Đàn đá Dambri của Phan Trí Dũng "Đàn đá Dambri" của Phan Trí Dũng không có gì bí ẩn cả, đó chỉ là một đàn đá tân tạo ở thế kỷ XXI, do tình cờ gặp được trong số mấy trǎm thanh đá cổ gom góp lại - với quan điểm một người đã học nhạc phương Tây mà tạo ra - cũng như "đàn sành" của ông nhạc sĩ ở Hải Dương mà nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã gặp, hay "đàn 12 âm" của một nhạc sĩ Mông Cổ mà tôi đã gặp tại Ulan Bator nǎm 1985. Trước ngày tôi trở lại Pháp, anh Phan Trí Dũng có mời tôi lại xem "bộ đàn đá 12 âm" mà anh mới "phát hiện". Nhưng vì hành lý chưa sắp đặt xong, và còn rất nhiều việc chưa giải quyết được nên tôi không đáp được lời mời của anh. Sáng nay (07/07/2004), trên mạng internet tôi đọc ba bài báo. 1. "Bí ẩn từ một bộ đàn đá Tây Nguyên" - báo Nhân Dân (3/7/2004) có ghi lại việc anh Phan Trí Dũng "tình cờ" tìm thấy 24 thanh đá, bố trí theo âm giai 12 cung, và đàn có thể tấu được bản Diễm xưa của Trịnh Công Sơn, và bản Triệu đoá hồng - tình khúc Nga. 2. "Bí ẩn từ một bộ đàn đá Tây Nguyên, bất ngờ và độc đáo" đǎng trên báo Thanh Niên (6/7/2004), do Tố Tâm thực hiện. 3. "Về bộ đàn đá bí ẩn ở Tây Nguyên trên báo Nhân dân" (theo báo Thanh Niên và báo Thể thao - Vǎn hóa) tôi đọc sáng hôm nay. Trong báo Thanh Niên có ghi lại ý kiến của Gs.Tô Vũ, Ts.Nguyễn Nhã và nhạc sĩ Nguyễn Đức Lộc về "đàn đá Dambri". Mặc dầu đã từng nghiên cứu sâu về các loại đàn đá: Khánh Sơn, Bác Ái, Bình Đa, Tuy An , là người có đủ kiến thức và thẩm quyền để nhận xét một cách khoa học về các loại "đàn đá", Gs. Tô Vũ đã tỏ ra rất thận trọng trong khi phát biểu về đàn đá Dambri. Giáo sư chỉ "bất ngờ và vui mừng" khi biết anh Phan Trí Dũng đã tìm được rất nhiều thanh đá, mà theo giáo sư là loại đá sừng (một loại đá với đàn Ndut Lieng Krak do Gs.Condominas phát hiện từ nǎm 1948 - 1949). Nhưng giáo sư chỉ "khẳng định thanh đá này đúng là thanh đá cổ xưa", mà "không dám khẳng định rằng tất cả các thanh là của chung một đàn đá cổ xưa", mà " có thể đây là nhiều thanh đá của nhiều bộ đàn đá ghép lại". Ts. Nguyễn Nhã chuyên về sử học nên chỉ nhận xét rằng "nguyên liệu làm đàn đá có ngay ở nước ta". Thật ra không phải đợi đến sự kiện tìm ra được mấy trǎm thanh đá để lựa ra 24 thanh của đàn Dambri chúng ta mới biết việc ấy. Từ nǎm 1948 đến nay, các nhà khảo cổ và âm nhạc học đã phát hiện và khai quật được các đàn đá Ndut Lieng Krak, Khánh Sơn, Bác Ái, Bình Đa, Tuy An đã biết chắc rằng nguyên liệu làm đàn đá là những loại đá sừng (roche cornéenne) hay schiste métamorphique, rhyolite porphyre, rhyodacite v.v có ở nước ta, trên vùng Tây Nguyên. Và trên thế giới đến nay, trừ 3 thanh đá tìm tại Bolivia (Nam Mỹ) lưu giữ tại Bảo tàng Con người ở Paris, chưa có nơi nào trên thế giới có loại đá ghè đẽo, to và nhiều bằng những thanh đá khai quật tại Việt Nam. Khi chúng ta nói ở "nước ta" là ở trên lãnh thổ của nước Việt Nam ngày nay, chúng ta không nên quên rằng người chế tạo ra đàn đá không phải là người Việt (dân tộc Kinh) mà là người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và đặc biệt là dân tộc Raglay. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Lộc thì nghĩ đến việc "đàn dân tộc chơi nhạc hiện đại dễ được giới trẻ đón nhận hơn". Chỉ có trong báo Nhân dân, bài phỏng theo Thanh Niên và Thể thao Vǎn hóa, ngoài ý kiến của ba vị nói trên còn có nhận xét của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội về cây đàn đá Dambri là rõ ràng, chính xác, khoa học. Nhạc sĩ nêu ra hai vấn đề rất quan trọng. 1. Đá kêu hay đàn đá. Đá kêu thì có rất nhiều, thường được dùng để "giữ rẫy". Những thanh đá kêu (tiếng Pháp là pierres sonores, tiếng Anh là sonorous stones) thường có kích thước nhỏ, khi va vào nhau sẽ kêu vang cho chim chóc sợ không dám vào phá rẫy (người Pháp gọi những loại đá đó là épouvantail bruiteur). Đá kêu thường có tự nhiên, không được ghè đẽo cẩn thận để phát ra những âm thanh có độ cao theo ý muốn của người chế tạo. Dân tộc Kabye ở Togo, châu Phi, vào tháng 11 trong nǎm, khi mùa gặt hái đã xong, thường ǎn mừng bằng cách tìm những thanh đá kêu, không quan tâm đến hình dáng và tiếng kêu như thế nào. Mỗi gia đình lượm 6 thanh đá đặt trên một ổ rơm, như hình ngôi sao và dùng một hòn cuội gõ trên mấy thanh đá không theo một nét nhạc nào, chỉ cần làm vang động xóm làng bằng tiếng kêu. Những thanh đá ấy được gọi là "picancalla". Đàn đá gồm những thanh đá mài nhẵn hay ghè đẽo, mỗi thanh phát ra một âm có độ cao nhất định. Ở Trung Quốc, từ cả ngàn nǎm trước Công nguyên đã có những thanh đá hình thước mộc hay hình cá, bằng ngọc thạch hay đá cẩm thạch, gọi là qing (khánh). Một nhạc khí gồm 16 thanh đá kích thước giống nhau nhưng bề dầy khác nhau gọi là bian qing (biên khánh). Thanh đá số 1 phát âm trầm nhất, là âm hoàng chung. Các thanh phát ra những âm cách nhau nửa cung và trong một quãng tám có 12 âm. 4 thanh cuối cùng phát ra 4 âm đầu mà một quãng tám cao hơn. Biên khánh không phải là một nhạc khí dùng để đánh giai điệu, mà để làm "chuẩn" cho các âm dùng trong nhạc lễ. Mở đầu một câu nhạc hay một đoạn nhạc bằng một tiếng khánh. Chấm dứt một câu hay một đoạn nhạc bằng một tiếng chuông. 12 âm ấy được gọi là Luật Lữ (6 Luật thuộc Dương, 6 Lữ thuộc Âm) mang những tên sau đây: Hoàng chung phát ra âm gần với Fa Đại lữ: Fa# Thái thốc: Sol Giáp chung: Sol# Cô tẩy: La Trọng lữ: La# Nhuy tân: Si Lâm chung: Do Di tắc: Do# Nam lữ: Ré Vô xạ: Ré# Ứng chung: Mi Biên khánh không phải một "dàn đá" có 12 âm mà là một dàn gồm 12 khánh đá (người Pháp gọi là un carillon de 12 phonolithes, người Anh gọi là a 12 stones chime). Danh từ "đàn đá" chỉ dùng để chỉ những thanh đá ghè đẽo phát ra âm cao thấp khác nhau, hợp thành một bộ, tìm thấy tại một nơi như các đàn đá kể phía trên. Nếu sắp thanh đá song song với nhau như những thanh tre của đàn t'rưng, đàn ấy người Pháp gọi là "lithophone" (một cách gọi giống như xylophone, métallophone). Điểm thứ hai trong lời phát biểu của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan rất quan trọng: Đàn đá Dambri không phải được tìm thấy nguyên một bộ đàn gom từ một nơi mà do nhạc sĩ Phan Trí Dũng, lựa trong hơn mấy trǎm thanh đá, tìm được 24 thanh và sắp theo thứ tự độ cao của thang âm bình quân 12 âm - chẳng khác chi ông nhạc sĩ ở Hải Dương sưu tầm mảnh sành sứ gõ ra nghe âm thanh cao thấp khác nhau, tìm trong mấy trǎm mảnh được 12 mảnh phát ra những âm phù hợp với 12 âm trong thang âm bình quân, và gom thành một nhạc cụ đặt tên là "đàn sành". Nǎm 1985, khi Hội đồng Âm nhạc quốc tế thuộc UNESCO phái tôi sang Mông Cổ làm cố vấn cho Uỷ ban Âm nhạc quốc gia Mông Cổ tổ chức Diễn đàn âm nhạc châu Á, tôi có tiếp chuyện cố giáo sư Baadra, xây dựng một cuộc triển lãm nhạc khí truyền thống Mông Cổ. Một hôm, Gs. Baadra nói nhỏ với tôi: "Chúng tôi mới phát hiện một "bộ đàn đá 12 âm" (đúng với 12 âm thang âm bình quân)", ông tươi cười thích thú cho rằng bộ đàn đá đó chứng minh rằng "người Mông Cổ biết thang âm 12 âm". Tôi cũng ngạc nhiên, nhưng bán tín bán nghi, tôi yêu cầu được gặp chủ nhân cây đàn đá Mông Cổ ấy. Sau buổi gặp gỡ và trò chuyện với chủ nhân bộ đàn đá Mông Cổ 12 âm, chúng tôi biết rõ ông là một người sưu tầm đá tìm được trong khắp nước Mông Cổ. Nhiều mảnh đá quí, đá lạ, đá thô sơ, đá mài nhẵn. Và ông cũng có biết nhạc Tây phương và tình cờ phát hiện những thanh đá phát ra những âm cao thấp khác nhau. Ông gom lại được 12 mảnh để làm thành một bộ đàn đá có 12 âm như thang âm bình quân, và có thể dùng đàn ấy đàn được những bản nhạc Tây phương. Nghe nói có cuộc triển lãm nhạc khí Mông Cổ, ông nghĩ rằng đàn này sẽ làm cho người xem triển lãm ngạc nhiên nên đề nghị Gs. Baadra cho đàn đá của ông tham dự triển lãm. Tôi nói với Gs. Baadra rằng chúng ta triển lãm nhạc khí truyền thống Mông Cổ nên không thể triển lãm những nhạc khí do người Mông Cổ học nhạc phương Tây chế tạo bằng nguyên liệu cổ, với quan điểm mới. Và lẽ tất nhiên Gs. Baadra cũng bật cười khi biết được sự thật, như nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã cười khi nghe nói tới đàn đá Dambri 12 âm. (Về thang âm 12 âm, nếu hiểu theo nghĩa thang âm dùng trong âm nhạc cận đại - dodécaphonique - thì chỉ từ khi nhạc sĩ A.Schoenberg dùng thang âm 12 âm theo cách đặc biệt đó để sáng tác mới có từ dodécaphonique. Nếu là thang âm bình quân 12 âm thì theo nhạc sử phương Tây, sau khi có bài viết của Werkmeister về vấn đề ấy, và khi được nhạc sĩ thiên tài Johann Sebastien Bach thực hiện bằng những sáng tác trong Le clavecin bien tempéré, thang âm đó đã được các nhạc sĩ khác dùng trong nhiều tuyệt phẩm của nhạc châu Âu. Nhưng trong những tư liệu Trung Quốc về Luật Lữ, giới nghiên cứu âm nhạc phát hiện rằng từ đời nhà Minh, Châu Tải Dục trong khi bàn đến 12 âm Luật Lữ (circa 1595) có đề cập đến nguyên tắc bình quân mà không áp dụng việc tạo một thang âm với cách chia quãng 8 ra 12 bán cung đồng đều, chỉ chú trọng vào 12 Luật Lữ được qui định từ âm Hoàng chung theo luật "Tam phân tổ ích", sắp theo thứ tự từ thấp lên cao cũng thành một thang âm 12 âm trong một quãng tám. Nhưng như chúng tôi đã nói rõ phía trên, đó là những âm "chuẩn" chứ người Trung Quốc không dùng thang âm 12 âm bao giờ. Thí dụ như khi tấu bài Nhạc chương trong buổi tế Đức Khổng Tử, âm Cung phải có độ cao bằng độ cao của âm Giáp chung vào mùa Xuân, và âm Nam lữ vào mùa Thu. Nói đến một bộ đá 12 thanh sắp theo thứ tự từ thấp đến cao của những âm do những thanh đá ấy phát ra thì tại Trung Quốc, biên khánh đã có từ nhà Chu. Khổng Tử một hôm thử gõ biên khánh, có người gánh cỏ nghe tiếng khánh dừng chân và khen người gõ khánh quả là người có chí lớn. Sở dĩ chúng tôi nêu lên những tư liệu trên đây vì muốn cho các bạn đọc tuy không chuyên về âm nhạc học, cũng thấy rõ rằng những bộ đá 12 thanh, những thang âm bình quân hay không bình quân đã có từ xưa, mang tính chất khoa học hay nghệ thuật chứ không có gì "bí ẩn" cả. Tiếp lời các vị giáo sư, nhạc sĩ đã được ghi trong các bài báo kể trên, tôi xin góp vài ý kiến về cây đàn đá Dambri. Với sự tiến bộ của khoa dân tộc nhạc học và kỹ thuật truyền thông trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định rằng đến ngày nay, chưa có một nhà khảo cổ hay dân tộc học, dân nhạc học nào tìm ra một nhạc khí cổ nào trong truyền thống dân gian có phát ra 12 âm như những âm của thang âm bình quân cả. Kết luận: "Đàn đá Dambri" của Phan Trí Dũng không có gì bí ẩn, đó chỉ là một đàn đá tân tạo ở thế kỷ XXI, do tình cờ gặp được trong số mấy trǎm thanh đá cổ, gom góp lại với quan điểm của một người đã học nhạc phương Tây, cũng như "đàn sành" của ông nhạc sĩ ở Hải Dương mà nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã gặp hay đàn 12 âm của ông nhạc sĩ Mông Cổ mà tôi đã gặp tại Ulan Bator nǎm 1985. Gs.Ts.Trần Văn Khê . Đàn đá Dambri của Phan Trí Dũng " ;Đàn đá Dambri& quot; của Phan Trí Dũng không có gì bí ẩn cả, đó chỉ là một đàn đá tân tạo ở thế kỷ XXI, do tình cờ gặp được trong số mấy trǎm thanh đá. của thang âm bình quân cả. Kết luận: " ;Đàn đá Dambri& quot; của Phan Trí Dũng không có gì bí ẩn, đó chỉ là một đàn đá tân tạo ở thế kỷ XXI, do tình cờ gặp được trong số mấy trǎm thanh đá. phát biểu của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan rất quan trọng: Đàn đá Dambri không phải được tìm thấy nguyên một bộ đàn gom từ một nơi mà do nhạc sĩ Phan Trí Dũng, lựa trong hơn mấy trǎm thanh đá, tìm