1. Trang chủ
  2. » Văn Hóa - Nghệ Thuật

Dòng sông hối hả pptx

5 115 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 5
Dung lượng 244,24 KB

Nội dung

Dòng sông hối hả Mãnh liệt và hào phóng, mênh mang và sôi động, sông Hậu không chỉ là một dòng sống bất tận của người dân miền Tây Nam bộ mà còn là điểm đến đầy bất ngờ và thú vị đối với du khách khắp nơi. Chợ nổi Cần Thơ – Ảnh: rickmann Khi những tia nắng đầu tiên nhảy múa trên sóng nước cũng là lúc phiên chợ nổi bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm ghe xuồng chở nặng đủ loại sản vật hấp dẫn của vùng quê miền nhiệt đới tụ họp về như lá rải kín mặt sông. Những chàng “cao bồi trên lưng sóng” chuyển hàng bằng cách “ném và bắt” bí ngô, dừa, dưa hấu… Người mua kẻ bán gọi nhau í ới, tiếng chào hàng, tiếng trả giá trộn lẫn trong tiếng máy nổ náo nhiệt cả một khúc sông. Một khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác ló ra từ khung cửa sổ một nhà thuyền. Chú chó nhỏ ngoe nguẩy đuôi như đang trêu đùa con thuyền lắc lư theo nhịp sóng dưới chân chú. Một cái đầu trắng xóa bọt xà phòng… Xa xa, bóng những phụ nữ đội nón lá bươn bả chèo thuyền đưa học sinh tới trường in lên nền trời trông như những chú chuồn chuồn đang bay lên từ mặt nước. Trên những con thuyền gỗ nhỏ, cánh đàn ông đang thong thả rải lưới bắt cá. Tất cả diễn ra trên đại sân khấu ngợp một màu xanh bao la của nền phông thiên nhiên và màu phù sa của nước sông đang cuộn chảy. Một cuộc sống sôi động đang quẫy đạp trên khúc sông này. “Thật tuyệt vời – bà B.Helène, du khách Pháp, nói sau chuyến du ngoạn trên sông Hậu – Đây không chỉ là một sản phẩm thu hút du khách mà là một cuộc sống thật sự”. Hơi thở cuộc sống Bạn đang trên sông Hậu, nơi dòng Mekong hùng vĩ trong những hơi thở cuống quýt, vội vàng, đang đi chặng cuối cùng của đời sông trước khi đổ ra biển lớn, kết thúc một hành trình dài 4.500km bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Có phải vì thế mà những tất bật, hối hả của đời thường như dồn hết cả về khúc sông chảy qua thành phố Cần Thơ này, tạo nên một sự khác biệt thú vị và cả sự ngỡ ngàng cho du khách. Cô Rosemary Davies, một du khách đến từ Anh, so sánh: “Sông Thame chỉ là… sông. Mọi người đến đó chỉ đứng ngắm nhìn nó thôi, còn ở đây con sông được tất cả mọi người sử dụng”. Nó là một khu chợ sầm uất, một đường phố nhộn nhịp, một phòng tắm ngoài trời hay có thể là một cái gì đó khác nữa tùy theo cảnh tượng mà bạn nhìn thấy khi đi thuyền trên sông, kéo theo nó là cả một dải xanh ngút ngàn những rặng dừa trĩu quả, những vườn cam, bưởi, nhãn… và hàng loạt cây trái nhiệt đới khác. Đấy cũng là lý do tại sao người dân ở đây không bỏ chạy khi nước lũ về hằng năm mà quyết định ở lại để “sống chung với lũ”, bất chấp những cơn giận dữ khủng khiếp của con sông này (năm 2001 nhiều người đã bỏ mạng trong một trận lụt lịch sử). Ở sát ngay mép nước luôn cuộn sóng bởi thuyền bè qua lại là những căn nhà, quán cà phê, trường học, trụ sở cơ quan, trạm xăng dầu, gara (cho thuyền bè)…, trên mặt nước người dân sinh hoạt trong các ngôi nhà di động cũng y như người sống trong các căn nhà trên bờ vậy. Sông Hậu có thể không đẹp bằng sông Thame của London, không duyên dáng như sông Seine của Paris nhưng trên dòng chảy của nó ướp đầy hơi thở nồng nhiệt của một cuộc sống sôi động không ngừng, khởi đầu từ tinh mơ đến khi màn đêm buông xuống. Nhưng chợ nổi mới là điều hấp dẫn nhất mà con sông này mang lại cho du khách. Mỗi lần họp chợ là một lần trình diễn đủ các loại thuyền: thuyền gỗ, thuyền composite, thuyền nhôm, những thuyền be bé với đuôi tôm chổng lên trời, thuyền máy lớn rẽ sóng tung bọt trắng xóa, thuyền chèo tay thong thả, thuyền gỗ bự chảng với đôi mắt mở to như dọa nạt. Chúng đến từ hàng ngàn kênh rạch chằng chịt khắp nẻo Tây Nam bộ, tụ họp cho một ngày hội của nông sản gieo trồng trên vùng đồng bằng màu mỡ nhất nước. Người bán quảng cáo sản phẩm của mình bằng cách treo hàng mẫu lên trên những chiếc sào gỗ cắm trước thuyền: nào chuối, cà rốt, tỏi, dưa hấu…, tất cả làm nên một bức tranh đầy màu sắc. Người mua lái những chiếc thuyền nhỏ hơn, luồn qua lách lại để đến chỗ cần mua hàng. Bà Helène nhận xét: “Thật thú vị. Cái gì cũng khác lạ, đây là lần đầu tiên tôi thấy một chợ nổi. Sông Seine không có chợ nổi nào cả”. Thuyền hoa – Ảnh: sapio Du hành về quá khứ Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là một mặt của cuộc sống sông nước. Đêm đến, con sông Hậu sống một đời sống khác hẳn. Khi bóng tối bao trùm mọi vật thì những tất bật, hối hả của ban ngày cũng lắng xuống, nhường chỗ cho một không gian khác đầy sâu lắng. Giữa mênh mông, bao la của trời và nước, trong cái mơn man của gió lạnh thổi từ mặt sông, tiếng ca hát bắt đầu vang lên, lan tỏa trên mặt nước. Những giai điệu tựa như lời ru của mẹ trầm bổng, nhẹ nhàng như đưa ta vào dòng chảy của quá khứ xa xưa. Tương truyền trên đường bôn tẩu tránh quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã đi qua khúc sông này. Giữa đêm trường thanh vắng bỗng đâu tiếng đàn hát vang lên làm vị chúa đang trên bước đường lưu lạc xao lòng. Quá xúc động bởi những làn điệu du dương, ông đã đặt tên cho con sông là “Cầm Thi giang”, nghĩa là con sông của thơ và nhạc. Theo thời gian, người ta đọc trại Cầm Thi thành Cần Thơ – cái tên của thủ phủ miền đất này – từ lúc nào không biết (theo sách Cần Thơ xưa của Huỳnh Minh, NXB Thanh Niên, 2001). Đêm trên sông Hậu thuyền chở khách du ngoạn sông nước và thưởng thức những bài ca đậm chất miền sông nước Tây Nam bộ. Bỏ lại thành phố sáng ánh đèn ở đằng sau, chiếc thuyền được tắt máy và thả trôi theo dòng nước lấp lánh ánh sao để du khách bắt đầu một chuyến du hành khác, trở về với sông Hậu của những năm tháng xa xưa… Đi cầu khỉ – Ảnh: skyscrapercity . Dòng sông hối hả Mãnh liệt và hào phóng, mênh mang và sôi động, sông Hậu không chỉ là một dòng sống bất tận của người dân miền Tây Nam bộ mà. 4.500km bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Có phải vì thế mà những tất bật, hối hả của đời thường như dồn hết cả về khúc sông chảy qua thành phố Cần Thơ này, tạo nên một sự khác biệt. sống trong các căn nhà trên bờ vậy. Sông Hậu có thể không đẹp bằng sông Thame của London, không duyên dáng như sông Seine của Paris nhưng trên dòng chảy của nó ướp đầy hơi thở nồng nhiệt

Ngày đăng: 13/07/2014, 22:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN