Giữ sự hồn nhiên cho con trẻ Chơi đùa vô tư cùng bạn bè. Nhiều bậc phụ huynh rất tự hào về sự "khôn ngoan" trước tuổi của con cái. Theo họ, đó là một trong những điều kiện để con cái họ dễ dàng đi đến thành công sau này. Trong xã hội đang phát triển theo xu thế cạnh tranh, nhiều ông bố, bà mẹ lại càng muốn con mình phải vượt hơn bạn bè nên áp đặt cho con nhiều điều con cái không hề mong muốn. Giáo dục con chệch hướng, hậu quả sẽ khó lường. Khôn mới dễ sống? Có đứa con gái "lù đù”, bà Lê Trần Ngọc Quyên, nhân viên ngành điện lực, hết sức rầu rĩ. Trong các môn học, Ngọc Anh – con gái bà Quyên giỏi nhất là môn toán, vậy mà có lần thua điểm một bạn không giỏi gì hơn mình, Ngọc Anh chẳng buồn, lúc cao điểm nhất lớp, cô bé cũng không vui. Mỗi lần về nhà nghe mẹ hỏi điểm, Ngọc Anh còn tỏ ra khó chịu: "mấy điểm cũng được". Bà cứ theo nhắc nhở con, phải đạt điểm cao, người ta mới tin mình học giỏi, mới có tương lai. Có lần, Ngọc Anh rủ rỉ với mẹ: "Cô giáo của con, miệng cười đẹp mà hôi lắm, lại còn hay nói to nữa". Bà mẹ hốt hoảng, nghiêm giọng: "Trời! Con không được nói như thế, cũng không được nói với bất cứ bạn nào trong lớp. Cô giáo biết sẽ "đì" con bẹp luôn". Bà phải giải thích rất nhiều, để con gái hiểu thế nào là bị "đì". Theo bà, nếu cô giáo không ưa, thì con bà khó mà có điểm cao được. Đối với đứa con gái mới 12 tuổi, bà Lê Thị Nhi, một đại lý bảo hiểm, trang bị triết lý ứng xử: "sống trên đời phải biết mình biết người nghen con". Theo bà, với người ngoài, phải cảnh giác, không nên đặt hết niềm tin vào bất cứ ai. Bà lấy chính bản thân, lấy các mối quan hệ xung quanh để làm ví dụ minh họa cho con. Theo đó, không phải ai cười với con cũng là người tốt. Chẳng ai muốn giúp con mà không kèm theo điều kiện. Có những người rất giỏi chuyên môn, nhưng "dại" quá, cũng không sống nổi. Cũng vì chuyện dạy con mà vợ chồng bà hay cãi nhau. Ông muốn để con sống và khám phá cuộc sống một cách tự nhiên: "Bà đừng nhồi nhét vào đầu con những thứ độc hại, khiến con sợ hãi", nhưng bà giữ vững lập trường: "Ông đi suốt ngoài đường, về nhà con đã ngủ rồi. Tôi cũng rất muốn con ngây thơ, nhưng chỉ cần ra khỏi nhà là bao chuyện phức tạp xảy ra. Đấy, hồn nhiên ngây thơ như ông, sắp về hưu vẫn là anh nhân viên quèn, hay ho gì đâu". Bà Trần Thu Dung, một nhân viên ngành hàng không, thì vừa cầu viện chuyên viên tư vấn vì Tuấn cậu con trai, học hành sa sút. Mỗi khi mẹ than phiền, nhắc nhở, Tuấn lại hỏi: "Học để làm gì, sống để làm gì?". Điều đó khiến bà phát hoảng. Từ bé, Tuấn không bao giờ được đi chơi; dù là mùa hè, vẫn phải vùi đầu vào học, nhất là ngoại ngữ. Bà cảnh báo con: "Bây giờ, chỉ biết mỗi tiếng Anh, vi tính cũng chẳng ăn thua gì. Con người ta phải sang tận nước ngoài học từ cấp II. Vì thế, con phải ráng học. Có như thế, sau này con mới tìm được công việc tốt, thu nhập đảm bảo cuộc sống, cha mẹ mới nở mày, nở mặt". Bà đang lên kế hoạch để dành tiền mua một cây đàn piano, thu xếp thời gian để đưa con đi học đàn. Biết là cả mẹ lẫn con đều sẽ vất vả, nhưng bù lại con trai bà ngồi bên cây đàn piano, mới đúng là con nhà gia giáo, quý tộc. Thắng không phải là tất cả Ngay trong xã hội Mỹ, vốn đậm chất cạnh tranh, tôn vinh nỗ lực cá nhân thì các tác giả của dòng sách giáo dục cũng đã phải lên tiếng trước hiện tượng "trẻ con đang được dạy bảo rằng phải chiến thắng bằng mọi giá, trong thể thao, trong học hành và ngoài xã hội". Nhà giáo dục Michele Borba, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Những bí mật các bà mẹ cần biết, cho rằng: "Tranh đua có tính nguy hiểm cho trẻ, khiến trẻ dễ bị căng thẳng, áp đặt và dễ rơi vào trầm cảm hoặc nổi loạn. Cha mẹ được động viên giữ tính hồn nhiên cho con trong khoảng đời thơ ấu". Theo nhà giáo Phan Thúc Xán, giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và giáo dục trẻ (TP.HCM), mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái phần lớn xuất phát từ sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con. Đầu tư để con học giỏi, thành đạt, là một mong muốn chính đáng của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ lại không đủ kinh nghiệm và hiểu biết để dạy con khái niệm đúng đắn về cạnh tranh. Đó là khát vọng vươn lên bằng tự lực và giúp đỡ mọi người cùng vươn lên. Đáng tiếc là trẻ lại chỉ được cha mẹ huấn luyện cách nào để hơn bạn, nên dễ phát sinh tính ganh tỵ với người hơn mình và chê bai kẻ yếu kém. Hệ thống nhân cách được hình thành từ lúc trẻ còn nhỏ, vì thế, sự giáo dục của cha mẹ phải hết sức thận trọng. Ông Xán cho rằng, những năm đầu trẻ đến trường, cha mẹ không nên nhồi nhét vào đầu con cái khái niệm thất bại. Số điểm của con chỉ biểu hiện cho mức độ "đạt và chưa đạt" những kiến thức mà chúng cần tích lũy ở trường học. Đừng buộc con phải "cố lên" theo kỳ vọng của bố mẹ. Đó là lúc con cái buộc phải tiến bộ một cách không bền vững, mang đến đau khổ cho trẻ. Hãy giúp con vươn lên với niềm vui khám phá thế giới xung quanh bằng khả năng của mình. Ông Xán đưa ra những ví dụ: Khi con đi học về, hãy hỏi con ở lớp có gì vui không, cô giáo và các bạn thế nào, lắng nghe con kể chuyện trên lớp chứ không phải chỉ theo hỏi con bao nhiêu điểm. Đừng dạy con chỉ biết "thu lượm thành tích" mà bỏ qua nhiều bài học khác như lòng trắc ẩn, hợp tác, bao dung… từ các tình huống trong trường lớp. Một minh họa khác, khi cho con học đàn, là phải nhằm mục đích giúp con hiểu hết nét đẹp của âm nhạc và ý nghĩa phục vụ của bộ môn nghệ thuật này, chứ không phải để "làm nổi" so với các bạn không có đàn. Cho con đi học vẽ cũng không phải vì mục đích triển lãm, để nổi tiếng, mà là để con hiểu được tiếng nói của sắc màu, một kênh của bày tỏ, truyền thông nội tâm… Trong những trận bóng đá, nên chỉ cho con thấy những pha bóng đẹp, và tỏ thái độ bất bình với những trò gian lận, chơi xấu. Trong chuyện học tập của con, cha mẹ phải tỏ rõ thái độ không thể chấp nhận việc copy, lừa dối thầy cô để đạt điểm cao. Nên nhớ cha mẹ luôn là tấm gương. Khi bạn tỏ ra ganh tỵ với bạn bè, hàng xóm… về chuyện họ mua xe mới, lên chức, thì vô tình bạn đã dạy con bài học lấy vật chất làm thước đo giá trị của con người. Khi con đòi mua đồ, bạn chỉ sắm những thứ con cần, những thứ trẻ sử dụng vào mục đích học tập, sinh hoạt, chứ không phải để "hơn" bạn bè, để bạn bè phải "lác" mắt. . Giữ sự hồn nhiên cho con trẻ Chơi đùa vô tư cùng bạn bè. Nhiều bậc phụ huynh rất tự hào về sự "khôn ngoan" trước tuổi của con cái. Theo họ, đó là. cần biết, cho rằng: "Tranh đua có tính nguy hiểm cho trẻ, khiến trẻ dễ bị căng thẳng, áp đặt và dễ rơi vào trầm cảm hoặc nổi loạn. Cha mẹ được động viên giữ tính hồn nhiên cho con trong. dạy con mà vợ chồng bà hay cãi nhau. Ông muốn để con sống và khám phá cuộc sống một cách tự nhiên: "Bà đừng nhồi nhét vào đầu con những thứ độc hại, khiến con sợ hãi", nhưng bà giữ