Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Trang 89)

Để có thể đưa ra các biện pháp điều tiết thị trường kinh doanh xăng dầu một cách hiệu quả, Nhà nước cần xác định việc can thiệp vào thị trường kinh doanh xăng dầu ở mức độ nào và thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thị trường này. Nhà nước cần tránh tình trạng quy định hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, đưa xăng dầu ra khỏi Luật Giá, nhưng chính Nhà nước lại đóng vai trò định giá sản phẩm xăng dầu trên thị trường. Nếu thị trường kinh doanh xăng dầu chưa có được sự cạnh tranh lành mạnh thực sự, Nhà nước có cơ sở để can thiệp thông qua các biện pháp điều tiết nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ phúc lợi của người tiêu dùng thông qua điều tiết về mức giá, về chất lượng dịch vụ và về quy định gia nhập - rút lui khỏi hoạt động kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên cần đảm bảo được sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường.

Bàn về thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh, ở một số nước khác, cơ quan quản lý cạnh tranh được trao cho những thẩm quyền đủ để họ có thể điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh một cách độc lập, ví dụ như ở Pháp, cơ quan quản lý cạnh tranh có thẩm quyền từ việc điều tra đến xét xử. Bên cạnh đó, ý kiến tư vấn của cơ quan này cũng rất được coi trọng, thậm chí là trong quá trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật thì ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý cạnh tranh là thủ tục bắt buộc phải có. Nhìn lại thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh ở Việt Nam, căn cứ vào Quyết định số 848/QĐ-BCT ngày 05/02/2013 của Bộ Công thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý cạnh tranh, Cục

Quản lý cạnh tranh là cơ quan thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối phó với các vụ kiện trong thương mại quốc tế liên quan đến bán phá giá, trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy định trên thì dường như Cục Quản lý cạnh tranh được trao cho rất nhiều quyền hạn. Tuy nhiên, việc trao cho một cơ quan như trên rất nhiều nhiệm vụ khó, phức tạp trong khi chưa có các kế hoạch, chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng đủ để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ việc mang tính quốc tế đã khiến cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý cạnh tranh gặp nhiều khó khăn. Trong những năm vừa qua, dường như thấy vai trò quản lý nhà nước của Cục Quản lý cạnh tranh được thể hiện rõ ràng hơn so với vai trò là một cơ quan thụ lý, điều tra, xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Một trong số các nguyên nhân chính là do Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, người đứng đầu cơ quan này do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Còn đối với Hội đồng cạnh tranh, căn cứ quy định tại Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 của Chính phủ, Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập, có chức năng xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, các thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương)[11]. Như vậy, Hội đồng cạnh tranh vẫn chưa có sự độc lập một cách hoàn toàn khỏi cơ quan quản lý nhà nước – điều kiện để đảm bảo sự công bằng, vô tư của một cơ quan thực hiện chức năng tài phán. Mặt khác, hiện nay, các thành viên của Hội đồng cạnh tranh đều là thành viên kiêm nhiệm và đều công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước (chủ yếu là Bộ Công thương). Vì vậy, việc đảm bảo sự độc lập của Hội đồng cạnh tranh là rất khó khăn.

Thực tế trên cho thấy, để có thể nâng cao hiệu quả hoạt dộng của các cơ quan quản lý cạnh tranh, cần phải xây dựng mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh được trao cho đủ quyền hạn để điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh một cách độc lập. Mô hình thích hợp nhất để thỏa mãn yêu cầu này đó là cơ quan quản lý cạnh tranh phải là cơ quan ngang Bộ, đồng thời không tách thành cơ quan quản lý cạnh tranh riêng và Hội đồng cạnh tranh riêng. Một số ý kiến cho rằng, việc tách thành cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh sẽ đảm bảo được sự độc lập trong quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, cả hai cơ quan đều thiếu sự độc lập đối với nhau và đối với các cơ quan Nhà nước khác trong quá trình tố tụng cạnh tranh, do đó việc tách thành hai cơ quan riêng rẽ như hiện nay chưa mang lại hiệu quả thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường hiệu quả.

Một phần của tài liệu Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (Trang 89)