, chính tư duy). Ngoài ra, Phật giáo còn khuyên chúng sinh thực hành Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không. bàn, đó là: chính kiến (hiểu biết đúng), chính tư duy (suy nghĩ đúng), chính ngữ (lời nói chân thật), chính nghiệp (hành động đúng đắn), chính mệnh (sống một cách chân chính) , chính tinh tấn

Ngày đăng: 07/08/2014, 21:22

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w