CHA ĐẺ CỦA MÌ ĂN LIỀN docx

6 300 1
CHA ĐẺ CỦA MÌ ĂN LIỀN docx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

CHA ĐẺ CỦA MÌ ĂN LIỀN Người sáng chế ra món ăn vô cùng tiện lợi mì ăn liền chính là ông Momofuku Ando còn được gọi là "Vua mỳ ăn liền" hoặc "Cha đẻ của mỳ ăn liền" (Noodles papa). Ông đã từng có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do Tạp chí Time Asia bình chọn. Mỳ ăn liền (instant noodle) được người Nhật coi là biểu tượng về nền văn hóa của đất nước mặt trời mọc. Trong một cuộc thăm dò, người dân Nhật Bản còn xếp phát minh này lên ngôi số Một, trên cả các phát minh lừng danh như karaoke, máy nghe nhạc Walkman, máy trò chơi Nintendo của người Nhật. Mỳ ăn liền giờ đây đã trở thành loại thực phẩm tiện dụng nhất có bán rộng rãi trên toàn thế giới, từ nông thôn hẻo lánh cho tới đô thị phồn hoa ở mọi nước. Nghe nói người Nga hiện nay cũng rất thích mỳ ăn liền, nhờ thế mấy doanh nhân người Việt ở Nga chuyên sản xuất mặt hàng này đã “trúng quả” lớn. Trường hợp không có nước sôi, người ta vẫn có thể ăn sống loại mỳ này mà không sợ đau bụng. Chính vì thế mỳ ăn liền là loại thực phẩm tốt nhất dùng để cứu tế dân vùng lũ lụt. Qua truyền hình, thường thấy cảnh máy bay lên thẳng của quân đội ta thả từng thùng mỳ bọc kín trong túi ni lông xuống cho đồng bào bị mắc kẹt trong nước lũ; mọi người cứ thế nhai sống mỳ ăn liền, thật tiện lợi biết bao. Bộ đội, công an ta đi công tác hoặc trực chiến trên núi cao rừng sâu bao giờ cũng mang theo dăm gói mỳ ăn liền thay cho lương khô. Người giàu cũng không chê nó: các bà nhà ta đi nước ngoài công cán vì sợ không quen món ăn xứ người (hay vì tiết kiệm ngoại tệ?) thường mang theo cả thùng mỳ ăn liền, chẳng cần ra nhà hàng mà vẫn no bụng… Tóm lại, mỳ ăn liền là thực phẩm được tất cả mọi người không kể giàu nghèo đều thích. Thế còn giá trị dinh dưỡng của mỳ ăn liền thì sao? Nếu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của công ty mỳ ăn liền Nissin nổi tiếng nhất thế giới thì bạn có thể ăn món này cả năm mà vẫn khỏe mạnh. Năm 2004, ông Ando Chủ tịch công ty Nissin và Hội trưởng Hội Mỳ ăn liền toàn thế giới đến Thượng Hải theo kế hoạch 4 năm du hành khắp thế giới để nếm các loại mỳ ăn liền do thiên hạ sản xuất. Tại Thượng Hải và Nam Kinh, ông đã nếm hơn 300 loại mỳ ăn liền "made in China". Khi đến chủ trì hội nghị thường niên của Hội nói trên (năm 2004 họp tại Thượng Hải), thấy ông đã 94 tuổi mà còn hồng hào khỏe mạnh, mọi người rất ngạc nhiên hỏi ông có bí quyết gì để sống lâu. Ando nói: “Tôi khỏe thế này là nhờ toàn chén mỳ ăn liền đấy”. Quá trình sáng chế mỳ ăn liền Momofuku Ando là người Nhật gốc Trung Quốc, sinh năm 1910 tại Đài Loan, khi đó là thuộc địa của Nhật. Tên chữ Hán của ông là Ngô Bách Phúc, khi chuyển sang tiếng Nhật là An Đằng Bách Phúc. Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, Ando sống với ông bà; lớn lên cậu bé bắt đầu làm việc trong cửa hiệu bán vải lụa của ông nội tại thành phố Đài Nam, miền Nam đảo Đài Loan. Năm 22 tuổi, Ando sử dụng tài sản thừa kế từ cha mẹ làm vốn mở một công ty kinh doanh sợi dệt. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên công ty của ông có điều kiện ăn nên làm ra. Nhờ thế, một năm sau, Ando đã đủ vốn sang Nhật Bản mở công ty “Nhật Đông Thương hội” ở Osaka, thành phố lớn thứ hai nước này, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan ở đây. Cuối thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, các đợt ném bom rải thảm của quân đội Đồng Minh đã san bằng thành gạch vụn hầu như tất cả các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật; trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando. Nền kinh tế cả nước bị tàn phá thảm hại chưa từng thấy, hàng chục triệu người không có việc làm; lương thực và năng lượng như điện, than, dầu đều vô cùng khan hiếm. Không chịu bó tay chờ sự cứu tế của người Mỹ, Momofuku Ando chuyển sang kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm. Năm 1948, ông lập công ty thực phẩm Nissin. Đầu tiên công ty này sản xuất muối ăn theo một cách đơn giản: lát các tấm tôn xuống bờ biển làm thành ruộng muối, lấy nước thủy triều vào ruộng rồi phơi nắng cho nước bốc hơi, còn lại muối trên các tấm tôn. Cũng trong thời gian ấy ông chính thức xin nhập quốc tịch Nhật Bản, trở thành công dân nước này. Hồi ấy, Nhật rất thiếu lương thực, hầu hết ăn bột mỳ do Mỹ viện trợ, tuy người Nhật quen ăn gạo. Chính quyền Nhật đề chủ trương dùng bột mỳ làm thành bánh mỳ và phát động phong trào khuyến khích toàn dân làm và ăn bánh mỳ theo kiểu người Âu Mỹ cho nhanh và tiện, đỡ phải đun nấu tốn thời gian và nhiên liệu, là thứ hồi đó rất khan hiếm. Ando không tán thành cách làm ấy, ông cho rằng nên khuyến khích dùng bột mỳ làm thành một dạng mỳ sợi ăn liền, vì dân Nhật hàng ngàn năm nay đã quen ăn gạo và mỳ sợi rồi. Những khi thấy người ta xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mì nóng, Ando cứ băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay thì tiện biết bao. Ông gặp chính quyền địa phương và nêu ra đề nghị này. Nhưng chính quyền lại nói họ chẳng làm gì được, tốt nhất là ông hãy tự thực hiện ý tưởng ấy. Song vì thiếu vốn nên Ando không biết xoay xở ra sao. Sau đó ông được bạn bè mời tham gia lập một Hợp tác xã (HTX) Tín dụng. Do có uy tín, Ando được cử làm chủ nhiệm HTX. Năm 1957, HTX này bị phá sản do một nhân viên phạm pháp, Ando phải bán hết tài sản của mình để trả nợ, chỉ giữ lại được ngôi nhà ở. Khó khăn như vậy nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện thí nghiệm mỳ ăn liền của mình, dùng nhà ở làm nơi chế thử. Khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay. Một lần để ý thấy bà vợ dùng dầu xào nấu thức ăn, ông nảy ra ý nghĩ mình cũng dùng dầu chiên cho sợi mỳ nở ra thì nó sẽ nhanh chóng hút nước. Nói dễ làm khó, Ando thí nghiệm hàng trăm lần mới thành công. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại xúp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi xấy khô. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ngày 25/8/1958, Ando sản xuất thành công lô mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin (nói nhái tiếng Anh chicken) Ramen. Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để một lúc là ăn được ngay, rất tiện cho người Nhật thời buổi khó khăn bấy giờ; vì thế bán rất chạy. Hồi ấy, nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa, ai nấy đều thiếu thời gian, do đó thực phẩm ăn liền ngày càng được tiêu thụ nhiều. Để sản xuất với quy mô lớn, tháng 12 năm ấy, Ando mở rộng công ty Thực phẩm Nissin Food Products Co. Thật may cho ông, khi đang thiếu vốn thì năm sau, hãng Mitsubishi, một tập đoàn công nghiệp khổng lồ ở Nhật nhảy vào hỗ trợ quảng bá món ăn nhanh này, giúp cho mì Ramen mau chóng tăng sản lượng nhiều lần trong một nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa. Công nghệ chiên dầu của Ando về sau còn được áp dụng cho nhiều loại thức phẩm khác, nhờ thế mà ngày nay trên thị trường có bán đủ thứ trái cây chiên ngon miệng. Một doanh nhân chân chính Thấy mỳ ăn liền bán chạy như tôm tươi, có người tìm cách làm nhái sản phẩm Ramen. Vì họ làm ẩu nên có người ăn mỳ nhãn hiệu Ramen bị ngộ độc. Để giữ uy tín sản phẩm của mình, Ando chỉ còn cách làm đơn xin đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế. Năm 1962, công ty ông được chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền; sau đó Ando gửi công văn cảnh cáo các công ty làm nhái sản phẩm của ông. Nhưng đến năm 1964, Ando lại có một cử chỉ hào hiệp là chấm dứt độc quyền sản xuất mỳ ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật Bản và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi. Ông bắt đầu nghĩ rộng hơn, tới chuyện bán sản phẩm ra nước ngoài. Trong chuyến thăm dò thị trường Mỹ năm 1966, Ando quan sát thấy người Mỹ khi ăn thì dùng thìa nĩa và đĩa chứ không dùng đũa và bát như người Nhật. Ông nảy ra ý định đóng gói mỳ ăn liền vào trong những chiếc cốc to bằng giấy dày không thấm nước, đổ nước sôi vào một lúc là ăn được, như thế dù không có bát nhưng vẫn ăn được mỳ sợi. Năm 1970, Nissin mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Ngày 18/9/1971, Mỳ ăn liền Nissin đựng trong cốc (Cup Noodle) lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Sản phẩm của Nissin bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bên ngoài Nhật Bản, đem lại doanh thu xuất khẩu rất khả quan cho nước Nhật đang cần ngoại tệ để phát triển kinh tế. Từ năm 1963, công ty Nissin niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo và Osaka, qua đó vốn đầu tư của thiên hạ đổ vào công ty này khiến cho sản lượng mỳ ăn liền tăng lên nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2005 toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, bình quân mỗi người 12 gói, trong đó Mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen Nissin chiếm thị phần lớn nhất, với 10 tỉ gói. Tổng giá trị sản lượng mỳ ăn liền toàn thế giới năm 2003 lên tới 14 tỷ USD, thực sự là một sản phẩm quan trọng ! Công ty Nissin hiện có vốn 3 tỷ USD với 29 chi nhánh tại 11 nước. Năm 1999, Momofuku Ando lập Nhà Bảo tàng Mỳ Ramen mang tên ông ở Ikeda thuộc quận Osaka (Momofuku Ando Instant Ramen Museum). Trong 6 năm rưỡi đã có cả thảy hơn một triệu người thăm bảo tàng này; điều đó đủ thấy thiên hạ coi trọng sáng chế mỳ ăn liền của Ando như thế nào. Năm 2005, công ty Nissin còn cung cấp mì ăn liền cho nhà du hành vũ trụ người Nhật Soichi Noguchi trong chuyến bay trên tàu con thoi Mỹ Discovery lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Sau khi đưa con trai thứ hai là Koki Ando lên vị trí chủ tịch công ty Nissin, tháng 6 năm 2005, ở tuổi 95, Momofuku Ando quyết định về hưu, chỉ còn giữ chức chủ tịch danh dự của Nissin. Ông còn dự tính triệu tập một hội nghị quốc tế về mỳ ăn liền tại Osaka vào năm 2008 nhưng không kịp. Ngày 5/1/2007, Momofuku Ando qua đời tại Osaka vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 96 tuổi. Nghe nói cho tới hôm ấy ông hãy còn ăn món Chikin Ramen của mình như thường lệ hàng ngày bao năm qua. Mỳ ăn liền ở Việt Nam "Hòa bình sẽ đến với thế giới khi tất cả mọi người có đủ đồ ăn thức uống", ông Ando từng nói" (Minh h ọa: phdcomics.com) Từ đầu thập niên 70 thế kỷ XX, các nhà tư sản người Hoa ở Sài Gòn bắt đầu sản xuất mì ăn liền theo công nghệ của Nissin. Còn nhớ sau ngày thống nhất đất nước, dịp Quốc khánh năm 1975 công nhân viên chức cơ quan, xí nghiệp ở Trung ương và Hà Nội đều được phân phối mỗi người hai gói mỳ Hai tôm chở từ Sài Gòn ra. Còn nhớ, khi mở cái túi ni-lông xinh xinh thơm phức in hình hai con tôm mập ú đỏ au, ai nấy mừng rơn, coi như một đặc sản. Quả thế, ăn thấy ngon tuyệt. Cho tới giờ dù đã ăn biết bao loại mỳ rồi nhưng nhiều người vẫn thấy đều không ngon bằng mỳ Hai tôm. Phải chăng đó chỉ là cảm giác sai lầm, vì năm 1975 có gì ngon mà ăn đâu ? Nếu đó là cảm giác đúng, thì có lẽ các cơ quan hữu trách nên giám định lại chất lượng các loại mỳ ăn liền sản xuất ở ta hiện nay. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, năm 2005 tổng sản lượng các loại mì, cháo, phở ăn liền do khoảng 40 công ty (kể cả liên doanh nước ngoài) sản xuất tại Việt Nam lên đến 2,5 tỉ gói! Mỳ ăn liền nước ta còn được xuất khẩu đi nhiều nơi. Một số doanh nhân người Việt ở Nga và Đông Âu đã giàu lên nhanh chóng trở thành triệu phú đô-la nhờ kịp thời tổ chức sản xuất mỳ ăn liền khi các nước này chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Công lao của ông Momofuku Ando như thế thật to lớn và ông thực sự là một doanh nhân có tầm nhìn xa và đáng khâm phục.  Nguyên Hải . CHA ĐẺ CỦA MÌ ĂN LIỀN Người sáng chế ra món ăn vô cùng tiện lợi mì ăn liền chính là ông Momofuku Ando còn được gọi là "Vua mỳ ăn liền& quot; hoặc " ;Cha đẻ của mỳ ăn liền& quot;. thích. Thế còn giá trị dinh dưỡng của mỳ ăn liền thì sao? Nếu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của công ty mỳ ăn liền Nissin nổi tiếng nhất thế giới thì bạn có thể ăn món này cả năm mà vẫn khỏe mạnh mỳ sợi ăn liền, vì dân Nhật hàng ngàn năm nay đã quen ăn gạo và mỳ sợi rồi. Những khi thấy người ta xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết để chờ mua một tô mì nóng, Ando cứ băn khoăn với

Ngày đăng: 29/07/2014, 19:20

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan