Ấn chương Việt Nam - Thực trạng ấn chương thời Lê Trung hưng 1. Hiện vật ấn chương Cũng như nhà Mạc, nhà Lê - Trịnh tồn tại trong suốt thời kỳ chiến tranh Lê - Mạc rồi Trịnh - Nguyễn, cho đến nay, thiên tai và nạn binh hỏa đã chôn vùi hầu hết hiện vật ấn chương giai đoạn này. Hiện nay số hiện vật ấn thời Lê Trung hưng mà chúng tôi trực tiếp xem xét in chụp lại còn quá ít. Ngoại trừ vài quả ấn đồng cấp phủ, huyện có niên đại rõ ràng, còn số ít ấn gỗ không ghi niên đại và thuộc lĩnh vực tôn giáo. Hiện nay tại gia đình ông Nguyễn Khắc Bảo ở thị xã Bắc Ninh - người say mê sưu tầm cổ vật và nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được một quả ấn đồng khá nguyên vẹn. Ấn có trọng lượng 900 gram, núm hình chuôi vồ cao 6,2cm, khuôn ấn dày 1cm. Mặt trên ấn khắc hai dòng chữ Hán, bên phải là 4 chữ Thiên trường phủ ấn 天長府印, bên trái là 5 chữ Vĩnh Tộ thập niên tạo 永祚十年造. Mặt dấu hình vuông, kích thước 8x8cm, viền ngoài để cỡ 0,8cm bên trong là 4 chữ Triện khắc theo khuôn chữ vuông. Đó là 4 chữ Thiên Trường phủ ấn. Bốn chữ Triện trong dấu trùng với bốn chữ khắc ở bên phải mặt núm ấn. Đây là ấn của viên Tri phủ đứng đầu phủ Thiên Trường thuộc đạo Sơn Nam đầu thời Lê Trung hưng[79]. Dòng chữ bên trái mặt núm ấn đã ghi rõ ấn được tạo đúc vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông (H. 34 a,b,c). Tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội hiện còn lưu giữ nhiều ấn đồng cổ, nhưng ấn thời Lê Trung hưng thì chỉ có một quả. Ấn mang ký hiệu LSb 2527 cán chuôi vồ dẹt dưới to trên nhỏ dần. Ấn cao 8,5cm và đế dầy 1cm. Trên ấn phía bên trái đề 6 chữ, chữ đầu bị mờ, 5 chữ sau là … Đức tứ niên nguyệt nhật. Qua nét chữ còn lại cộng với việc xác định 15 trường hợp niên đại có chữ thứ hai là chữ “Đức” 德 trong niên biểu ghi niên hiệu các đời vua của các triều đại phong kiến Việt Nam, chúng tôi khẳng định chữ bị mờ là chữ “Thịnh” 盛. Như vậy dòng ghi niên hiệu sẽ là Thịnh Đức tứ niên nguyệt nhật 盛德四年月日. Năm Thịnh Đức thứ 4 là năm 1658 đời Lê Thần Tông. Mặt trên ấn phía bên phải dòng ngoài chữ khắc đã mờ hết không đọc được, dòng trong khắc 4 chữ Thượng bảo ty tạo 尚寶司造. Ty Thượng bảo tạo đúc ra quả ấn này. Ty thượng bảo có từ thời Lê sơ, nhà Mạc lên nắm chính quyền cũng lập ty Thượng bảo duy trì như thời Lê sơ, đấy là nơi tạo đúc vật dụng kim loại dùng với tính chất quan trọng như ấn tín. Đến khi nhà Lê Trung hưng đánh tan quân Mạc, chiếm lại Thăng Long thì cho tổ chức lại ty Thượng bảo như cũ. Mặt dấu hình vuông kích thước 6,5x6,5cm, viền ngoài để cỡ 0,5cm, 4 chữ Triện khắc vuông vức rõ nét, là 4 chữ Bình Nguyên châu ấn 平原州印. Đây là ấn của viên Tri châu châu Bình Nguyên[80]. (H. 35 a,b,c,d). Tại một ngôi điện thờ ở Phú Xuyên, Hà Tây cách Hà Nội hơn 30km còn lưu giữ được khá nhiều ấn gỗ. Đạo sĩ Trần[81] cho tôi xem một lá bùa và 28 quả ấn gỗ khác nhau mà dòng họ ông đã tạo ra và gìn giữ ngót hai thế kỷ nay. Trong số 28 quả ấn gỗ, chúng tôi chỉ đọc được nội dung của 24 quả có văn khắc theo thể Triện thư. Số ấn đều có chất liệu bằng gỗ, theo lời của ông Trần thì ấn được làm chủ yếu bằng gỗ đào và lê. Núm ấn đều được khắc đơn giản theo kiểu có núm cầm và một số quả được quét sơn ta cẩn thận. Có 3 quả ấn mặt núm có khắc chữ Hán kiểu Chân thư, số ấn còn lại đều để trơn. Mặt dấu làm theo hình vuông và hình chữ nhật, viền ngoài thường khắc nổi một đường viền, có 6 chiếc khắc họa tiết cung đình. Trước hết xin được giới thiệu số ấn có khắc tên tước vương của Trần Quốc Tuấn và tên Điện súy Phạm Ngũ Lão theo hình dấu của mỗi quả ấn khác nhau. - Ấn thứ nhất để mộc, núm cầm nhỏ, mặt đế và dấu hình vuông có kích thước 6,5x6,5cm, viền ngoài khắc họa tiết, 4 chữ Triện trong dấu là Trần triều Hưng Đạo 陳朝興道. Đây là dấu ấn của Hưng Đạo vương triều Trần. (H. 36 a,b,c) - Ấn thứ hai, núm cầm rộng, thấp khắc chữ thượng, trên ấn khắc họa tiết, toàn thân quét sơn ta. Đế ấn và mặt dấu hình vuông có kích thước 8,7x8,7cm, viền ngoài dày 1,8cm, trong dấu là 4 chữ Triện Trần Hưng Đạo ấn 陳興道印: - Ấn thứ ba, núm cầm vừa phải, mặt đế ấn và dấu bốn góc hơi uốn, hình hơi chữ nhật có kích thước 6,8x7,3cm, viền ngoài dày 1cm, trong là 5 chữ Triện Trần Hưng Đạo vương ấn 陳興道王印: ấn dấu của Hưng Đạo vương triều Trần. (H. 38 a,b) - Ấn thứ tư, núm nhỏ khắc chữ thượng, mặt trên làm thuôn mái hình vòng cung. Mặt đế ấn và dấu làm hình chữ nhật có kích thước 5,8x9,0cm khắc 8 chữ Chân (chia làm 2 hàng dọc) Trần triều hưng đạo y hứa thánh tử 陳朝興道依許聖子: Hưng Đạo vương triều Trần chuẩn y cho các thánh tử. (H. 39 a,b,c) - Ấn thứ năm, núm vừa phải, loe trên, mặt đế và dấu hình vuông có kích thước 6,5x6,5cm, khắc họa tiết viền ngoài và bên trong là 4 chữ Triện Trần triều điện súy 陳朝殿帥: ấn dấu của Điện súy triều Trần. (H. 40 a,b) - Ấn thứ sáu, thân ấn mỏng, núm mỏng và rộng, mặt đế và dấu hình vuông có kích thước 7x7cm khắc 12 chữ Triện (xếp làm 3 hàng dọc) Trần triều điện súy thượng tướng quân quan nội hầu chi ấn 陳朝殿帥上將軍關内侯之印: ấn dấu của quan nội hầu Thượng tướng quân Điện súy triều Trần[82]. (H. 41 a,b) Ấn thứ bẩy để mộc, làm đơn giản và thuộc loại nhỏ, đế ấn và mặt dấu hình vuông có kích thước là 4,5x4,5cm, 4 chữ Triện khắc vuông vức là Bảo Linh điện ấn 寶靈殿印: ấn dấu của điện Bảo Linh. (H. 42 a,b,c). Việc xác định niên đại của 7 quả ấn trên cũng như toàn bộ số ấn gỗ của ngôi điện thật khó khăn. Xem xét kỹ từng quả ấn với chất liệu gỗ, kỹ thuật gọt đẽo và độ sơn phủ trên núm ấn gần giống một số đồ thờ và nội thất ngôi điện. Theo lời kể của đạo sĩ Trần, số ấn này được làm ra từ thời lập điện thờ và bắt đầu nghiệp đạo sĩ của các cụ tổ nhà ông cuối thời Hậu Lê. Đồng thời xem xét một số sắc phong của ngôi điện, chúng tôi thấy sắc phong thời Lê Cảnh Hưng có thêm hình dấu của Trần Hưng Đạo, còn đạo sĩ Trần khẳng định rằng tổ tiên mình xưa kia khi tiếp nhận tờ sắc phong đã dùng luôn con dấu của bản điện đóng vào tờ sắc đó. Ở trường hợp này cái khó không phải là việc đọc hiểu rõ chữ Triện trong con dấu mà là việc xác định được thời gian con dấu đó in trên văn bản có cùng niên đại thảo văn bản đó hay không (?) Việc lập điện thờ đức Thánh Trần để thờ phụng và hành nghề đạo sĩ phải có những con dấu của đức Thánh Trần đóng trên bùa chú là việc tất yếu, phải chăng là lập luận có sức thuyết phục trong việc xác định niên đại của số ấn dấu trên (?) Từ đó chúng tôi cho rằng những quả ấn trên có khả năng được làm ra từ thời Lê Trung hưng. Năm 1999, PGS. TS. Đỗ Thị Hảo đã cung cấp cho chúng tôi một ấn dấu nhỏ. Ấn bằng đồng, núm cầm kiểu chuôi vồ ngắn, đế ấn phần khuôn dấu hình vuông. Mặt trên ấn phần núm khắc dòng ghi niên đại chữ Hán lối Chân thư Vĩnh Hựu tứ niên Mậu Ngọ tứ nguyệt 永祐四年戊午四月. Mặt dấu hình vuông kích thước 8,1x8,1cm, gốc hơi uốn, nét viền để mảnh. Văn khắc là 6 chữ Chứng thu mễ thuế chi ấn 証收米稅之印 (ấn chứng thực việc thu thuế gạo). Dòng niên đại khắc trên mặt ấn khẳng định quả ấn này được làm năm Mậu Ngọ niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 tức năm 1738 đời vua Lê Ý Tông. Hệ thống lục Bộ thời Lê Trung hưng vẫn được duy trì theo cơ cấu tổ chức từ thời Lê sơ. Bộ Hộ có nhiệm vụ trông coi ruộng đất hộ khẩu, tài chính, tô thuế, kho tàng, thóc gạo tiền lương. Cơ quan chuyên trách của bộ Hộ là Độ chi Thanh lại ty và Bản tịch Thanh lại ty. Nhiệm vụ của Độ chi Thanh lại ty là phân bổ tô thuế trong toàn quốc, đánh thuế đối với lương thực, sản vật các loại ở mỗi địa phương khác nhau, định mức tô thuế cho công bằng, xem xét việc xuất nhập tiền tài thuế má, thu chi v.v… Trưởng quan của Độ chi Thanh lại ty là chức Lang trung có hai Viên ngoại lang phụ tá. Ấn Chứng thu mễ thuế chi ấn này là ấn tín của một chức quan nhỏ chuyên thu thuế thóc gạo ở các địa phương, nó nằm trong hệ thống ấn tín thu tô thuế, thu mua các sản vật của Độ chi Thanh lại ty trên. Đây là ấn dấu duy nhất về lĩnh vực thuế khóa mà chúng tôi sưu tầm được, xin được giới thiệu bổ sung cho số hiện vật ấn tín thời Lê Trung hưng. (H. 43) . Ấn chương Việt Nam - Thực trạng ấn chương thời Lê Trung hưng 1. Hiện vật ấn chương Cũng như nhà Mạc, nhà Lê - Trịnh tồn tại trong suốt thời kỳ chiến tranh Lê - Mạc rồi Trịnh - Nguyễn,. núm ấn đã ghi rõ ấn được tạo đúc vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông (H. 34 a,b,c). Tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội hiện còn lưu giữ nhiều ấn đồng cổ, nhưng ấn thời Lê. Thiên Trường phủ ấn. Bốn chữ Triện trong dấu trùng với bốn chữ khắc ở bên phải mặt núm ấn. Đây là ấn của viên Tri phủ đứng đầu phủ Thiên Trường thuộc đạo Sơn Nam đầu thời Lê Trung hưng[ 79]. Dòng