Phòng ngừa biến chứng do tiểu đường Tiểu đường (TĐ) là một trong những vấn đề trọng tâm trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong thế kỷ 21. Nguy cơ chủ yếu đe dọa sức khỏe cộng đồng là do các biến chứng của bệnh. Các biến chứng do TĐ gây ra có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Một vấn đề quan trọng là ngay ở thời điểm mới được chẩn đoán, có 50% người bị TĐ típ 2 đã có biến chứng. Vì vậy, quan tâm đến các biến chứng của bệnh ngay từ ban đầu khi mới được chẩn đoán là điều thực sự cần thiết và hết sức quan trọng, có ý nghĩa liên quan đến sự sống cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, ngày nay tiến bộ khoa học trong y khoa đã thúc đẩy việc điều trị TĐ ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời các biến chứng có thể mang lại chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người bị TĐ. Các nghiên cứu như nghiên cứu UKPDS tại Anh, nghiên cứu DCCT tại Mỹ, đã cho thấy khi kiểm soát tốt đường huyết có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm tỉ lệ các biến chứng. CÁC BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP Biểu hiện đặc trưng của bệnh TĐ là tình trạng đường trong máu tăng cao do thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Đường huyết tăng cao kéo dài sẽ làm tổn thương các mạch máu, do đó làm tổn thương các mô, cơ quan trong cơ thể và gây biến chứng. Tất cả các loại mạch máu nhỏ (vi mạch) hay mạch máu lớn trong cơ thể đều có thể bị tổn thương. Người ta phân loại biến chứng mạch máu bao gồm biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn. Các biến chứng mạch máu nhỏ, xảy ra ở các mạch máu nuôi dưỡng mắt, thận và thần kinh. Các biến chứng mạch máu lớn thường xảy ra ở những mạch máu nuôi dưỡng tim, não và chi. Biến chứng mạch máu nhỏ * Mắt: Biến chứng ở mắt là biến chứng thường gặp. Từ năm 1935, biến chứng này bắt đầu được biết đến. Biến chứng ở mắt có thể là bệnh lý võng mạc do TĐ, đục thủy tinh thể… Biến chứng mắt có thể dẫn đến giảm thị lực, mù mắt. Và đây là nguyên nhân gây mù thường gặp nhất ở Anh đối với lứa tuổi 16 - 64. Tuy biến chứng có thể nặng nề, vì gây giảm thị lực hoặc mù, nhưng có thể ngăn ngừa được và có thể giúp làm giảm mức độ trầm trọng của biến chứng nhờ những can thiệp y khoa sớm. Để ngăn ngừa biến chứng cần phải kiểm soát đường huyết chặt chẽ. Bên cạnh đó, còn phải kiểm soát huyết áp, kiểm soát bệnh thận TĐ và kiểm tra protein niệu, vì còn có sự phối hợp của tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, bệnh lý thần kinh với sự khởi phát và tiến triển của bệnh lý võng mạc do TĐ. Tuy nhiên, các biến chứng của bệnh thường diễn ra từ từ, tiến triển lặng lẽ. Do đó, để phát hiện sớm biến chứng, người bệnh nên thực hiện đúng theo lịch khám tầm soát định kỳ về mắt. Việc khám mắt sẽ được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần đối với người TĐ típ 1 đã mắc bệnh 5 năm, đối với TĐ típ 2 thì việc này phải được tiến hành ngay ở thời điểm bệnh mới được phát hiện. Nếu người bị TĐ có thai, việc khám mắt cần thực hiện thường xuyên hơn. Lịch khám là trước khi có thai, sau đó định kỳ 3 tháng một lần và 6 tuần sau khi sinh em bé. *Thận: Các nghiên cứu về biến chứng của bệnh cho thấy, 1/5 số bệnh nhân TĐ típ 2 thường có xảy ra biến chứng ở thận. Bệnh thận TĐ làm giảm chất lượng sống của người bệnh, làm gia tăng nhanh chóng chi phí điều trị. Bệnh thận TĐ là nguyên nhân chính của suy thận giai đoạn cuối. Gần 50% số người bị bệnh thận giai đoạn cuối là những người bị TĐ. Biến chứng ở thận là do đường huyết tăng cao kéo dài cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác như tăng huyết áp, nhiễm trùng tiểu… làm các mạch máu nhỏ ở thận bị dày lên, chức năng thận dần dần bị ảnh hưởng. Khi xuất hiện protein trong nước tiểu (đạm niệu) chứng tỏ có các tổn thương tại thận. Do đó, thử nước tiểu thường xuyên có thể phát hiện sớm những thay đổi về chức năng thận. Cách tốt nhất để phòng ngừa tổn thương thận là ngăn chặn các yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ bị biến chứng ở thận do TĐ như: huyết áp phải được kiểm soát tốt, điều trị nhiễm trùng đường tiểu kịp thời, không hút thuốc lá. Duy trì một chế độ ăn thích hợp để giúp kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu. Trong trường hợp đã có dấu hiệu tổn thương tại thận nên áp dụng chế độ ăn ít muối, ít chất đạm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh TĐ rất dễ bị nhiễm trùng tiểu, nhưng các triệu chứng báo hiệu như tiểu gắt, tiểu buốt, đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày… nhiều khi không biểu hiện rõ. Do vậy, cần làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu thường xuyên và khi có dấu hiệu nghi ngờ. Thường kỳ xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu sẽ được thực hiện ở mỗi lần bệnh nhân đi khám bệnh nhằm giúp phát hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu. Để phát hiện các tổn thương thận sớm, cần tầm soát bằng việc làm các xét nghiệm phát hiện đạm trong nước tiểu. Các xét nghiệm có thể là định lượng vi đạm niệu (Microalbumin), vi đạm niệu/nước tiểu 24 giờ, hoặc đo tỉ lệ Albumin/creatinin trong nước tiểu. Các xét nghiệm này được thực hiện theo lịch khám theo dõi và tầm soát do bác sĩ chỉ định. Tất cả bệnh nhân TĐ típ 2 mới được chẩn đoán và người bị TĐ típ 1 từ 3 - 5 năm cần phải được tầm soát vi đạm niệu hàng năm hoặc nhiều lần hơn, nếu có nghi ngờ hay khi cần theo dõi điều trị. * Thần kinh: Bệnh lý thần kinh do TĐ gồm các bệnh lý do tổn thương các dây thần kinh truyền thông tin đến và đi khỏi não, tủy sống. - Bệnh nhân có thể bị tổn thương thần kinh ngoại vi gây thay đổi cảm giác, giảm cảm giác, tê bì hoặc châm chích, hoặc yếu cơ. Các dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân, do đó, bàn chân dễ bị tổn thương gây các biến chứng như loét chân có thể làm nhiễm trùng, hoại tử và phải cắt cụt chi. Để tránh và làm giảm xuất hiện biến chứng ở chân cần phải chăm sóc bàn chân hàng ngày. Khi có thay đổi cảm giác ở bàn chân nên báo ngay cho bác sĩ. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám thường xuyên và phát hiện kịp thời các tổn thương thần kinh ngay cả khi người bệnh chưa nhận thấy. - Bệnh lý thần kinh tự động. Các dây thần kinh tự động kiểm soát nhiều cơ quan khác nhau nên triệu chứng thể hiện rất đa dạng như chóng mặt khi đứng, tiêu chảy nặng, nôn mửa. Đặc biệt, do tổn thương thần kinh tự động, nên một số bệnh nhân TĐ không có các dấu hiệu báo động khi có đe dọa hạ đường huyết. Người bệnh là nam giới còn có thể bị bất lực. Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng đối với thần kinh vẫn là kiểm soát chặt chẽ đường huyết. Biến chứng mạch máu lớn Người bị tiểu đường thường bị bệnh lý mạch máu lớn nhiều hơn so với người không bị tiểu đường. *Tim mạch: Do bị xơ vữa động mạch, bệnh nhân TĐ dễ bị bệnh tim mạch, nguy cơ này gia tăng ở cả nam và nữ. Người bị TĐ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn người không bị TĐ từ 2 - 4 lần. Các bệnh lý thường gặp là thiếu máu cơ tim, cao huyết áp, nặng hơn có thể bị nhồi máu cơ tim Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch cho bệnh nhân TĐ phải loại bỏ tất cả các yếu tố nguy cơ như: bỏ hút thuốc, điều trị cao huyết áp và hoạt động thể lực đều đặn. Kiểm soát tốt đường huyết là việc làm rất quan trọng, do tăng đường huyết có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. *Mạch máu não: Nguy cơ bị đột quị ở người TĐ cao hơn 2 - 4 lần so với người không bị TĐ. Đột quị là biến chứng nặng do tổn thương các động mạch nuôi dưỡng não. Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh lý mạch máu não như lẫn lộn, hay quên, khó nói thể hiện ở các mức độ khác nhau tùy theo vùng não nào bị thiếu máu. Bệnh lý mạch máu não có thể phòng ngừa và hạn chế được bằng cách ngưng hút thuốc lá, ăn ít dầu mỡ, tập luyện thể lực đều đặn, duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao của người bệnh, điều trị tăng huyết áp. *Chi dưới: Tình trạng xơ vữa động mạch ở bệnh nhân TĐ có thể làm tổn thương các mạch máu ở cánh tay và đặc biệt là cẳng chân, do đó, làm giảm máu đến nuôi dưỡng chi dưới. Người bệnh có thể cảm thấy đau ở bắp chân, ở đùi, ở mông khi đi bộ và thường biến mất khi nghỉ ngơi Trường hợp mạch máu nuôi ngón chân bị tắc nghẽn hoàn toàn, ngón chân sẽ bị thâm đen do bị hoại tử. Việc chăm sóc bàn chân hàng ngày rất quan trọng đối với người bị TĐ, vì sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu đáng chú ý như đau ở bắp chân, lạnh 2 bàn chân, thay đổi màu sắc da ở bàn chân hoặc ngón chân. Có các dấu hiệu trên người bệnh, nên đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phát hiện sớm các triệu chứng như trên đã nêu là để không cho các biến chứng phát triển nặng. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là khi duy trì đường huyết luôn ở mức bình thường thì ảnh hưởng, lợi ích của nó đối với biến chứng như thế nào? Kết quả của nghiên cứu UKPDS cho thấy, cứ giảm HbA1c 0,9% sẽ làm giảm12% các biến cố bất kỳ có liên quan đến tiểu đường, 25% biến chứng mạch máu nhỏ, 24% đục thủy tinh thể, 16% nhồi máu cơ tim… Và như vậy, cần phải duy trì mức đường huyết khi đói dưới 110 mg/dl, đường huyết 2 giờ sau khi bắt đầu bữa ăn tốt nhất là dưới 140 mg/dl. Mục tiêu là đạt được mức HbA1c dưới 6,5 % sau 6 tháng điều trị. Các mục tiêu khác như huyết áp, lipid máu… cũng có những tiêu chuẩn cần đạt được trong điều trị. Những mục tiêu này không phải quá khó khăn để đạt được, nhưng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân, sự tuân thủ điều trị tốt của người bệnh. . và chi. Biến chứng mạch máu nhỏ * Mắt: Biến chứng ở mắt là biến chứng thường gặp. Từ năm 1935, biến chứng này bắt đầu được biết đến. Biến chứng ở mắt có thể là bệnh lý võng mạc do TĐ, đục. Phòng ngừa biến chứng do tiểu đường Tiểu đường (TĐ) là một trong những vấn đề trọng tâm trong chăm sóc sức khỏe cộng. chứng mạch máu bao gồm biến chứng mạch máu nhỏ và biến chứng mạch máu lớn. Các biến chứng mạch máu nhỏ, xảy ra ở các mạch máu nuôi dưỡng mắt, thận và thần kinh. Các biến chứng mạch máu lớn thường