CẢM CÚM Hằng năm không ai tránh khỏi bị cảm cúm đôi ba lần, nhất là vào mùa đông giá lạnh. Ho hen, đau cổ họng, nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, ách xì, đau nhức mình mẩy và bãi oãi tứ chi, có thể có sốt nóng chút ít, là những triệu chứng thường hay xảy ra lúc bệnh. GIỐNG NHAU MÀ KHÁC NHAU Triệu chứng cảm và cúm thường hơi giống nhau và cả hai đều do virus gây ra. Các loại siêu vi cảm cúm thường hoạt động mạnh vào mùa đông. Thường thì triệu chứng cảm nhẹ hơn triệu chứng cúm. Cảm (rhume, common cold) do cả trăm loại virus gây ra, tiêu biểu nhứt là Rhinovirus trong khi Cúm (grippe, influenza, flu) chỉ do rất ít loại virus gây ra mà thôi, vì lẽ nầy nên người ta chỉ có thể làm vaccin ngừa cúm chớ không thể nào làm vaccin ngừa cảm được. Phần đông chúng ta thường tự chữa lấy bằng những thứ thuốc có sẵn trong nhà như aspirin hoặc tylénol chẳng hạn. Có người còn phối hợp thêm một vài phương pháp ngoại khoa quốc hồn quốc túy Việt Nam như đánh dầu cù là, dầu gió xanh, cạo gió, bắt gió, giác hơi vv…cho mau hết bệnh. Đây là những chiêu mà tác giả thích nhất mỗi khi bị bệnh. Nói chung, các thuốc thông thường để chữa cảm cúm đều có thể mua một cách tự do, không cần phải có toa bác sĩ. Không phải vì thế mà chúng không có phản ứng phụ. Trước khi mua, bạn nên tham khảo với dược sĩ nếu bạn có vấn đề đặc biệt như đang bị bệnh tiểu đường, cao máu, có thai, hoặc mua cho cháu bé uống. Cũng nên cho dược sĩ biết nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc thiên nhiên nào đó mục đích để phòng tránh sự tương tác interaction có thể có giữa các loại thuốc với nhau. Thuốc làm giảm sốt và giảm đau nhức (analgésiques) Acide Acétylsalicylique hay AAS (Aspirin, Anacin, Entrophen, Novasen): làm xót bao tử, làm loãng máu, gây xuất huyết. Có thể tương tác với một vài loại thuốc khác như thuốc trị bệnh tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp glaucome, bệnh thống phong (goutte), và bệnh kinh phong (épilepsie). Không nên cho trẻ em dưới 18 tuổi uống vì có thể kéo theo hội chứng Reye, như ói mữa, tổn thương gan, não,co giật và chết. Để tránh xót bao tử nên uống thuốc lúc bụng đầy hoặc sử dụng các loại Aspirin có áo bọc bên ngoài (enrobé, enteric coated). Một vài loại có chứa chất caféine như Anacin, Antidol, Midol régulier, Pain aid, Dolomine 37. Liều lượng Aspirin cho người lớn: 325-650 mg /mổi 4 tiếng đồng hồ, tối đa 4000 mg /ngày. Trẻ em không được xài aspirin. Phụ nử mang thai 3 tháng cuối không nên sử dụng Aspirin. Acétaminophène (Tylénol, Atasol, Cephanol,222, Tempra): Không làm xót bao tử và tương đối an toàn hơn Aspirin, tuy vậy nên ăn một chút gì lúc uống thuốc, nhưng nếu uống thường xuyên với liều lớn có thể sẽ có hại cho gan (hépatotoxicité). Các người nào đang có bệnh viêm gan B-C không nên uống những loại thuốc có chứa chất acétaminophène. Mấy năm trước đây có một dạo tại Montreal thuốc Tylenol bán trong nhà thuốc thường hay bị kẻ gian chôm. Báo chí cho biết là hình như họ đem về để chặt với những loại xì ke ma túy gì đó, không biết có đúng không? Những thuốc có chứa codéine (lấy từ morphine) có tác dụng giảm đau nhanh, nhưng có thể bị ghiền nếu uống thường xuyên. Tại Québec, loại có chứa ít hơn 8mg codéine (Atasol, 222) mua khỏi cần có toa bác sĩ, còn acétaminophène có trên 8mg codéine như Emtec 30, Empracet 30, Triatec 30, Tylénol no 4 avec codéine, cần phải có toa mới mua được. Liều lượng Tylénol của người lớn: 325-650 mg, tối đa 4000mg/ngày . Trẻ em, dùng Tylénol pour enfant, hoặc Tempra10-15mg /kg thể trọng, tối đa 5 liều trong ngày. Ibuprofène (Advil, Motrin IB): Có thể làm xót bao tử, làm loãng máu, gây xuất huyết, tăng áp huyết động mạch và ảnh hưỡng đến chức năng hoạt động của thận. Làm giảm hiệu quả của vài loại thuốc trị cao áp huyết, và tương tác với thuốc trị bệnh tâm thần Lithium. Liều lượng người lớn 200- 400mg mỗi 4-6 giờ, trẻ em từ 2-11 tuổi, 7.5mg/kg, mổi 6-8 giờ, tối đa 30mg/kg thể trọng trong 1 ngày. Đối với trẻ em, có thể dùng thuốc dưới dạng giọt, nước, hoặc viên để nhai. Neo Citran dạng bột pha với nước nóng, uống như tisane. Thuốc có chứa chất acétaminophène và chất antihistaminique (maléate de phéniramine). Sirop Robitussin Miel Grippe : có chứa chất acétaminophène Mỗi liều 15 ml có 5000mg acétaminophène. Thuốc giúp giảm đau cổ họng Các loại kẹo ngậm thường có chứa chất Benzocaine (gây tê), phénol, hoặc chất Chlorhydrate de dyclonine (rất thích hợp cho trẻ em). Những người bị tiểu đường nên sử dụng pastille không có đường sucrose. Họ có thể xài Cepastat có phénol. Nếu cơn đau cổ kéo dài trên ba ngày thì nên đi khám bác sĩ. Pastille Benylin avec Echinacée et Menthe, giúp làm dịu cơn ho, nghẹt mũi. Life Sucrets pour Enfants, kẹo ngậm có chứa chất Chlorhydrate de dyclonine. Pastille Life Anesthésique Oral, có chất gây tê Benzocaine và Menthol. Pastille Bronet Lorenges, giảm đau cổ và diệt trùng. Pastille Dequadin, có chlorure dequalinium để diệt khuẩn và nấm . Pastille Benylin Energy Plus avec Ginseng et Menthol, Ginseng giúp tăng cường sinh lực. Các người nào bị cao áp huyết nên tránh dùng pastille có Ginseng. Thuốc Ho Ho khô cần phải uống những thuốc có chứa chất Dextromethorphane DM để làm dịu cơn ho. Tuy nhiên, phải cẩn thận vì chất DM có thể tương tác một cách nguy hiểm với các loại thuốc an thần như Prozac,và Paxil. Liều lượng DM ở người lớn là 15-20 mg. Các loại thuốc ho có chứa DM là Sirop Benylin DM, Balminil DM, Delsym DM, Robitussin DM và kẹo để nhai Triaminic Toux. Một số thuốc ho cũng có thể chứa chất Codéine. Chất nầy có tính làm dịu ho, nhưng nếu uống thường xuyên sẽ bị ghiền. Các loại sirop có codéine được cất giử phía bên trong quầy của dược sĩ. Pastille Sucrets DM, kẹo ngậm có vị ngọt nên khiến người bệnh có khuynh hướng ngậm nhiều. Mỗi liều có 5mg chất Bromhydrate de Dextromethorphane. Pastille Alpine, kẹo ngậm có Menthol và Eucalyptus. Menthol làm dịu cơn đau cổ và thông mũi. Phối hợp với Eucalyptus, nó sẽ giúp làm dịu cơn ho. Alpine cũng có thể ở dưới dạng Chewing gum nữa. Ho ướt có đàm cần phải sử dụng các chất thông đàm (expectorant) có chứa Guaifénésine (Sirop Balminil expectorant, Robitussin liquide, Sirop Benylin extra puissant, Calmylin expectorant sirop). Còn một loại sirop rất xưa (Sirop Lambert) có chứa menthol và goudron de pin. Một số sirop ho có tính ngầy ngật buồn ngủ, ngoại trừ những loại nào có ghi chữ non sédatif. Creo rectal, thuốc nhét hậu môn để trị ho. Bismutal, thuốc nhét hậu môn để trị viêm họng. Hai loại thuốc nầy đều có chứa chất Guaifénésine. Thuốc giúp thông mũi (décongestant nasal) Có 2 loại thuốc uống để thông mũi, đó là Pseudoéphédrine và phényléphrine. Chất Pseudoéphédrine (Sudafed, Pseudofrin) có tính kích thích nên gây mất ngủ, bởi lẽ nầy nên người ta thường phối hợp thêm chất antihistaminique để hóa giải tính trên. Tránh sử dụng chất Pseudoéphédrine nếu bị bệnh tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp (Glaucome), bệnh tim và bệnh triển dưỡng tiền liệt tuyến. Pseudoéphédrine cũng có tính làm tăng áp huyết, các người nào bị cao máu không nên uống loại thuốc nầy. Đối với trẻ em nhỏ tuổi, có thể dùng thuốc giọt dể uống (Dimetapp). Thuốc giọt nhỏ mũi (gouttes) và thuốc bôm xịt (spray) : tác dụng nhanh nhờ tiếp xúc trực tiếp vào niêm mạc mũi . Không nên xài thuốc bôm xịt quá thường xuyên, lâu ngày mũi sẽ quen thuốc và có nguy cơ bị viêm mũi vì thuốc, gọi là rhinite médicamenteuse và dẫn đến tình trạng nghẹt mũi mãn tính. Không nên sử dụng quá ba ngày. Thí dụ : Dristan, Vicks Sinex, Otrivin spray, Drixoral. Cũng có thể sử dụng nước muối Saline để nhỏ mũi không hạn chế và không có nguy cơ dẫn đến viêm mũi vì thuốc như trường hợp xài thuốc bôm xịt có chất Phényléphrine (Dristan), Oxymétazoline (Vicks Sinex) hoặc chất Xylométazoline (Otrivin). Kết luận Cảm cúm do virus gây ra cho nên không cần phải uống thuốc kháng sinh vô ích. Tất cả các loại thuốc trị cảm cúm chỉ có công dụng giúp cho ta bớt đau nhức, dễ chịu mà thôi,và sau một thời gian năm mười ngày, thường là sẽ tự nhiên hết bệnh. Tuy nói vậy, nhưng cũng phải đề phòng các biến chứng, như viêm phổi chẳng hạn có thể rất nguy hiểm nhất là đối với trẻ em, các cụ lớn tuổi cũng như đối với các người mà hệ miễn dịch đã bị suy yếu sẵn vì bệnh tật nào đó. Trường hợp có nóng sốt cao, hoặc triệu chứng có mòi gia tăng thì cần đi khám bác sĩ ngay lập tức. Nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, uống nhiều nước, ăn cam, ăn cháo gà thật nóng bỏ nhiều hành, gừng, nhiều tiêu, cạo gió, bắt gió, và thoa dầu, giác hơi, làm massage đấm bóp (ở nhà!), nếu có thể chơi luôn một nồi nước xông (mua trong tiệm thuốc Bắc) trùm mền kín cho ra mồ hôi như tắm cam đoan đã lắm và bạn sẽ khỏe lại ngay lập tức. Đó là cách chữa trị theo lối kết hợp Ta Tây một nhà. Tất cả đều là những phương cách giúp chúng ta mau lành bệnh. Nếu bạn vừa mới bắt đầu cảm thấy ớn ớn trong người, hơi đau cổ họng và ho hen xụt xịt thì nên nhớ đi ngủ riêng một mình ở chỗ khác cho yên, để tránh lây cho người khác và cũng để họ khỏi phải chịu cực hình bị bắt buộc nghe mình sũa suốt đêm bên tai. . chứng cảm và cúm thường hơi giống nhau và cả hai đều do virus gây ra. Các loại siêu vi cảm cúm thường hoạt động mạnh vào mùa đông. Thường thì triệu chứng cảm nhẹ hơn triệu chứng cúm. Cảm (rhume,. CẢM CÚM Hằng năm không ai tránh khỏi bị cảm cúm đôi ba lần, nhất là vào mùa đông giá lạnh. Ho hen, đau cổ họng, nhức. chất Xylométazoline (Otrivin). Kết luận Cảm cúm do virus gây ra cho nên không cần phải uống thuốc kháng sinh vô ích. Tất cả các loại thuốc trị cảm cúm chỉ có công dụng giúp cho ta bớt đau