1. Trang chủ
  2. » Kỹ Năng Mềm

Làm gì để chồng về nhà sớm? pdf

10 372 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 254,6 KB

Nội dung

Làm gì để chồng về nhà sớm? Sau chuyên đề “Chiều nay anh kẹt, đừng chờ cơm” (Tuổi Trẻ 7-12- 2008), trang Tổ ấm nhận được nhiều phản hồi của các… bà vợ xoay quanh cách giải quyết “vấn nạn” trên. Xin trích đăng bốn ý kiến cũng là bốn “bí kíp” để chồng về nhà sớm của bốn bà vợ. Vợ TP.HCM: “Mẹ con tôi dụ ông chủ nhà… hồi gia!” Cảnh chống cằm chờ cơm ngóng chồng về rất quen thuộc với nhiều bà vợ TT – Chồng tôi là “điển hình tiên tiến” của sự đàn đúm sau giờ làm việc. Hôm nào anh về trước bữa cơm chiều, chắc chắn hôm đó có vấn đề, nếu không lên huyết áp thì có lẽ đang bị… tiêu chảy cấp! Sau một thời gian hết cằn nhằn đến khóc lóc vẫn không thay đổi được, tôi quyết lên kế hoạch dụ chồng… hồi gia. Các con được tôi tập huấn việc cần làm. Ở đây phải nêu vai trò rất lớn của con cái. Nhiều ông chồng chưa chắc nghe lời vợ nhưng rất sẵn lòng chiều con! Cô con gái hết nài nỉ: “Bố, chiều chở con đi học thêm”, lại: “Dẫn con đi mua sách”. Còn cậu con trai: “Bố, sửa giùm con chiếc xe đạp…” hoặc: “Đi đá banh bố nhé”. Phần tôi lo dọn dẹp nhà cửa, lắp truyền hình cáp, mua dàn karaoke, tạo tiện nghi trong gia đình. Thỉnh thoảng lại giả vờ có sự kiện gì đó để kéo cả nhà ra ngoài ăn, thay đổi không khí… Cứ thế những cuộc la cà của anh từng bước giảm dần. Tiếp theo, tôi tấn công vào túi tiền anh. Thường thì nộp “thuế” cho vợ xong, các ông sẽ vung tay tiêu xài với phần “giảm trừ gia cảnh cá nhân”, túi càng rủng rẻng bù khú càng nhiều! Tôi thường xuyên dụ khị anh mua ngoài kế hoạch, khi thì đôi giày, khi cái… tivi LCD! Nhân đây xin khuyến cáo chị em không nên khắt khe quá trong mua sắm, nên tạo thêm nhiều tiện nghi sinh hoạt để các ông thoải mái khi về nhà, thấy mình là ông chủ nhà thật sự. Tuy chúng ta chẳng giàu có gì, đôi khi cũng thấy hoang phí, nhưng thôi kệ các chị ạ, mình không xài để chủ quán nhậu xài cũng vậy! Bây giờ các cuộc điện thoại gọi về cắt cơm của anh chỉ một tháng đôi lần. Nói như anh thì: “Đi riết cũng quen, mà ở nhà riết cũng quen”. Cuộc vận động “nói không với rủ rê, nói không với bệnh la cà” của mẹ con tôi đã thành công. Chị em cứ thử cách của tôi, nếu không hết hẳn bệnh, ít ra cũng thuyên giảm, tần suất những buổi tối đầm ấm gia đình sẽ tăng lên đáng kể. Với trường hợp hết thuốc chữa, chị em cũng không việc gì phải đau khổ, hãy nhìn sự việc tích cực hơn. Dù sao mỗi lần bắt máy nghe điệp khúc “Chiều nay anh kẹt, đừng chờ cơm…” cùng tiếng nói cười rôm rả, tiếng cụng ly côm cốp, tuy bực thật nhưng rõ ràng đỡ bức xúc hơn phải nghe – cũng câu đấy – nhưng lại được thì thào trong một không gian yên lặng đáng sợ, nghe như là tiếng máy lạnh rì rầm! Lúc ấy mới là bi kịch bội phần các chị ạ… Huyền Nga Vợ Hà Nội: đừng bắc thang cho chồng dựa dẫm! Nếu một người đàn ông không muốn về nhà sớm chỉ vì nhà anh ta không giống quán nhậu thì anh ta nên thay đổi quan điểm của mình thay vì người vợ phải biến nhà thành quán nhậu để lôi kéo chồng về. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, cứ ăn cơm xong, đến giờ nhạc hiệu chương trình xổ số kiến thiết thủ đô là bố tôi sang nhà mấy người bạn ở khu tập thể chỉ để ngồi rung đùi và uống nước chè. Mẹ bực lắm! Ăn xong mẹ phải dọn dẹp, giặt giũ, hai đứa con học chẳng có ai kèm. Đến một hôm mẹ không nhịn nữa mắng bố một trận. Thế là từ hôm ấy bố ở nhà kèm chúng tôi học, ngoan đạo như một nữ tu. Chuyện đàn ông đi nhậu cũng vậy, đơn giản đó là một thói quen. Đàn ông thích tụ tập bởi tâm lý bầy đàn cố hữu. Cũng như đàn bà thích mua sắm và ăn uống. Chỉ có điều tính trách nhiệm của đàn bà cao hơn – ít nhất là với gia đình và những đứa trẻ – nên đàn bà buộc phải về nhà đúng giờ chăm con. Còn đàn ông ỷ lại vợ, tin rằng họ không về sớm thì vợ chắc chắn về sớm lo cho con, nên vẫn la cà. Tôi nghĩ vấn đề chỉ ở sự thiếu cương quyết của người vợ với thói hư của chồng. Tôi không bao giờ nhiệt tình làm cái việc là tìm mọi cách cuốn hút chồng về nhà, theo kiểu các nhà tâm lý thường khuyên chị em: “Hãy làm ngôi nhà đầy ắp tiếng cười; vợ luôn đẹp đẽ, dịu dàng; con cái luôn sạch sẽ, nhà cửa thơm phưng phức…”. Ngôi nhà của chúng tôi có đủ mọi thứ, tiếng cười của con trẻ, tiếng khóc khi chúng hờn, tiếng tôi quát nạt, cảnh con nôn oẹ hay nhè ra mọi thứ… Và chồng tôi phải có mặt ở đấy hằng ngày để chia sẻ, giúp tôi mọi việc. Tôi cho rằng một người chồng có trách nhiệm sẽ không thấy việc con khóc là đau đầu, tiếng la mắng của vợ là mệt mỏi. Nếu người chồng luôn nằm ngoài những thứ đó để biến đi với những tiếng cạch của cốc bia, với những đĩa thức ăn đầy ắp, mặc vợ con ở nhà có khi lúc ấy vẫn chưa được ăn vì ngập việc, thì nên xem xét lại trách nhiệm của anh ta với gia đình. Bạn bè không xấu, bia rượu không xấu, nhưng mọi thứ chỉ khác nhau ở giới hạn. Đàn ông nên dừng lại ở quán xá đôi lần trong tháng. Bởi nếu ngày nào cũng thế họ sẽ dễ biến thành những kẻ chỉ ăn tục nói phét, bốc đồng trong mắt vợ con lẫn những người cùng ngồi với anh ta. Chung Nhi Vợ Hà Tĩnh: “Tôi “buông súng, cầm quạt” dạy chồng!” Lấy chồng cũng kỳ vọng chồng nhớ những ngày kỷ niệm của hai đứa, muốn đi đâu cũng có chồng (shopping chẳng hạn, hoặc thăm bạn gái đẻ), muốn chồng phải nghe lời mình, muốn chồng về nhà đúng giờ, muốn chồng cùng mình xuống bếp mà không còn cảnh u ám ngồi chống cằm chờ cơm, để rồi chồng vác xác về trong bộ dạng lê thê lếch thếch… Đó là tâm lý mộng mơ “muốn” chung của chị em chúng tôi. Nhưng tình hình thực tế éo le lắm, càng muốn thì càng như chơi trò đuổi bắt. Tôi cũng từng muốn những điều đó, nhưng cuối cùng chuốc lấy những trận cãi nhau liên miên, giường chật vẫn phải nằm chung, mâm có mỗi một cái chẳng nhẽ chặt đôi? Ức chế đến phát khóc với những vô tâm vô tình của chồng. Cuối cùng tôi đành dùng chiêu “buông súng cầm quạt” dạy chồng! Thế là chẳng còn những ngày dằng dặc chờ cơm (cứ đến đúng giờ hẹn không về là ta chén!), chẳng còn những tối gọi điện giục về đến chục lần, cũng chẳng còn những băn khoăn xem giờ này chồng yêu quý đang ở đâu. Cũng chẳng có cái kiểu vắt óc tìm lời lẽ chua ngoa nhất khi cái mặt đỏ gay đỏ gắt, miệng thều thào toàn hơi rượu bò về nhà lúc nửa đêm… Thay vào đó, tôi đi chơi với bạn bè. Ăn cơm một mình đâm lại ngon lành, yên tĩnh, đầu óc thanh thản với những bộ phim trên HBO. Thấy đỡ tốn cả đống tiền điện thoại khi gọi giục chồng về mỗi ngày… Rồi tự dưng đức ông chồng quý hóa phát hiện sự thay đổi ở bà vợ tinh tướng thường ngày. Và đột ngột chồng mò về nhà sớm lắm. Rất đều đặn. Không cần gọi cũng về. Hóa ra người chồng đang có thói quen nhận điện vợ nhằn, quen thói được vợ chờ cơm, quen bị mắng… bỗng chốc hụt hẫng! Tự nhiên về sớm xem vợ đang làm gì mà dạo này không thấy gọi điện. Tự nhiên gọi điện dặn vợ chờ cơm, tự nhiên đề nghị mua vé xem phim mời vợ… Tuy vẫn có những trận đi đêm về hôm nhưng tôi cũng thôi không càu nhàu nữa, vẫn vui vẻ như hít thở không khí trong lành. Rồi tự nhiên thấy chồng lao vào rối rít giải thích cho những lần về muộn. Cách này cũng có thể gọi là “đưa” chồng về nhà sớm chứ không phải “lôi” chồng về bằng kiểu gào thét “kinh điển” vào điện thoại của nhiều chị em ta. Vân Khánh Vợ Đồng Tháp: chung sống hòa bình với “kẹt”! Hồi trai trẻ chồng tôi rất thích kết giao bạn bè. Từ lúc tôi sinh con trai, chồng đổi tính hẳn. Má chồng bảo: “Con tài thiệt, “con ngựa bất kham” của má mà con cũng trị được”. Tài gì đâu má ơi! Chỉ có tình phụ tử mới kéo nổi chồng con ở nhà. Đàn ông mà phải phụ vợ giặt giũ, đút cơm, chơi với con tôi thấy cũng tội nhưng… mãn nguyện vô cùng. Tưởng đâu chồng “rửa tay gác kiếm”, ai dè con lớn mọi việc lại như cũ. Hôm nào chồng cũng khuya lơ khuya lắc mới về. Cái vẻ bí xị thường ngày biến mất, lại vui vẻ “nổ” như pháo rang. Thôi rồi! Bệnh cũ tái phát! “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Có hôm chồng ốm, lại ủ rũ như… “kỳ” nhúng nước. Chồng uống thuốc, lên giường đắp mền, móc điện thoại ra tham gia… nhậu từ xa, cũng hào hứng y như đang có mặt tại hiện trường. Bó tay! Cô bạn hiến kế: đi du lịch, hâm nóng tình cảm vợ chồng. Ý kiến hay! Rủ chồng, chồng nhiệt liệt hưởng ứng. Tới ngày đi, chồng í ới gọi bạn bè hỏi tới đủ chưa. Trời đất quỷ thần ơi! Một lô một lốc các chiến hữu cùng bầu đoàn thê tử đứng xếp hàng chờ sẵn. Bỗng dưng muốn… khóc. Tốn bộn tiền đổi lấy bốn đêm ở resort sang trọng, phong cảnh hữu tình… chỉ có ông chồng là không thay đổi. Khuya lơ khuya lắc mới mò về phòng, ịch ra giường rồi bắt đầu ngáy. Thảm chưa! Nhiều lúc buồn nghĩ hay tại mình già, mình xấu chồng phát chán nên đi hoài. Tôi bắt đầu làm mới bản thân: mua máy tập thể dục, săn kem, sữa dưỡng… Ra đường không ít chàng ngó theo làm mình bối rối. Ai cũng khen, chỉ có chồng… liếc sơ hờ hững. Mấy món chồng thích mình kỳ công nấu nướng cả buổi, chồng mới gắp mấy miếng đã bỏ đũa xách xe chạy vì bạn mới ò e nhá máy. Tức chưa! Thở dài ngẫm chắc số mình vậy, buồn chi mau già. Vả lại chồng nghiện bạn chứ đâu nghiện rượu, xì ke ma túy mà lo. Đi chơi không say xỉn, biết đường về nhà là tốt rồi. Cắt cơn “nghiện” của chồng không được thì đành chung sống hòa bình với nó chứ biết sao! . “bí kíp” để chồng về nhà sớm của bốn bà vợ. Vợ TP.HCM: “Mẹ con tôi dụ ông chủ nhà hồi gia!” Cảnh chống cằm chờ cơm ngóng chồng về rất quen thuộc với nhiều bà vợ TT – Chồng tôi. vợ với thói hư của chồng. Tôi không bao giờ nhiệt tình làm cái việc là tìm mọi cách cuốn hút chồng về nhà, theo kiểu các nhà tâm lý thường khuyên chị em: “Hãy làm ngôi nhà đầy ắp tiếng cười;. Làm gì để chồng về nhà sớm? Sau chuyên đề “Chiều nay anh kẹt, đừng chờ cơm” (Tuổi Trẻ 7-12- 2008), trang

Ngày đăng: 07/07/2014, 13:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN