Tự sự học: Tên gọi, lược sử và một số vấn đề lí thuyết Phần 2 Một số vấn đề lí thuyết của tự sự học hiện đại Trước hết ta thử xem định nghĩa mục từ Narratology của Gerand Prince trong Từ điển tự sự học (University of Nebraska Press xuất bản 1987). - Lí thuyết về tác phẩm tự sự ra đời dưới ảnh hưởng của Chủ nghĩa cấu trúc. Narratology nghiên cứu hình thức, quy luật vận động, tính chất của các tác phẩm tự sự với các chất liệu khác nhau, nghiên cứu năng lực tự sự của chủ thể sản sinh và đối tượng tiếp nhận tác phẩm tự sự. Các bình diện mà nó tìm hiểu bao gồm “nội dung câu chuyện” và “hình thức trần thuật” cùng mối quan hệ giữa hai cái đó. - Nghiên cứu tác phẩm tự sự trong tính cách là một biểu đạt văn tự đối với sự kiện câu chuyện (tiêu biểu là G. Genette). Trong nghĩa hạn định này, narratology không quan tâm bản thân câu chuyện, mà tập trung sự chú ý vào thoại ngữ tự sự. Như vậy có thể thấy, Narratology trong định nghĩa thứ nhất chính là một lí luận tổng quát liên quan đến mọi tác phẩm tự sự trong một trọn vẹn chỉnh thể và quá trình. Chúng ta có thể hiểu bao quát rằng, mọi tác phẩm tự sự ở đây là chỉ tất cả các loại hình và dạng thức tự sự, cho dù là tự sự trên/bằng/với chất liệu/phương tiện nào chứ không chỉ là ngôn từ lời nói. Nó cũng nghiên cứu hai đầu của cái quá trình giao tiếp tự sự đó - chủ thể sản sinh tự sự và kẻ tiếp nhận tự sự. Đó không chỉ là hình ảnh một người nói/viết và bên kia, hình ảnh người đọc/người nghe. Tất cả các tác phẩm tự sự đều vật chất hoá thành một dạng “văn bản” bởi những chủ thể tác giả tồn tại/hiển hiện trên những cấp độ bao hàm nhau “kể” cho những đối tượng thụ nhận cũng tồn tại/hiển hiện trên những cấp độ bao hàm tương ứng một “câu chuyện”. Narratology trong định nghĩa thứ hai có một sở chỉ hạn định hơn. Nó nghiên cứu văn học tự sự (tiểu thuyết, truyện kể là thực liệu điển hình). Thậm chí nó còn tiếp tục giới hạn sự quan tâm trong phạm vi hình thức biểu đạt câu chuyện bằng lời văn tự. Ở đây nhắc đến G. Genette như là đại diện tiêu biểu của khuynh hướng tự sự học này. Ta đều biết tác phẩm đại biểu của Gérard Genette là Thoại ngữ tự sự (Discours du recit. Seuil, 1972. J.E. Lewin dịch ra tiếng Anh Narrative Discourse.Ithaca: Cornell Univ. Press, 1980). Trong đó Genette đề xuất khái niệm ngữ thái, phân xuất thoại ngữ trần thuật và hành động trần thuật từ cái thực thể mà chẳng hạn Mieke Bal (Hà Lan) cũng gọi bằng tiếng Pháp là văn bản tự sự (texte narratif). Những tác phẩm tự sự bằng/ trên chất liệu khác dĩ nhiên không liên quan đến khái niệm ngữ thái của Genette. Trong truyền thống lí luận văn học phương Tây, thuật ngữ narrative, naration là những thuật ngữ có cả lịch sử hai ngàn năm, hàm nghĩa hết sức phức tạp, nhiều lúc chúng chứa đựng những sở chỉ ngược nhau. Thông thường naration chỉ động tác, hoạt động hoặc là một danh từ biểu thị hoạt động (động danh từ). Ta có thể dịch là trần thuật, thuật kể, kể, sự kể. Còn narrative được dịch là tự sự, chỉ cái được trần thuật ra, nó là một sự thực chứ không là một hoạt động. Tự sự học hiện đại cố gắng khu biệt narrative và naration như là khu biệt giữa “chuyện kể ra” và “hoạt động kể chuyện”. Người ta giả định rằng mọi chuyện trên đời cho tới trước lúc được kể nên lời, là cứ tồn tại trong trạng thái “vốn thế”. Và những sự - việc tồn tại “vốn thế” đó không phải là narrative (tạm gọi là truyện kể, hoặc chuyện kể - trong cách nói “chuyện kể rằng ”) mà là story (tạm gọi là chuyện, câu chuyện, trong cách nói “có một câu chuyện ”). Các học giả Trung Quốc gọi cái này là “cố sự” (với nghĩa “chuyện đã xảy ra” - nhấn mạnh yếu tố “cố”. Chúng tôi tạm lấy đầu đề Cố sự tân biên dịch theo cách của Trương Chính - Chuyện cũ viết lại để minh hoạ cho ý này). Sau khi ta thuật ra/kể nên “chuyện đã xảy ra” đó thì mới có kết quả hiện trình narrative, tức là một câu chuyện do hình tượng một người trần thuật hướng về độc - thính giả từ một góc độ nào đó, tồn tại trong một kết cấu ngôn từ nhất định. Công việc đó trở nên có khả năng chính là nhờ hoạt động naration. Chung quy, naration dịch thành “thuật kể/trần thuật/kể chuyện” chỉ hoạt động, còn narrative dịch thành “tự sự/ truyện kể”, chỉ kết quả của hoạt động narration, cái kết quả “chuyện kể ra” hoặc nói chính xác hơn “chuyện có được nhờ kể, chuyện nhờ kể mà nên”. Vì nói “câu chuyện” sợ người ta vẫn nghĩ đến “chuyện đã xảy ra” chưa từng kể đến chứ không phải là những “chuyện xưa kể rằng” - sản phẩm thường thấy trong nền văn hoá đọc. Thế nhưng, những rào đón như thế này thường cũng khó mà tự mình kín kẽ. Ta hoàn toàn có thể cật vấn rằng, vậy làm thế nào để biết đến những “cố sự” đó? Huống hồ có cho đó là “sự cố” hay không lại còn là một chuyện khác. Làm thế nào để biết đó là những sự - việc tồn tại “vốn thế” (sự - việc dưới “dạng bản lai chân diện mục”) trong “thực tế hiện thực”? Cái “câu chuyện/story/histoire/cố sự” theo nghĩa này phải được hiểu là những kết cấu sự kiện có tính cách “khách quan” chưa từng kinh qua bất cứ biểu thuật nào và vì thế không chịu bất cứ ảnh hưởng của một lập trường quan điểm hay sự “nhào nặn” của hình thức biểu thuật. Trên thực tế những câu chuyện ta đọc được, nghe được không thể còn có “tính khách quan” giả tưởng đó được nữa. Tự sự học giải cấu trúc dường như muốn đi đến cùng trong vấn đề này. Các nhà tự sự học giải cấu trúc cho rằng chúng ta (cả độc giả lẫn nhà viết truyện) chỉ có thể tiếp xúc với câu chuyện thông qua thoại ngữ tự sự đã sản sinh nên nó. Họ cho rằng tự sự học giả định sự kiện tồn tại trước thoại ngữ nói về hoặc biểu đạt chúng. Vì vậy đã kiến lập nên một trật tự tầng bậc. Thế nhưng tác phẩm tự sự trong quá trình vận tác thường lật nhào trật tự đó. Các tác phẩm tự sự không phải là biểu đạt sự kiện như là biểu đạt sự thực đã biết, mà là biểu đạt chúng như là sản vật của sức mạnh hay yêu cầu của thoại ngữ. Dường như người ta nói nhiều hơn đến cái story “thâu nhận”, suy dẫn ra được từ một narrative: những “cố sự ” trong các truyện kể, chứ không phân tích những “chuyện đã xảy ra” chưa từng kể đến. Nói đúng hơn chúng ta chỉ nói đến chúng khi ý thức được rằng không giả định có một “cái gì” đó khá ổn định, có thể biểu hiện lên qua một số phương thức thì chúng ta sẽ không thể bàn được câu chuyện được kể ra “như thế nào”. Vấn đề càng nổi rõ hơn khi ta cho rằng có nhiều nghệ thuật với những công cụ - chất liệu khác nhau (điện ảnh, vũ đạo ) cũng có thể thể hiện cho ta câu chuyện mà tự sự bằng lời đã kể cho ta. Đó chính là lí do khiến cho trường phái hình thức Nga đề xuất khu biệt fabula (chỉ các nguyên tài liệu sự kiện phát sinh trong tuyến tính thời gian thực tế) với syuzhet (hình thức biểu đạt các nguyên tài liệu đó). Chịu ảnh hưởng V. Shkhlovsky, B. Eichenbaum – hai đại biểu của chủ nghĩa hình thức Nga đi tiên phong trong việc đề xuất phương pháp lưỡng phân vừa nói, đại biểu của chủ nghĩa cấu trúc Pháp T. Todrrov lần đầu tiên nêu cặp lưỡng phân câu chuyện (histoire) và thoại ngữ (discours) khu biệt tài liệu sự kiện với hình thức biểu đạt của tác phẩm tự sự. Đây dường như đã trở thành tiền đề tất yếu của tự sự học. Một nhà cấu trúc luận Pháp khác - Genette cho rằng “câu chuyện - histoire” được tổ thành từ những tài liệu hãy còn chưa được biểu thuật ở diễn ngôn (trần thuật) trong trật tự tuyến tính thời gian tự nhiên. Theo nghĩa này “câu chuyện - histoire” đối ứng với định nghĩa “fabula”. Còn khái niệm “thoại ngữ - discours” thì được Genette dùng để chỉ bao gồm tất cả mọi đặc trưng mà tác giả đem đưa vào câu chuyện - histoire. Như vậy syuzhet theo cách hiểu của Boris Tomashevky - tự sự kể ra hoặc viết ra bao gồm các thủ pháp, các trình tự thuộc văn bản ngôn từ trở thành khái niệm đối ứng với khái niệm “thoại ngữ - discours” nói trên. Về sau Genette đã mở rộng nhị phân “câu chuyện - histoire” và “thoại ngữ - discours” thành tam phân histoire/récit/narration. Chúng tôi sẽ quay trở lại với Genette khi nói đến phương pháp tam phân. Khu biệt của T. Todrrov rất có ảnh hưởng trong nghiên cứu tự sự học. Một nhà tự sự học Mỹ thậm chí đã dùng cặp thuật ngữ đặt tên cho một cuốn sách nghiên cứu cấu trúc tác phẩm tự sự - cuốn Story and Discourse của S. Chatman. Thế nhưng “story” của Chatman không tương ứng với “histoire” cấu trúc luận Pháp. “Story - câu chuyện” của Chatman bao gồm sự kiện, nhân vật, bối cảnh cũng như sự sắp xếp bố trí tất cả những thứ đó. Trong khi đó theo Genette, sự sắp xếp bố trí này lại là một phương diện của “thoại ngữ - discours”. Chatman quan niệm “thoại ngữ - discours” là phương thức biểu đạt đối với “story - câu chuyện”. Vì vậy có thể nói đến “thoại ngữ” theo nghĩa đó đối với cả điện ảnh, vũ ba lê mặc dù chúng sử dụng những công cụ chất liệu khác nhau. Trên đây xuất phát từ cặp thuật ngữ narrative/narration bước đầu nói đến việc phân tách hai bình diện của một tác phẩm tự sự truyện kể. Cũng như nội dung và hình thức, fabula và syuzhet, story và disourse, chuyện và truyện (10) đây đều là thao tác nhị nguyên luận vận dụng để lưỡng phân đối tượng. Học giả người Pháp Genette đi tiên phong đề xuất phương pháp tam phân (Discours du recit. Seuil, 1972. J.E. Lewin dịch ra tiếng Anh Narrative Discourse. Ithaca: Cornell Univ. Press, 1980.Discours du recit là một bộ phận trong sách Figures III, Paris: Seuil, 1972): 1) câu chuyện (histoire) tức nội dung được kể; 2)thoại ngữ tự sự/trần thuật (récit) tức diễn ngôn kể, đó là văn bản tác phẩm tự sự mà độc giả đọc; 3) hành vi trần thuật(narration) (11) tức quá trình hoặc hành động làm nảy sinh thoại ngữ. “Narration” trong tam phân của Genette đề cập đến quan hệ người nói/ tác giả (“tiếng nói” tự sự) và người nghe/ độc giả. Có thể tạm hình dung tam phân của Genette chính là tiếp tục nhị phân thoại ngữ tự sự thành diễn ngôn lời kể và hành vi sản sinh lời kể. Genette nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của hành vi tự sự: không có hành vi tự sự thì không có thoại ngữ tự sự, tức cũng không có chuyện được kể ra. Lí thuyết của Genette được nữ học giả Shlomith Rimmon-Kenan tu chỉnh phát huy (Narrative Fiction, London: Methuen, 1983). Rimmon -Kenan lần lượt gọi đó là câu chuyện (story), văn bản (text) và hành vi tự sự (narration). Nhà tự sự học Hà Lan Mieke Bal cũng đề xuất phương pháp tam phân trong công trình Tự sự học xuất bản bằng tiếng Pháp (Narratologie, Paris: Xét từ góc độ tự sự học… Klincksieck, 1977. Phân biệt với bản tiếng Anh – Narratology, Univ. of Toronto Press xuất bản, 1985. C. van Boheemen dịch. Trong bản tiếng Anh có vấn đề trong việc chuyển dịch khái niệm). M. Bal dùng ba thuật ngữ: histoire, récit (với nghĩa thủ pháp hoặc kĩ xảo trần thuật) và texte narratif (văn bản tự sự). So với tam phân của Genette, Récit của Bal nhấn mạnh đến kĩ xảo tự sự (narrative technique) còn histoire của ông cũng không giống với histoire của Genette, nó tương ứng với story của Chatman. Vậy thì nếu nhị phân ta phải ý thức được rằng không thể có chuyện trước lúc kể, hoặc nói cách khác trước lúc vào/lên truyện (ta có cách nói “ lên sân khấu; thành phim; lên/vào mạng” ) những cái đem kể chỉ là đề tài, tài liệu, chất liệu. Đó là chuyện bếp núc của nhà văn. Mặt khác, cũng nên thấy truyện chỉ có một nhưng câu chuyện mỗi độc giả “đọc ra” là không giống nhau. Bản “tóm tắt cốt truyện” của các độc giả trên thực tế lại là một “văn bản/thoại ngữ kể chuyện” mới. Nếu như đã từng có cách nói cực đoan “cái chết của tác giả” thì từ những năm 90 cũng đã xuất hiện cách hiểu cực đoan cho rằng không kể thuộc thể loại nào chỉ cần độc giả trong ngữ cảnh nhất định xem là có “tính truyện” (narrativity) thì đó sẽ là tự sự. Có cách nói đùa một cuốn danh bạ điện thoại chính cũng là một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật thì quá thừa mà hành động thì quá thiếu. Chúng ta sẽ không nói quá nhiều đến tác giả ngoài đời, khi chuyện kể xong “tác giả đã chết” (R. Bathes). Ta sẽ chỉ chú ý đến cấu trúc bổ ngang của một tác phẩm tự sự. Lúc đó trong thao tác tư duy logic việc lưỡng phân nhị nguyên hai bình diện chuyện và truyện là cần thiết, tuy sự thực narative và naration là tương sinh đồng tồn – đó là hai mặt của một thực thể. Tồn tại của chúng là tồn tại như những bình diện/phương diện đối ứng trong một giả định lí luận trừu tượng. Không ý thức đầy đủ và thường xuyên về điều đó, một số nhà nghiên cứu đã phân tích từng phương diện như là những thực thể cô lập. Chẳng hạn có người tìm cách chứng minh “sự độc lập tương đối” của “story/câu chuyện/cố sự” bên ngoài chất liệu (ngôn từ, hình ảnh phim, động tác vũ đạo, hành động sân khấu) biểu thuật nó. Hoặc ngược lại có người lại tìm kiếm khu vực “tương trùng” giữa “story/câu chuyện/cố sự” và “thoại ngữ/ discours”. Mặt khác, nếu ta đồng thời còn chú ý đến chiều bổ dọc của cấu trúc truyện, chiếu cố đến các bậc (instances) và cấp độ trần thuật (niveaux narratifs) (12) trong tác phẩm tự sự thì ta buộc phải lưu ý đến tiếp nhận và ngữ cảnh. Theo thiển ý của chúng tôi, những người phản đối phương pháp tam phân với lí do hành vi hoặc quá trình trần thuật (narration) và thoại ngữ trần thuật là không thể “phân tách” chính là do không ý thức rõ ràng về vấn đề bình diện và tầng bậc (13) . Bản thân chúng tôi cho rằng phương pháp tam phân đã chỉ ra ba bình diện quan trọng của tự sự. Ba bình diện đó phải được hình dung là tam diện nhất thể, chúng đồng sinh đồng tồn. Tam phân không phải là một bổ sung cho nhị phân theo cách tiếp tục lưỡng phân một trong hai bình diện của nhị phân. Chúng tôi dùng hình ảnh “tam giác tự sự” sau để minh hoạ cho nhận thức này: story/câu chuyện thoại ngữ/discours/truyện hành vi trần thuật /narration Phương pháp lưỡng phân vấp phải sự chống đối của những người nhất nguyên luận. Đến lượt phương pháp tam phân lại hứng chịu sự phản đối đến từ một bộ phận chủ trương nhị nguyên lưỡng phân. Và rồi dường như tất cả lại trở thành đối tượng phê phán của các nhà giải cấu trúc. Nếu tự sự học còn tiếp tục, và thực tế nó phải tiếp diễn mặc cho ai đó hô hào “phản tự sự học” thì thực tế chúng ta vẫn bắt buộc đối mặt với lịch sử và như vậy tức phải đối mặt với tự sự. Sự thực đó bắt buộc chúng ta không thể né tránh được việc phân tích tự sự. Và như vậy là cho dù giữ lập trường nhất nguyên luận hay giải cấu trúc luận thì con người vẫn phải không ngừng thức nhận tự sự, tức vẫn phải tiến hành trong óc những thao tác tư duy nhất định, dù đó là lưỡng phân hoặc tam phân hay là giải cấu trúc đi nữa . Tự sự học: Tên gọi, lược sử và một số vấn đề lí thuyết Phần 2 Một số vấn đề lí thuyết của tự sự học hiện đại Trước hết ta thử xem định nghĩa. giao tiếp tự sự đó - chủ thể sản sinh tự sự và kẻ tiếp nhận tự sự. Đó không chỉ là hình ảnh một người nói/viết và bên kia, hình ảnh người đọc/người nghe. Tất cả các tác phẩm tự sự đều vật chất. và hành vi tự sự (narration). Nhà tự sự học Hà Lan Mieke Bal cũng đề xuất phương pháp tam phân trong công trình Tự sự học xuất bản bằng tiếng Pháp (Narratologie, Paris: Xét từ góc độ tự sự