Chính sách biên viễn của Đại Việt thời Lê sơ - 2 pptx

7 232 0
Chính sách biên viễn của Đại Việt thời Lê sơ - 2 pptx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Chính sách biên viễn của Đại Việt thời Lê sơ 2 Trong những cuộc nổi dậy của các thổ tù dưới thời Lê sơ, thì đáng chú ý hơn cả là những cuộc nổi dậy của các thổ tù người Thái ở Tây Bắc, của các thổ tù người Tày ở phía Bắc và cuộc cát cứ của thổ tù họ Cầm ở châu Ngọc Ma, phía Tây Nghệ An. Cuối năm 1431, thổ tù người Thái trắng ở châu Ninh Viễn (Lai Châu) là Đèo Cát Hãn nổi dậy, câu kết với một thổ tù Ai Lao là Kha Lại, chiếm cứ một vùng biên cương phía Tây Bắc chống lại triều đình, không chịu nộp cống phú. Họ Đèo vẫn là một dòng họ thống trị lớn của người Thái Tây Bắc. Trong thời Minh thuộc (1407 – 1427), Đèo Cát Hãn đã đầu hàng nhà Minh, câu kết với quân Minh đàn áp lại phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương. Nhưng đến năm 1427, Đèo Cát Hãn lại xin quy thuận theo nhà Lê và vẫn được phong cho chức tước cai quản châu Ninh Viễn như cũ. Đến lúc này, họ Đèo lại nổi dậy mưu đồ cát cứ, đem quân cướp phá các vùng lân cận như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng. Hành động của Đèo Cát Hãn đã gây ảnh hưởng xấu trong hàng ngũ thổ tù thiểu số miền biên viễn, nếu không trấn áp kịp thời thì nền thống nhất quốc gia của Đại Việt mới được xác lập sẽ bị đe dọa. Do vậy, Lê Lợi đã thân chinh chia quân làm hai đường thủy bộ cùng tiến lên châu Ninh Viễn. Quân của Đèo Cát Hãn nhanh chóng bị đại bại. Trong cuộc hành quân trấn áp này, lúc đi và về, Lê Lợi có làm hai bài thơ ngũ ngôn và thất ngôn để ca ngợi chiến công của mình. Nhà vua sai tạc núi bên bờ sông Đà, khắc hai bài thơ ấy, để đề cao uy tín của triều đình trung ương và nhằm cảnh tỉnh các thổ tù thiểu số sau này. Dưới triều Lê Thái Tông, một số thổ tù người Thái khác cũng chiếm cứ lấy châu huyện, kháng cự lại triều đình. Năm 1439, thổ tù họ Cầm ở các châu Phù Yên, Sơn La, Tuần Giáo, Mai Sơn thuộc phủ Gia Hưng nổi lên kháng cự lại triều đình và đánh phá vùng biên giới. Họ Cầm cho người sang cầu cứu Ai Lao để tăng thêm uy thế. Vua Ai Lao sai tướng Nữu Hoa đem trên 3 vạn quân vượt qua biên giới, lấy danh nghĩa cứu viện để cướp phá các vùng thuộc châu Phục Lễ. Vua Lê Thái Tông tự thân chinh đem một đạo quân lớn lên đánh bại quân Ai Lao và buộc họ Cầm phải quy phục, triều cống. Năm 1440, vua Lê Thái Tông tự thân chinh tiến quân lên đến phủ Gia Hưng để đánh dẹp viên thổ tù tên là Nghiễm liên kết với thổ tù Ai Lao chống lại triều đình trung ương. Thổ tù Nghiễm phải dâng voi, trâu, nộp cống phẩm xin quy thuận. Năm 1441, Nghiễm lại liên kết với Ai Lao làm phản, Lê Thái Tông lại thân chinh lần thứ hai, đánh bại tên Nghiễm và bắt được một viên tướng Ai Lao. Nghiễm cuối cùng phải ra hàng và cũng bị bắt giải về kinh đô Thăng Long. Trên dọc vùng biên giới Việt – Trung, ngoài những cuộc nổi dậy mưu đồ cát cứ, kháng cự với triều đình trung ương của các thổ tù thiểu số, còn không ít vụ lấn chiếm, nhằm cướp của, bắt người và súc vật của bọn quan lại nhà Minh cai trị vùng biên cương của Trung Quốc. Các vua triều Lê sơ tỏ ra rất cảnh giác với các hoạt động ăn cướp này và trừng trị nghiêm khắc số quan lại không hoàn thành chức trách trông coi lãnh thổ của Tổ quốc. Vào tháng 5 năm Quang Thuận thứ 8 (1467), quân Minh gồm hơn 1000 người do Sầm Tổ Đức cầm đầu đánh sang châu Thông Nông phủ Bắc Bình, thuộc Cao Bằng, cướp bóc người, trâu bò, súc vật và tài sản của nhân dân. Vua Lê Thánh Tông đã sai viết thông tư cho viên Bố chánh sứ tỉnh Quảng Tây đòi lại người và súc vật. Một mặt khác, nhà vua sai Phan Tiến, Giám sát ngự sử Bắc Đạo đến Bắc Bình xét hỏi việc này, bắt hai viên quan trấn thủ vùng biên giới của nước ta là Phố Tổng tri Lê Lục và Đổng Tổng tri Nguyễn Lượng. Hai người này đều phải đày đi viễn châu, vì tội canh giữ phòng bị biên giới không cẩn thận, để đến nỗi quân Minh có thể xâm phạm, cướp bóc. Nhân vụ việc này, vua Lê Thánh Tông hạ sắc dụ răn bảo các viên Tổng binh và Thổ quan ở Lạng Sơn, An Bang và Bắc Bình rằng: “Người bầy tôi giữ đất đai của triều đình, chức phận phải bảo toàn lãnh thổ, yên ủi nhân dân, bẻ gãy những mũi nhọn tấn công, chống cự những kẻ khinh rẻ nước mình. Thế mà mới đây, người nước ngoài xâm phạm cướp bóc, Trẫm không nghe thấy các người có công hiệu gì về việc đánh giặc giữ đất cả! Nếu nay cứ một việc lại buộc vào pháp luật, thì lòng Trẫm có điều không nỡ. Vậy bọn các người phải cố gắng hết lòng hết sức, nghĩ làm thế nào để gột rửa tội lỗi trước kia” (7). Chính cũng do sự phòng bị sơ hở nói trên, nên vào tháng 9 năm ấy, nhà vua lại ra sắc chỉ dụ các viên quan Trấn thủ và Phó tổng binh các vệ ở An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang rằng: “Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương, khống chế cả cõi biên thùy, phải phòng bị điều bất trắc, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu, răng đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà, để trống vị trí phòng thủ, kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường” (8). Chính sách đối với các miền biên viễn của Lê Lợi và các vua thời Lê sơ về đại thể vẫn kế thừa các chính sách truyền thống của các triều đại Lý, Trần trước đó, là vừa phủ dụ, mua chuộc vừa trấn áp bắt giam các thổ tù thiểu số. Nhưng chính sách biên viễn của các vua Lê sơ tổ ra cứng rắn hơn, sử dụng nhiều đến vũ lực hơn. Có thể là do Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thời bấy giờ đã phát triển cao hơn và uy lực cũng lớn mạnh hơn. Những cuộc nổi dậy của các thổ tù thiểu số miền biên viễn, với mục đích cát cứ, tách khỏi sự thống trị của triều đình trung ương, xâm hại đến nền thống nhất quốc gia từ thời Lê Thái Tổ qua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông đến thời Lê Thánh Tông đều bị trấn áp hết. Đặc biệt, đến thời Lê Thánh Tông, các thổ tù thiểu số đều phải khuất phục, không dám nổi dậy chống cự, nguyên nhân căn bản là vì uy lực lớn mạnh của chính quyền trung ương đủ sức áp đặt sự thống trị của mình. Nhìn lại chính sách đối với miền biên viễn của thời Lê sơ vừa dẫn ở trên, ta thấy trong điều kiện quốc gia Đại Việt vừa bước ra khỏi thời kỳ Minh thuộc kéo dài 20 năm, và kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng sau cuộc chiến tranh giải phóng 10 năm, thì những chinh sách có phần cứng rắn đối với số thổ tù thiểu số ôm ấp mưu đồ cát cứ là có thể hiểu được. Nền thống nhất của quốc gia Đại Việt được củng cố từng bước và ngày một tăng cường ở thế kỷ XV, một phần quan trọng là nhờ chính sách biên viễn nói trên của Lê Lợi và các ông vua kế tiếp, đặc biệt là vị vua hùng tài đại lực: Lê Thánh Tông. ___________ 1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1961, tập 2, tr. 9. 2. Phan Huy Chú: LTHCLC. Sđd, tr. 31. 3. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1972, tập 3, tr. 80. 4. ĐVSKTT. Sđd, tập 3, tr. 109. 5. ĐVSKTT. Sđd, tập 3, tr. 143. 6. ĐVSKTT. Sđd, tập 3, tr. 102. 7. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục, H. 1998, tập 1, tr. 1037, 1038. 8. ĐVSKTT. Sđd, tập 2, tr. 427. . Chính sách biên viễn của Đại Việt thời Lê sơ 2 Trong những cuộc nổi dậy của các thổ tù dưới thời Lê sơ, thì đáng chú ý hơn cả là những cuộc nổi dậy của các thổ tù người Thái ở Tây Bắc, của. nặng hơn luật thường” (8). Chính sách đối với các miền biên viễn của Lê Lợi và các vua thời Lê sơ về đại thể vẫn kế thừa các chính sách truyền thống của các triều đại Lý, Trần trước đó, là vừa. thống trị của mình. Nhìn lại chính sách đối với miền biên viễn của thời Lê sơ vừa dẫn ở trên, ta thấy trong điều kiện quốc gia Đại Việt vừa bước ra khỏi thời kỳ Minh thuộc kéo dài 20 năm, và

Ngày đăng: 31/07/2014, 13:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan