ÔNG “ĐẠI QUAN” VỀ LẠI NGÔI NHÀ CŨ Tôi ghé thăm Nguyễn Khoa Điềm khi ông đã về lại ngôi nhà cũ ở Huế. Nhắc đến thơ, tôi thấy ánh mắt ông bỗng tươi sáng, linh hoạt hẳn lên, và như chứa đựng một điều gì thăm thẳm. Tôi nghĩ, không có gì bộc lộ đáy thẳm của nhà thơ hơn chính thơ của họ. Điều đó hiện lên trong những bài thơ mới nhất của ông sau khi trở lại ngôi nhà tuổi thơ bên dòng Hương thơ mộng. Ngôi nhà khuất sau một rừng chuối xanh um cách đây hai mươi năm tôi đã từng ngồi uống với ông chén rượu làng Chuồn mà sau này nó còn phảng phất trong thơ tôi: chua và cay và thơm như rượu gạo . Ông đã xa ngôi nhà ấy suốt một thời tuổi trẻ rồi trở về với người mẹ vò võ ngóng con mấy chục năm đất nước cắt chia. Cho đến khi làm đến chức Phó bí thư Tỉnh ủy, ông vẫn ở trong ngôi nhà của mẹ và viết nên tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”. Nhưng con đường hoạn lộ đã lại mang ông đi xa ngôi nhà thân yêu ấy. Ông ra Hà Nội làm Thứ trưởng, Bộ trưởng, rồi Ủy viên Bộ Chính Trị. Mười hai năm sau, ông từ giã mọi thứ để trở về ngôi nhà cũ lúc tuổi sáu tư, và như ông nói, là để “làm mới cuộc đời mình”. Ông chính là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác giả của những câu thơ nhiều thế hệ thuộc nằm lòng: Khi ta sinh ra Đất Nước đã có rồi… Vâng, gửi lại vợ con ở Hà Nội, ông đã về lại Huế. Người ta thường thấy ông trên chiếc xe đạp cũ ghé thăm nhà này nhà nọ. Người ta thấy ông đặt cơm hàng ngày ở quán cơm bình dân gần chợ Vỹ Dạ suốt cả tháng trời khi chưa tìm được người chợ búa bếp núc. Bà mẹ vợ ở tuổi “cổ lai hi” về ở với ông, nói rằng, ông ăn rất ít, và chẳng yêu cầu, đòi hỏi gì. Có lúc thấy thương quá, bà hỏi ông “Ba con bé thích ăn trứng lộn không, tui ra đầu ngõ mua cho?”. Ông lễ phép thưa: “Mệ mua cho con một trái”. Bà mẹ vợ vẫn thường gọi ông là “ba con bé”. “Ba con bé thích ăn bánh bèo không?”, và bà nhờ người đến quán bánh bèo Bà Đỏ mua cho ông một hộp. Nếu không đi đâu là ông ngồi đọc sách. Và làm thơ. Thơ là cái nghiệp còn lại, là người bạn tri âm đã lựa chọn ông từ ngày ông còn trẻ. Khi vào Huế, tôi gọi điện đến nhà ông. Vợ ông vừa từ Hà Nội về thăm nhà. Chị nói ông mới đạp xe ra hiệu sách. Tôi hỏi, nhà có rượu không? Vợ ông cười, em không thấy chai rượu nào cả, uống bia được không anh? Tối nay tôi mang rượu đến, không phải đi mua đâu. Chập tối, một người bạn chở tôi tới nhà ông gần chợ Vỹ Dạ. Sau cổng nhà vẫn vườn chuối xanh um tùm như rừng. Sau vườn chuối là ngôi nhà xưa nay làm nơi hương hỏa. Bây giờ ông ít uống rượu. Chúng tôi ngồi uống nhâm nhi với đĩa lạc rang kiểu Bắc vợ ông mang từ Hà Nội vào. Tôi hỏi ông: “Nghe nói anh đạp xe đến Tỉnh ủy, cơ quan cũ, người ta không cho anh vào à?”. Ông cười thoải mái: “Mình đạp xe đến cổng xin vào Ban Tuyên Giáo. Cậu bảo vệ hỏi giấy tờ. Trong túi mình chỉ có cái chứng minh thư. Tất nhiên cậu ta là “lính mới”, chẳng biết mình là ai, liền gọi điện lên Ban Tuyên Giáo. Thế là người của Ban xuống đón, mình mới được vào”. “Ở Huế đồn ầm chuyện ông “đại quan” chuyên đi xe đạp. Họ bảo rằng ở đây có những ông “tiểu quan” sau khi bàn giao công việc rồi mà vẫn giữ khư khư cái ô-tô công. Họ cho anh là lập dị đấy”. “Đâu có. Ngày xưa mình vẫn thường đi xe đạp mà. Bây giờ đi xe đạp tiện hơn cả đi xe máy. Xe đạp còn thay cho cái máy thể thao, sáng dậy đạp một vòng, khỏe chân khỏe người, lại thích ghé đâu cũng dễ”. Tôi nhớ lại ngày xưa khi ông còn làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, ông cũng đạp xe đến nhà tôi rủ tôi tới Nhà Khách tỉnh tiếp nhà thơ Tố Hữu. Hôm ấy ông phải ghé nhà bà con ở gần Đập Đá gửi thằng nhỏ, 10 giờ đêm lại đạp xe về đón cháu… Câu chuyện đời thường rôm rả bên chén rượu bỗng chuyển sang chuyện sách vở, thơ phú. Ông bảo bây giờ ở Huế mở thêm được nhiều nhà sách lớn. Người Huế hình như đọc sách nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ. Mỗi lần tới hiệu sách, ông thấy phấn chấn hẳn lên. Hầu như tới hiệu sách là thói quen của ông. Hồi còn đương chức ở Hà Nội, ông cũng thường ghé vào hiệu sách, dù các nhà xuất bản vẫn thường gửi sách tặng ông. Có khi người ta gửi tặng cả thùng sách rất nặng. Hồi đó tôi hỏi ông làm sao đọc hết sách tặng của các nhà xuất bản? Ông cười: Về hưu đọc cũng chưa muộn, nhưng cũng phải chọn lọc lại mới đọc được. Quả đúng như vậy, sau khi bàn giao chức tước, công việc, ông chỉ xin cơ quan một chuyến xe chở sách về Huế. Vậy mà ông vẫn cứ ghé hiệu sách. Ông khoe, hôm kia đến hiệu sách, thấy có cuốn Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, mua về đọc một lèo. Và ông bảo, cuốn sách rất thú vị. - Đọc ba bài thơ mới của anh trên báo Văn Nghệ, Nguyễn Thụy Kha bảo ông Điềm đã khởi động lại cỗ máy thơ – Tôi nói. - Nguyễn Quang Thiều điện vào bảo mình gửi thơ ra – ông cười vui – Mình gửi mấy bài. Về Huế, không khí rất dễ chịu, rất quen với mình. Cái lạ nhất là sau khi đã rời cái micro trên các bàn họp, trở lại với đời sống thực lam lũ và bụi bặm của Huế, mình lại làm thơ được ông ạ. - Anh đến thăm anh Tường chưa? - Anh Tường đang điều trị bệnh bằng rễ cây mai trăm tuổi. Nghe Mỹ Dạ nói, có người Huế đã đào cả cây mai trăm tuổi lấy rễ cho anh Tường làm thuốc chữa bệnh, chân và tay bại liệt đã cử động được tốt hơn rồi. - Anh vẫn thường xuyên gặp gỡ anh em văn nghệ Huế chứ? - Thỉnh thoảng có gặp người này người nọ. Hôm trước mình rủ anh Hồng Nhu, anh Nguyễn Khắc Phê và Ngô Minh lên núi Thiên Thái ghé Chín Hầm thắp hương và thăm khu tưởng niệm những người đã hy sinh. Xúc động lắm. - Hôm qua tôi đến thăm anh Trần Vàng Sao, nghe anh Trần Vàng Sao nói anh có ghé nhà… - Mình với anh Đính (tên thật của nhà thơ Trần Vàng Sao) gần nhà nhau. Ở Huế hồi chiến tranh, mẹ mình và mẹ anh Đính vẫn thường đi chợ với nhau. Lúc còn trên chiến khu, hai anh em vẫn thường đọc chung thư nhà. Anh Đính làm thơ rất có cá tính. “ Bài thơ của một người yêu nước mình ” của anh Đính bây giờ mình vẫn còn nhớ. Nhắc đến thơ, tôi thấy ánh mắt ông bỗng tươi sáng, linh hoạt hẳn lên, và như chứa đựng một điều gì thăm thẳm. Tôi nghĩ, không có gì bộc lộ đáy thẳm của nhà thơ hơn chính thơ của họ. Điều đó hiện lên trong những bài thơ mới nhất của ông sau khi trở lại ngôi nhà tuổi thơ bên dòng Hương thơ mộng. Tôi muốn chép ra đây một bài thơ mới của ông, đó là bài thơ có tựa đề: Bây giờ là lúc… Bây giờ là lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, cac-vi-dit, nắm đấm mi-crô Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường Một mình một ba-lô và xe đạp Bây giờ gió gọi anh đi Mặt trời đánh nhịp về tám hướng Từ giã cà-vạt, giày đen, lời trịnh trọng Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép Thế giới thật rộng, những ngã đường độ lượng Cho anh làm mới cuộc đời mình Anh gọi đó là chuyến về không hạn định Để là một người trong mọi người Anh tham dự trận tấn công cuối cùng Vào cái chết Hãy lộn ngược da anh Và ghi lên đó mật khẩu:- Không lùi bước! Vâng, ông vẫn đi theo con đường thơ đã chọn của mình từ ngày hai mươi tuổi mang ba-lô vào chiến trường máu lửa. Bây giờ đầu đã bạc, chức tước đã gửi lại chốn quan trường. Nếu có ai hỏi tôi: Bây giờ ông ở đâu? Tôi có thể trả lời giùm ông rằng: Ông đang ở trong Thơ của ông!… Huế, 8.8/2006 . ÔNG “ĐẠI QUAN” VỀ LẠI NGÔI NHÀ CŨ Tôi ghé thăm Nguyễn Khoa Điềm khi ông đã về lại ngôi nhà cũ ở Huế. Nhắc đến thơ, tôi thấy ánh mắt ông bỗng tươi sáng, linh hoạt. chức Phó bí thư Tỉnh ủy, ông vẫn ở trong ngôi nhà của mẹ và viết nên tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”. Nhưng con đường hoạn lộ đã lại mang ông đi xa ngôi nhà thân yêu ấy. Ông ra Hà Nội làm Thứ. còn lại, là người bạn tri âm đã lựa chọn ông từ ngày ông còn trẻ. Khi vào Huế, tôi gọi điện đến nhà ông. Vợ ông vừa từ Hà Nội về thăm nhà. Chị nói ông mới đạp xe ra hiệu sách. Tôi hỏi, nhà