III. Những hạn chế, thách thức và bài học kinh nghiệm trong tiến trình hội nhập ASEAN của Việt Nam
2. Thách thức
Trong 17 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng tham gia rộng rãi vào tất cả các cơ chế hợp tác và có nhiều đóng góp quan trọng với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề và mục tiêu chung của ASEAN.17 năm là một khoảng thời gian đủ dài để có thể nhìn lại quá trình tham gia hợp tác ASEAN một cách toàn diện nhằm tổng kết và đánh giá chính sách và sự tham gia hợp tác ASEAN của ta; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình là thành viên của tổ chức khu vực này.
Bên cạnh những kết quả tốt đẹp của nhiều năm tham gia hợp tác ASEAN, một số vấn đề vẫn còn tồn tại, và một số vấn đề mới nảy sinh sẽ tiếp tục thách thức sự tham gia và hội nhập của Việt Nam trong ASEAN.
Về kinh tế, việc thực hiện AFTA, vốn đã không dễ dàng giữa các nước thành viên là cựu của ASEAN, sẽ càng khó khăn thêm với các nước thành viên mới, trong đó có Việt Nam. Hội nghị Bộ trưởng thương mại các nước ASEAN họ ở Singapore tháng 4 năm 1996 đã đi đến sự nhất trí chung là phần lớn hàng hoá của khu vực sẽ có mức thuế từ 0 đến 5% vào thời điểm hoàn tất AFTA, và có "nương nhẹ" hơn đối với một số mặt hàng nông sản nhạy cảm như gạo mà thời hạn cuối cùng thực hiện giảm thuế có thể kéo dài đến năm 2010. Nhưng cũng không phải tất cả các nước thành viên đều sẵn sàng chấp nhận thời hạn đó. Indonesia, với sự ủng hộ của Philippines sau đó đã đề nghị kéo dài thời hạn cho các mặt hàng nông sản đến năm 2020. ASEAN đã phải tiến hành đàm phán, thương lượng một số vòng để đạt được
sự nhất trí trong nội bộ, và cuối cùng cả hai nước (Indonesia và Philippines) đều đồng ý trở lại thời hạn ban đầu là 2010 với điều kiện có sự linh hoạt đối với vấn đề mức thuế cuối cùng. Điều đó cũng cho thấy trong các nước ASEAN vẫn còn những ý kiến khác nhau cề thời hạn thực hiện AFTA. Một số nước muốn thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện AFTA vào năm 2000 chứ không phải 2003 nữa, trong khi một số nước còn ngần ngại, muốn bảo lưu một số mặt hàng... chưa nói đến khả năng rút ngắn thời hạn thực hiện AFTA, thì việc thực hiện đúng tiến trình đã là thách thức đối với Việt Nam, vì chính trong việc thực hiện AFTA của Việt Nam cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế. Đánh giá tiến trình thực hiện AFTA đó ông Trần Xuân Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết: "Về mặt tổ chức và triển khai thực hiện CEPT của Việt Nam thời gian quan có thể nói rằng việc hợp tác thực hiện chưa được hiệu quả, còn mang tính bị động, đối phó... Cho đến nay mới chỉ có các cơ quan cấp Bộ, ngành tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến AFTA, còn các doanh nghiệp hầu như vẫn đứng ngoài cuộc". Bên cạnh đó, "để thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam bắt đầu từ năm 1998, thì thời gian còn lại cho các doang nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ, làm quan dần với mô trường cạnh tranh... là quá ngắn ngủi".
Một cơ hội cho việc mở rộng hợp tác kinh tế của Việt Nam trong khu vực, đồng thời cũng lại là một thách thức mới đối với Việt Nam là trong chiến lược phát triển của ASEAN "tầm nhìn ASEAN 2020", điểm quan trọng là mục tiêu tiến tới khu vực mậu dịch tự do ASEAN mở rộng hay khu vực kinh tế ASEAN (AER), theo đó sau năm 2003, các loại thuế và những biện pháp bảo hộ khác sẽ được xoá bỏ hoàn toàn.
Qua nhiều năm tham gia trực tiếp vào các hoạt động hợp tác khác nhau của ASEAN, đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của Việt Nam đã có những bước tiến bộ vượt bậc về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, làm quen dần với phương thức hợp tác trong ASEAN. Tuy nhiên, việc đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn lực nói chung vẫn đòi hỏi phải có nhiều cố gắng để có thể đáp ứng những bước đi tiếp theo khó khăn và phức tạp hơn trong hợp tác ASEAN.
Về an ninh khu vực, ASEAN vốn được biết đến với những nguyên tắc hoạt động đã trở thành tượng trưng cho tổ chức như nguyên tắc nhất trí, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng... Với ASEAN - 10 và những diễn biến gần đây ở Campuchia, những nguyên tắc trên dường như đang bị thử thách. Với 10 nước thành viên rất khác nhau về diện tích, dân số, trình độ phát triển, thể chế chính trị, tôn giáo... tính đa dạng của ASEAN về các mặt kinh tế chính trị, văn hoá và lợi ích an ninh... càng lớn và điều đó không khỏi tác động đến quá trình phát triển tiếp theo của ASEAN như: sự phức tạp hơn để đạt được sự nhất trí ASEAN về những vấn đề kinh tế, an ninh, sự dung hoà giữa các lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực, những thời hạn khác nhau về thực hiện AFTA, những khả năng khác nhau trong tham gia vào các hoạt động chung của ASEAN... Sự phức
tạp đó cũng chính là điều mà Việt Nam cần phải lưu ý xử lý trong tương lai liên quan đến việc giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ ASEAN.
Sau khi những sự kiện xảy ra đầy tháng bảy vừa qua ở Campuchia, có thể nói nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN đang bị thử thách mạnh mẽ nhất. Ngoài sự theo dõi, chờ đợi phản ứng của ASEAN từ bên ngoài, trong nội bộ ASEAN, những cuộc tranh luận cũng đã mở ra. Khá nhiều quan chức và các nhà học giả ASEAN đặt ra vấn đề ASEAN cần phải có "chính sách can thiệp xây dựng" hay "can thiệp với đặc điểm ASEAN, với cách của ASEAN" ở Campuchia, và đó là điều cần phải làm vì những gì xảy ra hôm nay ở Campuchia có thể xảy ra tương tự trong tương lai ở một nước thành viên hay láng giềng khác của ASEAN. Tuy nhiên, dù là "can thiệp xây dựng" hay "can thiệp với cách của ASEAN, với đặc điểm ASEAN" thì vẫn không tránh được những từ "can thiệp" hay "dính líu". vấn đề đặt ra ở đây là cách tiếp cận của ASEAN và thái độ của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, sẽ như thế nào đối với những nguyên tắc hoạt động của ASEAN trong tương lai ? Liệu có phải ASEAN đang chuyển mình để có những bước đi có tính quyết định hơn, có tổ chức hơn và đóng vai trò lớn hơn ?
Trình độ phát triển kinh tế còn thấp, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nhất là các ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn yếu, tham gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới là phải đương đầu với cạnh tranh gay gắt với những đối thủ mạnh hơn ta nhiều lần cả trong thị trường nội địa lẫn thế giới. Đó là những khó khăn và thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện các cơ chế của một nền kinh tế thị trường đang trong quá trình hình thành ở nước ta. Hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện. Nhiều chính sách luật lệ liên quan đến mở cửa thị trường và điều tiết quan hệ kinh tế đối ngoại còn thiếu hoặc chưa phù hợp với qui định và thông lệ quốc tế.
Yếu tố cơ bản quyết định thành công của hội nhập kinh tế quốc tế, suy cho cùng là nội lực của một quốc gia, là hiệu quả và sức cạnh tranh của một nền kinh tế. Trong khi đó, trình độ của cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ của ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu do quá trình hội nhập đề ra. Chúng ta chưa có được đội ngũ cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ và năng lực quản lý, hiểu rõ về các đối tác và phong tục tập quán của họ để phản ứng nhanh trước các vấn đề về hội nhập. Mặt khác, tuy có lợi thế về nhân công rẻ, lực lượng nhân công dồi dào nhưng trình độ tay nghề còn thấp đội ngũ công nhân lành nghề chưa cao… Đó cũng là bất lợi lớn cho Việt Nam.
Việt Nam hội nhập kinh tế trong điều kiện chưa có một hệ thống thông tin hiện đại, mạng lưới thu thập thông tin quốc tế một cách linh hoạt, kịp thời với những thay đổi của kinh tế thị trường cũng như yêu cầu của hội nhập.
Nhận thức đầy đủ về những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như vai trò và tầm quan trọng của nó trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước là điều có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở chỉ đạo định hướng cho các hoạt động trong hội nhập kinh tế quốc tế.