Lý do bé nói dối Nói dối ở bé là một vấn đề thường làm cha mẹ lo lắng, và là một lý do đưa bé đến khám tâm lý để biết xem nói dối có phải là hành vi bệnh lý không. Sau đây là vài điểm căn bản để hiểu vấn đề nói dối. Cách nhận thức của bé có giống người lớn không? Mẹ bé Nhi, 5 tuổi, bảo bé dọn dẹp phòng của bé. 20 phút sau, bé ra phòng khách và nói với mẹ là bé đã dọn xong rồi. Khi mẹ vào kiểm soát phòng, mẹ thấy phòng vẫn mất trật tự. Mẹ rầy con đã nói dối . Nhưng đối với bé, bé chỉ cần dời vài đồ vật và cho rằng như thế phòng đã có trật tự! Như thế hai mẹ con không có cùng một quan điểm về thực tế. Đối với bé, phòng được dọn dẹp tốt, còn đối với mẹ, phòng vẫn mất trật tự. Bé Bảo 7 tuổi, từ trường trở về nhà trong sự giận dữ và kể cô giáo đã phạt Bảo nặng nề vì cô không thương Bảo. Khi bố hỏi Bảo đã làm gì để bị cô phạt, Bảo trả lời là không có làm gì cả, nhưng vì cô giáo không thương Bảo. Khi tìm hiểu sự việc, bố biết là cô đã phạt cả lớp vì học sinh không ngoan. Bảo không nói dối, Bảo chỉ cảm nhận sự bất công và hình phạt cá nhân trong khi cô khiển trách tập thể, và Bảo nghĩ rằng cô ghét Bảo. Khi về nhà, Bảo đã trình bày sự việc như thế. Phải chăng vì cha mẹ quá nghiêm khắc nên bé nói dối? Một bà mẹ nói:”Tôi làm việc về trễ buổi tối. Tôi được biết con gái tôi 12 tuổi nói dối tôi và đã đi chơi với các bạn sau khi tan trường thay vì về nhà ngay để làm bài tập theo lệnh của tôi. Tôi phải làm gì?”. Bà mẹ này cần nói chuyện với con. Có thể bé đã nói dối mẹ để được tự do hơn. Lúc 12 tuổi, bé có thể ở lại chơi với bạn sau khi tan trường nếu bé cho mẹ biết bé chơi ở đâu. Cũng có thể bé ngại về nhà ở một mình trước khi mẹ đi làm về. Điều quan trọng là tạo mối quan hệ tin tưởng với bé, để bé sống tự lập, một cách an toàn và được cha mẹ quan tâm (qui định giờ về nhà và địa điểm chơi được cho phép hay bị cấm). Một ông bố nói:”Con trai 11 tuổi của tôi thường nói dối tôi về điểm học của cháu, cháu nói cháu đạt điểm tốt, nhưng khi xem sổ liên lạc, tôi thấy cháu nói sai, và cháu chỉ đạt điểm trung bình. Tôi không hiểu tại sao con tôi không thành đạt, vì ở tuổi của cháu, tôi học rất giỏi”. Trong trường hợp này, có thể cha mẹ quá nghiêm khắc và đòi hỏi bé nhiều . Bé chọn nói dối cho đến khi cha mẹ khám phá ra sự thật. Có lẽ, bé rất sợ bị phạt và xấu hổ vì làm cha mẹ thất vọng trong khi cha mẹ kỳ vọng nhiều ở bé. Cha mẹ nên tương đối hóa vấn đề, một bé có điểm trung bình không nên bị phạt nặng, nhưng nên được động viên và giúp đỡ đế tiến bộ và tự tin hơn. Bé có thử trắc nghiệm sự hiểu biết của người lớn không? Đến 4-5 tuổi, bé nghĩ là người lớn có thể đọc hoặc đoán được tư tưởng của bé. Khi bé ý thức là điều xảy ra trong trí não là của riêng bé, thì bé không còn “trong suốt “ nữa và bé có khả năng giữ bí mật, giấu kín. Bé trắc nghiệm xem bé có thể giấu kín hoặc bóp méo điều gì mà người khác không thấy được. Nếu chúng ta nhanh chóng đặt giới hạn cho hành vi này, bằng cách cho bé thấy những bất lợi (như trong câu truyện bé nói dối là có “chó sói” làm người lớn mất tin tưởng), thì bé sẽ ngừng nói dối. Ví dụ: Linh 4 tuổi, giấu một viên kẹo trong bàn tay của trẻ. Mẹ bảo:”Con có gì trong bàn tay đó?”.Bé trả lời: “Không có gì”.Trong trường hợp này, bé thử giấu kẹo để xem mẹ có đoán được không. Nói dối có thể hiện trí tưởng tượng không? Một bé kể chuyện có thể là một bé giàu trí tưởng tượng và muốn thoát ra khỏi một thực tế gây ấm ức, khó chịu và thất vọng. Trong thâm tâm, bé ý thức là điều bé kể không có thật, nhưng bé cảm thấy dễ chịu trong ảo tưởng. Ví dụ: “Con chúng tôi 10 tuổi kể với các bạn: cháu là một đứa con nuôi, và chúng tôi không phải là bố mẹ ruột của cháu. Cháu là con của một ngôi sao điện ảnh, và gia đình thật của cháu sẽ đến đón cháu một ngày nào đó.”. Chúng ta nghĩ thế nào về hành vi này? Bé kể những câu chuyện có thể hấp dẫn các bạn, hoặc để tránh né một tình huống khó khăn (bố mẹ bất hòa, tranh cãi trong gia đình). Bé muốn có một gia đình lý tưởng, khác với gia đình thực tế. Khi nào chứng nói dối trở thành bệnh lý? “Con trai tôi 16 tuổi nghiêm túc kể cho bố mẹ những câu chuyện xem ra đáng tin cậy, nhưng hoàn toàn sai. Ví dụ, nó kể là 3 bạn trai trong trường đánh nó, nhưng nó đã thắng cuộc, và bây giờ chúng trở thành bạn thân với nhau. Nhưng khi tôi hỏi cô giáo chủ nhiệm, thì không phải như thế. Như vậy là thề nào?”. Kể từ tuổi vị thành niên, nếu khuynh hướng nói dối tồn tại, cha mẹ nên đưa bé khám tâm lý vì có thể đó là một dạng bệnh lý được gọi là thói bịa chuyện hoang đường. Một người mắc chứng này không thể không nói dối. Điều này thể hiện một sự khó chịu trầm trọng ở tuổi vị thành niên hoặc người lớn và cần được trị liệu tâm lý. Kết luận: Nói dối ở bé có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Thường chúng ta không nên lo lắng hoặc trừng phạt bé. Nhưng cần tìm hiểu lý do bé che giấu sự thật, nói chuyện với bé, trấn an bé, và dạy cho bé biết nói dối là một thói quen xấu có thể làm mất niềm tin của cha mẹ và bạn bè. Chúng ta cũng đừng quên là trước khi phạt bé quá nặng, chính bản thân chúng ta là người lớn cũng có đôi khi nói dối để tránh một sự khó chịu nào đó. Trước khi đòi hỏi bé không nói dối, thì bản thân người lớn cũng đừng nói dối. Nếu chúng ta nói dối bé từ những việc nhỏ như “Hết bánh rồi!” thay vì nói :”Mẹ không cho con ăn bánh trước giờ cơm” hoặc những điều trầm trọng hơn như “Bố con đi làm việc xa” trong khi bố mẹ đã li dị nhau. Khi chúng ta nói dối, bé nghi ngờ và đoán điều không tốt. Vì thế, nên giải thích sự thật cho bé, thay vì để bé tưởng tượng những điều tệ hại hơn. Theo Bệnh Viện Nhi Đồng 1 . Lý do bé nói dối Nói dối ở bé là một vấn đề thường làm cha mẹ lo lắng, và là một lý do đưa bé đến khám tâm lý để biết xem nói dối có phải là hành vi bệnh lý không. Sau đây. tâm lý. Kết luận: Nói dối ở bé có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Thường chúng ta không nên lo lắng hoặc trừng phạt bé. Nhưng cần tìm hiểu lý do bé che giấu sự thật, nói chuyện với bé, . người lớn cũng có đôi khi nói dối để tránh một sự khó chịu nào đó. Trước khi đòi hỏi bé không nói dối, thì bản thân người lớn cũng đừng nói dối. Nếu chúng ta nói dối bé từ những việc nhỏ như