Kết quả chung
Kết quả nghiên cứu ở biểu đồ 3.11, bảng 3.26, 3.33 thấy đa số BN có kết quả tốt, không phụ thuộc phương pháp điều trị. Tác giả Nguyễn TP Mai (2009) cho rằng kết quả tốt chiếm đến 92,7%, số còn lại là trung bình (7,2%). Tương tự, Ooi (2014) thấy số BN có kết quả xấu chỉ chiếm 3,4%.
Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Haluk (2006) thấy số BN kết quả tốt đến 100%. Tuy nhiên khảo sát của tác giả này trên nhóm mẫu nhỏ (11 BN), đồng thời u có kích thước nhỏ. Theo các tác giả Gardner (1996), Robert (2001), Infante (2013), để kết luận hiệu quả điều trị u NBM xương hàm, cần theo dõi BN trong thời gian đủ dài, nhằm đánh giá tái phát, di căn.
Vấn đề tái phát
Theo Yi Li (2012), tiên lượng bệnh liên quan chủ yếu đến phương pháp điều trị. Can thiệp bảo tồn thường có tiên lượng xấu hơn so với triệt để. Tuy nhiên, chúng tôi thấy 1 BN được điều trị bảo tồn có tái phát, và được mổ triệt để sau đó. Theo dõi 12 tháng, tất cả BN không có bất thường.
Nhìn chung, u này khi điều trị bảo tồn có nguy cơ tái phát cao hơn (11,7%- 60%) so với triệt để (0%-25,7%). Chúng tôi nhấn mạnh rằng cắt đoạn xương hàm nên áp dụng cho u to, đồng thời nên tránh sót u. Vì theo Escande (2009), tái phát có thể xảy ra ngay trong mãnh ghép tái tạo xương hàm nếu chưa lấy sạch u, đặc biệt khi xâm lấn màng xương.
Bên cạnh đó, nhiều thầy thuốc đề nghị điều trị bảo tồn trước, sau đó chấp nhận mổ lấy phần u tái phát. Infante (2013) thấy nhiều BN được mổ u tái phát đến 40 lần. Cần lưu ý rằng điều này chỉ thích hợp với những trung tâm y khoa tại những nước tiên tiến như Pháp, nơi có thể theo dõi BN dễ. Ngược lại, những thầy thuốc thuộc nước đang phát triển, điều trị theo hướng triệt để ngay thì đầu nhằm giảm tái phát, vì khó theo dõi bệnh.
Chúng tôi nhận thấy rằng tại Việt Nam, việc can thiệp đạt hiệu quả cao nhất khi áp dụng hai phương pháp này một cách thích hợp. Theo dõi là một trong những nguyên tắt cần tuân thủ chặc chẽ, liên tục nhằm phát hiện và can thiệp các trường hợp tái phát, mang lại kết quả tốt nhất cho BN.