Chân dung kẻ sĩ - thương nhân trong ppt

8 305 1
Chân dung kẻ sĩ - thương nhân trong ppt

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Chân dung kẻ sĩ - thương nhân trong "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh đã tập trung dựng lên bóng dáng người thương nhân đời Thanh. Kết quả khảo sát cho thấy có 24/228 truyện có xuất hiện nhân vật kẻ sĩ, chàng thư sinh lựa chọn con đường đi buôn sau nhiều phen tuyệt vọng vì hỏng thi. Và nếu không có tư tưởng xuất thế thì có lẽ lựa chọn nghiệp đi buôn là con đường tối ưu vì nó là con đường mưu sinh mà vẫn mang lại hy vọng cho người trong cuộc. Một mai đi buôn giàu có rồi thì lại đọc sách, biết đâu số phận chẳng mỉm cười, giấc mộng khoa cử lại trở thành hiện thực, vừa có công danh, vừa có sản nghiệp. Có hằng sản tất có hằng tâm, như vậy chẳng phải là mĩ mãn hay sao. Chọn làm thương nhân, dấn thân vào chốn thương trường cũng chứng tỏ xu thế thời đại và địa vị của người thương nhân trong xã hội Minh Thanh. * Những thiên truyện như Phòng Văn Thục, Hoàng Anh, Thần Sấm Sét, Chợ biển La Sát, Lưu phu nhân (1) không chỉ khẳng định tư tưởng mới, cách nghĩ mới của nho sinh trong thời đại Minh Thanh mà còn chứng tỏ Nho gia đã bắt đầu hấp thụ những yếu tố mới, nhân tố mới để sản sinh ra một lớp nho sinh mới dũng cảm, dám đương đầu với số phận. Rất nhiều người trong số họ đã thành công nhờ vào bản lĩnh và học thức. Nó cũng khẳng định con đường mới của việc đọc sách, đọc sách để làm giàu và làm giàu một cách chính đáng. Mặc dù nhà Minh chủ trương áp dụng triệt để chính sách “trọng nông ức thương” để tập trung quyền bính, thế lực nhưng cũng không ngăn được xu thế thời đại “một khi nhân tố làm biến đổi xã hội được hình thành thì tự nó có một sức mạnh không gì ức chế nổi” (2) . Sự biến đổi đó đã đem lại cho văn học những hình tượng thẩm mĩ mới như Biêlinxki nói sau này: “Nghệ thuật cần phải theo trình độ phát triển của lịch sử”. Cùng với Tam Ngôn và Nhị Phách, Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh đã thực sự mở ra “ý thức đương đại” của một thời kỳ lịch sử đặc biệt - những quan niệm thẩm mĩ và quan niệm về giá trị của giai tầng thị dân. Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh dù chưa tập trung đến mức dồn hết tinh lực vào đời sống của người thị dân, nhưng nó cũng khắc hoạ được hình tượng người thư sinh - thương nhân (thương nho) - một nhân tố mới mẻ của xã hội và nền kinh tế có mầm mống yếu tố tư bản thời Minh Thanh vừa được thoát thai từ nền kinh tế phong kiến. Những chàng thư sinh của chốn khoa trường khi vấp phải rào cản không gì vượt qua nổi, sau những uất ức, thương thân trách phận, họ lại cố gắng gượng dậy để tiếp tục sống và lại dũng cảm thử vận may với đời. Không tham gia chính sự thì ta làm kinh tế, âu đó cũng là một cách nghĩ mới mẻ, là sự thức tỉnh của những trí thức không còn bị giấc mộng khoa cử làm cho mê muội. Họ có thể dùng học thức, dựa vào bản lĩnh để thử một vận may mới. Và chính những chàng thư sinh trước ngã ba nghiệt ngã của khoa cử ấy, quyết định “đi buôn”, làm một thương nhân đã góp phần khiến cho tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc lâu dài bị phủ một lớp bụi phong kiến, sáng lên một luồng ánh sáng mới. Dòng chảy truyền thống “trọng gốc chê ngọn” ngàn năm nay trong sự xung đột với nền kinh tế thương phẩm đã dần dần thay đổi hướng đi. Diễn tiến của văn minh, bản lĩnh của bậc trượng phu có học và khát vọng làm giàu một cách chính đáng đã đưa một số người vượt biển đến những vùng đất mới như họ Từ ở Giao Châu (Nước Dạ Xoa), Mã Tuấn (Chợ biển La Sát) Chàng Mã Tuấn trong truyện Chợ biển La Sát chỉ vì con đường mưu sinh mà đành xếp bút nghiên “nối nghiệp cha đi buôn” nhưng Mã có học thức, có lòng dũng cảm, dám dấn thân để tính những chuyến buôn xa. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn của Mã khác hẳn những chú lái buôn vốn gốc gác nông dân, chỉ tính làm ăn quanh quẩn cò con. Bản lĩnh, tầm nhìn của Mã là bản lĩnh, tầm nhìn của một thương nho. Giống như họ Từ, Mã cũng gặp nguy hiểm, nhưng họ Từ chỉ biết chấp nhận hoàn cảnh, sống chung với Dạ Xoa, thậm chí lấy vợ Dạ Xoa và có con. Còn Mã biết vượt lên trên hoàn cảnh, chuyển nguy thành an bằng chính tài năng và bản lĩnh của mình. Học thức và tài văn chương giúp Mã đạt được giấc mộng vinh hoa phú quý, trở thành phò mã của Long Cung. Chàng Mã đã chứng tỏ phẩm chất của những thương nho được hình thành trong xã hội Minh Thanh, những con người vừa có học thức vừa biết tự trọng, vừa dám dấn thân bất chấp nguy hiểm. Họ không còn là kẻ sĩ nhưng cũng chẳng giống những thương nhân thông thường. Những người như Mã vừa trọng khí tiết, nhất định “không chịu vẽ mặt cầu vinh”, vừa dám mạo hiểm để cầu lợi, làm giàu một cách chính đáng “tôi vốn là khách thương hải sợ gì sóng gió”. Nhưng mặt khác, sức mạnh của thói quen lịch sử vẫn ngưng kết tình cảm của họ trong kết cấu tâm lí “an thổ trọng thiên”, cho nên dù đi buôn có tiền, thậm chí được cả vinh hoa phú quý, thoả mộng “tang bồng” ở bốn phương vẫn chẳng bằng “cốt nhục phân ly”. Đó cũng là tâm lý không thích ứng của con người đối với sự biến động của xã hội. Họ Từ dù đã lấy vợ sinh con đẻ cái mà lòng vẫn nhớ về cố hương, vẫn chờ cơ hội để quay về. Mã Sinh đã là phò mã, mỗi khi nghe tiếng chim hót lại “chạnh lòng tưởng nhớ quê hương”, nên dù tiên tục cách trở, chia ly cũng là vĩnh biệt, Mã vẫn quyết trở về. Trong lòng chàng thương nho ấy xem ra tình cố quốc vẫn nặng hơn vinh hoa phú quý. Bản chất của chàng, cốt cách của chàng vẫn là một nho sinh trọng khí tiết, trọng gốc rễ. “Việc đọc sách trước tiên là để mưu sinh”. Thậm chí Bồ Tùng Linh còn dám khẳng định sức mạnh của học thức “công tử thông minh, làm việc gì mà chẳng được” (Lưu phu nhân). Cứ dấn thân, có người chẳng biết chữ còn dám đi buôn thì ta có học lẽ nào lại hèn nhát, thủ cựu hơn hay sao. Việc gì cũng thế, chưa biết sẽ học, cứ làm khắc quen và tất có kết quả “trời không nỡ tuyệt đường của kẻ có học”. Nhưng Bồ Tùng Linh cũng biết, việc đầu tiên quan trọng nhất đối với những chàng thư sinh ấy có lẽ phải giải quyết vấn đề về tưtưởng để họ chấp nhận hoàn cảnh. Những người đọc sách với mục đích duy nhất là khoa cử thì đi buôn là điều khó có thể chấp nhận được. Cuộc đấu tranh về tư tưởng ấy xem ra cũng không mấy dễ dàng. Và điều này được phản ánh sinh động trong thiên Hoàng Anh của Liêu trai chí dị . Mã tú tài tình cờ kết thân với chị em Hoàng Anh Đào Sinh. Một hôm Đào bàn với Mã “bán cúc” để mưu sinh. Cách nghĩ này của Đào xem ra rất hợp lý, giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là “mưu sinh” đáng được Mã tán thành và ủng hộ. Nhưng Mã vốn xưa nay tự cho mình là thanh cao, nghe lời Đào trong bụng “rất lấy làm khinh bỉ” mà nói rằng: “Tôi tưởng anh là phong lưu cao sĩ, phải biết an cảnh nghèo. Nay nói câu ấy là coi bạn như phường chợ búa, lại để nhục cho loài hoa vàng vậy”. Đào thực sự ngạc nhiên vì: “Tự thực kỳ lực chẳng phải là tham, bán hoa làm nghề chẳng phải là tục. Người ta cố nhiên không nên mong giàu một cách cẩu thả, nhưng cũng bất tất phải cầu lấy cái nghèo”. Rõ ràng thời đại mới, cách nghĩ của con người cũng thoáng hơn rất nhiều. Trong xã hội, nghề nào cũng quý, miễn là phù hợp và có ích cho mình, chứ đâu cứ nhất thiết phải làm một nho sinh, phải đứng vào hàng ngũ “sĩ” thì mới danh giá. Và làm người, dù là Khổng Tử đi nữa thì cầu lợi một cách chính đáng cũng chẳng tổn hại gì đến nhân cách của người quân tử cả. Đoạn tranh luận trên, nhìn bề ngoài chỉ đơn giản là cách nhìn nhận vấn đề bán cúc để mưu sinh, nhưng lại chứa đựng một nội dung xã hội rất sâu sắc. Trung Quốc trong một thời gian dài, chính sách “trọng nông ức thương” đã ngăn trở mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế thương nghiệp. Do vậy, mầm mống của chủ nghĩa tư bản nảy sinh cùng với sự xuất hiện những ý thức mới của thị dân không thể không xung đột gay gắt với quan niệm truyền thống phong kiến. Cuộc tranh luận của Đào và Mã, trên thực tế là sự giao tranh giữa ý thức cũ và mới. Bồ Tùng Linh vốn là một hàn nho, từ nhỏ được tiếp thu nền giáo dục phong kiến, nên rất dễ thoả mãn với con đường “an bần lạc đạo” của Mã Sinh. Nhưng thư sinh họ Bồ đã thực sự khiến độc giả bất ngờ khi nhiệt tình ủng hộ con đường kinh doanh làm giàu qua việc hết mực ca tụng chị em Hoàng Anh. Tác giả đã miêu tả rất sinh động cảnh chị em Hoàng Anh không những không để cho Mã ngăn cản được khát vọng làm giàu, mà còn làm giàu bằng cách trồng cúc và bán cúc, nhờ đó “Tiền bạc ngày một nhiều nhà cửa ngày một tráng lệ”. Mã Sinh trước hiện thực chị em Hoàng Anh dũng cảm kinh doanh và thành công, trở thành một nhà giàu có nhất nhì trong vùng, phải chăng đã cúi đầu chịu thua. Đâu có dễ dàng như thế, tư tưởng phong kiến truyền thống đã ăn sâu bám rễ hàng mấy ngàn năm trong các văn nhân phong kiến không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi được. Mã sau khi kết hôn với Hoàng Anh lại thường lấy làm “thẹn vì có vợ giàu có”, kiên quyết không chịu ở nhà của Hoàng Anh, dạy vợ “đóng cửa không làm nghề bán hoa nữa”. Thậm chí còn ngốc nghếch nói rằng: “Tôi mười ba năm thanh bạch, nay phải luỵ vì em. Xem ra như phường nhân thế, sống nhàn rỗi, ăn bám vào kẻ quần thoa, thật chẳng còn chút gì là trượng phu ý khí nữa. Người ta ai cũng mong giàu, riêng tôi chỉ mong nghèo thôi”. Ngược lại với Mã, Hoàng Anh tuy là phận nữ nhi, nhưng lại giỏi nghề trồng cúc, thạo về kinh doanh, tấm lòng rộng mở, tầm mắt cao xa, khác hẳn với những phụ nữ bình thường. Tổ tiên của Hoàng Anh - Đào Uyên Minh, vốn yêu cái cao khiết trong trắng của hoa cúc, xưa nay vẫn được các văn nhân phong kiến coi là mẫu mực của tư tưởng thanh cao. Nhưng Hoàng Anh lại cho rằng: “Em chẳng phải là kẻ tham lam thô bỉ, nhưng chẳng lẽ không làm cho trong nhà no đủ, để thiên hạ nghìn đời sau khỏi chê Uyên Minh cốt cách bần tiện, trăm đời không phát tích lên nổi và cũng để giải tiếng cười chê cho họ Đào nhà em ở Bành Trạch. Tuy nhiên, nghèo muốn giàu thì khó, chứ giàu mà muốn nghèo thì rất dễ”. Nàng cho rằng làm giàu một cách chính đáng là cách tốt nhất để khẳng định phẩm giá của mình. Rõ ràng với quan niệm này của Hoàng Anh, bậc thang giá trị đã thay đổi, mang đầy màu sắc thị dân. Hoàng Anh cũng khẳng định “làm giàu mới khó”, phải có bản lĩnh, có tài năng và con mắt nhìn xa trông rộng chứ “muốn nghèo” giống những hàn nho kiểu Mã Sinh thì rất dễ đó sao. Hoàng Anh cũng chẳng tán thành con đường an bần lạc đạo như Đào Uyên Minh và hàng vạn thư sinh thủ cựu khác, trong đó có người chồng “muốn được nghèo” của nàng. Trong xu thế mới của thời đại, trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản, tư tưởng của Mã là không thể chấp nhận được. Ở đời, người ta cũng chẳng nên vì muốn an bần lạc đạo như Đào Uyên Minh mà từ chối cơ hội làm giàu bằng chính tài và trí của mình. Hiểu được điều này nên có biết bao nhiêu thư sinh xếp sách vở, chôn chặt giấc mộng làm quan để gia nhập vào trào lưu chung của xã hội, hình thành một đội ngũ thương nho vừa có tài vừa có tâm. Trong cuộc tranh luận nên giàu hay nên nghèo với Hoàng Anh, vô tình Mã đã để lộ ra bản chất quân tử nửa mùa của mình. Chàng Mã “muốn được nghèo” nhưng lại chẳng dám vung phí tiền bạc, không còn cách nào khác, Hoàng Anh bèn dựng một túp lều trong vườn “anh không muốn giàu, em cũng chẳng chịu nghèo”, nhưng không sao, đã có cách “ta chia nhà ra mà ở” để “người trong cứ trong, kẻ đục cứ đục”, chàng Mã ở đó tha hồ mà thanh cao, chẳng hại “mười ba năm thanh bạch của mình”. Nhưng kết quả thật bất ngờ, chàng Mã luôn miệng nói an bần lạc đạo, mà tâm không thanh, trí cũng chẳng tĩnh chút nào: “Vài ngày sau nhớ Hoàng Anh tha thiết, cho gọi không chịu tới. Bất đắc dĩ phải tìm đến, cách đêm mới đi, cũng lấy làm thường. Hoàng Anh cười mà rằng: - Ăn bên đông, ngủ bên tây, người quân tử đâu có như thế”. Hoàng Anh thật thông minh, chỉ một câu nói đó đã đánh trúng tim đen của Mã. Chàng Mã đến đây cũng tự nhận thấy mình quả cũng có chút giả dối khi luôn miệng nói "chỉ muốn nghèo”, “Mã tự cười mình không biết trả lời cách nào bèn ở chung nhà như cũ”. Bản thân là một văn nhân phong kiến, bị trói buộc bởi đủ thứ rào cản đạo đức, lễ nghĩa truyền thống, mà cách đây hơn 300 năm, khi chủ nghĩa tư bản chỉ mới manh nha, lại có thể chỉ rõ con đường hủ bại của loại thư sinh quân tử nửa mùa như Mã tú tài (và như chính mình) trước luồng gió mới của tư tưởng thị dân với lối đả kích cay độc như vậy, quả thực Bồ Tùng Linh dũng cảm lắm thay. Bồ Tùng Linh là một trong rất ít những nhà nho mang trong mình nhân tố tích cực, biết chấp nhận và vượt lên trên hoàn cảnh. Trong xu thế mới của thời đại, những nho sinh như Bồ Tùng Linh đã nhận ra thời đại mới cũng có nghĩa là vận hội mới, thử thách mới đang đến, cần phải tự mình thích nghi với hoàn cảnh và dám chấp nhận hoàn cảnh, chỉ có như vậy ta mới có thể tiếp tục sống như một con người. Chấp nhận chuyển sang kinh doanh, cũng có nghĩa là chấp nhận sự mạo hiểm và những yếu tố rủi ro và cũng có nghĩa là phải ý thức được việc phấn đấu làm giàu một cách chính đáng mới chính là cách khẳng định giá trị của mình. Vì vậy, người thương nhân trong Liêu trai chí dị không hề quay lưng lại với lợi lộc, thậm chí ý thức cầu tài, cầu lợi trong một số thiên truyện còn thể hiện một cách mạnh mẽ, đến mức có thể khái quát thành bản chất của người thương nhân như Mộ ông (Bạch Thu Luyện), Chàng Thịnh (Tề Thiên Đại Thánh) Là thương nhân rồi thì mối lợi sẽ đặt lên hàng đầu, vì ý thức phát tài và tâm lí cầu lợi, Mộ ông đã bất chấp cả đạo đức lễ nghĩa truyền thống. “Tầng lớp thị dân, nhất là những gia đình thương nhân, trong cuộc sống ít bị ràng buộc của lễ giáo đạo đức hơn” (3) . Người ta chẳng phải lo nghĩ nhiều đến đạo đức lễ nghĩa trước kia nữa, mà làm gì cốt sao cũng phải nghĩ đến mối lợi trước, thậm chí cả lòng tin cũng được đem ra mặc cả (Tề Thiên Đại Thánh). Tâm lý thực dụng của Thịnh không những không bị trừng phạt mà còn được đền bù một cách xứng đáng. Tất cả những điều ấy đã chứng tỏ sức trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản khiến cho những chuẩn mực đạo đức phong kiến phải thay đổi. Bồ Tùng Linh khẳng định cầu lợi không xấu, làm giàu một cách chính đáng chẳng có gì xấu hổ cả. Cái mà tác giả lên án là cách làm giàu bằng con đường bất chính, chỉ nghĩ đến mối lợi mà quên mất đạo đức của một thương nhân như anh chàng bán rượu đất Kim Lăng: “Mỗi lần nấu rượu xong, lại bỏ thêm một ít độc dược vào Do đó nổi tiếng một vùng, giàu có ức vạn” (Người Kim Lăng). Đồng tiền khiến người ta loá mắt, bất chấp thủ đoạn, táng tận lương tâm để có nó bằng được. Tiền làm người ta tha hoá, tiền trở thành một thứ ma lực khiến người ta quên đi cả nhân cách của chính mình. Điều này đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác khẳng định: “Tiền tệ hàng hoá được tôn kính, cho nên kẻ có nó cũng được tôn kính. Tiền tệ, hàng hoá là cái thiện tối cao, cho nên người có nó cũng là thiện” (4) . Vì thế Liêu trai chí dị mới xuất hiện một Kim Hoà Thượng (Kim Hoà Thượng) - Tây Môn Khánh thứ hai của thời đại kim tiền. Kim vốn là đứa bé bị bỏ rơi, được nhà chùa nuôi làm phúc nhưng “ngu đần”, không theo nổi nghiệp tu hành, chỉ làm tôi tớ. Khi sư cụ mất, Kim chiếm được chút của cải “bỏ chùa đi buôn vặt”. Nhờ thủ đoạn “lừa lọc kiếm lời, mưu kế thực là tài”, Kim trở thành một nhà giàu có nhất nhì trong vùng. Không những nhà cửa, đồ dùng xa hoa, lộng lẫy “còn hơn cả vương phủ” mà Kim còn có thế lực sai khiến được cả quan lại. Nhưng dù có “sơn son thiếp vàng” thì cuối cùng Kim vẫn lộ rõ “cốt cách thô bỉ”. Thế mà kẻ vô lại ấy lại có một đứa con nuôi đỗ hương tiến, và từ đấy Kim được gọi là Thái ông - thật là một chuyện hoang đường. Ngày Kim mất, đám tang giống “một cảnh kì quan”, “cả nước đi đưa đám”, “cả đến bậc phương diện quốc gia cũng phải vào lạy”. Đám ma của một kẻ vốn “vô lại” mà có đến “hàng vạn người”, giống như “quốc tang”, khiến người ta tò mò. Thế lực nào đã thao túng bộ máy công quyền, khiến cho mọi giá trị đảo điên, trắng - đen, thật - giả lẫn lộn. Bồ Tùng Linh không hề nhắc đến một nhân vật giấu mặt, điều khiển thao túng tất cả, nâng một kẻ vô lại lên ngang với hàng khai quốc công thần, đó là đồng tiền. Đồng tiền quả là kì diệu, có tiền là có tất cả, tiền có thể sai khiến, biến cái xấu xa trở nên mĩ miều hào nhoáng. Tiền chính là thước đo phẩm giá. Đồng tiền thao túng quyền lực, đồng tiền còn góp phần định lại thang giá trị, san bằng khoảng cách giữa người có học và kẻ vô lại. Sau khi Kim chết, đồng tiền của hắn tiếp tục làm mưa làm gió, tác oai tác quái: “Tiền bạc ruộng nương để lại chia làm hai phần, một phần cho con, một phần cho các đệ tử của sư. Hiếu liêm được một phần thì ở giữa, còn đông, tây, nam, bắc đều thuộc đảng của nhà sư”. Phải chăng “đảng của nhà sư” là đảng trộm cướp. Vậy mà nhờ có tiền, phường trộm cướp ấy được xếp ngang bằng, có chỗ ngồi ngang bằng với anh chàng hiếu liêm đáng thương kia. * Tóm lại, những chàng thư sinh trong Liêu trai chí dị vì con đường mưu sinh phải chấp nhận làm một thương nhân, nhưng rồi những mối lợi, đồng tiền đã làm tha hoá không ít người trong số họ. Cho dù họ cố để không trở nên bần tiện, tha hoá thì cũng khó mà giữ được nhân cách tôn nghiêm của mình. Dù họ có tài, có trí đi nữa cũng không tránh khỏi bị chà đạp một cách nhục nhã. Vì thế làm người trong buổi giao thời như xã hội Minh Thanh thực là khó lắm thay. Nhưng cũng có không ít những nho sinh dù đã từ bỏ sự nghiệp của một môn sinh “cửa Khổng sân Trình” mà vẫn quán triệt được tinh thần nhân ái của đạo Nho trong buôn bán, hình thành nên một tầng lớp thương nho chân chính trong lòng xã hội Minh Thanh. Họ lấy đức làm gốc để tiến hành buôn bán, kinh doanh, không chỉ kiếm lời mà phải thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh như Đào Sinh, Mã Tuấn Chỉ có như thế lòng nhân của Khổng Tử mới có thể tiếp tục sống lại trong tinh thần thương nho. Văn hoá Nho gia đã bồi dưỡng tinh thần thương nho, còn tinh thần thương nho lại thông qua vận động của kinh tế khiến bộ mặt Nho gia đổi mới hoàn toàn. Thương nho là sự quán triệt thông suốt giữa Nho và Thương, là kết tinh của nhân cách quân tử trong thương mại và chính là chân dung của những thương nhân - nho sinh chân chính thời Minh - Thanh trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh . toàn. Thương nho là sự quán triệt thông suốt giữa Nho và Thương, là kết tinh của nhân cách quân tử trong thương mại và chính là chân dung của những thương nhân - nho sinh chân chính thời Minh - Thanh. Chân dung kẻ sĩ - thương nhân trong "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh đã tập trung dựng lên bóng dáng người thương nhân đời Thanh đời sống của người thị dân, nhưng nó cũng khắc hoạ được hình tượng người thư sinh - thương nhân (thương nho) - một nhân tố mới mẻ của xã hội và nền kinh tế có mầm mống yếu tố tư bản thời Minh Thanh

Ngày đăng: 23/07/2014, 10:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan