Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa, là tâm trạng nảy sinh khi có sự xa cách về không gian và cả về thời gian cũng có khi chưa có xa cách thực vẫn nảy sinh tương tư.. - Trên t
Trang 1TƯƠNG TƯ - 1939
( In trong “Lỡ bước sang ngang”,1940 – Nguyễn Bính)
MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:
1 Những nét chính về nhà thơ Nguyễn Bính
2 Cảm nhận được tâm trạng tương tư của chàng trai với những diễn biến chân thực
mà tinh tế, trong đó mối duyên quê và cảnh quê hòa quyện với nhau thật nhuần nhị
3 Nhận ra được vẻ đẹp của một bài thơ mới đậm đà phong vị ca dao
4 Rèn luyện kĩ năng phân tích, bình giảng tác phẩm trữ tình
A NGUYỄN BÍNH:
- Tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 - mất năm 1966
- Hồi mới trôi dạt vào Nam bộ, còn lấy tên là Nguyễn Trọng Thuyết Quê ông ở Nam Định Gia đình nhà Nho nghèo
- Mồ côi mẹ từ nhỏ Hơn 10 tuổi, phải theo anh trai là nhà thơ Trúc Đường ra Hà Nội kiếm sống, vừa dạy học, vừa làm thơ
- 13 tuổi, đã sáng tác hàng trăm bài thơ 19 tuổi, được Tự lực Văn đoàn tặng thưởng về
tập thơ “Tâm hồn tôi” Trong 3 năm (1940,1941,1942), nổi tiếng bởi xuất bản 6 tập thơ
- 1943,trở lại Nam bộ, sống phóng túng trong bần hàn
- 1954, tập kết ra Bắc, làm văn nghệ và báo chí ở Hà Nội, Nam Định
- Ông mất đột ngột vào sáng 30 tết Ất Tị (20-01-1966) tại nhà một người bạn ở Hà Nội
- Năm 2000, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật
B THƠ NGUYỄN BÍNH:
- Thơ Nguyễn Bính có sức hấp dẫn lớn trong công chúng bởi những nỗi bất an, những
ảo mộng thành thực đẹp và buồn được dệt từ một tâm hồn chân quê đằm thắm, duyên dáng
vốn gắn bó rất sâu với “hồn xưa đất nước”
- Thơ Nguyễn Bính có sự hòa quyện giữa giọng điệu quê với lối nói quê và lời quê
- Thơ Nguyễn Bính tỏa sắc hương nhiều ở thể thơ lục bát
C TÂM TRẠNG TƯƠNG TƯ:
1 Theo từ điển Hán Việt, tương tư là (trai gái) thương nhớ nhau
2 Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa, là tâm trạng nảy sinh khi có sự xa
cách về không gian và cả về thời gian (cũng có khi chưa có xa cách thực vẫn nảy sinh tương tư)
- Trên thực tế, từ “tương tư” thường được dùng để diễn tả nỗi nhớ nhung da diết, đơn
phương, mãnh liệt đến tột cùng; thậm chí, có người tương tư còn bị rơi vào tình trạng gần như suy sụp hẳn cả về thể chất lẫn tinh thần, héo hắt, gầy mòn, gọi là “ốm tương tư” (một dạng của căn bệnh trầm cảm)
Ngọn nguồn của nỗi tương tư là khao khát được gần kề, được chung tình, kề cận cùng nhau với người mình yêu
- Vì thế, tâm lí tương tư thường có hai mặt trái ngược mà biện chứng với nhau:
+ Một mặt, khoảng cách thực được nhân lên gấp bội, nó trở nên diệu vợi, xa ngái hơn trong sự thực;
Trang 2+ Mặt khác, nhớ thương chính là một nỗ lực để vượt lên khỏang cách, nó giăng qua thời gian và không gian như một nhịp cầu mãnh liệt vượt qua mọi xa cách Càng mãnh liệt, càng xa ngái, càng xa ngái lại càng mãnh liệt hơn
- Tâm lí tương tư cũng phức tạp Nó không chỉ nhớ nhung, thương cảm mà còn đầy những ước ao, và luôn có cả giận hờn, trách móc Vì vậy, khi giãi bày nỗi tương tư, không chỉ
có những lời bộc bạch xuôi chiều, mà còn có cả những lời hờn dỗi bóng gió, thậm chí cả những lối nói mát mẻ, vòng vo, lấp lửng nữa Nhưng do xuất phát từ nỗi nhớ thương và khao khát dành cho nhau nên tất cả những lời ấy đều dễ thương, dễ nghe cả Thực chất đó là những biến thể khác nhau của những lời tình tứ mà thội
- Như vậy, tương tư là dạng thức sống động nhất của tình yêu Ai đã yêu mà chẳng
tương tư Một tâm hồn đang nhớ là một trái tim đang yêu Vì lẽ đó, thơ viết về tương tư rất
nhiều và dễ tìm được niềm đồng cảm của con người, của tuổi trẻ
D BÀI THƠ “TƯƠNG TƯ”:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng
Bảo rằng cách trở đò giang, Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi, Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu, Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
D1/ KẾT CẤU:
- Nhớ nhung ( 4 câu đầu)
- Băn khoăn hờn dỗi ( câu 5-6 )
- Than thở ( câu 7-8 )
- Hờn trách mát mẻ ( câu 9-14 )
- Nôn nao mơ tưởng ( câu 15-16 )
- Ước vọng chung đời ( 4 câu cuối )
D2/ ĐỀ BÀI:
1 Bình giảng bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính
2 Phong vị ca dao trong bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính
* GIẢI QUYẾT ĐỀ 1:
Trang 3I Mở bài:
- Nguyễn Bính (1918-1966) thuộc thế hệ các nhà thơ mới Nhưng nếu phần lớn các thi
sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, thì Nguyễn Bính lại tìm về với điệu thơ dân tộc
- Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính trước cách mạng,“Lỡ bước sang ngang”
(1940) là tác phẩm được chú ý hơn cả Bằng lối ví von mộc mạc, duyên dáng, mang phong vị
ca dao, tác phẩm này đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và một tình người đằm thắm, thiết tha
- “Tương tư” (1939) là bài thơ khá tiêu biểu cho tập thơ “Lỡ bước sang ngang”nói
riêng và cho hồn thơ Nguyễn Bính nói chung
II Thân bài:
1 Tương tư là trai gái nhớ nhau, là nỗi buồn u uẩn của những người yêu nhau phải xa
nhau, là một thi đề quen thuộc trong văn chương dân gian và văn chương bác học Trước Nguyễn Bính đã có những thi sĩ lừng danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ viết về đề tài
này Và ngay trong làng “Thơ mới” đã có bài “Tương tư chiều” nổi tiếng của Xuân Diệu Tất
cả những điều đó là những thử thách to lớn đối với những cây bút đi sau Nguyễn Bính đã vượt qua được thử thách đó, mang đến cho đề tài này phần nội dung mới và cách nói mới
2 Với hai mươi câu thơ lục bát, Nguyễn Bính đã có cách nói riêng về nỗi nhớ, nỗi buồn
tương tư Chàng trai đa tình, mơ mộng, khắc khoải chờ mong và thương nhớ cô gái “chung làng” với một tình yêu đơn phương, chưa được đáp đền nên mới tương tư một cách vô cùng diệu vợi Nỗi tương tư buồn dịu ấy được đặt vào một khung cảnh bình dị, đáng yêu trong hương đồng gió nội thuần khiết, sáng trong như một mối tình dan díu xưa cũ ở những bài hát giao duyên thuở nào
2.1/ Bốn câu thơ đầu nói lên nỗi “nhớ”, nỗi “mong” đầy ắp trong lòng của kẻ đang yêu:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
2.1.1/ “Thôn Đoài” (thôn ở phía tây) và “thôn Đông” là những cách gọi địa danh dân dã
khá phổ biến ở mọi vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, chúng vừa cụ thể lại cũng vừa chung chung
Hai chữ “một người” trong cùng một dòng thơ được dùng để chỉ hai đối tượng, hai nhân vật khác nhau: một là chàng trai ở “thôn Đoài”, một là cô gái ở “thôn Đông”- điều ấy những
người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết, nhưng khách quan thì vẫn cứ mập mờ Như vậy, các nhân vật trữ tình vẫn mang cái vỏ ngoài có tính phiếm chỉ, không xác định Và đó là điều thuận lợi
để chàng trai có thể thoải mái bộc bạch nỗi lòng “chín nhớ mười mong” của mình theo lối nói
ỡm ờ, vòng vo, bóng gió xa xôi trong ca dao, dân ca truyền thống, cũng là cách nói phổ biến của người nhà quê
2.1.2/ Chữ “tôi” xuất hiện trong bài thơ thật chân thành, đáng yêu “Thôn Đoài” với
“thôn Đông” là nơi nhà “nàng” và nhà “tôi” đang ở Cách sử dụng hoán dụ, nhân hóa kết hợp
với thành ngữ và nghệ thuật phân hợp số từ (chín mười, nhớ mong – chín nhớ mười mong) làm
cho lời thơ trở nên bình dị mà hồn nhiên , đằm thắm
2.1.3/ Nỗi “chín nhớ mười mong một người” không chỉ trào dâng, đầy ắp, da diết trong
lòng chàng trai đa tình mà còn tràn ngập cả xóm thôn, cả “thôn đông” lẫn “ thôn Đoài” Yêu
Trang 4nàng, tôi tương tư thành “bệnh” cũng như bệnh gió mưa của trời vậy Bằng cách nói “bệnh
giời” với bệnh tương tư của “tôi yêu nàng”, Nguyễn Bính đã diễn tả một cách hồn nhiên, thú
vị về nỗi buồn tương tư trong tình yêu là lẽ tự nhiên, là tất yếu Yêu thì mong được gần nhau,
mà xa thì nhớ; yêu lắm nên nhớ nhiều; càng nhớ mong càng tương tư Tương tư là một nét đẹp của tình yêu nên nhớ mong có khác gì gió mưa vận hành vũ trụ Nỗi tương tư ở đây chưa đến
độ cháy bỏng, mãnh liệt như trong thơ Xuân Diệu (Bữa ni lạnh, mặt trời đi ngủ - Anh nhớ em,
em hỡi anh nhớ em! ), nhưng cũng thật tha thiết, chân thành
2.2/ Mười hai câu thơ kế tiếp nói lên tâm trạng tương tư – “ bệnh của tôi yêu nàng”
2.2.1/ Trước hết là nỗi băn khoăn, thắc mắc Tuy chẳng được ở gần nhau “bên giậu
mùng tơi”, “bên giàn thiên lí” nhưng tôi với nàng gần gũi biết bao – “Hai thôn chung lại một làng” Nhưng chỉ một làng mà sao xa cách quá? Nhớ mong thì có mà đáp lại thì không Nỗi
tình không biết ai mà bày tỏ thôi chỉ đành quay lại với băn khoăn, hờn dỗi: “Cớ sao bên ấy
chẳng sang bên này?” Người ta không thương mà lại trách Quả là một câu hỏi nghe thật
buồn, thật dễ thương nhưng không hề lạ
2.2.2/ Đã bao lâu rồi không được gặp nàng, nỗi buồn tương tư càng da diết nôn nao:
“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”
- Ba chữ “ngày” kết hợp với hai chữ “qua”, một chữ “lại” diễn tả nỗi buồn triền miên
dằng dặc Ở câu lục, nhịp thơ không phải là nhịp 2/2/2 trong thơ lục bát truyền thống mà lại
ngắt theo nhịp 3/3 (ngày qua ngày / lại qua ngày) Cách ngắt nhịp đó đã chia ý nghĩa câu thơ
thành hai vế với nội dung song trùng, ý và lời vế sau lặp lại ý và lời vế trước Cách ngắt nhịp
này khiến chữ “lại” ở đầu vế sau trở thành điểm nhấn của ngữ điệu, nó gợi được dòng thời
gian cứ trôi qua hết sức chậm chạp, ngày mới chỉ còn là sự lặp lại ngày cũ một cách chán ngán,
vô vọng Cả việc ngắt nhịp, lặp vế câu và nốt nhấn giọng ở chữ “lại” khiến cho giọng thơ vang
lên như một lời than thở, kể lể ngán ngẩm Tất cả những điều đó đã làm hiện lên hình ảnh một người con trai đa tình với tâm trạng nóng lòng chờ mong đến mòn mỏi trước sự vô tình, đơn điệu, chậm chạp của thời gian
- Nếu ở câu lục thời gian diễn ra chậm chạp đến sốt ruột, thì ở câu bát thời gian hiện lên mới sinh động làm sao! Nguyễn Bính đã học cách nói của dân gian, lấy cây cỏ sắc màu để diễn
tả thời gian li cách: lá xanh chuyển thành lá vàng Ngày anh bắt đầu đợi chờ, cây hãy còn xanh,
đến nay lá đã ngả sang màu vàng héo úa đượm hồn thu, thế mà “bên ấy chẳng sang bên này”,
vô vọng vẫn hoàn vô vọng Thời gian và tâm trạng cứ thành “cừu thù” của nhau: thời gian càng chậm - tâm trạng càng nặng nề; tâm trạng càng mỏi mòn nôn nóng - thời gian càng chậm chạp lê thê
- Nhưng, điều tinh tế nhất là ở chữ “nhuộm”
Thứ nhất, chữ “nhuộm” diễn tả được thời gian chậm chạp Chữ “nhuộm” nói đến sự biến đổi sắc màu một cách rõ nét, triệt để, khác với chữ “nhuốm” mà Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều: “Người lên ngựa, kẻ chia bào – Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” Chữ
“nhuốm” chỉ nói được sự biến đổi sắc màu mới diễn ra, đang diễn ra, chưa hoàn tất
Thứ hai, chữ “nhuộm” để ngỏ chủ thể Ai nhuộm? Chủ thể này hàm ẩn Không hẳn thời
gian, cũng không hẳn là sự biến chuyển của cây lá, mà có lẽ là nỗi tương tư Tương tư đã khiến lòng người héo hon, đã nhuộm cây héo úa Kẻ tương tư và cái cây ấy có mối tương giao thật là
kì diệu Cây vừa là nhân chứng của mối tương tư, là đồng minh của kẻ tương tư, là nạn nhân
Trang 5của bệnh tương tư, mà tựu trung, là hiện thân của nỗi tương tư đó Có thể xem cái cây kia cũng
là “cây tương tư”, “cây si” được chứ sao! Lối thể hiện như thế thật tinh tế, ý nhị
2.2.3/ Trong nỗi niềm mòn mỏi, cây tương tư héo úa trách hờn:
“Bảo rắng cách trở đò giang Không sang là chẳng đường sang đã đành Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi ”
- Lẽ thường, trong tình yêu, người chủ động đi đến phải là người con trai Đằng này, anh lại trong vai thụ động ngồi chờ đợi Đã thụ động đợi chờ mà lại còn trách móc Quả là điều
vô lí
- Nhưng bề sâu thì lại không vô lí Bởi hai lí do:
+ Thứ nhất, đây là một thi phẩm, tác giả đã tạo ra một tình huống tâm trạng, tình huống trữ tình để bày tỏ nỗi niềm, chứ không câu nệ vào thực tế Thi sĩ phải đặt chàng trai vào vai thụ động đợi chờ mới có thể bộc bạch được tâm trạng tương tư của một người trai quê như thế
+ Thứ hai, lối trách này không phải là ghét, mà là trách vì yêu Do quá mong nhớ, bị nỗi nhớ giày vò, anh trai làng dễ tưởng mình bị hờ hững, nên sinh ra : “hờn ngược trách xuôi”, không hàm ý ghét bỏ Đò không cách, sông không cách, chỉ cách một mái đình, cớ sao ai cứ vô tình với ai? Hiểu như thế mới thấy rằng chàng trai trách là để bộc bạch tình yêu Người đời gọi
đó là “trách yêu”
2.2.4/ Càng hỏi trách, càng cô liêu Không gian hẹp mà muôn chiều xa cách “Ngày qua
ngày lại qua ngày”, chàng trai muốn tỏ bày nhưng biết tỏ với ai:
“Tương tư thức mấy đêm rồi, Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!”
Lời thơ như một nỗi tủi hờn nhắn gửi Đã “mấy đêm rồi”, căn bệnh “tôi yêu nàng” làm tâm thức bất an Điều này “biết cho ai, hỏi ai người biết cho!” Phải chăng “ai” trong “biết
cho ai” là chàng trai đa tình mơ mộng, “ai” trong “hỏi ai người biết cho!” là “nàng” lâu nay
vẫn hững hờ? Biết là như thế, nhưng dẫu sao đại từ phiếm chỉ “ai” cũng cứ gieo vào lòng
chúng ta một sự mơ hồ, vô định nhớ thương, mong đợi, có đi mà không có lại của một tình yêu
đơn phương Ở đời vẫn có những tình yêu như thế, lãng mạn như thế: “Ai biết tình ai có đậm
đà” (Hàn Mặc Tử) Năm 1921, thi sĩ Tản Đà viết trong bài thơ “Thử trách người tình không quen biết”:
“Nhớ mình ra ngẩn vào ngơ
Trông mây trông nước, nay chờ mai mong”
Và năm 1926, ông còn viết:
“Mong ai mỏi mắt chân trời
Nhớ ai, đi, đứng, ăn, ngồi thẩn thơ”
Qua đó, ta mới có thể cảm nhận được tình tương tư “một người chín nhớ mười mong
một người” trong thơ Nguyễn Bính Đó chỉ là yêu vụng nhớ thầm mà thôi
2.2.5/ Nhưng yêu vụng nhớ thầm không có nghĩa là không có nhu cầu bộc bạch, bởi
tiếng lòng luôn hòa nhịp với nhịp đập của trái tim Câu thơ “Biết cho ai, hỏi ai người biết
cho!” có nhịp thơ 3/5, làm cho lời thơ như ngập ngừng khó nói Nhưng cái cần nói phải cứ nói,
Trang 6vì trong tình yêu, một trong những điều đau khổ nhất của con người là không nói hết được tình yêu của mình cho người mình yêu nghe, hoặc ít nhất là nói với chính mình:
“ Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
Đó là tiếng lòng nôn nao mơ tưởng, là khao khát ước mong về hạnh phúc của “tôi yêu
nàng” được Nguyễn Bính thể hiện qua lối nói ước lệ, ẩn dụ trong ca dao ( bến – đò ), trong thơ
ca truyền thống (hoa khuê các – bướm giang hồ ) Cách khát vọng đó đã trở thành cái chung
của nhiều chàng trai cô gái khác qua bao nhiêu thế hệ
3 Bốn câu thơ cuối bài nói lên niềm ước mơ chung đời của lứa đôi, và ở đây là của
“anh”:
“Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
3.1/ Yêu nhau đâu chỉ có “chín nhớ mười mong”, đâu chỉ có “tương tư”, mà còn có cả
ước mơ hạnh phúc “Có một gìàn giầu”, “có một hàng cau liên phòng”, “nhà anh”, “nhà em” mới đều chỉ có “một”, nghĩa là còn lẻ loi, đơn chiếc Anh và em vẫn đôi nơi: anh vẫn ở thôn Đoài, em vẫn ở thôn Đông, vẫn còn xa cách quá chừng, vẫn là một trời mong nhớ: “Thôn Đoài
thì nhớ thông Đông”
3.2/ Anh nhớ em, tưởng như “cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?” Hình ảnh ẩn
dụ “giầu – cau” dân dã biểu lộ niềm mơ ước: duyên trầu cau cũng là duyên lứa đôi sắt son, bền chặt Hình ảnh “giầu không” tự nó như thầm nói: “Có phải duyên nhau thì thắm lại –
Đừng xanh như lá bạc như vôi” ( Mời trầu - Hồ Xuân Hương)
3.3/ Cấu trúc song hành gợi tả quan hệ gắn bó của một đôi trai gái trong một tình yêu
đẹp Từ đầu bài thơ, ta đã bắt gặp các cặp hình ảnh sóng đôi: thôn Đoài – thôn Đông, một
người – một người, gió mưa – tương tư, tôi – nàng, bên ấy – bên này, hai thôn – một làng, bến – đò, đò giang- đầu đình, hoa khuê các – bướm giang hồ Đến bốn câu thơ cuối của bài thơ lại
có thêm: nhà anh – nhà em, giàn giầu – hàng cau, cau thôn Đoài - giầu thôn Đông Rõ ràng,
những cặp hình ảnh sóng đôi ấy xuất hiện từ xa đến gần, cuối cùng dừng kết lại ở cặp hình
tượng trầu – cau Điều này cho thấy rõ: bên trong nỗi tương tư là niềm khao khát gần kề, khao
khát chung tình, khao khát nhân duyên Tình yêu gắn liền với hôn nhân là một đặc điểm của quan niệm về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính Điều này đã góp thêm một bằng chứng trong việc khẳng định chất truyền thống, chất “chân quê” thấm rất sâu vào hồn thơ của ông
III Kết bài:
Bằng điệu thơ dân tộc, bằng những hình ảnh gần gũi tự ngàn xưa, bằng lời ăn tiếng nói của người làng quê mang âm hưởng dân dã, giàu phong vị ca dao, bằng cách thể hiện cái tôi mới mẻ, chân thành, thiết tha khao khát yêu thương mang dấu ấn thời đại Thơ mới, Nguyễn Bính đã phản ánh tâm hồn của lớp thanh niên tiểu tư sản những năm ba mươi của thế kỉ hai mươi trong một bài thơ tình có mong nhớ và buồn, có dỗi hờn và trách móc, nhưng chủ yếu là vươn tới, là ước vọng khát khao về một mối lương duyên trong khung cảnh làng quê man mác
hương đồng gió nội, thẩm đượm cái “hồn xưa đất nước” Quả là “thơ Nguyễn Bính đã đánh
thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”(Hoài Thanh)
_