Đế quốc dầu lửa - Anh Pháp chia nhau bán đảo Ả rập 2 potx

7 207 0
Đế quốc dầu lửa - Anh Pháp chia nhau bán đảo Ả rập 2 potx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Đế quốc dầu lửa - Anh Pháp chia nhau bán đảo Ả rập 2 Ông chen vai thích cánh với những người Ả Rập áo dài lụng thụng đi chân không trong những ngõ hẻm thăm thẳm ở Beyrouth, Damas; ông leo lên núi nhìn bãi biển cát đỏ chạy dài tới Tripoli; ông tắm trên bờ suối Adonis , trong ánh sáng cuồn cuộn của phương Đông. Ông say mê sống chung với dân bản xứ, gõ cửa những căn nhà tồi tàn nhất để xin tá túc; giỡn với những đứa nhỏ mắt đen lay láy, bên cạnh những bầy gà và dê; ông cũng ngồi xổm trên mặt đất uống sữa dê với chúng; cũng rút một tia nước nhỏ trong một cái bình sành để rửa mặt, rồi đêm tới cũng nằm lăn trên đất ngủ chung với thổ dân, cũng đắp chung một chiếc mền đầy rận với họ. Cảnh những đoàn lạc đà chậm rãi bước trên sa mạc, những thiếu nữ Ả Rập phủ khăn choàng, đầu đội một cái vò lại giếng để lấy nước; cảnh đêm trăng tịch mịch, xa xa vẳng lên tiếng hát buồn rười rượi của nghìn xưa, cảnh mặt trời lặn sau đồi cát, rực rỡ như xà cừ, những cảnh đó làm ông say mê, quên cả quê hương, quên cả gia đình. Tiền thân ông chắc sinh ở đâu đây, trên bán đảo Ả Rập này? Tháng chín năm đó (1911) ông về xứ, tự hẹn sau này sẽ trở lại. Năm 1911, ông theo một phái đoàn của viện Tàng cổ Anh qua đào di tích ở Carchemish, trên bờ sông Euphrate. Lần này ông ở luôn ba năm rưỡi, nói thông thạo tiếng Ả Rập, được nhiều người Ả Rập coi như bạn thân, bày tỏ tâm sự, nguyện vọng với ông. Lần lần ông hiểu cách suy nghĩ và tâm lý của họ, thấy họ muốn vùng vẫy để gỡ cái ách của Thổ. Đâu đâu họ cũng mong mỏi được tự do, độc lập. Họ tin cậy ông, hỏi ý kiến ông về cách hành động. Ông không dám xúi họ bạo động vì không có quyền hành gì trong tay mà cũng ngại gây nhiều sự khó khăn trong sự bang giao giữa Anh và Thổ, gây nhiều sự nghi ngờ cho các quốc gia khác như Pháp, Đức, Ý. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn mong có cơ hội giúp họ thoát được cái ách của Thổ. Ông biết đế quốc Thổ như một con bệnh hấp hối, không sao tồn tại được lâu và ông tự hỏi khi nó sụp đổ thì nó sẽ thuộc về nước nào? Nga, Đức hay Pháp? Pháp có ưu thế hơn cả vì văn hóa Pháp được truyền bá từ mấy thế kỷ nay ở Beyrouth, Damas. Nhưng để Ả Rập sống chung với Pháp, họ khó mà mạnh được vì dân tộc Pháp không có tinh thần tổ chức, mạo hiểm bằng Anh - ông nghĩ vậy - mà như vậy thiệt cho Anh. Rốt cuộc ông nghĩ Anh nên lãnh cái nhiệm vụ "giải thoát Ả Rập" và khi giải thoát rồi thì cho Ả Rập được độc lập mà liên kết với Anh. Ông nghĩ tới Anh mà thực ra ông nghĩ tới chính ông. Ông sẽ đóng một vai anh hùng nghĩa hiệp trong việc giải phóng đó, vừa có công lớn với Anh vừa là ân nhân của Ả Rập. Tháng 5 năm 1914 ông về Anh, chưa đầy một tháng thì Thế chiến thứ nhất nổ. Ông tin rằng thời của ông đã tới, dân chúng Ả Rập thế nào cũng nổi dậy đuổi Thổ đi mà chỉ có ông là giúp họ thành công được thôi. Cuộc khởi nghĩa của Ả rập Hussein lúc đó có uy quyền nhất ở La Mecque, thánh địa Hồi giáo, mà lại không ưa Thổ. Lawrence bèn đề nghị với nhà cầm quyền Anh liên lạc với Hussein. Anh có hai cơ quan coi về phương Đông: cơ quan Indian Office, trụ sở Bombay (Ấn Độ) do Sang John Philby chỉ huy và trực thuộc chính quyền Anh ở Ấn Độ; cơ quan Arabia Office do Allenby chỉ huy, trực thuộc bộ ngoại giao ở London. Hai cơ quan ấy không liên lạc với nhau, có chính sách riêng mà chính sách đôi khi tương phản nhau. Indian Office lo bảo vệ con đường bộ từ Ấn Độ tới Âu, cho nên chú trọng tới miền Mésopotamie và muốn che chở các quốc vương Ả Rập ở phía vịnh Ba Tư như Mubarrak, quốc vương xứ Koweit và Ibn Séoud, quốc vương xứ Hasa và Nedjd. Arabia Office trái lại lo bảo vệ kinh Suez tức con đường biển từ Ấn Độ qua Anh, nên tìm cách liên lạc với các quốc vương Ả Rập ở bên bờ Hồng Hải mà trong số những quốc vương này, Lawrence để ý tới Hussein nhất. Hussein vô tài mà tham bỉ nhưng hai người con trai của ông ta, Abdallah và Faycal có nhiều khả năng. Khoảng giữa năm 1915, nghe lời khuyên của Lawrence, bộ Ngoại giao Anh lựa Hussein, hứa với Hussein rằng nếu đuổi được Thổ ra khỏi bán đảo Ả Rập thì sẽ vận động với các cường quốc cho Ả Rập độc lập. Hussein tin lời, kêu gọi nghĩa quân chống lại Thổ, bắt một số quân nhân Thổ ở La Mecque làm tù binh. Anh giúp bốn chiếc tiểu liên và 8.000 súng thường, nhờ vậy Ả Rập thắng Thổ ở Rabegh, Yanbo và Taif, chỉ trong có vài tháng bắt được 5.000 lính Thổ. Nhưng Hussein không tiến thêm được nữa, không chiếm được Médine. Kế đó Anh, Pháp thất bại ở Dardanelles trước sự chống cự mãnh liệt của Mustapha Kémal, rồi một vạn quân Ấn do tướng Anh Towshend chỉ huy bị Thổ vây ở Kut- El-Amara, gần Bassorah (Mésopotamie). Anh không làm sao phá vòng vây được, chỉ còn cách đầu hàng nếu không thì bị tiêu diệt. Thấy tình hình quá nguy, bộ Tham mưu ở Le Caire phải vời Lawrence tới vấn kế. Lawrence chỉ trích bộ máy chiến tranh của Anh là quá nặng nề, không hợp với hoàn cảnh: sỹ quan Anh quá nhiễm thói quan liêu, hành quân ở sa mạc mà mang theo đồ chơi golf và quần vợt! Vì vậy tiến thoái rất chậm, bị Thổ bủa vây. Ông bảo họ phải dùng chiến thuật uyển chuyển, lưu động mới thắng được. Sứ mạng của ông là thương thuyết với tướng Thổ, xin nạp một số tiền để Thổ giải vây cho Towshend. Thổ không chịu. Ông nghĩ cách hô hào dân Ả Rập khởi nghĩa để phá Thổ ở hậu tuyến, bắt Thổ phải rút binh ở Kut-El-Amara mà đối phó với Ả Rập. Nhưng muốn hô hào Ả Rập khởi nghĩa thì phải hứa cho họ độc lập. Cơ quan Indian Offỉce không chịu, vì nếu cho Ả Rập độc lập thì Ấn độ cũng sẽ vin vào đó đòi độc lập mà đế quốc Anh mất viên ngọc quý và lớn nhất. Rốt cuộc Towshend đành phải đầu hàng. Trở về Le Caire, Lawrence ráng thuyết phục bộ Tham mưu Anh theo chính sách của ông: để cho Ả Rập khởi nghĩa chiếm Médine rồi tiến thẳng lên Damas mà giải phóng Syrie. Anh chỉ giúp khí giới, quân nhu và một số cố vấn thôi, chứ đừng đem quân vào. Phải kích thích tinh thần quốc gia của họ; kích thích tinh thần tôn giáo thì sẽ thất bại vì về phương diện tôn giáo, Ả Rập thân với Thổ mà chống Âu. Nhất là Anh đừng để cho Pháp xen vào rồi sau này sẽ đòi chia phần. Khi thắng trận rồi, Anh sẽ cho Ả Rập độc lập, Ả Rập tất sẽ mang ơn mà liên kết với Anh vì Ả Rập cần sự giúp đỡ về võ bị, kinh tế. Chính phủ Anh mới đầu còn do dự, sau phải nhận rằng Lawrence có lý. Ông bèn đề nghị suy tôn Faycal - một người con của Hussein - làm thủ lãnh phong trào giải phóng và ông được phái tiếp xúc với Faycal ở Hamra, gần Médine. Ông đi gấp trong ba ngày, chịu đi chịu khát, đêm ngủ trên đất, ngày chịu nắng như thiêu trên sa mạc; vào khoảng cuối tháng 10 năm 1916 tới Hamra, nơi Faycal cắm trại. Hai bên chào nhau xong, Faycal hỏi thăm về cuộc hành trình của ông, khen ông là đi rất mau, rồi hỏi: - Ông thấy trại của chúng tôi ra sao? - Đẹp lắm, nhưng khá xa Damas! Lời đó hạ xuống như một nhát kiếm giữa đám người ngồi trong phòng. Mọi người xáo động, có người ngỡ Lawrence ám chỉ sự thất bại mới rồi của Faycal được lệnh của cha chiếm Médine mà không làm sao chiếm được. Im lặng một chút, Faycal mỉm cười đáp: - Nhờ Chúa, quân Thổ ở gần hơn! Hai bên thân với nhau từ đó. Thấy Faycal đáng tin cậy, Lawrence vui lòng làm quân sư cho ông ta, hy sinh cho chính nghĩa của Ả Rập. Trong hai năm ông cải trang làm người Ả Rập - có hồi cải trang làm phụ nữ Ả Rập nữa - Sống chung với người Ả Rập, suốt ngày trên lưng lạc đà, đi khắp các nơi trong sa mạc, tiếp xúc với các thủ lãnh Ả Rập, khuyến khích, hô hào họ, do thám cho họ, lập kế hoạch cho họ. Ông không có vẻ bệ vệ như các quan lớn cố vấn khác, trái lại sống rất bình dân, sẵn sàng tiếp đón mọi người Ả Rập, chăm chú nghe họ bày tỏ ý kiến ở trong lều hoặc dưới gốc cây chà là, tự tay pha cà phê mời họ, tuyệt nhiên không dùng bồi bếp, kẻ hầu người hạ. Không những vậy, ông còn lột bỏ được cá tính Anh của mình, suy nghĩ như người Ả Rập, tin tưởng như người Ả Rập, mới là tài chứ. Và khi họ thắng một trận nào thì ông sung sướng y như họ, thua một trận nào cũng đau khổ y như họ. Chưa bao giờ một người Âu nào được họ quý mến như ông. Ông đã thành vị thủ lãnh của họ. Ông không còn là người Anh nữa mà thành người Ả Rập. Ông có tài du kích, làm cho quân Thổ điêu đứng, chỉ lo chống đỡ ở mọi mặt trên một khu vực mênh mông, cố bảo vệ đường giao thông và quân nhu mà không đủ sức tấn công Ả Rập nữa. Chỉ có 3.000 quân, ông đánh tan được 120.000 quân Thổ, lập được một chiến công oanh liệt. Cuộc chiến đấu đó gồm bốn giai đoạn quyết định: giai đoạn thứ nhất ở Abou Markha; giai đoạn thứ nhì ở Akaba; giai đoạn thứ ba ở Deraa; giai đoạn thứ tư ở Damas. Hồi đầu Thế chiến, quân đội Thổ đóng rải rác trên con đường xe lửa từ Damas tới Médine, có thể uy hiếp kênh Suez mà làm cho quân Anh lâm nguy. Bộ tư lệnh Anh ở Le Caire khẩn cấp yêu cầu ông tấn công Médine. Quân của Faycal do Abdallah (anh của Faycal) chỉ huy, đóng ở Abou Mauha mà không chịu nhúc nhích. Ông được phái tới giúp ý kiến với Abdallah, nhưng Abdallah không hăng hái tiến quân. Rồi ông nghĩ lại: tấn công Médine là thất sách. Chính sa mạc là đồng minh mạnh nhất của Ả Rập, cũng như hồi xưa cánh đồng tuyết là đồng minh mạnh nhất của Nga. Vậy thì đừng giàn mặt trận nữa mà phải dùng chiến thuật du kích. Tức thì ông đem 2.000 quân tiến như bão về phía Akaba. Ba trăm lính Thổ ở Akaba thấy ông tới thình lình, hoảng hốt, không kịp đề phòng, chỉ chống cự yếu ớt có một ngày rồi đầu hàng (6-7-1917). . Đế quốc dầu lửa - Anh Pháp chia nhau bán đảo Ả rập 2 Ông chen vai thích cánh với những người Ả Rập áo dài lụng thụng đi chân không trong những. bằng Anh - ông nghĩ vậy - mà như vậy thiệt cho Anh. Rốt cuộc ông nghĩ Anh nên lãnh cái nhiệm vụ "giải thoát Ả Rập& quot; và khi giải thoát rồi thì cho Ả Rập được độc lập mà liên kết với Anh. . ông cải trang làm người Ả Rập - có hồi cải trang làm phụ nữ Ả Rập nữa - Sống chung với người Ả Rập, suốt ngày trên lưng lạc đà, đi khắp các nơi trong sa mạc, tiếp xúc với các thủ lãnh Ả Rập,

Ngày đăng: 30/07/2014, 06:21

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan