Làng sách bên dòng Wye Hay-on-Wye (Hay bên sông Wye) là một thị trấn nhỏ nằm ở biên giới giữa England (bộ phận chủ yếu trong Vương quốc Anh) và xứ Wales. Được xem là có phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ nhất xứ Wales, Hay là một thị trấn bình yên với những đồng cỏ xanh mượt trải dài, trên đó có những đàn cừu, đàn bò thong dong gặm cỏ. Dù không nằm trên trục giao thông chính (ga tàu gần nhất cách nơi này hơn 35km), nhưng Hay vẫn có sự thu hút đặc biệt đối với du khách, nhất là những ai mê sách, hay đơn giản chỉ là thích lang thang hiệu sách. Thị trấn của sách, của hiệu sách… Hiệu sách ở Hay Sách, hay chính xác hơn là sách cũ, đã đưa tên của thị trấn vùng biên giới này lên bản đồ du lịch. Không hẳn là ai đến Hay cũng là người mê đọc sách hay thích săn lùng sách cũ, nhưng chắc chắn nhiều người muốn một lần đặt chân đến thị trấn của sách đầu tiên trên thế giới. Người ta tò mò, muốn tìm hiểu xem bằng cách nào các hiệu sách cũ ở một thị trấn nhỏ bé, giao thông chẳng mấy thuận tiện mà hàng năm lại có thể thu hút một lượng khách du lịch gấp vài chục lần dân số địa phương. Có thể thấy sách khắp mọi nơi ở Hay. Trong các cửa hiệu, sách được bày ngay ngắn trên kệ, sách nằm dọc hai bên cầu thang dẫn xuống tầng hầm hoặc lên tầng áp mái, cũng có khi chúng ngồi trong những chiếc hộp hay giỏ mây dưới sàn nhà để khách dễ chọn mua. Một khi đã bước vào bất cứ hiệu sách ở đây là thấy sách nối nhau mời gọi hết sức lôi cuốn “Tất cả chỉ 99 xu” hay “Trên tầng áp mái hoặc dưới hầm, giá còn rẻ hơn nữa”. Dạo quanh các con đường nhỏ trong thị trấn, thỉnh thoảng có thể bắt gặp những kệ sách kê ngay ngoài trời. Cả người đi ngắm cảnh lẫn kẻ tìm mua sách đều thích thú với những kệ sách đặt dưới gốc cây, cạnh một bờ tường phủ đầy dây leo xanh hay trong một khoảng vườn với hoa và cây trồng trông hơi mất trật tự nhưng tự nhiên, đúng kiểu “vườn nhà” ở Anh. Ai có thể làm ngơ khi trông thấy một tủ sách treo trên vách tường bên ngoài một cửa hàng sách với những quyển thu hút từ tựa đề, cách trang trí bìa đến giá cả rẻ bất ngờ cùng với lời mời bước vào bên trong để tha hồ ngắm nghía và chọn lựa. Bản thân các hiệu sách ở Hay cũng tạo cho du khách sự thích thú như chính những quyển sách bày bán ở đây. Hiệu sách ở Hay không chỉ là những cửa hàng chuyên bán sách trên những con phố lớn. Phòng khách của một gia đình có cửa sổ lớn, rèm thêu đăng ten nhìn ra vườn hoa hay căn nhà ở một khúc quanh hơi khuất tầm mắt giữa hai con hẻm nhỏ hoặc một tòa lâu đài cổ đều được dùng để bán sách và có tên trong bản đồ các hiệu sách. Hiệu sách ở Hay còn có thể là một ki-ốt hay vài kệ sách dựng bên đường bày những quyển sách bán hoài không ai mua. Hoàn toàn không có người bán ở những hiệu sách như thế. Người mua chọn sách và tự động bỏ tiền vào chiếc hộp như hộp thư ở ngay đấy. Bốn mươi hiệu sách cũ lớn và nhỏ như vậy trong một thị trấn đi bộ nửa buổi là hết vẫn có thể níu chân người mê sách đến vài ngày! Một tủ sách ngoài trời Sách bên gốc cây Trong tòa lâu đài từ thế kỷ XIII trên quả đồi tâm điểm của thị trấn, hiệu sách lâu đài Hay (Hay Castle Bookshop) là địa chỉ các du khách không thể bỏ qua. Sau bức tường thành và chiếc cổng vòm bằng đá, sân tòa lâu đài mở ra với những kệ sách ngoài trời. Theo các bậc cấp dẫn lên đỉnh đồi, chúng tôi tìm thấy đường vào bên trong hiệu sách. Hiệu sách lâu đài Hay gồm nhiều gian, được chia thành nhiều khu vực và chủ đề. Sàn nhà bằng gỗ thô và cũ kỹ, kệ sách gỗ với nhiều cuốn sách đã ngả vàng, mấy bức ảnh đen trắng bày bán đã lấm tấm… Không khí xưa cũ nghiêm trang khiến ai cũng cố gắng để không bước đi quá mạnh hay nói quá to. Tôi chợt nhận ra một điều không bao giờ cũ khi đi giữa hàng giá sách cao ngất ngưởng và nghe lỏm được câu chuyện giữa người bán sách tóc đã trắng và anh bạn trẻ vừa tìm thấy quyển sách đã săn lùng từ lâu. Phải chăng điều đó giải thích vì sao trong thời đại mà chỉ với một cú click chuột là sách đã đặt hàng sẽ được giao đến tận cửa nhà, thì người người vẫn đến Hay tìm sách. …và của lễ hội sách nổi tiếng thế giới Sách nhìn ra vườn Sách dưới tầng hầm và bên cửa ra vào Từ một thị trấn nhỏ bé vùng ven, Hay trở thành trung tâm sách cũ của thế giới khi Richard Booth – một sinh viên tốt nghiệp Đại học Oxford mở hiệu sách cũ đầu tiên vào năm 1961. Khá thành công với hiệu sách đầu tiên, Booth mở thêm vài hiệu sách nữa trước khi dân kinh doanh sách cũ từ nhiều nơi đổ về Hay. Ngày nay, mỗi tháng sách cũ vẫn được chuyển đến Hay từ các nhà sách ở Anh và Mỹ, từ các thư viện hay những tủ sách gia đình. Hay quả đúng như những lời giới thiệu trên một website du lịch, rằng nếu có đủ thời gian, tiền bạc và cả sự kiên nhẫn, có thể chúng ta sẽ tìm được mọi thứ ở Hay, từ một cuốn truyện đã sờn gáy quăn góc giá chỉ vài mươi xu cho đến những quyển sách dày cộp bìa da trịnh trọng trong một bộ sưu tập vô giá nào đó. Được biết đến đầu tiên với sách cũ, Hay giờ đây còn nổi tiếng hơn với lễ hội sách được tổ chức hàng năm trong suốt mười ngày cuối tháng 5 – đầu tháng 6. Thị trấn chưa đến 1.500 dân này đón đến 80.000 người tham dự hội sách mỗi năm. Một bãi cỏ rộng bên ngoài trung tâm thị trấn được dành riêng cho lễ hội với quầy triển lãm của các nhà in, nhà đóng sách hay nhà xuất bản. Ghế xếp được chuẩn bị sẵn để mọi người có thể ngồi đọc sách, hoặc nếu muốn, người ta cũng có thể nằm dài trên cỏ với quyển truyện yêu thích của mình. Có rất nhiều hoạt động trong chương trình hội sách: các buổi nói chuyện, trao đổi thảo luận xen kẽ với biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim, trong đó phần thu hút nhất luôn là các cuộc giao lưu giữa người viết và người đọc. Người tham dự có thể nghe tác phẩm mới nhất của nhà văn họ yêu thích do chính tác giả đọc, đặt câu hỏi với cây bút họ hâm mộ và xếp hàng chờ ký sách. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng là một trong những nhân vật khách mời của lễ hội sách ở Hay cách đây vài năm. Lễ hội có cả chương trình dành riêng cho các em nhỏ, gọi là “Hay Fever” – một cách chơi chữ tinh nghịch của ban tổ chức. Những ngày này ở Hay, không khí đọc có thể được cảm nhận khá rõ ở khắp nơi, trên các chuyến xe bus đến Hay, trong các quán cà phê hay trong khu vực lễ hội. “Không có gì lạ khi bắt gặp hình ảnh du khách đến Hay với chiếc túi đựng những quyển sách yêu thích để rồi rời Hay với một túi sách nặng hơn, đủ để đọc cho đến mùa lễ hội năm sau” – đó là lời nói nửa đùa nửa thật của người bạn tôi mới quen ở Hay. Vẫn bình yên đúng nghĩa một ngôi làng Sách ngoài vườn Cuối tháng 5, Hay nhộn nhịp với các hoạt động lễ hội và tràn đầy màu sắc với các phiên chợ cuối tuần. Nhưng phía sau con phố chính với những cửa hiệu buôn bán lớn vẫn là một Hay khác rất bình dị. Nằm cạnh nhau quanh những con phố nhỏ hơn là các cửa hàng kinh doanh theo kiểu gia đình hoặc hiệu sách nhỏ chỉ với vài kệ sách. Cửa hàng bán vải len đặc trưng xứ Wales ấm áp màu trang trí tím hồng. Quán trà ấm cúng với vài chiếc bàn nhỏ phủ khăn ca-rô đơn giản. Một gallery nơi tác giả sẵn lòng trò chuyện cùng người ngắm tranh. Vài chiếc bàn bày những rổ dâu tươi đầu mùa được rao là “trồng ở vườn nhà” như muốn tràn ra phố. Một chú bé bán hàng cùng mẹ, má căng đỏ chăm chú nhìn theo một cô bé nước mắt vòng quanh đang vòi mẹ mua dâu. Dù tên tuổi đã được biết đến, Hay vẫn chưa bị thương mại hóa quá nhiều bởi du lịch. Du khách vẫn còn được hưởng khá trọn vẹn không khí phố xá cổ xưa khi đi dạo quanh thị trấn. Không có tiếng còi xe vì xe hơi không được chạy vào khu phố trung tâm. Không có khách sạn của những tên tuổi lớn, thay vào đó là nhà nghỉ do dân địa phương kinh doanh, đơn giản nhưng ấm cúng. Mặc cho khách du lịch than vãn về chuyện không thể đặt được phòng ở tại Hay trong thời gian lễ hội, thị trấn này dường như không có ý định mở thêm nhà nghỉ. Anh bạn mà chúng tôi gặp ở Hay bảo rằng sẽ may mắn khi tìm được nhà trọ sinh viên ở một thị trấn cách Hay gần 13 cây số để hàng ngày đạp xe đi về xem sách. Tôi hiểu điều đó khi phải theo dòng người luyến tiếc rời Hay cho kịp chuyến xe bus cuối cùng lúc 5 giờ chiều… Thêm mươi bước chân nữa xuống một con dốc nhỏ, chúng tôi trông thấy màu xanh mượt của đồng cỏ, hoàn toàn không bị che khuất bởi nhà cửa nữa. Chảy qua những đồng cỏ xanh ấy là sông Wye. Đứng bên sông gió thổi mát lạnh, chúng tôi để cho mắt mình thư giãn với màu xanh của cỏ cây hai bên bờ sông. Từ góc này, cách lâu đài Hay chỉ ba con phố nhỏ, Hay hoàn toàn không giống một “trung tâm của thế giới sách”, mà thật sự là một làng quê yên bình bên dòng Wye hiền hòa. Nhâm nhi cà phê Việt Nam bên trang sách Một con hẻm nhỏ ở Hay Phiên chợ cuối tuần trong sân lâu đài Hay . Làng sách bên dòng Wye Hay-on -Wye (Hay bên sông Wye) là một thị trấn nhỏ nằm ở biên giới giữa England (bộ phận chủ yếu. khách, nhất là những ai mê sách, hay đơn giản chỉ là thích lang thang hiệu sách. Thị trấn của sách, của hiệu sách Hiệu sách ở Hay Sách, hay chính xác hơn là sách cũ, đã đưa tên của thị. toàn không giống một “trung tâm của thế giới sách , mà thật sự là một làng quê yên bình bên dòng Wye hiền hòa. Nhâm nhi cà phê Việt Nam bên trang sách Một con hẻm nhỏ ở Hay Phiên chợ