Hạ Long đá nổi như mây Có đi thăm nhiều kỳ quan trên thế giới rồi khi trở về Việt Nam, đi thăm đất nước mình mới thấy quê hương cũng có nhiều danh lam thắng cảnh mà nếu đem so với những nơi được thế giới ca tụng, không những chẳng thua kém gì, trái lại còn có phần trội về một mặt nào đó là đằng khác. Người viết những dòng này đã có cái may mắn đi vòng quanh thế giới ba lần, thăm trên dưới bốn mươi nước, lê bước lãng du để lén thu thập cái đẹp của thiên nhiên vào ký ức, hầu mở rộng kiến thức nghề nghiệp, cũng đã từng rung cảm mãnh liệt trước những cảnh hùng vĩ như thác Niagara ở Bắc Mỹ, rạng đông trên miền Laponie hay là cảnh núi biển tương xứng của Rio de Janeiro ở Nam Mỹ, nhưng chưa thấy nơi nào đẹp và hùng tráng như Vịnh Hạ Long mới được đi thăm gần đây ở miền Bắc. Trước đây tôi cũng từng được gặp những người Âu cũng như Á, ca tụng nhiều cách khác nhau về cái đẹp của Hạ Long. Ví dụ một thủy thủ người Âu cho rằng nó rất đẹp và huyền bí như một đoàn hải thuyền kỳ diệu, một người khác cho rằng nó hiện ra trong sương đẹp đến nỗi người đó quên say sóng… Khi tôi mới viết đến đây, tôi liền nghĩ đến họ, là những người bạn đã yêu mến đất nước tôi, ca tụng hộ tôi vẻ đẹp của đất nuớc tôi mà họ đã nhìn thấy trước tôi, khi tôi còn du học ở hải ngoại. Nhưng nay tôi đã ngầm hiểu rằng những lời tốt đẹp mà những người bạn quí của tôi đã vui lòng diễn tả cho tôi nghe hồi đó chưa thấm vào đâu trước cái xúc động mà tôi đã cảm thấy khi tôi nhìn thấy “nó”. Phải nói rõ rằng, mới đây công ty du lịch và công ty cung ứng tàu biển nhờ tôi ra nghiên cứu và tham quan thực địa để xây cất mấy cơ sở đón và phục vụ khách du lịch và thủy thủ các tàu buôn thường ra vào cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), do đó tôi và một người bạn mới được đón tại Hà Hội, đi ngay từ lúc xế chiều về nơi có công trình sắp xây dựng để cho khỏi mất buổi sáng ngày hôm sau. Vì thế chúng tôi đến Bãi Cháy từ đêm khuya, và sau khi đi đường mỏi mệt đã ngủ liền sau bữa cơm muộn, nhờ vậy hôm sau dậy sớm mới có cái cảnh bàng hoàng nửa mộng nửa thật khi nhìn thấy Vịnh Hạ Long lần đầu qua màn sương sớm. Không phải ngái ngủ mà tôi nói là nửa mộng nửa thật. Sở dĩ nó “thật” vì rõ ràng trời lạnh hơn miền Nam quê tôi, phải lục vali lấy áo lạnh, khăn quàng mặc thêm vào mới chịu được khi từ bao lơn nhìn ra phía trước mặt. Nó “thật” là vì tôi nhìn thấy nhiều tàu buôn đồ sộ xếp hàng còn thắp đèn sáng trưng qua sương mù. Nhưng nó “mộng” là vì sao lại có bức tranh đẹp đến thế, nó là bức tranh thủy mặc, nhưng đẹp hơn vì nó sống, rõ ràng có sự sống trong bức tranh đó. Qua mấy cành thông cong queo và mấy cành đại của khách sạn Hạ Long, cảnh vừa hao hao giống Đà Lạt, vừa giống Buôn Mê Thuột, lại vừa giống xứ Nice miền Nam nước Pháp, nhìn thấy đường, rồi đến bãi biển, rồi đến nước… Nước màu xanh ngọc bích, đảo bóng non xanh, phớt nhẹ một làn sương bạc. Rồi đột nhiên hùng dũng như núi vôi Ninh Bình, nhưng xanh hơn, sáng hơn, hiện ra hòn trước, hòn sau, cứ thế lần lượt xa xa, gần gần, chạy dài bao quanh, quành qua bên phải, lẫn với sương mai, lăn dài liên miên bất tận, có lẽ hàng trăm chứ không phải hàng chục cây số. Mây trời bay ngang qua cảnh này sà xuống sát mặt nước, làm cho núi, hay nói đúng hơn là các hòn đảo nối nhau, cũng trở nên nhẹ nhàng, như bay chập chờn trên mặt biển. Ai đời núi mà nhẹ như bông, lại lơ lửng chập chờn như kia thì mọi thành kiến về núi đứng, núi vững đều phai nhòa trong cái tri kiến tầm thường của tôi. Chưa hết, từng cặp thuyền giăng buồm, loại buồm đặc biệt ở vùng này, giống cái cánh con “tắc kè bay” mà tôi từng thấy ở núi Bạch Mã gần Cầu Hai của xứ Huế tôi, lướt nhẹ nhàng luồn qua các đảo, xem ra chẳng khác thuyền đứng mà núi chạy, mọi quan niệm về động tĩnh, nặng nhẹ bỗng nhiên thi nhau đùa giỡn với thói quen của tôi. Trong cảnh bao la bát ngát ấy ai lại đem thả mấy cánh hải âu trắng, bay qua bay lại, chốc lại sà xuống mặt nước, hay thả mình bơi lội nhởn nhơ trên đời này chẳng còn thú gì hơn là hòa mình với thiên nhiên. Mà thiên nhiên ở đây kỳ ảo, huyền diệu không thể tả, này trời này nước, này non xanh mây trắng, tình tứ trò chuyện tương ứng tương cầu với nhau, thoạt ẩn, thoạt hiện, vừa hùng vĩ lại nhẹ nhàng, vừa bao la lại gần gũi, gợi lên cho người xem bao nhiêu là xúc cảm, bao nhiêu là nhớ nhung… Mặc dầu anh ấy có chức vị, còn tôi thì không, nhưng anh ấy không quản ngại, biết tôi hay vẽ trước mọi cảnh đẹp của thiên nhiên, anh ấy đi lấy giấy và tự tay mài mực… Tôi thấy vậy liền trải giấy lên bàn nước để vẽ, tất nhiên là vẽ lối thủy mặc… nhưng đáng ngại thay cho tôi, cảnh thì bao la hàng trăm cây số giăng bày trước mắt, tôi làm sao dám ghi lại trên một mét giấy bề dài cho nên tay tôi run, và mặc dù trời rét như thế mà trán tôi đổ mồ hôi, bắt đầu vẽ xa trước, hay gần trước, lại thế nào là xa thế nào là gần, một vài lớp thì gọi là xa là gần, còn trùng trùng điệp điệp “núi trước, núi sau, mình ở giữa”, đúng như cụ Vũ Phạm Hàm đã cảm xúc ở Hương Sơn, nhưng ở Hương Sơn còn có “Đoàn mục thụ bóng chiều vừa ngả, dắt trâu về lả tả đều ghềnh”, nhờ đó có tỉ lệ, chứ đằng này nào mây nào nước, nào đảo trước đảo sau, nào thuyền nào bến, nào khói trắng sương lam, nào màu sắc bình minh sắp ló dạng, với hai màu đen trắng, với tâm sự ngổn ngang, sức mấy tôi diễn tả nổi…. Buổi chiều tôi lên tàu Hạ Long II để đến gần các hòn đảo đã thấy ở trên. Tôi nhìn thấy những hòn đảo với vách tường dựng đứng, cân đối lạ lùng, tôi bỗng kinh hoàng với ý nghĩ rằng đây mới thật là kiến trúc hòa hợp với điêu khắc hội họa, có khác chăng là những hợp khối kia, những hình ảnh muôn hình vạn trạng kia phải được đục đẽo bằng mưa gió thời gian kể hàng chục triệu năm. Nếu đem so với những công trình được bàn tay người xây dựng trên thế gian dám đem so sánh tuổi thọ. Có ví chăng được thì tôi phải nghĩ đến công lao đóng góp của hàng chục triệu người trong nhiều nghìn năm đã làm cho đất nước quê hương tôi đã được lớn lên, được nuôi dưỡng và được thụ hưởng bao nhiêu là thành quả mà tôi chưa tô điểm cho xứng đáng với ân huệ mà thiên nhiên ưu đãi. Tôi nghĩ rằng muốn tô điểm cho những kỳ công của tạo hóa mà đem cái tri kiến tầm thường của tôi để đốt đuốc cho bạn ngày đêm sáng e không phải lẽ, chi bằng nếu có phải xây dựng để đáp ứng nhu cầu nào đó, tuyệt nhiên phải dựa vào thiên nhiên, chiều theo thiên nhiên mà hòa vào, chứ không nên xây cất những công trình cứng nhắc để đối chọi với thiên nhiên… Trời ngả về chiều, ánh sáng vàng hòa lẫn với đá xám, điểm cây xanh, nhạt dần trong sương, làm cho tôi nhớ những chiều như vậy ở Bắc Âu, Nam Mỹ và Bắc Mỹ hay Tây nguyên Việt Nam, quả thật chưa có nơi nào mà tôi thấy cảm xúc dạt dào như nơi đây. Dù là trên đỉnh núi tuyết ở Áo, lơ lửng trên thác Niagara giữa Hoa Kỳ và Canada, hay đứng trước hải cảng Rio de Jeneiro ở Brazil, hoặc là ngắm Lăng Cô từ đèo Hải Vân, hay bơi thuyền trên sông Tiền, sông Hậu, tôi còn có dính trần với thanh sắc của nó. Còn nơi đây, tôi được nâng cao tầng rung động đến mức cảm được vô thanh vô sắc, trong một khung cảnh hùng tráng, vừa nên thơ, vừa tình tứ, vừa thanh tĩnh lại vừa hoạt động, tôi cảm thấy tâm hồn được nâng lên và cảm hoài khôn tả. Bao nhiêu xáo trộn tâm tư, bàng hoàng ngơ ngẩn trước cảnh đẹp đệ nhất kỳ quan được thức tỉnh khi nghe thủy thủ gọi sửa soạn cho tàu cặp bến. Một số đồng nghiệp và bạn bè đến xem các bức vẽ của tôi, bày tỏ lời khen ngợi làm cho tôi sực nhớ trong thuyền không những có khách mà còn là khách giai nhân, thế mà tôi đã vô phép không một lần trao đổi, tôi biết mình đã có lỗi và xin viết bài này để tạ người tri kỉ. . Hạ Long đá nổi như mây Có đi thăm nhiều kỳ quan trên thế giới rồi khi trở về Việt Nam, đi thăm đất nước. cảnh hùng vĩ như thác Niagara ở Bắc Mỹ, rạng đông trên miền Laponie hay là cảnh núi biển tương xứng của Rio de Janeiro ở Nam Mỹ, nhưng chưa thấy nơi nào đẹp và hùng tráng như Vịnh Hạ Long mới được. từng được gặp những người Âu cũng như Á, ca tụng nhiều cách khác nhau về cái đẹp của Hạ Long. Ví dụ một thủy thủ người Âu cho rằng nó rất đẹp và huyền bí như một đoàn hải thuyền kỳ diệu, một