“Đài phát thanh” tại gia Những người đàn ông thích nghe radio hào hứng khi lựa chọn các kênh trên sóng phát thanh bao nhiêu, thì càng “oải” với “đài phát thanh vợ” bấy nhiêu. Kênh phát thanh… vợ dù không được đào tạo nghiệp vụ nhưng vẫn “phát” đều đặn, liên tục mỗi ngày, không tắt được, mà không muốn nghe cũng không xong. “Kênh ra rả” Rất khó để người chồng xác định kênh… vợ đang phát chương trình gì. Thông tin “nhiễu”, giọng đọc lại thường xuyên mang màu sắc phàn nàn, than vãn. Những lúc đó, dường như thứ duy nhất mà chồng cảm nhận là mình đang nghe… “kênh ra rả”. Hơn 8 giờ tối một ngày mưa gió đầu tháng chín, anh Kiệt (kỹ sư tin học) mới lần mò về đến những bậc thang chung cư quen thuộc của mình. Anh đang nghĩ vẩn vơ “Nếu phải xa ngôi nhà thân yêu, hẳn phải nhớ những bậc thang kỷ niệm này lắm nhỉ”, rồi cười thầm với cái lãng mạn vớ vẩn của người say. Vừa ló mặt vào cửa, chỉ số cảm xúc của anh đã bị “nén” thành một dạng khác. Đài… vợ nhưng chị chỉ chờ thấy anh là… phát: “Anh có còn trách nhiệm với gia đình không? Hôm qua đã nhậu rồi, hôm nay lại nhậu tiếp. Có ai vô tâm như anh không? Để vợ con chờ cơm, mà không sốt ruột, không áy náy à?”. Anh phân bua: “Thì anh đã nhắn tin là ăn trước đi…”. “Ăn ăn ăn cái gì mà ăn. Anh thử nghĩ coi, nhà có ba người, hai người ăn trước, một người ăn sau thì còn gì là gia đình nữa? Cái nhà này tan nát rồi. Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, phát chán phát ngán với cái tính ham chơi của anh rồi”. Anh nổi nóng (trong trường hợp này là hơi liều): “Có mỗi cái chuyện đi nhậu thôi, nói một câu là anh hiểu, đâu cần dài dòng thế”. “À, lại còn lý sự nữa hả? Nói mỗi ngày, nói thường trực, nói cho quê trước mặt con như thế còn chả ăn thua, ở đó mà chỉ nói một câu. Từ nay anh mà còn đi nhậu bạt mạng như thế nữa, cứ thử về đây xem, tôi không thèm nói nữa cho mệt xác”. Cái tính lạc quan tếu của thằng đàn ông khiến anh nhếch mép cười thầm: “Thế thì càng tốt”. Không may, vợ anh bắt được chi tiết quan trọng ấy: “À, anh lại còn cười đểu tôi đấy à? Thật không chịu nổi nữa rồi. Tôi phải làm sao đây hả trời…”. Đài cứ tiếp tục chương trình, tăng dần tốc độ phát lẫn cường độ âm thanh. Anh ngồi đó, “bắt sóng” chập chờn, câu được câu mất vì đang gà gật do mấy vại bia. Trong đầu anh chỉ còn yếu ớt một suy nghĩ: “Cố lên, rồi đài cũng sẽ tắt vì hết pin thôi…”. Người phạm tội nhậu “nghe đài” cho cam, người tỉnh táo và “tử tế” cũng không được tha. Anh Thanh Quang, giảng viên đại học, thuật lại câu chuyện vui của mình: Chủ nhật vừa rồi, “chị cả” nấu bún riêu hầu chồng (món mà anh Quang ưa thích). Đến khi chuẩn bị múc ra ăn mới phát hiện thiếu hành, nhờ chồng đi mua với thông điệp dài… hơn cả cây số: “Anh ơi, anh chịu khó chạy xe ra chợ, chợ nhỏ gần nhà anh nhá, anh vừa vào chợ là thấy một hàng bán thịt bò, qua đó một chút có lối rẽ trái, anh đi hết lối thì có mấy hàng rau. Anh mua hành ở chị ngồi hàng thứ ba ấy, chỗ đó rẻ mà tươi…”. Anh bắt đầu bực mình: “Rồi rồi, có cọng hành mà dặn dò đủ thứ” rồi tháo chạy. Chị còn nói với theo: “Nhưng phải mua loại tươi còn phấn trên lá anh nhá…”. Vèo một cái, anh đã hoàn thành nhiệm vụ: “Đây, hành đây”. Chị hét toáng lên: “Ôi trời ơi, anh mua hành về để muối hay sao? Mấy ngàn mà nhiều vậy?”. “Thì năm ngàn”. “Trời ơi, có ai như anh không, mua hành mà mua những năm ngàn! Chắc cô bán hành xinh lắm nhỉ? Anh có biết là mua nhiều như vậy về dùng không kịp thối hết, phí của. Như thế là có tội với người nghèo đấy…”. “Thôi được rồi, coi như anh làm rớt mất đồng cắc năm ngàn, được chưa, nhiều lời, ù tai quá”. “Rớt là rớt thế nào? Anh rớt năm ngàn mà không tiếc à? Năm ngàn cũng là tiền. Nhưng em không nói giá trị bao nhiều, em nói là nói cách mua không hợp lý. Hành thì chỉ mua một ngàn là đủ dùng rồi. Anh mà vô chợ, chắc cả chợ mừng, mua kiểu như thế mà…”. Chịu hết nổi, anh hét lên một tiếng thật to: “Em thôi được chưa?”. Im bặt (như đài đang phát bị cúp điện), nhưng không phải như anh tưởng bở, chương trình chỉ tạm ngưng để… chuyển tiết mục. Chị thút thít khóc, và tất nhiên là không thiếu “lời dẫn” cho tiết mục đó: “Anh quá đáng lắm, em phải đi chợ từ sớm mới mua được cua, sáng ra còn suýt bị tông xe nữa, nhưng anh đâu có biết. Giờ lại to tiếng, nạt nộ…”. Anh bụng bảo dạ: “Kể ra cũng tội vợ thật đấy. Cái gì cũng được, mỗi tội nói nhiều. Nhưng, với cái “bài” than thân trách phận này thì bao giờ nàng mới chào tạm biệt thính giả đây?”. Cải tiến "nhà đài" Tại sao phụ nữ nói nhiều? Trong cuốn sách phân tích tâm lý hôn nhân và gia đình nổi tiếng Đàn ông sao hỏa, đàn bà sao kim, tác giả TS John Gray (Mỹ) viết: “Nguyên nhân các chị nói huyên thuyên đôi khi cũng giống như những lý do làm cho anh im lặng. Nhưng, nhìn chung có bốn nguyên nhân thông thường: 1. Để truyền đạt hay thu thập thông tin (đây là lý do duy nhất khiến đàn ông nói); 2. Để thăm dò và khám phá xem mình muốn cái gì; 3. Để dễ chịu hơn (nhiều khi là để hả giận) và để chồng chú ý đến mình hơn; 4. Để tạo mối thâm tình và hy vọng sẽ hiểu được chồng hơn”. Như vậy, về mặt lý thuyết, không có cách gì để giúp một người phụ nữ nói nhiều trở nên ít nói được. “Nhà đài” vẫn phải phát và “thính giả” vẫn phải nghe, dù muốn dù không. Cách duy nhất có lẽ là nên cải tiến lại “chương trình phát thanh” sao cho khoa học và hấp dẫn hơn thôi. Thử liên tưởng đến một nhà đài chính hiệu. Họ có giám đốc đài để chỉ đạo nội dung, họ có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp để thu thập thông tin, sự kiện, họ lại có đội ngũ biên tập viên để trau chuốt lại từng câu chữ cho chỉn chu và cuối cùng, có đội ngũ phát thanh với giọng nói ngọt như rót đường vào tai thính giả. Vì vậy, chương trình họ phát thu hút hàng triệu người chờ nghe mỗi ngày. Tất nhiên, thật phi lý khi đòi hỏi một người vợ “sản xuất” được chương trình chất lượng cao như nhà đài thực thụ, nhưng trong một chừng mực nào đó, “đài phát thanh vợ” cũng có thể cải tiến để đáp ứng nhu cầu của “bạn nghe đài” tốt hơn. Trước tiên, về nội dung phát, cần dừng vài giây để chọn lọc nội dung xem mình cần phát những gì và có thể phát sinh ra những nội dung gì. Tất nhiên, nội dung đó phải có lợi cho cả hai. Đơn cử như chuyện anh Kiệt ở đầu bài viết. Chồng đi nhậu về, bắt vợ con chờ cơm, dĩ nhiên là anh có lỗi và đã tỏ ra hối lỗi. Lúc đó, nếu chịu đầu tư suy nghĩ một chút, người vợ sẽ biết người chồng đang chờ được “phạt”, có thể chấp nhận giáo huấn nhưng nội dung nên ngắn gọn (để còn thời gian ngồi ăn tối với nhau), đơn giản để chồng có thể tiếp nhận được: “Anh cứ về trễ, nhậu nhẹt như vậy là vợ con không vui đâu. Việc từ chối nhậu cũng khó, nhưng đâu phải không làm được, mỗi người cần cố gắng một chút, vì gia đình mà. Thôi, anh đi tắm rồi ăn cơm”. Đảm bảo, chàng sẽ lấy làm cảm kích và phục vợ sát đất. Tắm xong sẽ lon ton giúp vợ dọn cơm, không chừng còn xung phong rửa chén cũng nên. Như vậy, trường hợp đó, nội dung đơn giản mà vợ cần “phát” là nhấn mạnh lỗi của chồng, khuyến khích chồng sửa sai. Ngoài nội dung chương trình, “giọng phát” cũng hết sức quan trọng. Ông bà có câu “nói ngọt lọt tới xương”. Đàn ông vốn rất ghét ai to tiếng với mình, nhất là người đó lại là vợ. Chồng mua năm ngàn đồng tiền hành, vợ quát “anh là đồ hoang phí” sẽ chẳng ích gì, thậm chí còn khiến chồng tức giận và âm thầm nuôi cảm xúc chống đối, lần sau vợ sai còn lâu mới đi! Nếu “cô phát thanh viên” nhẹ nhàng: “Chồng ơi là chồng, hoang phí quá đi à”. Lúc đó, anh sẽ biết lỗi và nhiều khả năng lần sau anh vẫn tiếp tục vui vẻ giúp vợ đi mua hành, tất nhiên là sẽ nhớ: hành thì chỉ mua một ngàn đồng là đủ. Công đoạn "biên tập" cũng rất cần. Nhiều trường hợp, chương trình, kém hấp dẫn cũng vì nội dung quá dài dòng, thừa câu chữ. Ví dụ, trường hợp vợ anh Quang nhờ chồng đi mua hành, chỉ cần biên tập lại thành một câu ngắn gọn, đủ nghĩa: “Anh ơi, anh mua giúp em một ít hành lá”. Một bộ óc tầm giảng viên đại học như anh Quang lẽ nào không biết phải mua hành ở đâu, như thế nào là tươi ngon. Các nhà tâm lý cho rằng, đàn ông là “đại cương”, đàn bà là “chi tiết”. Vì vậy, khi truyền thông điệp đến chồng, phụ nữ cần tóm tắt bớt chi tiết lại, có như thế đàn ông mới dễ “tiêu hóa” thông tin. Nhiều trường hợp chị em nói dài sinh ra nói nhiều. Đơn giản như chuyện nhờ chồng đổ rác, nhiều chị đã chỉ dẫn cặn kẽ cho chồng phải đổ rác thế nào cho đúng, mà không hiểu chỉ cần ngắn gọn “nhờ anh đổ rác hộ em” là đủ. Ngoài ra, giờ giấc “phát thanh” cũng cần phù hợp. Chẳng nhà đài nào phát chương trình thời sự lúc 9 giờ sáng, vì biết giờ đó thính giả đang bận làm việc, không rảnh mà nghe. Nhưng vào giờ đó, nếu phát ca nhạc lại ổn, vì người ta có thể vừa nghe nhạc vừa làm việc. Tương tự, để góp ý một tật xấu của chồng mà người vợ lại “phát” đúng lúc anh vừa đi làm về mệt phờ râu thì “thính giả” không nổi cáu mới lạ! Cũng như lúc hai vợ chồng vừa vào “khúc dạo đầu” cho bài ca ân ái, bất chợt nhớ ra, vợ lôi đống nợ hàng trăm triệu ra than vãn thì chắc chắn cảm xúc của anh sẽ tan thành mây khói. Sản xuất một chương trình hấp dẫn, nhà đài chắc chắn sẽ thu được bộn tiền quảng cáo. Nếu “đài phát thanh vợ” chịu khó đầu tư để đạt được mức có doanh nghiệp muốn… quảng cáo, thì “thính giả chồng” nào mà không muốn ôm cái “radio” đó vào lòng để nghe suốt ngày. . “Đài phát thanh” tại gia Những người đàn ông thích nghe radio hào hứng khi lựa chọn các kênh trên sóng phát thanh bao nhiêu, thì càng “oải” với “đài phát thanh vợ” bấy nhiêu. Kênh phát. nào đó, “đài phát thanh vợ” cũng có thể cải tiến để đáp ứng nhu cầu của “bạn nghe đài” tốt hơn. Trước tiên, về nội dung phát, cần dừng vài giây để chọn lọc nội dung xem mình cần phát những. giấc phát thanh” cũng cần phù hợp. Chẳng nhà đài nào phát chương trình thời sự lúc 9 giờ sáng, vì biết giờ đó thính giả đang bận làm việc, không rảnh mà nghe. Nhưng vào giờ đó, nếu phát ca