Khái niệm ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bình Phương (Trang 77)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2.1 Khái niệm ngôn ngữ thơ

Ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy, là phương tiện trực tiếp của tư duy. Ngôn ngữ gắn liền với hoạt động lời nói, hoạt động của tư duy con người. Trong văn học, ngôn ngữ là chất liệu để xây dựng hình tượng, thông qua hình tượng để phản ánh hiện thực đời sống khách quan. Thông qua ngôn ngữ, quá trình tư duy được tái hiện, văn học có thể khắc họa chân dung tinh thần của con người, phản ánh bất kì một phương diện nào của đời sống hiện thực, có khả năng thực hiện chức năng nhận thức.

Ngôn ngữ thơ là một loại hình ngôn ngữ đặc biệt, là ngôn ngữ sáng tạo thể hiện tư duy nghệ thuật của nhà thơ, là chất liệu để xây dựng thế giới nghệ thuật thơ. Ngôn ngữ thơ cũng như ngôn ngữ văn xuôi đều được người nghệ sĩ khai thác từ vỉa quặng ngôn ngữ đời sống. Từ vốn ngôn ngữ ấy, nhà thơ tiếp thu và sáng tạo thứ ngôn ngữ của riêng mình. Do đó, ngôn ngữ thơ vừa có cái chung vừa có cái riêng, vừa mang dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ vừa mang đặc trưng chung của ngôn ngữ toàn dân. Ngôn từ nghệ thuật với đặc trưng của nó có một khả năng vô cùng lớn. Bằng ngôn từ- một thứ chất liệu phi vật thể, người nghệ sĩ không chỉ tái hiện được đời sống đa dạng mang tính tạo hình mà còn mở ra chân trời tưởng tượng vô cùng phong phú của tác giả về thế giới tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người, từ đó tác động đến người đọc, người nghe, đem đến những rung động sâu xa, liên tưởng, tưởng tượng phong phú trong tâm hồn độc giả.

Ngôn ngữ thơ không chỉ là phương tiện của tư duy nghệ thuật mà còn là mục đích của sáng tạo nghệ thuật. R. Jacobson ở bài viết Đặc trưng ngữ pháp thơ in trong cuốn Ngôn ngữ học và thi pháp học cho rằng thơ ca là một dạng tổ chức ngôn từ đặc thù. Tính thơ- tiêu chuẩn thẩm mĩ phân biệt thơ và văn xuôi được Jacobson xác định là cái mà “Trong đó, từ được cảm nhận là từ

mà không phải giản đơn là cái thay thế vật được gọi tên cũng không phải là sự bùng nổ của cảm xúc. Trong đó, các từ và cú pháp, ý nghĩa, hình thái bên ngoài và bên trong của chúng không phải là những biểu thị vô tình về hiện thực mà chúng trọng lượng và giá trị đặc thù của chúng”. Nhà thơ nào cũng viết đè một “phương ngữ” cá nhân lên bản ngữ cộng đồng. Anh ta sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ thường ngày hay nói đúng hơn là anh ta tạo ra một hiện thực khác so với hiện thực quen thuộc. Ngôn ngữ thơ bẻ gãy quán tính máy móc của thói quen suy nghĩ và nhìn nhận thường nhật. Nhà thơ là người luôn giữ được con mắt và trái tim trẻ thơ, anh ta “bập bẹ” nói bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trước thường nhật. Cấu trúc cú pháp của thơ cũng khác so với cấu trúc ngữ pháp của văn xuôi. Thơ mang hình thức của “múa”, quay vòng trở lại bước khởi phát còn truyện kể là “đi”. Khi phân tích ngữ pháp trong thể loại văn xuôi, yêu cầu miêu tả khách thể đòi hỏi rất thường xuyên và nghiêm túc, dù có dẫn tới hình tượng và mang lại sắc thái biểu cảm cho tác phẩm thì việc tôn trọng thế giới khách thể vẫn là yếu tố quan trọng đầu tiên còn cấu trúc cú pháp câu thơ khó phân tích theo nguyên tắc logic của ngữ pháp thông thường như trong văn xuôi.

Nói như Bakhtin: thơ ca “biểu hiện mình bằng ngôn ngữ một cách trực tiếp và trực diện”, ngôn ngữ nhà thơ là ngôn ngữ của anh ta “anh ta làm chủ triệt để nó và không chia sẻ, sử dụng từng hình thái, từ ngữ theo mục đích trực tiếp”, tức là như “những biểu hiện thuần khiết và trực tiếp ý đồ của mình”, “anh ta hoàn toàn ở trong ngôn ngữ ấy”. Nhà thơ chỉ tiếp cận ngôn ngữ từ bên trong khi dùng nó thực hiện chủ ý của mình, trên nền ngôn ngữ sẵn có, nhà thơ tìm cách biểu đạt khác, võ đoán về cùng một đối tượng. Định nghĩa của Sartre đã tôn vinh nhà thơ- người sánh vai với Chúa sáng tạo ra ngôn ngữ: “Văn xuôi thuộc phe con người, thơ ca thuộc phe Thượng đế”. Nhà phê bình Đào Duy Hiệp cũng khẳng định tính sáng tạo của ngôn ngữ thơ:

“Nếu coi mỗi bài thơ là một từ vựng (vocabularie)- cái biểu đạt để định danh cái được biểu đạt thì tính cách võ đoán của mỗi “từ-vựng-thơ” tùy thuộc và tiếng lòng chủ quan của nhà thơ”. Tuy vậy, không phải không có những nguyên tắc nhất định đối với ngữ pháp thơ. Nguyễn Phan Cảnh trong cuốn

Ngôn ngữ thơ đã chỉ ra hai thao tác cơ bản trong hoạt động ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ thơ ca nói riêng là phương pháp lựa chọn và kết hợp. Trong quá trình sáng tạo, nhà thơ phải biết lựa chọn ngôn từ phục vụ cho sự biểu đạt nội dung một cách hiệu quả đồng thời phải kết hợp, sắp xếp các kí hiệu ngôn ngữ trong một hệ thống cấu trúc hợp lí nhất để đem đến hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bình Phương (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)