1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Yếu tố tôn giáo và truyện cổ tôn giáo trong truyện kể dân gian Việt Nam ppsx

7 592 5

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 219,59 KB

Nội dung

Yếu tố tôn giáo và truyện cổ tôn giáo trong truyện kể dân gian Việt Nam 3. Truyện cổ tôn giáo 3.1. Về khái niệm Trước đây, truyện cổ tôn giáo ở Việt Nam chỉ được nhắc tới với những cái tên Tiên thoại, Phật thoại và thường không được xem là truyện dân gian. Từ những năm 1958-1982, trong phần nghiên cứu ở đầu bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi đã có những nhận định bước đầu về truyện tôn giáo. Theo ông thì “Truyện tôn giáo là những loại truyện rất dễ nhìn nhận dù của bất cứ dân tộc nào, vì chúng mang theo dấu ấn rõ nét của một thứ tôn giáo nhất định. Chúng thường xuất hiện từ miệng tăng lữ với mục đích tuyên truyền dẫn giải về chủ nghĩa yếm thế. Chủ đề của truyện thường là việc nhân quả báo ứng, thoát ly cuộc sống trần tục…” (22) . Mặc dù không thừa nhận truyện tôn giáo là truyện dân gian nhưng ông đã chỉ ra được một số đặc điểm chung của truyện cổ tôn giáo, tuy còn sơ lược. Đồng quan điểm với tác giả Nguyễn Đổng Chi là những ý kiến được ghi lại trong một số sách nghiên cứu về Văn học dân gian như cuốn giáo trình Văn học dân gian Việt Namcủa các tác giả Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên – Võ Quang Nhơn (23) hay cuốn Văn học dân gian Việt Nam, tập 2 của tác giả Hoàng Tiến Tựu (24) . Nhìn chung, các nhận định trong đó mới chỉ nhấn mạnh vào “tính chất mê tín” hay là “thế giới quan thần bí và những quan niệm duy tâm siêu hình” (25) của truyện tôn giáo mà chưa đưa ra được một khái niệm chung về loại truyện này. Chúng tôi nhận thức rằng, để đưa ra được một định nghĩa thực sự đầy đủ và thuyết phục về truyện cổ tôn giáo là một công việc khó khăn, chắc chắn sẽ phải đầu tư không ít thời gian và công sức. Tuy nhiên, từ những phân tích bước đầu, chúng tôi cũng mạnh dạn đi đến một nhận xét chung nhất về truyện cổ tôn giáo như sau: Truyện cổ tôn giáo là những truyện kể dân gian có tính chất hư cấu và tưởng tượng, trong đó những yếu tố tôn giáo giữ vai trò chủ đạo. Nhân vật chính trong truyện thường là những nhân vật tôn giáo như giáo chủ, tông đồ hay các tín đồ. Nội dung chủ yếu của truyện thường có tính chất thuyết minh cho lịch sử và hệ thống quan niệm của những tôn giáo nhất định. Truyện cổ tôn giáo thường được các giáo phái tôn giáo sử dụng với mục đích truyền bá tôn giáo của mình. 3.2. Một số loại truyện cổ tôn giáo ở Việt Nam Với mục đích mở rộng ảnh hưởng của mình trong đời sống của quần chúng nhân dân, bất cứ tôn giáo nào cũng có xu hướng sử dụng những truyện kể liên quan đến các vấn đề của tôn giáo đó như truyện về giáo chủ, về các tông đồ hay tín đồ, tín điều, v.v… để truyền bá. Tôn giáo nào càng có phạm vi ảnh hưởng rộng trong đời sống sinh hoạt xã hội thì truyện cổ liên quan tới nó càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Nói cách khác, sự phát triển của một loại truyện cổ tôn giáo cụ thể tỷ lệ thuận với phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo đó. Theo quy luật đó, những truyện cổ gắn với loại tôn giáo có tính phổ biến toàn cầu (còn được gọi là tôn giáo thế giới như đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Phật ) cũng được lưu truyền và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, như đã nói, quá trình phát triển từ tự phát lên tự giác để biến một tín ngưỡng dân gian thành tôn giáo đã không xảy ra. Việt Nam không có tôn giáo bản địa theo đúng nghĩa, truyện cổ tôn giáo do vậy đều là những truyện liên quan tới các tôn giáo ngoại lai. Nhưng do những đặc điểm riêng về lịch sử, văn hóa và tâm lý tiếp nhận, mỗi loại tôn giáo cũng như truyện cổ liên quan tới tôn giáo đó lại nhận được những phản ứng khác nhau của cư dân nơi đây. Điều này là nguyên nhân của việc được phổ biến hay bị thu hẹp của một số truyện cổ tôn giáo khác nhau mà chúng tôi sẽ tiếp tục bàn tới. 3.2.1. Truyện cổ Thiên Chúa giáo Truyện cổ Thiên Chúa giáo là loại truyện cổ tôn giáo kể về sự tích đức Chúa Trời và các điều răn, về sự tích các vị Thánh tông đồ, về những mối liên hệ giữa Thánh thần của đạo Thiên Chúa với con người trần tục… Loại truyện cổ tôn giáo này đặc biệt phổ biến ở châu Âu. Trong công trình The Types of the Folklore (A Classification and Bibliography) (26) , các nhà nghiên cứu folklore thế giới A. Aarne và S. Thompson đã dành mục B (từ type số 750 tới type số 849) để lập thư mục về truyện tôn giáo. Tuy mục B có tiêu đề là Truyện tôn giáo song trong thực tế, những type truyện được giới thiệu trong đó chỉ liên quan tới đạo Thiên Chúa. Trong truyện dân gian Nga, những truyện cổ liên quan tới tôn giáo này cũng khá phong phú và thường xoay quanh hình tượng nhân vật cha cố song chủ yếu là với thái độ châm biếm. Khi tuyển chọn và giới thiệu những Truyện dân gian Nga do Aphanaxiep biên soạn, V.Anhikin đã lưu ý tới tuyển tập Những truyện cổ tích có tính chất giáo huấn của Ngacủa Aphanaxiep mà trong đó “có nhiều truyện chống đối bọn cha cố” và ông đã dẫn lời của Aphanaxiep: “Nhân vật thường xuất hiện trong các câu chuyện là những người hầu của cha cố. Ở đấy tha hồ mà châm biếm và tưởng tượng” (27) . Những câu chuyện này thuộc loại truyện cười tôn giáo, thể hiện quan điểm đấu tranh của người dân đối với một bộ phận nhân vật tôn giáo đã biến chất hay chỉ dựa vào tôn giáo để thỏa mãn lòng tham lam vô độ của mình. Trong khi tìm hiểu Thế giới truyện cổ tích của Puskin, tác giả Nguyễn Thị Huế cũng lưu ý tới những truyện như Cha cố, viên tư tế và viên trợ tế, Lão cố đạo hảo tâm, Cha cố đẻ như thế nào, Lão Ôxip và ba cố đạo, Cha cố nằm trong bao tải lên trời… và những truyện như: Người mugic và ông lớn, Người mugic giỏi bợm, v.v… là nhóm truyện thuộc loại truyện “không thích đừng nghe” và cho rằng: “Tất cả những truyện loại này đều nói lên tư tưởng lành mạnh của nhân dân, không cuồng tín mà chống đối và biếm họa hình ảnh những ông cha cố biến chất… Có thể coi đây là những mẫu mực của loại truyện cổ tích trào phúng hiện thực” (28) . Những câu chuyện châm biếm vị cha cố với “cái trán kiều mạch” (biệt hiệu mà Puskin sử dụng cho nhân vật này) cũng giống như truyện cười về những nhà sư và chú tiểu vốn rất phổ biến trong truyện cổ Phật giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản cũng như ở Việt Nam. Thiên Chúa giáo được truyền bá vào Việt Nam từ những thế kỉ XVII, XVIII, XIX. Đây là thứ tôn giáo ngoại lai tới từ phương Tây, phần nhiều xa lạ với người dân phương Đông (Ví dụ: chỉ biết tới Chúa Trời, thờ phụng ngài mà không có bàn thờ tổ tiên…) nên khó hòa nhập vào nhịp sống của cư dân bản địa. Hơn thế, đạo Thiên Chúa bị coi là du nhập vào Việt Nam theo bước chân của quân xâm lược, tính áp đặt cao nên ngay từ đầu đã vấp phải sự phản kháng của không chỉ người dân mà cả nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Năm 1833, vua Minh Mạng ra sắc lệnh cấm đạo (đạo Thiên Chúa giáo) trong cả nước Nam và chính vị vua này cũng từng không ít lần phê duyệt những bản án tử hình đối với các cha xứ vẫn lén lút truyền đạo. Trong Mô hình tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của người Việt do giáo sư Trần Quốc Vượng tổng kết lại chỉ đưa ra 4 thành tố là Tam giáo: Nho-Phật-Đạo và Tín ngưỡng dân gian (vật linh, đa thần) mà không hề nhắc tới đạo Thiên Chúa (29) . Trong khi chính bản thân Thiên Chúa giáo - vừa là chủ thể, vừa là đối tượng phản ánh của truyện cổ Thiên Chúa giáo - bị từ chối, truyện cổ Thiên Chúa giáo cũng trở nên khá xa lạ đối với người dân Việt Nam. Thậm chí, trong một truyện cổ dân gian bất kì, chỉ cần thay đổi tên gọi của lực lượng phù trợ từ ông Bụt, ông Tiên, Phật Bà… sang Chúa Trời hay Đức Mẹ đồng trinh, lập tức truyện đó trở nên xa lạ với người Việt Nam. Ở Việt Nam, ngoại trừ những con chiên của Chúa (tức là những người theo đạo Thiên Chúa), có lẽ ít người biết tới những truyện kể liên quan tới Thiên Chúa giáo. Truyện cổ Thiên Chúa giáo thường được phổ biến ở trong cộng đồng giáo dân, thông qua các buổi học Kinh Thánh và vì thế những truyện này thường có tính chất kinh viện, thường có nội dung kể về lời răn dạy của Chúa và truyện về các vị Thánh tông đồ. 3.2.2. Truyện cổ Phật giáo Phật giáo (hay còn được gọi là đạo Phật) cũng là một tôn giáo ngoại lai, có nguồn gốc từ Ấn Độ, là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Nếu đạo Thiên Chúa ảnh hưởng rộng lớn tới các nước phương Tây thì ảnh hưởng của đạo Phật lại bao trùm các nước phương Đông, trong đó có vùng Đông Nam Á. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, khoảng đầu Công nguyên. Ngay từ cuối thế kỉ II, vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Khác với đạo Thiên Chúa, đạo Phật đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam một cách hòa bình hơn, tự nguyện hơn. Lúc đầu, nó được các thương nhân Ấn Độ chứ không phải các nhà truyền giáo mang tới. Theo Nguyễn Lang thì những thương gia đó “không phải là những nhà truyền giáo, và mục đích của họ khi đến xứ ta là để buôn bán chứ không phải là để truyền đạo. Trong thời gian lưu lại Giao Chỉ, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo. Người Giao Chỉ ta đã áp dụng những điều hay về canh nông và về y thuật do họ chỉ bày, cố nhiên là cũng tỏ ra mến chuộng tôn giáo của họ. Nhưng nếu hồi đó có những người Giao Chỉ theo đạo Phật thì đạo Phật đây cũng mới chỉ là những sinh hoạt tín ngưỡng đơn sơ của người cư sĩ, giới hạn trong sự tụng đọc tam quy, cúng dường Phật tháp và bố thí cho người ốm đau đói khổ mà thôi, chứ chưa có sự học hỏi kinh điển và chế độ tăng sĩ” (30) . Chính vì sử dụng những phương pháp thuyết phục, dẫn dụ để truyền bá cùng với việc giáo lý của Phật giáo không đối kháng với tín ngưỡng bản địa nên Phật giáo được người dân Việt Nam thu nhận và phạm vi ảnh hưởng của nó ngày càng được mở rộng. Thậm chí, đã có lúc nó trở thành quốc giáo của Việt Nam (thời Lý - Trần). Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam thì “đạo Phật thân thiết đến nỗi dường như một người Việt Nam nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt là theo đạo Phật hoặc chí ít là có cảm tình với đạo Phật (31) ”. Cùng với đạo Phật, truyện cổ Phật giáo cũng là loại truyện tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam. Nằm trong hệ thống truyện cổ tôn giáo, truyện cổ Phật giáo cũng là những truyện kể được xây dựng bằng trí tưởng tượng và hư cấu, ít nhiều liên quan tới lịch sử hoặc triết lí của đạo Phật và thường được sử dụng để truyền bá tư tưởng, giáo lý của tôn giáo này. Xét về mặt nguồn gốc, truyện cổ Phật giáo Việt Nam một mặt tiếp thu những nguồn truyện lấy trực tiếp từ trong kinh sách của đạo Phật nhưng khá gần gũi với đời sống của người Việt Nam như là những truyện trong Bách dụ kinh, mặt khác lại là những truyện có nguồn gốc bản địa. Những truyện này được sáng tạo ra để giáo hóa dân chúng về thiện – ác, về luân hồi, về nhân quả báo ứng… theo giáo lý Phật giáo. Xét về mặt nội dung, truyện cổ Phật giáo cũng xoay quanh những vấn đề cơ bản của đạo Phật là Phật, Pháp và Tăng. Trong truyện cổ Phật giáo Việt Nam, quả là thiếu vắng những câu chuyện kể về sự tích các vị Phật chính thống được ghi trong kinh sách của đạo Phật (như đức Thích Ca, đức A Di Đà,…). Trong đời sống, mặc dù chúng ta vẫn thường nghe thấy xen vào những lời cầu khấn của người dân Việt Nam mỗi khi đi lễ chùa là những câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”… nhưng những câu niệm đó dường như được nói ra một cách vô thức. Bởi vì, với người dân Việt Nam, quá trình tu hành để ngộ đạo, chứng quả thành Phật của đức Như Lai trong nhiều kiếp và quá trình truyền đạo của ngài được ghi trong những bộ kinh sách, gắn với những cái tên như “thành Xá Vệ, nước Tỳ Xá Ly, cung trời Đâu Suất, ngài A Nan tôn giả, ngài Đại Ca Diếp”… là những cái tên khá xa lạ. Ngoài tầng lớp tăng lữ và một số ít những phật tử am hiểu về lịch sử cũng như kinh sách của Phật giáo, những truyện như thế ít có điều kiện lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, trong folklore Việt Nam, không phải là không có truyện kể về sự tích các vị Phật. Chỉ có điều, đó đều là những vị Phật bản địa như Phật Mẫu Man Nương, Phật Bà Quan Âm (Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải). Điều đặc biệt ở đây là các vị Phật bản địa đều mang giới tính nữ trong khi đạo Phật gốc vốn không có Phật Bà. Sự khác biệt này là kết quả của sự dung hợp tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu, tôn sùng phụ nữ trong văn hóa truyền thống của Việt Nam với một tôn giáo ngoại lai. 3.2.3. Truyện cổ Đạo giáo Tuy không được xem là một trong ba tôn giáo thế giới nhưng Đạo giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Đạo giáo là tôn giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, khoảng cuối thế kỉ II sau Công nguyên. Từ khi vào Việt Nam, Đạo giáo (đặc biệt là Đạo giáo phù thủy) nhanh chóng chiếm được một chỗ đứng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây do những thuật tu tiên, luyện đan, bùa chú… của nó có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người dân Việt Nam. Trước đó, người Việt đã tin rằng những lá bùa, những câu phù chú có thể chữa khỏi bệnh, giúp người ta trường thọ và xua đuổi tà ma. Nhiều người Việt Nam sùng bái thuật phù chú, say mê đồng bóng nhưng lại không có khái niệm hay sự hiểu biết gì về Đạo giáo. Truyện cổ Đạo giáo ở Việt Nam thường được gọi là Tiên thoại. Đó là những truyện liên quan tới thần tiên như việc tu tiên, lạc vào động tiên, cõi tiên, lấy tiên… Thế giới thần tiên trong truyện cổ Đạo giáo là thế giới bất tử, một năm ở đó có thể dài bằng hàng trăm năm so với cuộc sống của con người trần tục. Sau một năm lấy vợ tiên, sống ở cõi tiên, Từ Thức quay về thăm nhà, nhưng mọi thứ đã hoàn toàn biến đổi, hơn tám mươi năm đã trôi qua. Còn với chàng Vương Chất, sau khi xem một ván cờ tiên quay trở về thì cán rìu bằng gỗ lim đã mục, mấy trăm năm đã trôi qua… Thế giới đó được xây dựng chắc hẳn không phải chỉ từ quan niệm của Đạo giáo mà còn từ ước vọng muốn đạt tới sự bất tử của con người, là nhận thức về sự ngắn ngủi của đời người. Trong truyện cổ Đạo giáo, ngoài những yếu tố tín ngưỡng truyền thống bản địa còn tồn tại những yếu tố tôn giáo khác như Phật giáo. Chử Đồng Tử được gọi là Chử Đạo Tổ tức ông tổ của Đạo giáo Việt Nam nhưng trong truyền thuyết về ông, có bóng dáng của đạo Phật vì theo dân gian, ông từng đi tu với nhà sư Phật Quang và đắc đạo thành Phật. Cũng giống như Phật giáo, Đạo giáo khi du nhập vào Việt Nam cũng bị bản địa hóa. Một trong những biểu hiện của sự bản địa hóa đó là trong thần điện của người Việt nói chung và trong truyện cổ Đạo giáo Việt Nam nói riêng, các vị thần tiên bất tử được thờ cúng, được dân gian lưu truyền sự tích là các vị thần tiên bất tử của Việt Nam. Theo thống kê trong sách Hội Chân Biên của Trường Viễn Đông Bác cổ, Danh sách các thần tiên Việt Nam gồm có 13 vị nam và 14 vị tiên nữ (32) . Nguyễn Văn Huyên khi nghiên cứu Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam cũng đã tập hợp và giới thiệu những câu chuyện xung quanh các vị thần tiên này (33) . Như vậy, truyện cổ Đạo giáo nằm trong hệ thống truyện cổ tôn giáo, kể về thế giới thần tiên với những vị tiên đã đắc đạo, về mối quan hệ giữa người với tiên, về những cách thức tu tiên, tầm tiên… Đạo giáo như là một tôn giáo hiện không còn tồn tại ở Việt Nam song truyện cổ Đạo giáo vẫn được lưu truyền trong dân gian, thể hiện niềm tin vào một sự vĩnh hằng, thỏa mãn phần nào ước vọng về sự bất tử của con người. * Như trên đã nói, nghiên cứu truyện cổ tôn giáo không còn là vấn đề mới mẻ đối với ngành folklore thế giới song ở Việt Nam, hướng đi này đang mở ra nhiều triển vọng. Chính tính phức tạp của bản thân loại truyện này đã đặt ra nhiều vấn đề lý thú cần tiếp tục được nghiên cứu trên cả bề rộng lẫn chiều sâu mà trong giới hạn của một bài viết, khó có thể bao quát hết. Tiến hành phân biệt truyện cổ tôn giáo và yếu tố tôn giáo là cơ sở ban đầu để chúng tôi có thể tiến tới nhận diện một cách đầy đủ hơn về diện mạo của truyện cổ tôn giáo, một loại truyện độc đáo trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam . Yếu tố tôn giáo và truyện cổ tôn giáo trong truyện kể dân gian Việt Nam 3. Truyện cổ tôn giáo 3.1. Về khái niệm Trước đây, truyện cổ tôn giáo ở Việt Nam chỉ được nhắc tới. về truyện cổ tôn giáo như sau: Truyện cổ tôn giáo là những truyện kể dân gian có tính chất hư cấu và tưởng tượng, trong đó những yếu tố tôn giáo giữ vai trò chủ đạo. Nhân vật chính trong truyện. Phật (31) ”. Cùng với đạo Phật, truyện cổ Phật giáo cũng là loại truyện tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam. Nằm trong hệ thống truyện cổ tôn giáo, truyện cổ Phật giáo cũng là những truyện kể được xây dựng bằng

Ngày đăng: 23/07/2014, 10:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w