Đến Bokeo ngắm… “tam giác vàng” Do công việc, chúng tôi đã vài lần đến Bokeo và tới được khu “Tam giác vàng” (Golden Triangle). Mảnh đất ngã ba biên giới của ba nước Lào – Thái Lan – Myanmar với những câu chuyện huyền thoại về cây thuốc phiện đã khơi gợi trí tò mò và mơ ước khám phá của bao người. Đường tới Bokeo quanh co và nên thơ Từ thủ đô Vientiane, có ba cách để tới Bokeo. Nếu đi đường hàng không mỗi tuần có 3 chuyến bay với hành trình khoảng hơn một giờ bay tới sân bay Huay Xay. Nhưng do Bokeo trên vùng núi cao, về mùa lạnh cuối năm hay có sương mù dày đặc, khó khăn cho việc hạ cánh nên chuyến bay thường bị trễ. Đường thủy xuất phát từ Luang Prabang, ngược dòng Mekong bằng thuyền máy hoặc tàu cao tốc. Đường bộ từ Vientiane theo quốc lộ 13 về phía bắc khoảng 900km đến Huay Xay. Nếu đi xe đò hết gần 30 giờ: ngày hôm trước khởi hành lúc 17g, xe chạy cả đêm lẫn ngày, 22g ngày hôm sau tới Bokeo. Tài xế xe đò ở Lào chấp hành rất tốt luật giao thông đường bộ: không vượt ẩu, không bóp còi inh ỏi, đi đúng phần đường của mình và đặc biệt không có cảnh “cơm tù” cho hành khách trên các tuyến đường dài. Nếu đi xe riêng nhiều người sẽ dừng chân nghỉ đêm tại Udom Xay, sáng hôm sau đi tiếp, 13g đến Huay Xay. Đường bộ đi từ thủ đô Vientiane qua các tỉnh: Vientiane (ở Lào có thủ đô Vientiane và tỉnh Vientiane), Luang Prabang, Udom Xay, Luang Namtha rồi đến Bokeo. Đường đi quanh co khúc khuỷu nhưng tương đối tốt, ít xe chạy nên tốc độ thường đạt 60-70km/g. Đi bằng đường bộ chỉ khoảng 80km đầu tiên là đường bằng phẳng còn lại toàn đèo dốc quanh co, núi rừng trùng điệp, mây vờn trên những ngọn núi nhấp nhô rất nên thơ. Hai bên đường nhiều nơi hoa cỏ nở tưng bừng. Bokeo là một tỉnh thuộc miền tây bắc Lào. “Bokeo” theo tiếng Lào nghĩa là “mỏ ngọc”. Được thành lập năm 1983, tách ra từ một phần của tỉnh Luang Namtha, Bokeo là tỉnh nhỏ nhất Lào. Thủ phủ của Bokeo là Ban Huay Xay (Huoei Xay) giáp với tỉnh Chiang Khong của Thái Lan trên dòng Mekong. Bokeo có 5 đơn vị hành chính: Ban Huay Xay, Ban Tôn Phueng, Ban Mueng, Ban Pha Udom, Ban Phak Tha. Diện tích 6.196 km2. Dân số khoảng 150.000 người, gồm nhiều dân tộc, cũng có một số người Việt (chủ yếu từ Lai Châu, Sơn La) do nhiều lý do khác nhau sinh sống tại đây. Điện lưới quốc gia đã phủ gần khắp nhưng dân cư chỉ ở thưa thớt theo trục quốc lộ. Do địa hình núi rừng nên Lào không phủ được sóng truyền hình trên mặt đất mà phải phủ sóng truyền hình quốc gia qua vệ tinh. Thỉnh thoảng gặp các sạp dựng ven đường bán các sản phẩm tự sản xuất như rau củ quả các loại hay cá khô. Ven đường có rất nhiều chòi nhỏ đóng kín, không có người. Hỏi ra mới biết đó là những chòi trữ lương thực của dân bản quanh đấy. Chòi cách xa nhà và không bị mất mát bao giờ! Những chòi chứa lương thực dự trữ của dân bản Ban Huay Xay thủ phủ của Bokeo là một thị xã miền núi, đường trong thị xã uốn lượn quanh co cũng giống như Pleiku hay Đà Lạt. Khách du lịch đến đây tương đối đông, chủ yếu những người thích loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Đặc biệt có cả khách đi xe đạp, môtô từ Vientiane. Trong những nhà hàng nằm dọc dòng Mekong, khách vừa thưởng thức ẩm thực vừa ngắm dòng Mekong mùa cạn hiền hòa, bên kia là tỉnh Chiang Khong của Thái Lan. Bên "Tam giác vàng"… hiền hòa “Tam giác vàng” thuộc Ban Tôn Phueng, cách trung tâm Bokeo theo đường bộ khoảng 80km. Chỉ 30km đầu đường được trải nhựa còn lại đường trải đá đã hư hỏng nhiều, xe không chạy nhanh được. Đường đang được tu sửa, nâng cấp để phục vụ cho khu casino đang được xây dựng tại đây. “Tam giác vàng” là một doi cát giữa dòng Mekong, đó là biên giới của ba nước: Lào – Thái Lan – Myanmar. Do không có nhiều thời gian và tình hình an ninh không đảm bảo nên chúng tôi chỉ đứng trên đất Lào nhìn sang phía Thái Lan – Myanmar ở bờ bên kia dòng Mekong. Dòng Mekong cuối mùa khô chảy êm ả. Ngược xuôi trên sông là những chiếc xuồng cao tốc xé nước, những chiếc tàu chở khách du lịch thanh thản ngắm đôi bờ, mang sắc cờ cả ba nước. Tàu chở khách du lịch mang cờ Thái Những biểu tượng quốc gia cũng đều vàng tươi sắc Phật vì cả ba nước đều tôn thờ đạo Phật. Chúng tôi nhớ đến những lời đồn, những câu chuyện dữ dội xung quanh chuyện trồng, buôn lậu thuốc phiện, ma túy ở chính nơi này. Chợt nhìn quanh nghi ngại rồi tự cười mình. Dòng Mekong mênh mang vẫn vô tư chảy, cây cối vẫn xanh um xung quanh những tượng Phật sắc vàng… như nơi đây chưa từng có những câu chuyện đó… Trên đường quay trở lại Huay Xay chúng tôi ghé vào Donsao, khu chợ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Ở đây hầu hết là hàng Trung Quốc và khách mua hàng chủ yếu từ Thái Lan. Chợ Donsao Do đã hẹn trước, dọc đường chúng tôi tới dự đám cưới của một anh bạn Lào ở Bokeo. Ăn cưới Lào Đám cưới người Lào cũng gần như đám cưới người Việt, cô dâu chú rể cũng đi các bàn chào khách và mời rượu. Tiệc cưới cũng có rượu, bia nhưng người Lào chỉ uống bia Lào không uống bất kỳ loại bia nào khác. Ngay cả trong quảng cáo trên Đài truyền hình quốc gia cũng khẳng định: Bia Lào khỏng khôn Lào (Bia Lào của người Lào). Có câu chuyện vui khi rượu bia là: người dân Bokeo uống bia nhiều nhất nước Lào vì lượng bia tiêu thụ tại Bokeo chỉ sau thủ đô Vientiane, trong khi đó dân số của Bokeo ít hơn nhiều so với thủ đô Vientiane. Một đặc điểm nổi bật trong các buổi lễ hội, tiệc tùng, đám cưới… là không bao giờ thiếu múa “lăm vông” truyền thống. Cả chủ, cả khách, già trẻ, gái trai đều vừa ăn tiệc vừa “lăm vông”. Chủ và khách cùng say mê bước theo điệu nhạc Sẽ thiếu nếu không nhắc đến một đặc sản của Bokeo: rượu kôngsađền được làm từ rượu nếp nấu và cây kôngsađền có rất nhiều ở Bokeo. Rượu khi uống nhẳng nhẳng đắng nhưng rồi thấy ngọt trong cổ. Chúng tôi chia tay Bokeo vào buổi sáng. Trong nhà hàng, khách và chủ cùng nâng ly rượu kôngsađền để ấm lòng kẻ ở người đi. Gió từ dòng Mekong trong lành làm xao xuyến kỷ niệm về vùng đất địa đầu xa xôi của xứ sở hiền hòa này. . Đến Bokeo ngắm… “tam giác vàng” Do công việc, chúng tôi đã vài lần đến Bokeo và tới được khu “Tam giác vàng” (Golden Triangle). Mảnh đất ngã ba biên. kia là tỉnh Chiang Khong của Thái Lan. Bên "Tam giác vàng"… hiền hòa “Tam giác vàng” thuộc Ban Tôn Phueng, cách trung tâm Bokeo theo đường bộ khoảng 80km. Chỉ 30km đầu đường được. nhắc đến một đặc sản của Bokeo: rượu kôngsađền được làm từ rượu nếp nấu và cây kôngsađền có rất nhiều ở Bokeo. Rượu khi uống nhẳng nhẳng đắng nhưng rồi thấy ngọt trong cổ. Chúng tôi chia tay Bokeo