Bunraku – Nghệ Thuật Kịch Rối Độc Đáo

Một phần của tài liệu TÌN HIỂU NỀN VĂN HOÁ NHẬT BẢN (Trang 36)

Bunraku là nghệ thuật kịch rối chuyên nghiệp của Nhật Bản. Giống như kịch kabuki, bunraku là một hình thức nghệ thuật lâu đời, do tầng lớp thị dân phát triển trong thời kỳ Edo (1603-1867). Từ bunraku có nguồn gốc tương đối mới. Trong số nhiều nhà hát rối của thời kỳ Edo, duy nhất chỉ có Bunraku-za, do Banrakuken Uemura lập nên vào đầu thế kỷ 19 ở Osaka, hoạt động hiệu quả về mặt thương mại trong xã hội Nhật hiện đại, và bunraku trở nên có nghĩa là “kịch rối chuyên nghiệp”.

Biểu diễn bunraku bao gồm 4 yếu tố: các con rối bằng một nửa hoặc 2/3 kích thước người thật; chuyển động của các con rối do những người điều khiển đảm trách; tiếng nói của các nhân vật do một người kể chuyện galtọi là tayu phụ trách; và âm nhạc do một người chơi loại đàn 3 dây gọi là shamisen. Để tăng tính phức tạp, mỗi con rối trong vai các nhân vật chính do 3 người điều khiển.

Rối bunraku không phải được điều khiển bằng dây. Người điều khiển chính dùng tay và bàn tay trái đỡ con rối, đồng thời điều khiển cơ cấu kiểm soát chuyển động của mí mắt, nhãn cầu, lông mày và miệng; còn dùng tay phải điều khiển tay phải của con rối. Người trợ lý thứ nhất chỉ phụ trách điều khiển tay trái con rối trong khi người trợ lý thứ 2 điều khiển 2 chân của con rối.Những người điều khiển các con rối thường mặc quần áo đen, chỉ người điều khiển chính để hở mặt còn các trợ lý thậm chí chụp kín đầu để trở nên “vô hình” trong mắt khán giả. Một người tayu phải lồng tiếng cho tất cả các con rối trên sân khấu, bao gồm cả nhân vật đàn ông, phụ nữ lẫn trẻ em, nên giọng nói phải có âm vực rộng.

Một đặc điểm nổi bật về âm thanh trong bunraku là tiếng nhạc trầm du dương của đàn shamisen, trái ngược với âm thanh cao của đàn shamisen tenor trong kịch kabuki. Trong kịch kabuki có thể sử dụng giàn nhạc gồm 10 đàn shamisen trở lên nhưng trong bunraku thông thường chỉ có một nhạc công mà thôi. Trong bunraku, chuyển động của các con rối phải khớp với câu chuyện kể của tayu và âm thanh đàn shamisen. Nhạc công chơi shamisen thông thường là người quyết định tốc độ kể chuyện và thời gian đối với hành động của con rối.

Về lịch sử của nghệ thuật rối Nhật Bản, những sách đầu tiên có ghi lại là vào thế kỷ 11. Người ta cho rằng thậm chí trước đó, những thợ săn lang thang đã kiếm tiền thêm bằng cách dùng các con rối nhỏ diễn kịch mua vui tại các thị trấn. Về sau nhiều người định cư tại Sanjo trên đảo Awaji, nơi sinh ra ngành kịch rối chuyên nghiệp.

Trong thế kỷ 15 và 16, những người mù hát rong kể chuyện lịch sử thường dùng biwa, một loại đàn có nguồn gốc từ Ba Tư, gần giống valtới đàn tì bà của Việt Nam. Rồi cách kể chuyện thay đổi đáng kể vào thế kỷ 16 với sự phát triển của hình thức kể chuyện gọi là joruri. Cũng trong khoảng thời gian đó, đàn shamisen được đưa từ Okinawa đến Nhật Bản và được những người kể chuyện joruri ưa chuộng hơn đàn biwa. Trong khi đó, những người chơi shamisen sáng tác ra các khúc nhạc mới, có ảnh hưởng đến cách kể chuyện joruri. Sự phối hợp này là khởi nguồn của bunraku, tạo sự hấp dẫn cho tầng lớp thị dân, những người ở thang bậc thấp trong xã hội nhưng dần dần chi phối về kinh tế, nghệ thuật và văn hóa trong thời đại mới.

Vào giữa thế kỷ 17, nhà hát rối phát triển mạnh mẽ ở Osaka và Kyoto, nơi những người biểu diễn rối và người kể chuyện joruri có nhiều sáng tạo mới về nghệ thuật. Trong thời kỳ này, sự phối hợp giữa nghệ sĩ kể chuyện tài ba Takemoto Gidayu I ở Osaka và nhà viết kịch vĩ đại nhất thời kỳ Edo, ông Chikamatsu Monzaemon, đã góp phần chuyển bunraku từ một hình thức giải trí quần chúng thành nhà hát nghệ thuật. Vào thế kỷ 18,

nhiều kỹ thuật như chuyển động mí mắt và miệng được phát minh và hiện vẫn sử dụng trong bunraku ngày nay.

Có thể nói kịch kabuki và kịch rối bunraku có những mối liên hệ qua lại. Các diễn viên kabuki chịu altảnh hưởng bởi phong cách của những người kể chuyện trong bunraku và thậm chí bắt chước những điệu bộ được cách điệu hóa của các con rối. Ngược lại, nếu một sáng tạo nhất định trong kabuki làm khán giả vui thích, những người trong ngành bunraku sẽ đưa vào các tác phẩm của họ. Do bị kịch kabuki dần dần lấn át, bunraku trở nên suy sút từ nửa sau thế kỷ 18, tuy các nghệ sĩ biểu diễn đã đạt những đỉnh cao mới về nghệ thuật và kỹ thuật. Rồi trong bối cảnh người Nhật quay sang các hình thức nghệ thuật sân khấu phương Tây và phát triển nhà hát hiện đại riêng, bunraku không thể cạnh tranh thu hút khán giả. Sau thế chiến 2, bunraku bị lu mờ vì nhiều người Nhật xa rời những khía cạnh truyền thống trong văn hóa, và vào đầu thập niên 60, môn nghệ thuật này gần như trở nên không có giá trị thương mại.

Bunraku tồn tại được chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ cũng như việc thành lập Nhà hát quốc gia ở Tokyo và Nhà hát bunraku quốc gia ở Osaka. Bunraku hồi sinh như hiện nay là nhờ một xu hướng mới tôn trọng truyền thống trong thanh niên Nhật.

Một phần của tài liệu TÌN HIỂU NỀN VĂN HOÁ NHẬT BẢN (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(42 trang)
w