6. Giả thuyết khoa học của đề tài
2.1. Thực trạng trong việc áp dụng phương pháp thực nghiệm trong
dạy học Vật lí nhằm phát huy tính tích cực và tự lực của học sinh tại Bắc Giang.
Qua việc trực tiếp giảng dạy chương trình Vật lí Trung học phổ thông theo sách giáo khoa mới, đồng thời tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về việc thay sách. Cùng với việc dự giờ, trao đổi với giáo viên dạy Vật lí tại thành phố Bắc Giang chúng tôi đã rút ra một số nhận xét như sau:
Những thành công bước đầu:
1. Toàn bộ các giáo viên được hỏi đều cho biết đã được bồi dưỡng về phương pháp thực nghiệm trong quá trình học tập, tự nghiên cứu hoặc trong các chu kì bồi dưỡng thường xuyên.
2. Một số giáo viên đã sử dụng phương pháp thực nghiệm trong bài giảng của mình và bước đầu thu được những kết quả nhất định về kinh nghiệm cũng như gây được hứng thú cho học sinh trong học tập.
3. Nhiều giáo viên thể hiện là người thường xuyên tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh theo các phương pháp dạy học mới. Việc làm này bước đầu đã khắc phục được lối truyền thụ một chiều, giáo viên đã cố gắng tự bồi dưỡng về năng lực chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy để đáp ứng mục tiêu dạy học mới.
4. Có bộ thí nghiệm gắn liền với nội dung sách giáo khoa. Phần lớn các thí nghiệm có thể do học sinh trực tiếp làm, cả trong khâu xây dựng kiến thức
mới cũng như vận dụng kiến thức đã học. Thiết bị đơn giản, dễ sử dụng, có hiệu quả rõ rệt, gây hứng thú cho học sinh, kích thích được tính tò mò ham hiểu biết của học sinh.
5. Học sinh đã mạnh dạn tự chủ hơn trong quá trình nhận thức. Thông qua các hoạt động, học sinh đã phát huy được tính sáng tạo của bản thân, đã có thái độ tích cực, tự lực trong học tập và làm việc hào hứng, nghiêm túc hơn trước.
Những hạn chế:
- Tuy rằng tất cả giáo viên đều đã được tập huấn tinh thần chỉ đạo của việc đổi mới phương pháp dạy học trong đó có phương pháp thực nghiệm, tuy nhiên nhiều giáo viên chưa hiểu rõ nên còn lúng túng khi áp dụng các hình thức tổ chức hoạt động học tập của học sinh và họ cũng chưa có khả năng tổ chức các hoạt động đó theo đúng như tinh thần mới. Nhiều giáo viên còn làm thay các hoạt động học tập của học sinh như đề xuất dự đoán, đề xuất phương án, làm thí nghiệm kiểm tra và thông báo kiến thức cho học sinh, thậm chí có giáo viên còn đặt câu hỏi nêu vấn đề sau đó giáo viên tự trả lời .Cũng có nhiều giáo viên thường xuyên tổ chức cho học sinh thực hiện một số hoạt động học tập nhưng đó là những hoạt động quen thuộc như nêu câu hỏi cho học sinh trả lời, quan sát các hiện tượng quen thuộc trong tự nhiên, thí nghiệm và áp dụng kiến thức. Đặc biệt hầu hết giáo viên thường cho học sinh nghiên cứu sách giáo khoa, tự làm thí nghiệm và tự trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa chứ không tạo điều kiện cho học sinh hoạt động thảo luận nhóm để đề xuất dự đoán, lập phương án làm thí nghiệm kiểm tra và thảo luận kết quả thí nghiệm. Giáo viên cũng ít cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh độc lập suy nghĩ, chủ động thực hiện các hoạt động học tập. Giáo viên chưa chú ý đến việc hướng dẫn học sinh thu thập và xử lí thông tin, chưa chú ý đến việc rèn luyện khả năng dự đoán, đề xuất phương án thí nghiệm kiểm tra. Chưa chú
ý đến việc hướng dẫn học sinh xử lí thông tin và từ đó học sinh có thể tự rút ra các kết luận cần thiết cho vấn đề cần nghiên cứu.
- Nhìn chung học sinh chưa có phương pháp học khoa học. Cách học của học sinh là học thụ động, học vẹt, học gạo từng chữ, từng câu, từng phần. Đặc biệt kĩ năng thực hành thí nghiệm kém, khả năng xử lí kết quả thí nghiệm một cách định lượng còn yếu, dù chỉ yêu cầu ở mức độ rất đơn giản. Đối với học sinh Trung học phổ thông tuy rằng đang bước đầu làm quen dần với cách học mới nhưng học sinh vẫn luôn chờ đợi sự gợi ý giảng giải của giáo viên, học sinh sẽ ngừng hoạt động nếu giáo viên ngừng hướng dẫn. Một số học sinh có chú ý quan sát, theo dõi các hiện tượng, suy nghĩ trả lời các câu hỏi và hăng hái phát biểu kiến thức, vận dụng kiến thức nhưng ngược lại việc thực hiện các hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức thì chưa quen nên hầu như không thực hiện được. Chẳng hạn, các hoạt động như thảo luận nhóm để đề xuất dự đoán, lập phương án và tiến hành thí nghiệm, thảo luận về các kết quả thí nghiệm thì đa phần học sinh chưa quen hoặc biết mà không nói
Trên cơ sở những thành công bước đầu và những hạn chế đã nêu trên đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục phải suy nghĩ cùng nhau bàn bạc và đưa ra biện pháp hữu hiệu, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên có thể từng bước thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình mới, tạo một bước đột phá trong dạy học là tăng cường tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh với nhiều biện pháp linh hoạt, thích hợp trong từng điều kiện cụ thể để từng bước nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng với mục tiêu mới mà thực tiễn giáo dục đề ra. Và cũng với mục tiêu đã nêu trên chúng tôi đề xuất tiến trình dạy học theo phương pháp thực nghiệm một số kiến thức thuộc phần “Điện từ học” sách Vật lí 11 nâng cao.