lịch sử địa phương

6 702 2
lịch sử địa phương

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

VÀI NÉT VỀ CĂN CỨ ĐỊA U MINH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC 1945 – 1954 LÊ SONG TOÀN (*) Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, việc xây dựng căn cứ đã có từ rất lâu. Các nhà lãnh đạo quân sự đã tổ chức nhiều “căn cứ” với những mô hình và đặc điểm khác nhau. Kế thừa kinh nghiệm và truyền thống của cha ông, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Đảng ta đã chú trọng xây dựng nhiều căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc, Thanh - Nghệ - Tĩnh, Nam – Ngãi – Bình – Phú, miền Đông và miền Tây Nam bộ. Khi bàn về căn cứ địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết “Căn cứ địa là chỗ đứng chân của cách mạng, đồng thời là chỗ dựa xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang cách mạng. Trên ý nghĩa đó nó cũng là hậu phương của chiến tranh cách mạng” (1) Cách mạng tháng Tám – 1945 thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới ra đời thì thực dân Pháp đã theo gót quân Anh trở lại nổ súng xâm lược nước ta. Ngày 23 – 9 – 1945 nhân dân Nam Bộ đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng trước sức mạnh áp đảo của kẻ thù lực lượng kháng chiến đã lùi dần về phía sau củng cố xây dựng lực lượng chiến đấu. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng xây dựng những căn cứ địa làm nơi đứng chân cho cơ quan lãnh đạo, nơi củng số xây dựng lực lượng về mọi mặt để tiến hành kháng chiến. Chấp hành Nghị quyết của Trung Ương và Nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ họp ngày 25/10/1945 tại Thiên Hộ (Mỹ Tho), ngày 20 – 11 – 1945, hội nghị quân sự Nam Bộ tại An Phú xã (Gia Định) đã quyết định chia Nam Bộ thành 3 khu vực quân sự là Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Hội nghị cũng quyết định chọn An Lạc, Đồng Tháp Mười, U Minh làm căn cứ cho các khu(2). Như vậy ngay từ những ngày đầu kháng chiến U Minh đã được chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cho lực lượng kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ. Theo báo cáo tình hình địa cư Nam Bộ năm 1947, “Khu U Minh, khu này ở hai tỉnh Rạch Giá và Bạc Liêu, Giáp với vịnh Thái Lan từ cửa sông Cái Lớn phía nam tỉnh Rạch Giá cho đến Mũi Cà Mau dài gần 150 cây số, rộng 40 đến 50 cây số”. Vùng này rộng lớn bao la có rừng tràm ngập nước, thuỷ triều lên thì bị ngập. Ở miền Bắc khu này thuộc quận Thanh Bình cũng có một ít rạch nhưng rất ngắn 5 – 6 cây số. Ở miền dưới thuộc Cà Mau kênh rạch nhiều hơn như sông Bảy Háp, sông Cửa Lớn và rất nhiều kênh rạch chi chít ngang dọc, đường sá rất ít. Dân cư thưa thớt, lạc hậu, phần lớn là người Miên ở từng xã, ấp, họ sống về nghề chài lưới”(3). Theo sự phân chia địa giới hiện nay thì U Minh nằm trên địa bàn hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Đây là cánh rừng ngập nước rộng lớn với hai dạng: dạng rừng tràm và rừng nước mặn ven biển với các loại thực vật như đước, mắm, sú vẹt. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 rừng U Minh cơ bản vẫn còn hoang dã có rất nhiều thú dữ, cá sấu, muỗi mòng, rắn, rết cây cốI rậm rạp khó đi lại, cá tôm nhiều vô kể. Dân gian cho rằng do tính chất của khu rừng này là âm u tăm tối, mịt mùng nên nó được biểu hiện bằng cụm từ U Minh. Thiên nhiên hoang vắng và đầy nguy hiểm, đã được hình tượng hoá thành ca dao(4). “ U Minh Rạch Giá, thị quá sơn trường Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha” U Minh được chia làm hai vùng: - U Minh Thượng: “Địa giới bắc giáp sông Cái Lớn, Nam giáp sông Trèm Trẹm (ngọn sông Ông Đốc), phía đông là kênh Xáng Chắc Băng, phía tây giáp vịnh Thái Lan. Diện tích tự nhiên khoảng 1722 km 2 . Trong kháng chiến chống Pháp U Minh Thượng phần lớn nằm trên địa phận tỉnh Rạch Giá. Hiện nay thuộc địa bàn 3 huyện: An Biên, An Ninh, Vĩnh Thuận tỉnh Kiêng Giang.”(5) - U Minh Hạ: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Thuộc các huyện “U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau ngày nay.”(6) Trong những năm tháng cuối năm 1945 khi mặt trận Nam Sài Gòn tan vỡ, để ngăn chặn địch đánh chiến khu 9 theo chỉ thị của UB kháng chiến Hậu Giang, ta tập trung lực lượng về mặt trận Cần Thơ chặn địch. Sau nhiều trận chiến đấu ác liệt diễn ra ở Bình Thuỷ, Ba Láng, Rau Răm. Trung tuần tháng 12 – 1945, đồng chí Vũ Đức khu bộ trưởng Khu 9 cùng đồng chí Phan Trọng Tuệ, chủ nhiệm chính trị bộ đã làm việc với Ban chỉ huy mặt trận Cần Thơ, sau đó các đồng chí về Rạch Giá thiết lập chỉ huy sở của Bộ chỉ huy. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Cần Thơ và các tỉnh ở miền Tây Nam bộ, lực lượng các tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Trà Vinh, Vĩnh Long, bộ đội quân khu 9 cùng một bộ phận lực lượng khu 8 đã rút về Rạch Giá lập mặt trận Minh Lương – An Biên chống giặc. Sau đó lần lượt rút về An Biên, Vĩnh Thuận tiến hành cuộc kháng chiến(8). Nhiều cơ quan dân chính Đảng, các đơn vị vũ trang đã đứng chân dọc theo kinh Xáng Chắc Băng, sông Trèm Trẹm, sông Cái Tàu, Thới Bình. Cuối tháng 2 – 1946 bộ chỉ huy chiến khu 9 triệu tập hội nghị tại Ngang Dừa (Phước Long) có đồng chí Võ Sỹ và đại biểu quân dân chính Đảng các tỉnh rút xuống U Minh tham dự. Hội nghị đã đánh giá tình hình, xác định nhiệm vụ phát động du kích chiến tranh rộng rãi để giữ đất bảo vệ dân và khôi phục phong trào ở vùng địch chiếm. Hội nghị quyết định các vấn đề: (9) -Lập ba phân cục chính trị giúp các tỉnh trở về địa phương từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1946. -Lập ba phân khu quân sự ở vùng độc lập tập trung ở ba huyện: Phước Long, An Biên và Cà Mau. Lập phòng tuyến chiến đấu ở thị trấn Phước Long, thị trấn Xẻo Rô, chợ Thứ Ba. -Hội nghị quyết định xây dựng căn cứ Cái Bát, Ro Ghe (An Biên), Cái Tàu (Ca Mau), Vĩnh Thuận, Phước Long, Tân Duyệt, Tân Thuận, Nam Ca Mau. Những căn cứ này là nơi đứng chân của bộ đội, công binh xưởng. Nơi dự trữ và sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Đây là bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp ở khu 9, tạo cơ sở duy trì cuộc kháng chiến lâu dài. Từ đó U Minh trở thành căn cứ địa của khu 9. Tháng 6 – 1946, từ căn cứ U Minh lực lượng vũ trang các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Rạch giá, Châu Đốc, Bạc Liêu đã củng cố lực lượng quay về địa phương hoạt động. Các tỉnh đều đã thành lập được các phân đội vũ trang độc lập (tương đương cấp trung đội) đánh dấu một bước phát triển và trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Tây Nam Bộ. Chấm dứt thời kỳ tan rã chuyển sang thời kỳ hoạt động sôi nổi, chống chính sách bình định lấn chiếm của địch, bảo vệ dân, xây dựng căn cứ địa. Đến tháng 10 – 1946, vùng giải phóng U Minh ngày càng mở rộng “Các tỉnh, huyện đều có căn cứ gồm nhiều xã liên hoàn. Ta đắp nhiều cản trên sông ngăn tàu giặc càn quét vào căn cứ. Chính quyền đoàn thể các cấp trong khu giải phóng đều được củng cố lại. Dân quân du kích xã được trang bị súng trường, lựu đạn tham gia chiến đấu với bộ đội tập trung khá mạnh.” (10). Mọi cố gắng của địch hòng chiếm đóng trở lại đều bị quân ta chặn đứng. Nhân dân phấn khởi bắt tay thực hiện “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Việc xây dựng đời sống mới, bài trừ các hủ tục di đoan, các tệ nạn xã hội được các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Bà con đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lạo động sản xuất, thực hiện nếp sống mới trong lễ cưới, đám tang, ăn chín, uống sôi. Các chi bộ Đảng, chính quyền lãnh đạo nhân dân, huy động lực lượng cùng bộ đội đào nhiều con kinh. Các kinh mới này được đặt tên là kinh dân quân, kinh kháng chiến… phục vụ sản xuất, vận chuyển vũ khí, đạn dược liên hoàn trong căn cứ. Từ giữa năm 1947, ở các vùng Cà Mai - Rạch Giá, trong căn cứ U Minh nhân dân đã tiến hành bầu cử hội đồng nhân dân xã với hơn 95% cử tri đã đi bỏ phiếu. Các Ủy ban kháng chiến được cử ra hoạt động có nề nếp và có hiệu quả. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, báo chí tuyên truyền được tổ chức rộng rãi phục vụ nhân dân và bộ đội. Phong trào bình dân học vụ cũng được tổ chức khắp nơi, các hoạt động y tế cũng được chú ý để bảo vệ sức khoẻ nhân dân và bộ đội. Cấp quân khu có quân y viện, chi đội có bệnh xá, đại đội có y sỹ. Để đáp ứng nhu cầu chiến trường trong vùng căn cứ U Minh, phong trào nuôi quân, tiếp tế cho bộ đội cũng phát triển mạnh mẽ. Chính quyền cở sở đều thành lập ban tiếp tế cho bộ đội. Hầu hết các gia đình đều có “hũ gạo nuôi quân”, “con gà cứu quốc”, “cây chuối kháng chiến”. Thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng ta trong kháng chiến, từ giữa năm 1948, chính quyền đã từng bước thực hiện chính sách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ và tay sai của thực dân Pháp chia cho nông dân. Đến cuối 1948, hầu hết các huyện trong hai tỉnh Rạch Giá và Bạc Liêu đã hoàn thành cơ bản việc tạm cấp ruộng đất, giảm tô 25% và tuyên bố xoá nợ cho nông dân trước 1945. Chính sách ruộng đất là nguồn động viên rất lớn đối với bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận và nhân dân ở hậu phương kháng chiến. Để bảo vệ căn cứ, nhiều”cản” mới tiếp tục được xây dựng như cản trên kinh Mớp Giăng, cản trên kinh Xáng Xà No, cản trên kinh Ô Mon, cản kinh Ngang Dừa, cản Cờ Trắng trên kinh Rạch Giá – Hà Tiên, cản Ba Hòn, cản kinh nước Trong, cản sông Ông Đốc, cản sông Đông Cùng, cản Sông Bảy Háp, cản Rạch Tắc Thủ, cản Kinh Xáng Đội Cường. Công tác kiên cố cản đã tạo vành đai vững chắc bảo vệ căn cứ. Tháng 11 – 1949, do yêu cầu sắp xếp lại chiến trường và tổ chức lại căn cứ địa trong tình hình mới. Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Tư lệnh Nam Bộ và nhiều cơ quan dân chính Đảng cấp Nam Bộ như viện quân y, trường học, đài phát thanh, toà soạn báo Tiếng súng… từ căn cứ Đồng Tháp Mười chuyển về căn cứ U Minh. Lúc này căn cứ U Minh đã bao gồm các vùng giải phóng rộng lớn bao gồm cả U Minh Thượng và U Minh Hạ. Thay thế Đồng Tháp MườI U Minh trở thành trung tâm đầu não chỉ đạo kháng chiến ở Nam Bộ. Tính đến năm 1952 “căn cứ U Minh có bề dài 180km, bề rộng 80km tạo thành một hình tam giác với diện tích 8000km 2 và dân số 700000 người”(11). Đây là căn cứ địa rộng lớn nhất ở Nam Bộ có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Là hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Tây Nam Bộ và cả Nam Bộ. NHẬN XÉT Quá trình hình thành, phát triển của căn cứ địa U Minh cho thấy vai trò to lớn của nó trong cuộc kháng chiến chống Pháp thể hiện một số nét nổi bật sau đây: Thông thường căn cứ địa được lựa chọn xây dựng ở những vùng rừng núi hiểm trở nhưng ở đây căn cứ U Minh lại mang đặc điểm của một căn cứ đồng bằng. Tính hiểm trở của U Minh được tạo nên bởi rừng ngập nước bao gồm rừng Tràm và rừng Đước, Sú, Vẹt ven biển, kết hợp với địa hình bị chia cắt bởi sông rạch và sình lầy tạo nên chỗ đứng chân an toàn cho kháng chiến “tiến có thể thoái, lui có thể thủ”. Mặt khác địa hình trên cũng gây nhiều khó khăn cho địch khi tấn công vào căn cứ, nhất là việc mở những trận càn lớn có phương tiện vũ khí hạng nặng. Do đặc điểm là vùng rừng ngập nước, sông rạch chằng chịt nên việc xây dựng, bố trí trận địa chiến đấu không giống như nhiều căn cứ khác là hầm hào, công sự vững chắc hay những đường “địa đạo”, mà việc phòng thủ được xây dựng bằng những “kiên cố cản” được đắp bằng đất hoặc xốc bằng cây. Cản ngăn sông chặn tàu giặc tấn công vào căn cứ, tạo thành trận địa để quân ta tiêu diệt địch. Kiên cố cản là một nét điển hình đặc sắc trong việc phòng thủ bảo vệ căn cứ ở vùng đồng bằng sông ở miền Tây Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. So với các căn cứ khác ở Nam Bộ trong cùng thời kỳ như căn cứ Đồng Tháp Mười, chiến khu Đ, rừng sác. Đông Thành… thì căn cứ U Minh là vùng giải phóng rộng lớn bao gồm nhiều xã, huyện liên hoàn, có tiềm năng về chính trị, quân sự, kinh tế. Vì vậy đây là nơi “An toàn khu”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp U Minh là căn cứ của khu 9, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đồng thời là căn cứ của cả Nam Bộ. Như vậy căn cứ địa là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc chiến tranh cách mạng. Căn cứ địa có thể được xây dựng ở vùng rừng núi nhưng cũng có thể được xây dựng ở vùng đồng bằng mà trong đó căn cứ U Minh là một điển hình. Tính hiểm trở của căn cứ địa do nhiều yếu tố quy định trong đó địa hình kết hợp với yếu tố lòng dân và các điều kiện kinh tế đã tạo nên hậu phương vững chắc cho căn cứ địa. SOME PICTURES ABOUT THE REVOLUTIONARY BASE U MINH DURING THE RESISTANCE AGAINST THE FRENCH COLONIALISTS INVADED 1945 – 1954. LE SONG TOAN This written papers generalized some pictures about the process and development of the Revolutionary base U Minh at South West of Viet Nam. Through of this draw the particular traits, role of that place during the resistant against the French colonalists invaded. CHÚ THÍCH 1. Võ Nguyên Giáp, Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, Nxb Sự thật 1970, tr. 90. 2. Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 9, Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến 1945 – 1975, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 59. 3. Hồ sơ lưu trữ tại phòng khoa học công nghệ môi trường quân khu 9, TTTLLS số 2/47 CP. 4. Phan Than Nhàn, Trang sử thi hoành tráng trên đất U Minh, tham luận tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy di tích lịch sử U Minh Thượng”, Kiên Giang, tháng 6 – 1997. 5. Bùi Văn Thạch, Khái quát lịch sử và phương hướng bảo tồn di tích lịch sử căn cứ địa U Minh Thượng, tham luận tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy di tích lịch sử U Minh Thượng”, Kiên Giang, tháng 6 – 1997. 6. Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ tỉnh Minh Hải. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Minh Hải 1930 – 1975 (sơ thảo). NXB Mũi Ca Mau, 1995, tr. 12. 7. Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Quân khu 9 ba mươi năm kháng chiến (1945 – 1975). Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 63. 8. Thiếu tướng Trần Văn Niêm, Phó tư lệnh quân khu 9, Bài phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử căn cứ địa U Minh Thượng”, Kiêng Giang, tháng 6 – 1997. 9. Đại tá Trương Minh Hoạt, Trưởng phòng khoa học lịch sử quân sự Quân khu 9. Tham gia tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử căn cứ địa U Minh Thượng”, Kiên Giang, tháng 6 – 1997. 10.Bộ Tư lệnh quân khu 9, Quân khu 9 ba mươi năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1975), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 98. 11.Vùng độc lập và vùng căn cứ của Nam Bộ, hồ sơ lưu trữ bộ Quốc Phòng, Bản sao lưu trữ tại phòng KHCNMTQK9, TTTLLS số/52/CP. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tư lệnh quân khu 9, Quân khu 9 ba mươi năm kháng chiến (1945 – 1975), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 35 – 110. 2. Đảng uỷ Bộ Tư lệnh quân khu 9, Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến (1945 – 1975), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998. Tr. 43 – 65. 3. Hồ Sơn Đài, Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ (1945 – 1954), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1996, tr. 76 – 99. 4. Bộ Tư lệnh quân khu 9, Lịch sử hậu cần lực lượng vũ trang Đồng bằng sông Cửu Long (1945 – 1975), Nxb Quân đội Nhân dân, 1998, tr. 14 – 46. 5. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh thuộc Bộ Chính trị. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợI và bài học. Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996, tr. 132 – 163. 6. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Minh Hải. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Minh Hải 1930 – 1975 (sơ thảo), NXB Mũi Ca Mau 1995, tr. 12 – 36. 7. Ban chỉ đạo biên tập LSĐ Kiên Giang, Kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954, tr. 67 – 126. . tích lịch sử căn cứ địa U Minh Thượng, tham luận tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy di tích lịch sử U Minh Thượng”, Kiên Giang, tháng 6 – 1997. 6. Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ tỉnh Minh Hải. Lịch sử Đảng. Nhàn, Trang sử thi hoành tráng trên đất U Minh, tham luận tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy di tích lịch sử U Minh Thượng”, Kiên Giang, tháng 6 – 1997. 5. Bùi Văn Thạch, Khái quát lịch sử và phương. hội thảo “Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử căn cứ địa U Minh Thượng”, Kiêng Giang, tháng 6 – 1997. 9. Đại tá Trương Minh Hoạt, Trưởng phòng khoa học lịch sử quân sự Quân khu 9. Tham gia tại

Ngày đăng: 13/07/2014, 23:00

Từ khóa liên quan

Mục lục

  • LE SONG TOAN

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan