Sả Pả – lối đi ở lưng chừng trời Một cung đường đầy thách thức. Một sự chinh phục đáng tự hào trên cao nguyên đá Hà Giang để đến Sả Pả bằng con đường ngang lưng chừng trời. Thung lũng Sả Pả nhìn từ trên đỉnh núi – Ảnh: Nguyen Nhịp điệu Sả Pả Trên bản đồ đường bộ Hà Giang, hai điểm Tráng Kìm – Đường Thượng dài xấp xỉ 40km được nối bằng ký hiệu tỉnh lộ liền nét màu vàng, một lối đi trông có vẻ khá dễ dàng với dân phượt. Xã Tráng Kìm thuộc huyện Quản Bạ, xã Đường Thượng lại thuộc huyện Yên Minh. Hai thị trấn tương ứng là Sẻo Lủng (Tráng Kìm) và Sả Pả (Đường Thượng) – cái tên sau vừa lạ vừa quen, cái âm điệu gần giống với vùng du lịch Sa Pa nổi tiếng của Tây Bắc đã làm tăng thêm khá nhiều lửa chinh phục trong lòng khách lãng du. Tôi gấp cuốn bản đồ rồi vùi đầu vào chăn ấm trong một nhà nghỉ vắng vẻ ở Tam Sơn – Quản Bạ, nhủ thầm mai sẽ lên Đồng Văn bằng con đường này thay vì tuyến đường 4C quen thuộc. Trải nghiệm nhớ đời Tôi dự kiến từ cổng trời Quản Bạ sẽ đi tới cầu Cán Tỷ và rẽ vào làng văn hóa Lùng Tám theo lối Tráng Kìm – Đường Thượng để ra Mậu Duệ, từ đây đường qua Lũng Phìn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng về Đồng Văn ôtô khách vẫn chạy mỗi ngày nên không đáng ngại, cung đường chỉ khoảng 120km nên tha hồ thong dong, cứ tối ngủ ở Đồng Văn là coi như kế hoạch hoàn thành. Rời Quản Bạ khoảng 10g sáng, còn đang thả hồn theo những cung đèo đã thấy xã Cán Tỷ bé nhỏ và lặng lẽ vài nóc nhà quần tụ giữa thung lũng, nép mình giữa hai dãy núi giăng thành xám xịt, bên dòng Nậm Điêng nước xanh ngằn ngặt. Trên cây cầu cũ hỏng, tôi ngắm nhìn cô gái người Mông đang giặt đồ trên bến sông, cạnh đó là đám trẻ con đang vầy nước đùa nghịch. Bên kia cầu là con đường rẽ phải vào Tráng Kìm – Đường Thượng. Xe chạy men theo bờ phải sông Nậm Điêng. Mặt đường khá tốt, tôi có thể chạy với tốc độ chừng 50km/giờ, hít căng lồng ngực gió trời và sương núi. Thật khoan khoái khi chạy xe dưới chân một vách núi hùng vĩ và không gian thì quá đỗi bình yên. Chạy được khoảng 20 phút, tôi dừng xe trên một đỉnh cao ngắm bản làng, núi đèo, sông suối, ruộng đồng…, thầm nghĩ tới mùa lúa chín bạt ngàn thung lũng hẳn nơi đây sẽ là một chốn sơn thủy hữu tình, một cung đường đáng giá cho dân phượt lang thang. Con đường bắt đầu gập ghềnh. Không còn là con đường trải nhựa mỏng ở đoạn đầu, cũng không phải là con đường đất nện hơi gồ lên sau đó mà là những rãnh nước bị xói mòn, những sống lưng ngựa trồi lên vắt ngang vắt dọc. Lao xe qua một cái ngầm nhỏ nằm khuất sau đám lá cây rậm rạp, tôi sững lại trước một ngã ba đường. Thật may, phía trước độ vài chục mét có một chiếc lán nhỏ sát bên lề đường, ở đó tôi gặp một cô gái theo chồng làm giáo viên điểm trường ở xã Tráng Kìm. Cô không biết con đường tôi đang đi sẽ dẫn về đâu nhưng nói hướng ngược lại là UBND xã. Sau một hồi cân nhắc về tình trạng con đường trước mặt rồi đong đo quyết tâm, tôi quyết định không bỏ cuộc. Con “chiến mã” bắt đầu gồng mình vượt qua những đoạn dốc cao lộc ngộc đá hộc lớn, đá hộc bé. Còn có đá hộc tức là đường đã có người qua, tôi nhủ thầm với lòng. Tôi không biết mình đã đi được bao lâu, qua bao nhiêu vách núi, hết lên rồi lại xuống. Bất chợt trước mặt là một đoạn thung lũng nhỏ có đồng ruộng, thấp thoáng dáng một người đàn ông. Mừng rỡ như cất đi được cả tảng đá lớn đang đè trong lồng ngực, tôi vội vã nhào tới hỏi đường nhưng lập tức không thể cười hết nụ vì người đàn ông Mông không nói được tiếng Kinh. Hỏi Đường Thượng thì anh chỉ biết chỉ tay vu vơ về phía núi, gật lắc đầu một cách vô thức, khuôn mặt hiền lành ngơ ngác. Chạy xe thêm được vài trăm mét thì phía trước là cả một trảng cỏ dại xanh um, núi giăng thành, con đường đá trở thành lối mòn chỉ dành cho người đi bộ. Ở tít phía bên trái, vào độ hơn nửa cây số có vài mái nhà nằm cheo leo lưng núi, một lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới cao hơn cả những ngọn cây. Đó là một điểm trường của Sẻo Lủng. Những mái nhà trình tường, mái gỗ xộc xệch, củi chất đầy quanh sân vườn. Có ba cô giáo trẻ và một đám học sinh đủ các lứa tuổi đang chơi trong sân. Đám trẻ rụt rè nấp vào lưng nhau, nấp sau ô cửa, tò mò nhìn vị khách lạ đang lôi trong balô ra bánh kẹo và cả cà phê. Bánh kẹo dành cho bọn trẻ, cà phê làm quà cho các cô giáo. Hỏi chuyện các cô giáo xa nhà đem cái chữ đến cho dân bản vùng sâu vùng xa, thấm thía cái khó nhọc và trầm buồn của cuộc sống nơi rẻo cao nhưng cũng thấy an lòng bởi những cặp mắt trẻ thơ trong veo và tiếng cười tan nhanh trong gió của ba cô giáo trẻ. Tạm biệt họ, tôi quay xe ra chỗ con đường biến thành lối mòn lẫn trong đám cây dại cao vượt đầu người, đi bộ vài mét để đánh giá tình hình. Thật sự tôi không biết nên gọi lối đi dưới chân mình là gì. Nếu đi bộ thì cũng bước thấp bước cao nói gì đến đi xe máy. Nhưng có điều gì đó thôi thúc tôi, có thể là cảm giác muốn được trải nghiệm cung đường mới, muốn chứng tỏ bản thân sẽ vượt qua được mọi khó khăn, muốn được phiêu lưu và mạo hiểm, muốn được… hành xác để nhận ra giá trị của hạnh phúc. Tôi tiếp tục hành trình với nỗi lo canh cánh: hết xăng! Cứ thế tôi dắt xe, bê xe, đẩy xe, chạy xe trên con đường có đoạn hẹp chỉ đặt vừa bánh xe máy, có đoạn rộng thênh thang như quốc lộ nhưng trải một lớp đá cuội to tướng, có đoạn ướt đẫm vì nước suối chảy ra từ lòng núi, có đoạn nằm ngạo nghễ trên sườn núi, có đoạn chìm nghỉm trong rừng cây. Chiếc xe gào lên, gầm đập liên hồi vào đá, tay lái không ngừng va quệt vào đám cây bụi hai bên lối đi. Nhọc nhằn đường đến Sả Pả Sả Pả là đây! Rồi tôi gặp một nhóm người dân tộc đi chợ phiên Đường Thượng về nghỉ ăn trưa ngay sát nơi có thể coi như ranh giới của Tráng Kìm và Đường Thượng. Từ đây đã nhìn thấy Sả Pả nằm cuối con đường ngoằn ngoèo chạy giữa lòng thung lũng, xung quanh núi đá tầng tầng lớp lớp bao bọc như răng cưa. Nhưng càng đi tôi càng hoang mang như thể đã đi vào một mê cung. Sả Pả nằm ở ngay trước mắt mà sao tôi đi mãi vẫn thấy mình đang ở trên lưng chừng trời, lối mòn vẫn đi xuống theo hình ziczăc và tuyệt nhiên không một bóng người. Chiều dần xuống. Không khí trên núi bắt đầu lạnh hơn và lặng hơn. Sau khoảng ba giờ vật lộn cô độc với lối mòn lưng chừng trời thì nó biến thành một lòng suối đá rộng lớn chạy dọc theo một kênh dẫn nước. Niềm vui khi thấy sự tồn tại của con người khiến bao vất vả, nhọc nhằn trong tôi như tan biến, tan cả cơn đau vì đã phải ghì xe, nhấc xe và cả ngã xe. Đã thấy từ xa thấp thoáng những ngôi nhà. Không còn nỗi lo hết xăng, lạc đường và ngủ đêm trong rừng, không còn những nhọc nhằn gian khổ. Tất cả đã lùi lại, đã ở lại phía sau lưng, ở lại với một buổi chiều chinh phục. Sả Pả là đây. Những mái nhà tranh vách đất chợt bừng lên trong nắng quái chiều hôm. Như một phần thưởng dành cho tôi, cả thung lũng đang được nhuộm vàng óng bởi tơ trời. Những em bé địu nước tất tả dọc con đường. Hai cha con hối hả địu thân ngô từ ruộng trở về nhà. Đám trẻ nô đùa trong sân đất bụi. Một khoảnh ruộng đông vui những đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ. Người luôn tay gặt thoăn thoắt, người đập lúa rộn ràng, bọn nhóc tíu tít vác lúa đi lại trên cánh đồng, nói cười hỉ hả. Cuộc sống sao thật bình yên. Tôi nằm xoài mình trên những gốc rạ, ngửa mặt nhìn trời xanh, mây trắng, nắng vàng, bật cười khi nhớ lại người đàn bà đầu tiên mình gặp khi đặt chân vào đất Sả Pả. Chị bảo từ sau khi con đường Tráng Kìm – Đường Thượng bị lũ phá đến nay, đã hơn một năm rồi mới thấy có người đi xuống từ lối này bằng xe máy! Phút nghỉ chân trên núi cao Hai cô bé đang địu nước về nhà . Sả Pả – lối đi ở lưng chừng trời Một cung đường đầy thách thức. Một sự chinh phục đáng tự hào trên cao nguyên đá Hà Giang để đến Sả Pả bằng con đường ngang lưng chừng trời. Thung lũng Sả. càng hoang mang như thể đã đi vào một mê cung. Sả Pả nằm ở ngay trước mắt mà sao tôi đi mãi vẫn thấy mình đang ở trên lưng chừng trời, lối mòn vẫn đi xuống theo hình ziczăc và tuyệt nhiên không. tay lái không ngừng va quệt vào đám cây bụi hai bên lối đi. Nhọc nhằn đường đến Sả Pả Sả Pả là đây! Rồi tôi gặp một nhóm người dân tộc đi chợ phiên Đường Thượng về nghỉ ăn trưa ngay sát