Sanh Tử dưới Cái Nhìn Khoa Học Não Bộ Sanh tử không phải là vấn đề để người ta lo âu khi con người chưa có ý thức. Nghiên cứu cho thấy mấy triệu năm về trước khi não bộ phát triển thì thùy trán (frontal lobe) và võ não (cortex) ở loài người phát triển vượt bực so với loài khỉ. Chính vì sự phát triển này, ý thức dần dần lóe lên trong tâm hồn con người. Nhờ có ý thức phân biệt cá nhân khác với môi trường chung quanh nên con người muốn tìm hiểu môi trường và sau đó tìm cách điều khiển môi trường làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Thí dụ như những bộ lạc nguyên thủy không biết canh nông, phải di chuyển không ngừng theo những con mồi săn và chịu nhiều đói rét và chết chốc. Rồi khi có một số người nào đó tập quan sát và ý thức được cái quan hệ giữa hạt giống, ngũ cốc và khí hậu, họ bắt đầu trồng trọt và tạo dựng xã hội canh nông (agricultural society). Lúc đó, con người bắt đầu sống thọ hơn vì làm chủ được nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, sự phát triển của thùy trán và võ não nói chung cũng đem đến nhiều sự bất lợi. Bất lợi trầm trọng nhất là sự tranh chấp đúng sai. Ở những giai đoạn đầu của sự phát triển võ não, sự ý thức còn rất hạn chế và đa số ý thức đó không gắng liền với thực tế. Não bộ con người hiện đại có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh. Khi võ não phát triển, người ta có thêm cả tỉ tế bào thần kinh và mỗi tế bào có hàng ngàn nhánh ráp nối với những tế bào chung quanh. Khi nghiên cứu não bộ, ta mới hiểu tại sao con người ít khi đồng ý với nhau. Con người có khuynh hướng lầm nhận cảm giác của sự ráp nối ngẫu nhiên (random association) của các tế bào thần kinh là sự thật. Ðó là nguồn gốc của nhiều mê tín xảy ra rất thường xuyên trải dài trong lịch sử của loài người. Khi một nhóm người cố chấp vào một mê tín, họ có thể có những thái độ cực đoan dẫn đến giết người. Thí dụ dân Incas giết trinh nữ để tế thần xin mùa màng tốt đẹp, Hitler giết cả triệu dân Do thái. Gần đây hơn thì ta có quân khủng bố giết người không gớm tay. Chính vì thế mà hiện nay trong Y khoa, người ta tôn trọng những quyết định dựa trên bằng chứng (evidence based) chớ không phải dựa trên những suy nghĩ của cá nhân nào. Khi nghiên cứu lịch sử loài người ta thấy rằng có vô số chủ nghĩa khác nhau trong mọi lãnh vực của cuộc sống, trải rộng từ tôn giáo đến chính trị. Phật giáo gọi hiện tượng này là người mù sờ voi, mỗi người mù cố chấp một phần của con voi là thực tế. Nhóm người cho rằng con voi là cái cột (chân voi) tranh chấp với người tin rằng con voi là sợi dây (đuôi voi). Nói một cách khác, trong quá trình phát triển của não bộ, nhân loại phải đi qua cái giai đoạn suy nghĩ và tin rằng những sản phẩm suy tưởng của não bộ là sự thật. Giống như những người bịnh tâm thần có ảo thính (auditory hallucination) và cho rằng đó là tiếng nói thật. Cái tệ hại nhứt là họ giải quyết những mâu thuẫn bằng cách giết chết lẫn nhau. Trở lại vấn đề sanh tử. Ðối với con thú, sanh tử không phải là vấn đề vì chúng không ý thức được sanh tử. Ta không thấy con thú nào ngồi một chỗ rầu rĩ lo âu cho con cái hay lo âu vì vấn đề sanh tử hết. Những con thú sanh ra, sanh sản và chết như một chu kỳ bình thường. Chúng sống theo mục đích của thiên nhiên, dung hòa với nhịp sống toàn vũ. Khi thức ăn nhiều thì sanh sản nhiều và khi thức ăn khan hiếm thì chết nhiều. Sống chết cũng là một cách điều hòa cái bể gene (gene pool) để chọn lộc những cá nhân đáp ứng xuất sắc với hoàn cảnh. Nhưng con người thì khác, ai cũng muốn kéo dài sự sống để hưởng thụ và không muốn chết. Ðến một lúc nào đó sự hiện diện của dân số tăng nhiều sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sự quân bình của môi trường chung quanh. Trong thiên nhiên, sanh tử chỉ là sự ẩn hiện của những giữ kiện sinh học thể hiện qua gene. Mùa đông cây rụng lá và “chết” khô. Mùa hè nóng bức, trên sa mạc cây cỏ đều “chết” hết. Tuy nhiên cái mầm sống vẫn còn đâu đó và khi điều kiện thuận lợi hiện ra thì những dữ kiện sinh hóa chứa trong thân cây khô hay trong hạt giống sẽ nẩy mầm thành những chiếc lá xanh tươi hay những hoa dại trải dài như cái thảm đầy màu sắc trên sa mạc. Nhưng khổ thay, từ khi con người có ý thức, thành lập cái tôi riêng biệt, khi thân thể chết thì hình như cái ý thức cá nhân đó cũng chết theo luôn. Khi ta quan sát, mỗi đứa trẻ sanh ra đều có cá tính khác biệt và duy nhứt của từng cá nhân. Con người thật khác thân cây trước sân, cứ mỗi mùa xuân lại cho ra những chiếc lá xanh như nhau. Khi dựa trên sự quan sát thân thể vật chất thì quả thật chết là hết. Khi người thân ta chết thì ta không thể tìm lại được người thứ 2. Cái thân thể đã chiếm một khoảng không gian và thời gian không còn tồn tại nửa. Vì cá tính con người thể hiện qua thân thể cho nên khi thân thể mất thì cá tính cũng mất theo. Chỉ còn lại những hoài bão là những hình ảnh của người chết trong tâm tư người sống. Người sống xót đau buồn vì kỷ niệm còn nóng bỏng mà người thân đã trở thành cát bụi trơ lạnh. Khi phân tích tâm lý, thì cô đơn là sự hiện diện của hình ảnh trong tâm tư mà không còn thể xác để đáp lại. Có lẻ vì thế phong tục thờ cúng ông bà là để giúp cho người sống sót bớt cô đơn khi họ tin rằng có ông bà về từ cõi vô hình để chứng kiến sự nhớ thương của họ. Theo thuyết duyên khởi của Phật giáo thì tất cả hình dạng trên cõi thế gian, dù là vật chất hay tư tưởng vô hình đều không có nền tảng của chúng. Hình dạng là do nhiều yếu tố hợp lại. Nói về vật chất thì cái hình dạng đặc thù của một cá nhân không còn nửa khi ta nhìn những phân tử carbon, hydrogen, oxygen và nitrogen tạo nên thân thể. Hằng ngày ta đem những phân tử này từ môi trường bên ngoài vào theo thức ăn để cấu tạo thân thể ta. Rồi cũng hàng ngày ta sa thải một phần của ta ra ngoài theo mồ hôi, nước tiểu hay cặn bã. Ta không giận khi ai đạp lên vũng nước tiểu, là cái ta vừa có vài phút trước đây. Nhưng ta giận dữ khi có ai giựt chai nước ta đang uống trên tay, mặc dù nước đó chưa phải là ta. Nghĩ lại cho cùng, cái mà ta gọi là tánh tình cá nhân chỉ là những cách ta xử lý tham và sân. Nếu không hiểu được điều này, cho rằng những hình ảnh do tư tưởng tham và sân dựng ra là thật thì là si mê. Trở về thế giới của năng lượng, ý thức là một năng lượng mặc dù khoa học hiện nay chưa có máy móc nào để đo năng lượng đó được. PET scan và fMRI chỉ đo được những vùng của não bộ dùng năng lượng nhiều hơn so với những vùng khác. Khi ta suy nghĩ logic nhiều, như lúc làm bài toán, thi năng lượng dồn về thùy tráng (frontal lobe), khi ta đang bị rối loạn tình cảm thì năng lượng dồn về hệ thống limbic, là nơi phát khởi những bản năng trong não bộ. Năng lượng biến dạng chớ không thêm bớt. Nghiên cứu cho thấy khi bịnh nhân lo âu tham gia tâm lý trị liệu thì năng lượng ở hệ thống limbic dần dần chuyển về thùy tráng. Lúc đó thì cơn lo âu thuyên giảm rất nhiều. Nói theo Phật giáo, hiện tương trên xảy ra khi ta biết dùng trí tuệ chuyển hóa những tư tưởng u mê của tham và sân, khiến ta bớt lo âu rối loạn. Thế giới chung quanh ta chứa rất nhiều dữ kiện. Nào là dữ kiện sinh hóa ở gene để giúp cơ thể ta tồn tại, nào là dữ kiện kỷ niệm liên quan đến cuộc sống cá nhân và dữ kiện khoa học liên quan dến nghề nghiệp. Cái điều quan trọng là ta nên sử dụng phương tiện truyền bá dữ kiện nào (information vehicle). Ða số mọi người sử dụng suy nghĩ. Suy nghĩ là phương tiện sơ khởi khi ý thức mới thành lập. Suy nghĩ là một cách ta vẽ lại hình bóng của ngoại cảnh với hy vọng là ta có thể làm chủ được những gì ta vẽ ra. Có lẽ những con người tiền sử mới có ý thức lóe lên trong đầu ở những hang động Lascaux bên Pháp, vẽ ngoằn ngoèo những con mồi săn lên tường đá, với hy vọng là điều khiển được những cuộc đi săn sắp tới. Ðối với đa số, người khôn ngoan là người biết suy nghĩ, không hành động bồn chồn theo bản năng. Suy nghĩ dẫn tới ngôn ngữ là những âm thanh kết hợp với ý tưởng. Nhờ ngôn ngữ con người mới có thể truyền đạt và trao đổi những ý tưởng trong đầu. Ngôn ngữ phát triển nhờ loài người có võ não vời thùy thái dương (temporal lobe). Ngôn ngữ phát triển thành một hệ thống và dần dần văn hóa và khoa học ra đời. Nhờ có ngôn ngữ loài người mới có thể bồi đắp kiến thức, mỗi thế hệ có nhiều hiểu biết hơn thế hệ trước. Nói một cách khác, kiến thức là một cách “di truyền” dữ kiện song song với gene. Gene là yếu tố di truyền sinh hóa vô thức và kiến thức là cách “di truyền” ý thức và kinh nghiệm, chỉ đặc trưng cho loài người. Gene, ý tưởng và ngôn ngữ đều có những hạn chế không gian và thời gian của nó. Gene phải trải qua hàng tỷ năm để sáng tạo một não bộ có thể chứa đựng và truyền đạt được ý thức. Từ khi con người phát triển được ngôn ngữ thì kiến thức được phát hiện rất nhanh và truyền đạt trong một chớp nhoáng, vài trăm năm so với hàng tỷ năm. Trong vòng 10 năm, ta có thể nhét một số lớn dữ kiện của bộ sách bách khoa vào một đĩa DVD, mà 10 năm về trước ta phải cần đến cả trăm cái đĩa floppy, 30 năm về trước ta phải cần một kệ sách. Thời gian trích ra dữ kiện cũng xảy ra rất nhanh hơn so với khi ta lò mò đến thư viện, tìm ngăn kệ và lật từng trang sách. Sở dĩ ta vọt nhanh như vậy là vì khoa học đã vượt qua thế giới vật chất của trang sách để đến thế giới của điện tử và ánh sáng laser. Hiện thời khoa học đang ở giai đoạn dựa trên căn bản vật chất để tìm tòi những dữ kiện và kiến thức mới. Thí dụ ta cần cái máy DVD để đọc được những dữ kiện chứa trong đĩa mà không thể đọc một cách trực tiếp được. Khi máy DVD và đĩa bị tàn phá thì coi như ta mất hết dữ kiện. Gần đây có một bước tiến nửa là ta có thể chứa dữ kiện trên internet và nếu có máy điện toán thì ta có thể trích ra những dữ kiện đó ở mọi nơi trên thế giới. Rồi sẽ có một ngày khoa học tiến bộ đến nỗi chúng ta có thể luyện não bộ trích ra những dữ kiện có sẵn trong thiên nhiên chỉ qua trực giác mà không cần dùng đến máy móc nào. Thiền là một trong những cách giúp ta có cái nhìn khác hơn về vấn đề sống chết. Khi ta dựa trên căn bản vật chất hay hình tượng tư tưởng để chứa dữ kiện sinh hóa, ta gọi sự hiện diện của cái dung lượng chứa dữ kiện đó là thân thể, là tôi. Thân thể có thể ví như máy DVD và não bộ là đĩa DVD, tánh tình là bộ phim DVD đó chứa. Khi máy và đĩa DVD bị mục nát thì người sống sót coi như không thể xem lại cuộn phim đó được. Họ gọi đó là chết. Nhưng nếu loài người tiến hóa về tâm linh đến mức trích được những dữ kiện từ “internet sinh hóa” có thể bắt được làn sóng của thiên nhiên thì có lẽ khái niệm sống và chết sẽ thay đổi nhiều. Muốn như thế, ta phải tập bỏ dần những phương tiện chứa đựng dữ kiện cổ hủ và tìm ra những loại phương tiện mới. Nói một cách khác, khi ta mắc kẹt vào một nối kết âm thanh- từ ngữ- ý nghĩa nào đó thì ta đánh mất khả năng vô lượng để học hỏi những ngôn ngữ và kiến thức mới lạ. Khi người xưa muốn bay tự do như con chim mà bị mắc kẹt vào hình thể vỗ cánh và sự nhẹ nhàng của lông cánh thì có lẻ không bao giờ sáng chế được phi cơ bằng sắt nặng cả tấn. Muốn sáng tạo phi cơ, họ phải vượt khỏi cái hình ảnh chim bay vỗ cánh để hiểu được những quy luật vô hình về vật lý. Cũng như thế, khi tập thiền, không phải ta tập một nghi thức tu huyền bí nào hết mà ta tập cởi trói để ta không bị mắc kẹt vào một hình ảnh hay khái niệm nào hết. Lúc đó ta mới có thể mở rộng tâm thức đón nhận kiến thức vô biên của vũ trụ. Rồi đến một lúc nào đó nhân loại tiến hóa đến nỗi họ có thể bỏ lại cái xác thân mục nát như ta bỏ cái đĩa DVD bị hư và “tải xuống” (download) cuộn phim mới từ “internet sinh hóa” để có những cuồng phim theo ý muốn. Có thể lúc đó sự ý thức loài người tiến hóa biến thành một chuỗi nhận thức không giới hạn mà sự hủy hoại của thân vật chất hay hình dạng tư tưởng không làm giáng đoạn được. Lúc đó họ có khả năng làm chủ được những tình cảm thấp hèn và điều khiển định mệnh một cách dễ dàng. Họ sống với trực giác nhiều hơn. Khi sống với trực giác và “thế giới vô sắc” thì sự nhận định thời gian thật khác xa cõi giới vật chất. Sanh tử liên quan đến khái niệm thời gian thẳng hàng. Cái này hết (chết) và cái kia bắt đầu (sanh). Giống như thời chúng ta còn dùng băng cassette. Muốn nghe bản nhạc thứ nhì thì ta phải quay băng cho hết bản nhạc thứ nhứt. Khi bản nhạc thứ nhứt dứt (chết) thì bản nhạc thứ nhì mới có thể bắt đầu (sanh). Ðó là quy luật của thế giới thời gian thẳng hàng. Bây giờ ta có CD. Ta không cần quay băng lại nửa. Ta muốn bản nào thì bản đó hiện ra. Với kỹ thuật laser của CD thì cái trật tự trước sau không thành vấn đề. Cũng như thế, khi tâm thức nhân loại phát triển trong ánh sáng thiền định, một lúc nào đó hiện tượng sanh tử không thành vấn đề nửa. Có lẽ lúc đó người ta mới hiểu được mấy ngàn năm về trước có một người mở ra được cửa sổ tương lai, đã nhìn thấy và tạm gọi giòng ý thức vô tận đó là Phật tánh. Ngàn năm sau, có một đạo sĩ khác chịu hy sinh trên thập tự để chỉ hướng đi cho nhân loại đến cuộc sống vĩnh cửu. Khi ta tập thiền, lướt đi trên giòng ý thức vô tận đó, sự thể hiện cuộc sống qua thân thể vật chất chỉ là bong bóng nước. Bong bóng nước không có sanh và chết vì nó chính là giòng nước. Rồi ta mỉm cười vì nhận ra Phật và Chúa không có nói khác nhau. Thái Minh Trung . Sanh Tử dưới Cái Nhìn Khoa Học Não Bộ Sanh tử không phải là vấn đề để người ta lo âu khi con người chưa có ý thức. Nghiên cứu cho thấy mấy triệu năm về trước khi não bộ phát triển. vấn đề sanh tử. Ðối với con thú, sanh tử không phải là vấn đề vì chúng không ý thức được sanh tử. Ta không thấy con thú nào ngồi một chỗ rầu rĩ lo âu cho con cái hay lo âu vì vấn đề sanh tử hết sách. Sở dĩ ta vọt nhanh như vậy là vì khoa học đã vượt qua thế giới vật chất của trang sách để đến thế giới của điện tử và ánh sáng laser. Hiện thời khoa học đang ở giai đoạn dựa trên căn bản