Bạn có bi quan không? Khi ta bảo ai bi quan, là ta muốn nói người đó tiên liệu rằng mọi sự sẽ cực tệ hại. Trái lại, người lạc quan có khuynh hướng coi cái gì cũng tốt đẹp và dù làm việc gì cũng tin chắc sẽ được như ý. Hai thái độ đó, thái độ nào tốt? Chắc bạn muốn đáp ngay: thái độ lạc quan, dĩ nhiên! Nhưng đâu có thể đáp giản dị như vậy được. Trái lại vấn đề đó rất gai góc, nhân loại từ mấy ngàn năm nay chưa giải quyết dứt khoát được đấy. Trên một bình diện nào đó thì lạc quan tốt hơn là bi quan, phải. Muốn lập gia đình, cất nhà hay tiến hành một công việc làm ăn nào thì theo nguyên tắc, nên nghĩ thầm rằng mọi sự sẽ hoàn hảo. Phải dám liều và nuôi hi vọng mới được. Nhưng đứng trước một vấn đề quan trọng cho khắp thế giới, chẳng hạn vấn đề: sẽ có chiến tranh nguyên tử không, thì không thể lí luận như vậy được. Trong trường hợp đó, tuyên bố một cách lạc quan rằng "tai họa không xảy ra đâu", tức là tự an ủi một cách dễ dàng quá, mà thiếu óc thực tế, vì thế giới đã như vầy (đúng hơn là đã trở thành như vầy vì lỗi của loài người) thì chúng ta bắt buộc phải nghĩ rằng cái họa chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra được lắm. Nhưng mặt khác sống mà luôn luôn lo sợ tai họa, thì cũng là lầm lẫn lớn. Vậy trước những vẫn đề quan trọng thì thái độ nào hơn cả? Đối với thế giới và đời sống, xét chung, ta nên coi thái độ ra sao? Thái độ bi quan: thế giới này hỏng, đời sống chỉ là một chuỗi đau khổ? Hay thái độ lạc quan: thế giới này tốt đẹp, con người có thể sống sung sướng được? Đặt vấn đề như vậy là đặt sai, vì chỉ đưa ra hai thái độ trái ngược nhau và buộc ta phải lựa chọn lấy một. Mà thực ra còn có thái độ thứ ba nữa, thái độ ta sắp xét dưới đây. Nếu bạn tự hỏi thái độ của mình đối với cuộc đời ra sao thì có lẽ bạn sẽ do dự không đáp được. Vì lạc quan hay bi quan đều tùy tâm trạng từng lúc của mỗi người. Trong những lúc khoan khoái, bạn thấy vũ trụ như hòa hợp với mình. Bạn sung sướng và bảo: Đời đẹp quá, thế giới này tốt, loài người cũng tốt. Những lúc gặp vận đen, bạn lại chua chát bảo thế giới này hỏng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tâm trạng ta, làm cho ta có khuynh hướng lạc quan hay bi quan: thể chất của ta, tình khí của ta, kinh nghiệm của ta (đặc biệt là những kinh nghiệm thời nhỏ), rồi tuổi tác, nòi giống nữa (giống người Slave ở Bắc và Đông Âu thường bi quan, còn các giống người ở bờ Địa Trung Hải - nhất là người Ý - thường lạc quan). Nhưng cái khuynh hướng tự nhiên đó không nhất định là không thay đổi trong suốt đời người. Nó chỉ là một trong các yếu tố thôi. Vì lạc quan hay bi quan không phải chỉ là những khuynh hướng tự nhiên, còn là những phán đoán của ta về thế giới và đời sống nữa, những phán đoán này gom lại thành quan niệm của ta về vũ trụ. Có quan niệm ra sao là tại ta một phần. Cũng nên xem xét hai thái độ lạc quan và bi quan đó, thái độ nào xuất hiện sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Đọc truyện cổ tích của các dân tộc bán khai thì ta tưởng rằng nhân loại thời xưa lúc nào cũng sống trong cảnh lo sợ hết tai nạn này tới tai nạn khác. Trong các cổ thư của mọi nền văn minh, chẳng hạn trong Cựu ước, chúng ta thấy loài người phàn nàn về cuộc sống khó khăn, giàu sang hay nghèo hèn rồi cũng phải chết, họ oán số phận nghĩa là các vị thần - hay đấng Thượng Đế - sao mà tạo một thế giới xấu xa, đau khổ như vậy. Nhưng chúng ta cũng thấy họ xây dựng đời sống và hóa công, nhiều khi vừa than oán mà vừa ca tụng. Nếu bạn tự hỏi: cõi đời này tốt hay xấu thì bạn phải bắt buộc trả lời nó vừa xấu vừa tốt, vì nó có nhiều cái tốt mà cũng có nhiều cái xấu, và lắm khi, cái mới đầu tưởng là tốt thì sau hóa xấu, hay ngược lại. Cõi đời biến đổi hoài thì không thể nào chỉ có tốt hay chỉ có xấu. Y như con người vậy; có người nào tốt hẳn hoặc xấu hẳn suốt đời đâu, có lúc tốt, có lúc xấu. Các triết gia và thần học gia mọi thời và mọi xứ đều suy nghĩ về đổi tính (dualitê) đó và đưa ra những thuyết rất khác nhau. Đạo Phật cho rằng thế giới không tốt không xấu: nó chỉ là ảo tưởng, chỉ có cái không, cõi niêt bàn mới là thực. Vậy thì chỉ cần đừng lưu luyến gì với thế giới ảo tưởng này nữa, diệt được khổ rồi thì linh hồn được vào cõi niết bàn (nó không phải là hư không mà là cái nhất, cái toàn thể bí mật không thể chia ra từng phần được, mà ta có thể gọi là Đại Ngã hay Thượng Đế). Đối với người Do Thái thì Thượng Đế đã giao thế giới cho hai vị thần: thần phá hoại và thần chân lí coi trong các bản cổ thư viết tay mới tìm được ở Tử Hải), và hai vị đó tranh giành nhau nhân loại. Còn những người theo đạo Ki Tô, thì tin rằng chúa cho quỷ Satan có quyền hành lớn trên thế giới. Goethe bảo trong suốt lịch sử, nhân loại lo cứu rỗi linh hồn mình, vậy lịch sử nhân loại là lịch sử sự chiến đấu giữa chúa và Satan. Bọn người bi quan bảo: phải, nhưng trong cuộc chiến đấu đó, nhất định là Satan thắng nhiều hơn, và phần thắng của cái thiện rất nhỏ nhoi, nếu không phải là con số không. Nhưng người ta cũng có thể nói: sống trong cuộc chiến đấu bất phân thắng bại đó, tôi quyết tâm đứng về phe thiện. Hoặc bảo: đã không giải được cái lưỡng nan đó thì tôi bỏ nó đi, không bàn tới. Có những vấn đề gai góc không sao giải được, thì cứ bỏ lửng, đó là dấu hiệu sáng suốt và thành thực. Các nhà vật lí ngày nay đã nhận rằng trong trình độ tri thức của loài người, có những vấn đề không sao giải được, thì tại sao về triết lí chúng ta lại không có tinh thần khiêm tốn như họ? Nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được điều này; nếu chúng ta đã kinh nghiệm chua chát rằng đời là khổ thì chúng ta cũng phải nhận rằng, ngược lại, chúng ta cũng có thể tìm được niềm vui và hạnh phúc trong đời, và ngay trong những cơn đau khổ, chúng ta vẫn có thể giữ được tinh thần tự do ( ) Thế giới còn đương tiến, còn chưa đạt được cái đích là không gây khổ nữa, mà chúng ta còn là những khách trên đường đời, nhắm về đích đó thì chúng ta nên chấp nhận tính cách không tốt không xấu của thế giới đi, cứ sống giữa những mâu thuẫn đó đi, có gặp cảnh đau khổ thì ráng chịu và tìm hạnh phúc trong sự tin tưởng rằng đau khổ có cái nghĩa thâm thúy của nó. Đó, theo tôi, thái độ thứ ba là như vậy. Không bi quan, không lạc quan mà dũng cảm. Nghĩa là can đảm tin chắc rốt cuộc các nỗi đau khổ của ta sẽ hóa ra hữu ích và chính đáng trong một vũ trụ mà chúng ta chưa hiểu được quy luật ra sao. Nuôi cái hi vọng mù quáng đó, là bổn phận của con người. Ai làm tròn được bổn phận ấy thì sẽ hiểu được lời của triết gia Epictète (thế kỉ thứ nhất sau tây lịch), lời tôi sẽ lựa để sau này khắc lên mộ chí của tôi: "Đã tới cái lúc con dự xong buổi hội rồi ra về ư? Con đi đây, và con xin cảm ơn Thượng Đế đã không chê con mà cho con được dự hội với Ngài, được thấy những công trình Ngài và ngắm triều đại của Ngài". . Bạn có bi quan không? Khi ta bảo ai bi quan, là ta muốn nói người đó tiên liệu rằng mọi sự sẽ cực tệ hại. Trái lại, người lạc quan có khuynh hướng coi cái gì. thực ra còn có thái độ thứ ba nữa, thái độ ta sắp xét dưới đây. Nếu bạn tự hỏi thái độ của mình đối với cuộc đời ra sao thì có lẽ bạn sẽ do dự không đáp được. Vì lạc quan hay bi quan đều tùy. quan hay bi quan không phải chỉ là những khuynh hướng tự nhiên, còn là những phán đoán của ta về thế giới và đời sống nữa, những phán đoán này gom lại thành quan niệm của ta về vũ trụ. Có quan