Công tác cải tiến di truyền - Giống trâu potx

9 325 0
Công tác cải tiến di truyền - Giống trâu potx

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

CÔNG TÁC CẢI TIẾN DI TRUYỀNGIỐNG TRÂU Mai Văn Sánh Bộ môn nghiên cứu Trâu Tác giả để liên hệ: TS. Mai Văn Sánh, Trưởng Bộ môn nghiên cứu Trâu; Trưởng Phòng Đào tạo và Thông tin Viện Chăn nuôi. ĐT: (04)8 386 125/ (04) 8 385 023 / 0912585 495; E-mail: mvsanh@netnam.vn ABSTRACT The paper overviews some achievements of buffalo genetic improvement. There are two types of buffalo existing, River and Swamp buffalo. Most of countries kept buffalo have conducted experiments and got good sucesses on buffalo genetic improvement. With pure breeding, they have achieved in selection, performance testing, progeny testing etc. With crossing, good successes also were got in crossing between breeds within River type, and crossing between River and Swamp buffalo (two ways and three ways crossing). MỞ ĐẦU Trâu đã được thuần chủng từ khá sớm và hiện tồn tại có hai loại hình là trâu sông (River buffalo) và trâu đầm lầy (Swamp buffalo). Tên của hai loại hình trâu nước được đặt là trâu sông và trâu đầm lầy chủ yếu phụ thuộc vào sở thích tự nhiên của loại trâu vùng Đông nam Á thích đầm lầy, còn trâu ở vùng Ấn Độ và vùng Viễn Đông thì thích sông nước sạch hơn, chúng thực chất đều có chung nguồn gốc. Trâu là con vật có vai trò rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhưng nhìn chung nghiên cứu về trâu chưa được nhiều. Do những đặc điểm riêng biệt về giống của trâu mà nghiên cứu về cải tiến di truyền trong chăn nuôi trâu còn nhiều hạn chế. Tuy vậy trên cơ sở áp dụng những thành tựu nghiên cứu từ các gia súc khác và cải tiến trên trâu, chúng ta cũng đã thu được những thành tựu về cải tiến di truyềngiống trâu rất đáng được ghi nhận. Có thể nói cải tiến di truyền của trâu nhìn chung là làm được còn quá ít so với các gia súc gia cầm khác. Các giống trâu hiện có trên thế giới được hình thành trải qua hàng ngàn năm trong những điều kiện tự nhiên và kinh tế nhất định và gần như chúng được chọn lọc một cách tự phát ngẫu nhiên hơn là theo những hướng tạo giống. Xuất phát từ quan niệm của con người về mục đích sử dụng trâu chủ yếu cho cày kéo nên ít người quan tâm đến việc cải tiến nâng cao khả năng sản xuất của chúng. Dần dần trong quá trình sử dụng, trâu đã góp phần vào việc cung cấp cho con người một lượng sữa và thịt ngày càng nhiều, người ta mới thay đổi nhận thức về vai trò của chúng. Trong mấy thập kỷ gần đây, công tác giống trâu đã bắt đầu được tiến hành với việc cải tiến di truyền nâng cao khả năng sản xuất của chúng. CÔNG TÁC CHỌN LỌC NHÂN THUẦN Chọn lọc nhân thuần là công việc cần thiết và thường xuyên của công tác giống nhằm nâng cao khả năng sản xuất của gia súc gia cầm thông qua tiến bộ di truyền trong quần thể. Chọn lọc nhân thuần bao gồm nhiều khâu: chọn trâu đực giống, cái giống, kiểm tra năng suất cá thể, kiểm tra qua đời sau, xây dựng đàn hạt nhân, v.v. . . Một số quốc gia đã tiến hành nghiên cứu thành công và áp dụng trong sản xuất này như là một chương trình giống quốc gia, thực tế đã đóng góp lớn vào sự phát triển của chăn nuôi trâu nước họ đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của chăn nuôi trâu khu vực, châu lục và thế giới. Ấn Độ, Pa-ki-stan, Bun-ga-ri, I-ta-lia, Bra-xin, Vê-nê-du-ê-la, Trung Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin .v.v. là những nước đã khá thành công trong lĩnh vực này. Chúng ta điểm qua một số công tác giống điển hình đã được tiến hành và thành công ở các quốc gia này Ấn Độ là một trong những nước có chính sách về giống trâu tốt. Theo đề nghị của Hội đồng Nông nghiệp quốc gia thì muốn cải tiến nâng cao chất lượng đàn trâu phải chọn lọc những cá thể tốt trong các đàn có thể quản lý và phối với những trâu đực giống đặc biệt tốt, hy vọng khả năng sản xuất sẽ nâng lên. Những vùng mà Nhà nước quản lý được trong mạng lưới thì thực hiện việc kiểm tra cá thể qua đời sau (Yadav, 2004). Chương trình giống trâu quốc gia Ấn Độ do Hội đồng nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ quản lý. Là một quốc gia có quần thể trâu rất lớn (gần 100 triệu trâu hiện tại, với tỷ lệ tăng trung bình hàng năm 1,26%) lại có rất nhiều nhóm giốnggiống khác nhau trong đó chủ yếu là các giống trâu sông. Có một thực tế là do có quần thể trâu rất lớn, lại có nhiều giống khác nhau và trên một đất nước vừa rộng vừa đông dân, việc quản lý giống rất khó, vì vậy chỉ có khoảng 20-25% tổng số trâu là thuần chủng, số còn lại do không quản lý được nên bị pha tạp các giống không xác định được cụ thể (Sethi và Sikka, 2006). Chương trình cải tiến di truyền nhằm nâng cao khả năng cho sữa của trâu được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ 20. Mục đích của chương trình là nâng cao chất lượng đàn trâu đực giống thông qua việc kiểm tra qua đời sau. Chương trình này được tiến hành trên 5 Trung tâm, trong đó hai Trung tâm tập trung cho hai giống có tầm vóc lớn là: Murrah và Nili-Ravi, hai Trung tâm cho 2 giống tầm vóc trung bình là Surti và Mehsana và một Trung tâm nữa là Anand nơi đang nghiên cứu về nội tiết trâu. Đàn trâu ở từng Trung tâm bao gồm hai nhóm: nhóm cao sản chuyên để phối với những trâu đực đã kiểm tra qua đời sau và nhóm kia để phối với những trâu đực non mới chọn (để kiểm tra qua đời sau). Mỗi đực giống ở mỗi nhóm phải kiểm tra thông qua 10-12 con gái ở Trung tâm đã kết thúc một chu kỳ cho sữa để đánh giá và 50-60 con gái ở các địa phương (Alexiev, 1998). Hiện tại một dự án mạng lưới về cải tiến di truyền trâu đã và đang hoạt động từ năm 1993 nhằm tăng cường độ chọn lọc của trâu đực giống Murrah từ quần thể lớn và tăng số con đời sau của mỗi đực giống để kiểm tra tiến hành trên 7 đơn vị tham gia. Các giống khác cũng được tiến hành từ năm 2001 là Nili- Ravi, Jaffarabadi, Bhadawari, Surti và Pandharpuri (Sethi và Sikka, 2006). Ở Pa-ki-stan, trâu cung cấp nguồn sữa chính cho người dân nước này. Hai giống trâu chính ở đây là Nili-Ravi và Kundhi, trong đó nổi tiếng là Nili-Ravi. Đặc điểm chăn nuôi trâu ở đây là đa số nuôi theo hộ với đàn nhỏ số lượng 1-5 trâu. Thụ tinh nhân tạo trâu mới chỉ chiếm 5-10% đàn cái, tuy nhiên số còn lại được giao phối tự nhiên với những trâu đực tốt (Borghese và cs., 2006). Chiến lược của chương trình giống trâu quốc gia Pakistan cũng là nhân thuần mà tập trung vào việc ghi chép theo dõi, chọn lọc và kiểm tra đực giống qua đời sau. Công việc đã được tiến hành từ năm 1979, những năm đầu chỉ đánh giá qua đàn con sinh ra ở Trung tâm, đến năm 1984 tiến hành đánh giá thêm qua đàn con sinh ra ở các địa phương để có cơ sở kết luận chính xác các kết quả thu được của chương trình. Các bước tiến hành của chương trình là chọn lọc và đăng ký trâu cái, chọn lọc trâu cái tốt để sản xuất trâu đực giống, chọn những trâu đực tơ có đủ tiêu chuẩn để kiểm tra cá thể và cuối cùng là kiểm tra qua đời sau đực giống đó. Những trâu đực đã được chọn lọc được khai thác tinh phục vụ công tác cải tiến di truyền thông qua thụ tinh nhân tạo với các đàn trâu cái đã được chọn (Alexiev, 1998). Thái Lan là quốc gia có số lượng trâu đầm lầy khá lớn. Những năm 80 của thế kỷ trước, số lượng trâu đã vượt trên 6 triệu. Do nhiều lý do mà đàn trâu Thái Lan đang giảm sút nhanh chóng. Mặc dù có giảm sút về số lượng nhưng trong những năm cuối của thế kỷ trước họ đã tiến hành chương trình giống quốc gia về “Đánh giá khả năng sản xuất của trâu” nhằm nâng cao khả năng cày kéo và cho thịt của trâu đầm lầy. Năm 1981 Trung tâm giống trâu quốc gia Surin bắt đầu tiến hành chương trình này. Chương trình được tiến hành mỗi năm 3 nhóm, mỗi nhóm 10 đực và 80 cái sinh ra tại Trung tâm, được chọn lọc sau cai sữa (8-12 tháng) dựa vào một số đặc điểm và tiêu chuẩn giống như: tăng trọng trung bình hàng ngày, khối lượng đã điều chỉnh ở 240 ngày tuổi, chiều cao, hình dáng… Sau hai năm nuôi thử nghiệm sẽ đánh giá qua các chỉ tiêu: tăng trọng trung bình hàng ngày (2ADG), khối lượng cơ thể đã điều chỉnh lúc 2 năm tuổi (2 YWt), chiều cao vây (H) và hình dáng (GA). Khối lượng 240 ngày được xác định theo công thức: WW- BW KL 240ngày = AW(240 + BW) Trong đó WW là khối lượng lúc cai sữa BW là khối lượng sơ sinh (kg) AW là tuổi cai sữa (ngày) Sau khi có được các chỉ tiêu thì kết hợp lại để đánh giá: 2ADG + 2YWt + H + GA Họ đã thành công trong thực hiện chương trình này, sau 10 năm thực hiện khối lượng nghé sơ sinh tăng 7,7 % (từ 28,4 lên 30,6 kg), lúc cai sữa 8 tháng tuổi tăng 38 % (từ 121 lên 167 kg), ở 2 năm tuổi tăng 18 % (từ 268 lên 317 kg); tỷ lệ đẻ của đàn cái sinh sản cũng được cải thiện, tăng từ 60,6% lên 69 %, tuổi đẻ lứa đầu rút ngắn từ 4,5 năm xuống 3,37 năm và khoảng cách 2 lứa đẻ rút ngắn từ 587 ngày xuống 468 ngày (Chantalakhana và Skunmun, 2002) . Phi-lip-pin có quần thể trâu đầm lầy lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tên gọi là Carabao. Theo truyền thống thì Carabao cũng chỉ sử dụng cho cày kéo là chính, tuy nhiên quá trình cơ giới hoá đã chuyển dần mục đích sử dụng sang lấy thịt và sữa từ những năm 1970. Trong chương trình cải tiến di truyền trâu quốc gia họ thực hiện chọn lọc nhân thuần đàn trâu địa phương và nhập trâu sông để lai tạo tạo con lai lấy sữa, thịt. Với chọn lọc nhân thuần đàn trâu địa phương, họ xây dựng hệ thống hạt nhân mở để chọn lọc và cải tiến nâng cao chất lượng đàn, đàn hạt nhân được chọn lọc và xây dựng dựa vào hai chỉ tiêu chính tầm vóc và khả năng sinh sản. Nhằm cải tiến nâng cao khả năng cho thịt và sữa họ nhập trâu Murrah để lai tạo với Carabao. Trâu Murah Mỹ đã được nhập phối với đàn trâu địa phương tạo con lai có khả năng cho thịt tốt hơn cả về năng suất và chất lượng. Trâu Murrah Bungari cũng được nhập khẩu với những cá thể có sản lượng sữa cao để lai tạo trâu lai hướng sữa. Trâu Murah nhập được nuôi giữ tại một Trung tâm, chọn lọc những cá thể có khả năng sinh trưởng và sinh sản tốt để đưa vào kiểm tra năng suất, và sau khi kiểm tra qua đời sau những trâu đực giống này được khai thác tinh để làm thụ tinh nhân tạo (Cruz, 2006). Trung Quốc là nước có quần thể trâu đầm lầy lớn nhất thế giới. Do đặc điểm sinh thái giữa các vùng trong nước khác nhau đã dẫn đến với cùng một giống trâu đầm lầy mà có tới 14 loại hình khác nhau thích hợp từng vùng. Chiến lược phát triển trâu của Trung Quốc là tạo giống trâu hướng sữa. Họ đã nhập các giống trâu sông như Murrah, Nili- Ravi để lai với trâu đầm lầy địa phương tạo trâu lai kiêm dụng sữa thịt. Trước mắt họ làm tốt việc chọn lọc nhân thuần từng giống (trâu địa phương và trâu nhập nội) để nâng cao tầm vóc và khả năng sản xuất, trên cơ sở đó sử dụng đực giống trâu sông nhập nội phối với đàn cái nền trâu địa phương (Liang Xian-wei và CS, 2004). Ngoài công tác chọn lọc nhân thuần đàn trâu địa phương để lai tạo giống trâu lai hướng sữa, chương trình giống của Trung Quốc còn chọn lọc nhân thuần tạo giống trâu đầm lầy Trung Quốc mới hướng sữa và chọn lọc tạo giống trâu sông mới Binlang Vân Nam lấy sữa (Zhang Chunxi, 2006). In-đô-nê-xia có quần thể trâu đầm lầy lớn ngay sau Việt Nam. Đặc điểm của một đất nước có tới 13 nghìn hòn đảo và trải dài qua nhiều kinh tuyến đã hình thành nên nhiều loại hình khác nhau về màu sắc lông da, tầm vóc và cả về tập tính như: trâu Aceh, trâu Java, trâu Binanga, trâu Moa, trâu Kalang, trâu lang trắng đen.v.v. Họ cũng tiến hành công tác chọn lọc nhân thuần trong từng loại hình để giữ sự đa dạng và làm cơ sở lai tạo với trâu sông tạo trâu lai kiêm dụng (Triwulanningsih và cs, 2005). I-ta-li-a là nước có số lượng trâu tăng liên tục, giống trâu ở đây là trâu Địa Trung Hải được nuôi trong cả nước. Trâu được nuôi để lấy sữa sản xuất pho mát, còn thịt thì vẫn ít được chú ý. Người nuôi trâu cho rằng nuôi trâu cho hiệu quả kinh tế cao vì sữa trâu được bán để sản xuất pho mát nổi tiếng (Mozzarella di Buffalo) cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu. Thịt trâu là sản phẩm phụ, nhiều vùng không có tập quán ăn thịt trâu, vì vậy trâu loại thải bán rất rẻ, còn trâu tơ lấy thịt không có, nghé đực sinh ra bị bóp chết luôn. Nhiều ý kiến cho rằng thịt trâu tơ vỗ béo có chất lượng cao và khuyến khích nuôi trâu thịt nhưng vẫn chưa phát triển. I-ta-li-a không làm công tác lai tạo trâu mà chỉ có chọn lọc nhân thuần để cải tiến di truyền nâng cao năng suất đàn trâu sữa của họ (Alexiev, 1998). Công tác chọn lọc bắt đầu tiến hành quy mô từ những năm 1980, kiểm tra qua đời sau vào năm 1986. Kiểm tra chất lượng giống dựa vào các chỉ tiêu năng suất pho mát, lượng sữa, tỷ lệ mỡ sữa, tỷ lệ protein sữa, sản lượng bơ và protein sữa. Những trâu đực giốngtrâu cái đã được kiểm tra có tiềm năng đặc biệt tốt sẽ được công bố trên ca-tô-lô (Borghese và cs., 2006). Để chọn được những trâu giống tốt người ta tập trung nhiều nhất vào mục tiêu sản lượng pho mát bằng cách xây dựng chỉ số pho mát (PKM: Production kg Mozzarella), chỉ số này được tính bằng công thức: Mozzarella (kg) = sữa (kg) x (3.5 x % đạm sữa + 1.23 x % mỡ sữa – 0.88)/100 Quần thể trâu châu Mỹ khá khiêm tốn, tuy vậy họ cũng rất chú ý tới công tác giống trâu. Bra-xin là nước có quần thể trâu lớn ở khu vực này và công tác giống trâu cũng được tiến hành khá tốt. Do đặc điểm chăn nuôi và điều kiện mà họ áp dụng các giải pháp khác nhau, tuy nhiên vẫn dựa vào những nguyên tắc chung là chọn lọc nhân thuần. Tại các trại nghiên cứu họ cũng tiến hành kiểm tra cá thể và kiểm tra qua đời sau nhưng trong điều kiện sản xuất họ lại áp dụng phương pháp đơn giản hơn là đàn trâu được phân làm hai nhóm: nhóm A là đàn trâu hạt nhân đã chọn lọc (20% trâu có năng suất cao nhất) và nhóm B là 80% còn lại. Đàn giống A để sản xuất ra trâu đực giống, đàn giống B sản xuất ra đàn trâu cái sinh sản (trâu đực ở đàn này chỉ để vỗ béo lấy thịt). Đàn trâu đực sinh ra từ nhóm bố A sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt về khả năng sinh trưởng và các chỉ tiêu khác để chọn 1% tốt nhất để phối giống cho đàn trâu cái hạt nhân, 49% trâu đực tốt tiếp theo sẽ chọn làm đực giống phối cho đàn trâu cái đại trà và 50% đực còn lại không dùng làm đực giống, chỉ để nuôi lấy thịt (Alexiev, 1998). Tại Việt Nam, công tác chọn lọc nhân thuần đàn trâu làm chưa tốt và không thường xuyên. Chúng ta có trâu Ngố ngoại hình to là nguồn gen bản địa quý sẵn có ở các tỉnh miền núi nước ta. Năm năm gần đây, nhờ chương trình chọn tạo giống cây trồng vật nuôi nên đã có đề tài trọng điểm cấp ngành về chọn lọc lai tạo nhằm cải tạo tầm vóc và khả năng sản xuất của trâu địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy sử dụng trâu đực Ngố ngoại hình to làm giống và kết hợp với chọn lọc đàn trâu cái đã cải thiện nâng cao tầm vóc trâu lên 10% so với đại trà. Chúng ta đang tiến hành áp dụng rộng rãi kết quả để nâng cao tầm vóc và khả năng sản xuất trâu địa phương (Mai Văn Sánh, 2005). Một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong công tác giống trâu là Bun-ga-ri. Trâu đã được nuôi ở Bun-ga-ri 12 thế kỷ. Nước này chỉ nuôi trâu sông để khai thác sữa, vì vậy mục tiêu chương trình giống trâu quốc gia Bun-ga-ri là tập trung cải thiện khả năng cho sữa của trâu. Công tác chọn lọc nhân thuần được họ tiến hành thường xuyên qua rất nhiều năm và nhiều thế hệ. Các bước tiến hành theo một trình tự nhất định từ khâu ghi chép theo dõi đến chọn con mẹ, chọn con con và kiểm tra qua đời sau mới đưa vào sử dụng (Alexiev, 1998). Quy trình đó có thể tóm tắt như sau: + Xác định cơ cấu đàn trâu. + Ghi chép về sản lượng sữa và khả năng sinh sản. + Chọn lọc trâu cái sinh sản tốt để sản xuất ra đực giống. + Kiểm tra khả năng của đực hậu bị trước khi chọn lọc (dựa vào khả năng sinh trưởng, tuổi thành thục, phẩm chất tinh dịch…). + Thử nghiệm phối giống các trâu đực mới chọn lọc. + Tiến hành kiểm tra qua đời sau. + Chọn những đực giống đã kiểm tra đủ tiêu chuẩn và những con cái của những trâu đực này đưa vào sử dụng. CÔNG TÁC LAI TẠO Một trong những biện pháp nâng cao khả năng sản xuất của gia súc gia cầm là công tác lai tạo để tạo ưu thế lai, hạn chế những nhược điểm của giống này cũng như phát huy ưu điểm của giống kia trong con lai. Đối với trâu, mặc dù được thuần hoá đã lâu nhưng trâu đầm lầy ít được chọn lọc, cải tạo nên vẫn giữ hình dáng gần với nguyên thuỷ và vẫn chỉ có một giống duy nhất. Trong khi đó, do quá trình chọn lọc, trâu sông đã hình thành nhiều giống cải tiến riêng biệt với các ngoại hình khác nhau và có khả năng sản xuất sữa, thịt cao. Chỉ ở vùng Nam Á đã có tới 18 giống trâu sông khác nhau, được xếp vào 5 nhóm với các giống chính (Cockril, 1974) là: - Nhóm trâu Murrah có các giống chính là Murrah, Nili-Ravi, Kundi. - Nhóm trâu Gujarak có các giống chính là Surti, Mehsana, Jafarabadi. - Nhóm trâu Uttar Pradesh có các giống chính là Bhadawari, Tarai. - Nhóm trâu vùng Trung Ấn có các giống chính là Nagpuri, Pandharpuri, Manda, Jerangi, Kalahandi, Sambalpur. - Nhóm trâu vùng Nam Ấn có các giống chính là Toda, South Kanara. Lai tạo trâu được tiến hành nhiều năm trên nhiều quốc gia nhằm nâng cao khả năng sản xuất của trâu địa phương mà chủ yếu là khả năng cho sữa, sau đó đến cho thịt, còn sức kéo thì gần như con người đã hài lòng với những gì mà con trâu đã có. Trong mấy thập kỷ qua rất nhiều công trình lai tạo đã được tiến hành và thu được những thành công lớn. Người ta đã lai giữa các giống trong loại hình trâu sông với nhau hoặc lai giữa trâu sông với trâu đầm lầy tuỳ theo mục đích sử dụng và điều kiện từng quốc gia. Người ta cũng đã thành công trong lai 3 máu để kết hợp hoàn hảo hơn các ưu thế của 3 giống nhằm nâng cao hơn khả năng sản xuất của con lai. Chính trong quá trình lai tạo một số giống mới đã được hình thành. Lai giữa các giống trâu sông với nhau Khá nhiều giống trâu sông tồn tại ngày nay là kết quả lai tạo giữa các giống trâu khác tạo nên. Khoảng những năm 50 của thế kỷ 20, Nili và Ravi là hai giống trâu riêng biệt, được nuôi nhiều ở Pa-kis-tan. Do việc quản lý đàn trâu nuôi trong dân khó khăn, lại mua bán giao dịch tự do nên hai giống trâu này nuôi đan xen lẫn nhau, việc giao phối tự do giữa hai giống trâu này xảy ra qua nhiều năm, nhiều thế hệ đã dần xoá bỏ sự khác biệt về giống rồi ngẫu nhiên hình thành giống trâu Nili-Ravi ngày nay. Trâu Nili- Ravi hiện là một trong những giống trâu có sản lượng sữa cao, đang được nhiều nước sử dụng để lai cải tạo khả năng sản xuất của trâu địa phương (Alexiev, 1998). Tương tự như giống trâu Nili-Ravi, ở Ấn Độ còn tồn tại nhiều giống trâu sông và trong quá trình phát triển đã xảy ra rất nhiều trường hợp giao phối tự do giữa các giống ngoài ý muốn và sự kiểm soát của con người, vì vậy thực tế chỉ có khoảng 20-25% tổng số trâu là thuần chủng số còn lại bị pha tạp các giống không xác định được cụ thể (Sethi và Sikka, 2006). Tuy vậy để kết hợp những tính năng sản xuất tốt của các giống trâu người ta cũng đã chủ động cho lai giữa một số giống khác nhau để tạo giống mới có khả năng sản xuất hoàn thiện hơn. Thí dụ họ đã lai giữa trâu cái Surti và trâu đực Murrah để hình thành một giống trâu mới là Mehsana có tuổi đẻ lứa đầu sớm hơn, thời gian cạn sữa ngắn hơn và khoảng cách lứa đẻ gần hơn, nhưng sản lượng sữa vẫn còn thấp hơn so với trâu Murrah thuần chủng. Cũng lai giữa giống trâu địa phương của bang Andhra Pradesh với trâu Murrah sau nhiều thế hệ ổn định đã hình thành giống trâu mới Godavari có hình dáng và khả năng sản xuất tương tự trâu Murrah thuần chủng nhưng rất thích hợp với điều kiện địa phương (Alexiev, 1998). Trong quá khứ Bun-ga-ri nuôi trâu địa phương là trâu Địa Trung Hải, nhưng trong mấy thập kỷ gần đây trâu Murrah đã được nhập vào (1962). Trước đây trâu được nuôi với mục đích kiêm dụng: cầy kéo, sữa, thịt. Đến đầu thế kỷ 20 trâu được nuôi chủ yếu với mục đích lấy sữa. Trâu Murrah được nhập từ rất lâu và qua nhiều năm lai tạo giữa trâu địa phương Địa Trung hải (Mediterranean) với trâu Murrah đã hình thành nên giống trâu Murrah Bun-ga-ri. Đàn trâu này được nuôi dưỡng và chọn lọc tốt đã ổn định và cho khả năng sản xuất tốt, chủ yếu là khả năng cho sữa khá cao. Trâu Murrah Bun- ga-ri cũng được chuyển tới nhiều nước để làm công tác cải tạo khả năng sản xuất trâu địa phương. Các nước như Ru-ma-ni, A-zec-bai-zan, Gioc-gia… Người ta đã sử dụng trâu đực Murrah Bun-ga-ri để lai với trâu cái địa phương (cũng là trâu sông) tạo con lai tốt hơn về sinh trưởng, hình dáng, khả năng vỗ béo và sản lượng sữa. Các nước vùng Nam Mỹ như Bra-xin, Vê-nê-du-ê-la, Tri-ni-dad nuôi chủ yếu trâu sông với mục đích chính là lấy sữa. Công tác lai tạo cũng được tiến hành, họ dùng trâu đực Murrah lai với trâu cái Địa Trung Hải để cải thiện khả năng sản xuất. Họ không những chỉ lai hai giống mà một số nước cả lai 3 giống tuỳ thuộc vào sở thích và nguồn giống họ có. Kết quả là họ đã thu được những con lai có khả năng cho sữa tốt hơn và thích nghi tốt trong điều kiện sinh thái, nuôi dưỡng của họ. Đặc biệt ở Tri-ni-dad đã thành công khi cho lai nhiều giống trâu sông khác nhau và đã tạo được một giống trâu thịt mới nổi tiếng, đó là Bufalypso. Giống trâu này được lai tạo từ Nili-Ravi, Jafarabadi, Surti, Nagpuri và Murrah được nhập từ Ấn Độ vào Tri- ni-dad từ đầu thế kỷ 20. Bufalypso là tên ghép của Buffalo (trâu) và Calypso là tên của một loại nhạc dân gian ở Tri-ni-dad. Như mọi người đều biết, có nhiều giống bò thịt nổi tiếng với những đặc điểm riêng như tăng trọng nhanh, tầm vóc lớn, khả năng cho thịt lớn hoặc chất lượng thịt cao đã được tồn tại nhiều nước trên thế giới. Đối với trâu, có thể có nhiều giống trâu sữa nhưng trâu thịt thì đây là giống trâu thịt mới được công nhận trên phạm vi quốc tế có khả năng cho thịt cao và chất lượng thịt ngon (Alexiev, 1998). Lai giữa trâu sông và trâu đầm lầy Về mặt di truyền, hai loại hình trâu có số lượng nhiễm sắc thể khác nhau. Trâu sông có 50 nhiễm sắc thể trong khi trâu đầm lầy chỉ có 48. Do sự khác nhau giữa số lượng nhiễm sắc thể nên khi lai giữa trâu sông và trâu đầm lầy đã tạo ra con lai F1 (50% máu trâu sông + 50% máu trâu đầm lầy) có 49 nhiễm sắc thể, con lai F2 (75% máu trâu sông + 25% máu trâu đầm lầy) có 49 hoặc 50 nhiễm sắc thể, và con lai F2 (25% máu trâu sông + 75% máu trâu đầm lầy) có 49 hoặc 48 nhiễm sắc thể. Một điều được công nhận là trâu lai F1 giữa trâu sông và trâu đầm lầy có khả năng sinh sản bình thường. Khác với một số con lai của các loài có số lượng nhiễm sắc thể khác nhau (như các con lai giữa lừa và ngựa) bị vô sinh. Nhiều tác giả nghiên cứu về nhiễm sắc thể giải thích rằng cặp NST số 1 của trâu đầm lầy có chứa vật chất di truyền bằng hai cặp NST số 4 và số 9 của trâu sông, vì vậy tuy hai loại hình trâu này khác nhau về số lượng NST, nhưng về vật chất di truyền chúng có thể tương đương nhau nên con lai giữa chúng vẫn có khả năng sinh sản Lai hai máu Lai giữa trâu sông và trâu đầm lầy chủ yếu được tiến hành ở các nước Nam và Đông Nam châu Á, nơi có quần thể trâu đầm lầy lớn. Đa số các nước tiến hành nhập trâu Murrah và trâu Nili-Ravi để lai với trâu đầm lầy nhằm mục đích tạo con lai kiêm dụng mà trước hết là khả năng cho sữa. Công tác lai tạo đã thành công và được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xia, Phi-lip-pin, Việt Nam. Nhìn chung các con lai giữa trâu sông với trâu đầm lầy được nâng cao đáng kể tầm vóc, khả năng cho sữa, thịt. Con lai giữa trâu Murrah và trâu đầm lầy đã tăng khối lượng cơ thể tới 20%, tăng sản lượng sữa tới 300%, tăng tỷ lệ thịt 2-3% so với trâu đầm lầy. Con lai giữa trâu Nili- Ravi và trâu đầm lầy có khả năng sản xuất tương tự con lai với trâu Murrah. Ở Việt Nam, năm 1970 một đàn trâu Murrah đã được nhập với số lượng ít ỏi 30 con từ Quảng Tây, Trung Quốc và được nuôi ở Trại thí nghiệm trâu Ngọc Thanh, Vĩnh Phú. Việc nuôi trâu sữa ở Việt Nam có thể coi là từ lúc có đàn trâu Murrah hàng nghìn con được nhập vào nước ta vào những năm 1977-1978. Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé là cơ sở khoa học lần đầu tiên được nhận một đàn trâu gồm 502 trâu Murrah từ Ấn Độ năm 1978. Song song với việc nghiên cứu đàn trâu thuần, chúng ta đã nghiên cứu sử dụng trâu đực Murrah lai với trâu cái nội. Hàng trăm trâu lai được tạo ra và nuôi dưỡng tại các cơ sở Nhà nước và hàng nghìn trâu lai cũng đã được phát triển ở một số địa phương trong cả nước với F1 (50% máu Murrah), F2 (75% máu Murrah), F3 (87,5% máu Murrah) thậm chí có cả F4 (93,75% máu Murrah). Trâu lai đã hơn hẳn trâu nội về tầm vóc, khả năng sinh trưởng, cho thịt và năng suất sữa. Tuy nhiên việc phát triển trâu Murah và trâu lai lấy sữa đã không được như mong muốn. Phát triển trâu lai kiêm dụng lại gặp khó khăn lớn nhất là việc phát hiện trâu cái động dục, sản xuất tinh đông lạnh và tổ chức phối giống trâu trong điều kiện chăn nuôi gia đình. Trâu đực giống Murrah phần lớn không nhảy trực tiếp trâu cái nội cũng là việc khó khăn trong việc phát triển nhanh đàn trâu lai trong nông hộ (Mai Văn Sánh, 1996). Phi-lip-pin đã nhập trâu Murrah Mỹ và nuôi giữ tại một Trung tâm, chọn lọc những cá thể có khả năng sinh trưởng và sinh sản tốt, khai thác tinh và phối với đàn trâu địa phương tạo con lai có khả năng cho thịt tốt hơn cả về năng suất và chất lượng. Trâu Murrah Bungari cũng được nhập khẩu với những cá thể có sản lượng sữa cao nhằm tạo con lai hướng sữa. Tất cả trâu ngoại nhập đều nuôi giữ riêng, chọn lọc nhân thuần và sản xuất những trâu đực giống tốt để kiểm tra năng suất. Sau khi kiểm tra qua đời sau, những trâu đực giống này được khai thác tinh để làm thụ tinh nhân tạo. Con lai đã thể hiện ưu thế rõ về tầm vóc, khả năng sinh trưởng, năng suất thịt và sữa và cao hơn nhiều so với trâu địa phương. Hiện nay Phi-lip-pin đã thành lập Ngân hàng gen với các dạng tinh đông lạnh, phôi được tạo ra từ những cá thể đặc biệt hoặc ở các nhóm giống tốt khác nhau phục vụ cho công tác cải tiến di truyền nâng cao chất lượng đàn giống và khả năng sản xuất của đàn trâu địa phương (Cruz, 2006). Trung Quốc là quốc gia rất thành công trong việc tạo giống mới thông qua lai tạo giữa trâu sông và trâu đầm lầy địa phương. Để tạo giống trâu sữa mới của Trung Quốc họ đã tiến hành song song hai công việc: + Nuôi, chọn lọc, nhân thuần hai giống trâu sông nhập nội là Murrah và Nili-Ravi qua 4 thế hệ tại Trung Quốc. + Đồng thời sử dụng trâu đực Murrah và Nili-Ravi lai cấp tiến với trâu cái đầm lầy địa phương đến 3-4 thế hệ (con lai có 87,5-93,75% máu trâu Murrah hoặc Nili- Ravi). + Bước tiếp theo là cho giao phối giữa trâu Murrah và Nili-Ravi thuần với trâu lai cấp tiến Murrah và Nili-Ravi, ổn định chỉ tiêu sản xuất qua các thế hệ tiếp theo tạo giống trâu sữa Trung Quốc (Zhang Chunxi, 2006). Lai 3 máu Trong lai tạo trâu sông với trâu đầm lầy, người ta có thể nâng dần tỷ lệ máu trâu sông ở các thế hệ lai tiếp theo với phương pháp lai cấp tiến, đến một mức độ nhất định sẽ cố định bằng cách tự giao. Tuy nhiên muốn tận dụng những ưu thế của một giống trâu khác và kết hợp được nhiều ưu điểm của nhiều giống trong con lai, đồng thời nâng cao khả năng sản xuất, người ta có thể lai 3 máu. Trung quốc là ví dụ điển hình, chiến lược phát triển trâu của Trung Quốc là sử dụng các giống trâu sông như Murrah, Nili-Ravi lai với trâu đầm lầy địa phương tạo trâu lai kiêm dụng sữa thịt. Họ đã rất thành công với con lai 3 máu giữa trâu Murrah và trâu địa phương với trâu Nili-Ravi đã cho sản lượng sữa và tỷ lệ thịt cao hơn nhiều so với trâu đầm lầy địa phương (Liang Xian-wei và CS, 2004). Các bước tiến hành để tạo con lai 3 máu gồm hai công đoạn: Tiến hành lai giữa trâu đực Murrah với trâu cái đầm lầy địa phương tạo con lai F1 (50% máu Murrah), Sử dụng trâu đực Nili-Ravi phối với trâu lai F1 (50% máu Murrah) tạo con lai có 50% máu Nili-Ravi, 25% máu Murrah và 25% máu trâu đầm lầy địa phương. Khi có con lai 3 máu, người ta tiếp tục sử dụng trâu đực Nili-Ravi phối với trâu lai trên, con lai 3 máu có tỷ lệ máu trâu Nili-Ravi 87,5-93,75%, máu trâu Murrah 3,125- 6,25% và máu trâu đầm lầy địa phương 3,125-6,25%. Con lai 3 máu đã cho khả năng sản xuất cao hơn so với con lai hai máu. Hiện nay con lai 3 máu đang phát triển với số lượng khá lớn ở Trung Quốc, phục vụ phát triển ngành sữa của các địa phương (Zhang Chunxi, 2006). TÀI LIỆU THAM KHẢO Aleko Alexiev. 1998. The water buffalo. St Kliment Ohridski University Press, Sofia. Antonio Borghese, Marco Mazzi, Gianluca Neglia. 2006. Genetic Improvement strategies in Buffalo. Proceedings of the fifth Asian Buffalo Congress held in Nanning, China, 18-22 April, 2006, pp 1-14. Cockril, W. R 1974. The husbandry and health of the domestic buffalo. Food and Agriculture Organization of the United Nations. Rome, 1974. Charan Chantalakhana and Pakapun Skunmun. 2002. Sustainable Smallholder Animal Systems in the Tropics. Kasetsart University Press, Bangkok, Thailand, 302p. Liang Xian-wei, Yang Bing-zhuang, Zhang Xiu-fang, Zou Cai-xia and Huang You-jun. 2004. Progress of scientific research on buffalo in China. Proceedings of the 7th World Bufalo Congress, Manilla, Philippines, Vol 1, pp 29-34. Libertado C. Cruz. 2006. Buffalo development in the Philippines: current situation and future trends. Proceedings of the 5 th Asian Buffalo Congress held in Nanning, China, 18-22 April, 2006, pp 28- 44. Mai Văn Sánh.1996. Khả năng sinh trưởng, sinh sản, cho sữa thịt của trâu Murrah nuôi ở Sông Bé và kết quả lai tạo với trâu nội. Luận án PTS nông nghiệp. Mai Văn Sánh. 2005. ảnh hưởng của chọn lọc đàn trâu cái và sử dụng trâu đực ngoại hình to làm giống đến khối lượng sơ sinh và sinh trưởng của nghé. Tạp chí Chăn nuôi, số 11-2005. Sethi, R. K. and Sikka, P 2006. Genetic improvement of Indian buffaloes. Proceedings of the 5 th Asian Buffalo Congress held in Nanning, China, 18-22 April, 2006, pp 120-130. Triwulanningsih, E., Situmorang, P., Sianturi, R.S.G., and Kusumaningrum, D. A. 2005. Buffalo in Indinesia. Paper presented at National Buffalo Conference, 1-3 Dec., 2005. Yadav, M. P. 2004. Prospects of improving buffalo production in India. Proceedings of The 7 th World Buffalo Congress held in Makaty City, Philippines, 20-23 October, 2004, pp63-69. Zhang Chunxi. 2006. The model of Chinese buffalo breeding. Proceedings of the fifth Asian Buffalo Congress held in Nanning, China, 18-22 April, 2006, pp 166-185./. . của chăn nuôi trâu khu vực, châu lục và thế giới. Ấn Độ, Pa-ki-stan, Bun-ga-ri, I-ta-lia, Bra-xin, Vê-nê-du-ê-la, Trung Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin .v.v. là những nước đã khá thành công trong. làm công tác cải tạo khả năng sản xuất trâu địa phương. Các nước như Ru-ma-ni, A-zec-bai-zan, Gioc-gia… Người ta đã sử dụng trâu đực Murrah Bun-ga-ri để lai với trâu cái địa phương (cũng là trâu. triển. I-ta-li-a không làm công tác lai tạo trâu mà chỉ có chọn lọc nhân thuần để cải tiến di truyền nâng cao năng suất đàn trâu sữa của họ (Alexiev, 1998). Công tác chọn lọc bắt đầu tiến hành

Ngày đăng: 27/06/2014, 05:20

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan