Quan niệm thơ của nhóm Xuân Thu nhã tập 1. Xuất hiện vào quãng 1939-1942, Xuân thu nhã tập là sự tiếp tục của những tìm tòi nghệ thuật trên tiến trình vận động và phát triển theo hướng hiện đại chủ nghĩa của Thơ mới. “Tuyên ngôn” được đúc kết trong tập sách viết chung của các tác giảXuân thu nhã tập (1) , trước hết, là sự phản ứng lại những “cơn mưa trữ tình” trong nguyên tắc mĩ học của các nhà Thơ mới lãng mạn đi trước, (mà vào thời điểm bấy giờ, đã bị khai thác đến cạn kiệt, trở nên xơ cứng, mòn sáo, do đó, đã mất đi cái “công năng” thực sự của nó). Dĩ nhiên đi cùng sự phủ định ấy là nỗ lực xác lập một quan niệm, một lí tưởng thẩm mĩ mới. Các tác giảXuân thu nhã tập rất có ý thức trong việc tìm tòi, đúc kết về mặt lí thuyết sáng tạo cũng như trong việc “ứng dụng” các định hướng lí thuyết ấy vào sáng tác cụ thể. Đấy là điều khá đặc biệt trong thời đại Thơ mới, thời mà nhà thơ vốn được hình dung như một con người đa tình, đa cảm (Tôi chỉ là người khách tình si/ Ham vẻ Đẹp có muôn hình muôn thể – Thế Lữ; Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm – Huy Cận ) và hành động “làm thơ”, “làm nghệ thuật” thường được mô tả như là một hành động mang tính bản năng, hồn nhiên, tự nhiên của những con người “giời bắt làm thi sĩ” (Nguyễn Bính), hoặc nói theo cách của Xuân Diệu, nhà thơ giống như “con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hát chơi”. Nhận thức, tư tưởng của tác giả thường được trình bày trong các ý kiến, nhận định rải rác chứ hiếm khi được tập trung, đúc kết và “nâng cấp” thành một hệ thống lí thuyết, có ý nghĩa bao quát nhiều vấn đề của sáng tác. Thường thì nó được “nhân thể” viết ra vì một mục đích khác: để làm căn cứ tranh luận với một ai đó, để giúp người đọc hiểu thêm về một tác giả, tác phẩm nào đó (các bài viết của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, hay Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên trong thời kì này là những ví dụ cụ thể). Điều này có thể do nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự chi phối của quan niệm lãng mạn chủ nghĩa (rất đậm nét trong tư duy của các nhà Thơ mới) về thơ, rằng thơ là tiếng nói của trái tim, của cảm xúc, vì vậy, “Ai lí luận với ân tình cho đáng” (Xuân Diệu). Thứ hai, nó có thể bị quy định bởi tính chất “nửa vời” của các khuynh hướng, trường phái trong Thơ mới. Điều này làm mất đi áp lực cần thiết thúc đẩy nhà thơ phải tìm kiếm, xây dựng những nền tảng lí thuyết nhằm hỗ trợ và định hướng những tìm tòi, cách tân trong sáng tác của mình. Nhìn rộng ra, điều này còn có thể bắt nguồn từ một cách nghĩ khá phổ biến (ngay cả với bây giờ, ở giới cầm bút lẫn độc giả), rằng yếu tố quyết định tên tuổi nhà thơ là tác phẩm chứ không phải là những “tuyên ngôn” của họ. Quan niệm này có hạt nhân hợp lí của nó. Tuy nhiên, xét đến cùng, bản chất của sự sáng tạo chính là sự nhận thức, cho nên, không chỉ hiện thực đời sống mà chính bản thân hoạt động sáng tác cũng cần phải thường xuyên được nhận thức và nhận thức lại. Nói như Octavio Paz, trong thơ hiện đại, sáng tác là phê bình và phê bình là sáng tác. Điều này không chỉ giúp người nghệ sĩ thoát ra khỏi tình trạng sáng tác bản năng, cảm tính (cố ý hoặc vô tình), mà còn giúp định hướng, gợi mở những cách nghĩ, cách viết mới, tạo nền tảng tri thức và tư tưởng cho hoạt động sáng tác chuyên nghiệp. (Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là mỗi nhà thơ cần/ nên là một nhà phê bình, lí luận. Ở đây chỉ đề cập tới vấn đề ý thức nghề nghiệp của người sáng tác, một hoạt động tư tưởng cần thiết để người nghệ sĩ thực sự trở thành nghệ sĩ, nghệ sĩ – trí thức, theo cách nói của các tác giả Xuân thu nhã tập). Vẫn nằm trong “văn mạch” Thơ mới, nhưng sự cách tân trong quan niệm nghệ thuật của Xuân thu nhã tập có những tiền đề lịch sử – xã hội cụ thể của nó. Theo một nhà nghiên cứu, những nguyên nhân chủ yếu đó là: a) đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, kéo theo sự thức nhận về một phương Tây tan vỡ và một phương Đông đang trỗi dậy đầy sức mạnh; b) bản chất “nửa vời” của cái Tôi đô thị Việt Nam; gánh nặng cô đơn và khát vọng tất yếu của nó nhằm tìm về hoà hợp với cái Ta; c) sự vận động tất yếu của Thơ mới (2) . Nhưng để làm nên một hiện tượng Xuân thu nhã tập trong lịch sử thơ Việt, ngoài những tiền đề lịch sử – xã hội đó, cần phải kể đến một nguyên nhân nội tại, mang tính quyết định: sự gặp gỡ và hội tụ của những chủ thể sáng tạo đầy tâm huyết, đầy ý thức về mối quan hệ tương hỗ, hữu cơ giữa lí thuyết và sáng tác cũng như về việc phải tìm kiếm và xây dựng một con đường phát triển thi ca (cũng như nghệ thuật nói chung) có tính lâu dài, bền vững. Tác phẩm của họ cho thấy một tình yêu nghệ thuật sâu sắc trên nền tảng những tư tưởng, nhận thức hiện đại và khát vọng chính đáng của người nghệ sĩ nhằm đóng góp “một chút gì” hữu ích cho nền thơ dân tộc, rộng hơn, cho quá trình kiến thiết đời sống tinh thần của con người Việt Nam trong một thời cuộc lịch sử mới. Tinh thần tiên phong, hiện đại đi cùng ý thức dân tộc thể hiện rõ ở những tuyên ngôn sáng tạo của họ: “Tìm con đường thực, nối liền nguồn - gốc xưa với những ước - vọng nay. Gợi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của ta, không quanh co, lúng túng vì những ảnh - hưởng ngoài Văn - chương, tư - tưởng lấy quốc - văn làm khí - cụ - độc - nhất, đào luyện trong cái đặc - biệt của ngôn - ngữ Việt - Nam” (Quan niệm). Sau đây là tóm lược một số nội dung cụ thể trong quan niệm thơ của Xuân thu nhã tập. 2. Trong tiểu luận Thơ, các tác giả Xuân thu nhã tập đã phân tích bản chất “Thơ” ở ba cấp độ : a) Chất (tính) thơ phổ quát: có trong các hiện tượng tự nhiên, đời sống, và đặc biệt tập trung trong các loại hình nghệ thuật (văn học, âm nhạc, hội hoạ ); b) Chất thơ trong nghệ thuật thơ - thể loại thể hiện tập trung nhất tính thơ (khác với văn xuôi); c) Chất thơ ở cấp độ bài thơ (tính thơ thể hiện trong sự hàm súc, khêu gợi đầy bí ẩn của câu chữ, nhạc điệu, hình ảnh ) Ở cấp độ chung nhất, rung động chính là bản chất phổ quát của thơ. Nhưng Thơ là sự rung động siêu việt, không thể giải thích, cắt nghĩa. Nó tựa như linh khí nối liền trời đất, vạn vật, con người trong mối tương giao, cộng cảm, hoà hợp. Nó vừa là khởi nguyên của sự sống vừa là yếu tố lưu giữ, bảo tồn, phát triển sự sống. Do đó, nói đến tính thơ là nói đến sự rung động hồn nhiên và vĩnh cửu. Nó tạo nên “nhịp điệu sống” vũ trụ. Các tác giả Xuân thu nhã tập khẳng định: Thơ là “một cái gì không giải thích được, mà không cần giải thích. Nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc Bằng con đường thẳng hình ảnh, tiết tấu, nghi lễ, âm thanh, màu sắc, mùi giọng được hoà hợp thành những biểu hiện nhịp nhàng để khêu gợi những rung động siêu việt của bản nhạc Vô cùng. Có rung động là có Thơ. Phải cần và chỉ cần có rung động ấy” (Thơ). Thơ cũng đồng nghĩa với cái Đẹp và cái Thật, với Chân lí vĩnh cửu. Cái đẹp của Thơ là cái đẹp tự nhiên, cho nên đó cũng là cái đẹp trong trẻo, vô lí do, vô tư lợi. Các tác giả Xuân thu nhã tập nhấn mạnh: “Cái gì trong trẻo là đẹp: hương hoa, chất ngọc, lòng băng, một ý tưởng vô tư lợi, một cử chỉ vô lí do; không cần chất chứa cái gì, để làm gì, biết thế nào; tự nó có ý nghĩa, có cứu cánh ở nó; tự túc, toàn năng. Và cái gì đẹp là thật” (Thơ). Đồng nhất Thơ với sự Rung động, với cái Đẹp, cái Thật, với những giá trị vĩnh cửu, Xuân thu nhã tập đã nâng tầm vóc của “Thơ” thành một hình thái tinh thần siêu việt, thiêng liêng, cao cả: “Ta đã thấy “Thơ”. Thơ chính là một cách tri thức cao cấp. Nó đã bắt gặp Hình Nhi Thượng, đưa đến Tôn Giáo và thực hiện Ái Tình, nghĩa là Vô Biên. Thơ, Tình Yêu, Tôn Giáo đều nở bừng trong tuệ giác” (Thơ). Từ đây, các tác giả Xuân thu nhã tập xem thơ như là “Đạo”, khởi nguyên của thế giới, của sự sống và cũng là khởi nguồn của mọi sự sáng tạo. Rung động sẽ dẫn đến sự tương giao, tương sinh, dẫn đến sự sinh sôi, nẩy nở của vạn vật và sự phát triển, biến hoá không cùng của nghệ thuật. Với ý nghĩa này, thơ (nói chính xác là “tính thơ”, “chất thơ”) có mặt trong đời sống, trong mọi hình thái nghệ thuật và có trong bất kì loại tác phẩm nghệ thuật nào. Xuân thu nhã tập khẳng định: “Thơ” có thể có trong âm nhạc, trong hội hoạ, trong kiến trúc, nói rộng ra, ở khắp ngành nghệ thuật và cả trong đạo lí, trong hành động, một khi đã gạn lắng những cặn đục mà còn tinh hoa” (Thơ). Như vậy khái niệm “thơ” đã được hiểu theo một nghĩa khá rộng rãi. Tham vọng của các tác giả là muốn đi sâu vào bản chất thơ xét từ góc nhìn của triết học, mĩ học. Một mặt, điều này sẽ đem lại một tầm vóc cao cả, siêu việt cho thơ, mặt khác, điều này giúp khẳng định cốt lõi của thơ như một giá trị tinh thần bền vững, vĩnh cửu trong đời sống nhân loại. Tất nhiên, từ góc độ này, khái niệm “thơ” có phần trở nên siêu hình, tư biện, khó hiểu. . Quan niệm thơ của nhóm Xuân Thu nhã tập 1. Xuất hiện vào quãng 1939-1 942 , Xuân thu nhã tập là sự tiếp tục của những tìm tòi nghệ thu t trên tiến trình vận. - biệt của ngôn - ngữ Việt - Nam” (Quan niệm) . Sau đây là tóm lược một số nội dung cụ thể trong quan niệm thơ của Xuân thu nhã tập. 2. Trong tiểu luận Thơ, các tác giả Xuân thu nhã tập đã. cách nói của các tác giả Xuân thu nhã tập) . Vẫn nằm trong “văn mạch” Thơ mới, nhưng sự cách tân trong quan niệm nghệ thu t của Xuân thu nhã tập có những tiền đề lịch sử – xã hội cụ thể của nó.