Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế đã xây dựng được hệ thống các chuẩn mực kế toán cơ bản có thể vận dụng được ở những quốc gia khác nhau trên cơ sở tiêu chuẩn hóa và hài hòa đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa hiện nay và đạc biệt là hài hòa, thống nhất trong việc trình bày các báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán quốc tế về hàng tồn kho IAS 2 được ủy ban chuẩn mực kế toán
quốc tế IASC soạn thảo ra đời với mục đích quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp hạch toán hàng tồn kho, gồm: xác định giá trị và kế toán hàng tồn kho vào chi phí; ghi giảm giá trị hàng tồn kho cho phù hợp với giá trị thuần có thể thực hiện được và phương pháp tính giá trị hàng tồn kho làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Nguyên vật liệu là tài sản của doanh nghiệp thuộc nhóm hàng tồn kho. Vì thế, việc kế toán NVL sẽ tuân theo những nguyên tắc và quy định về hạch toán hàng tồn kho.
Một số nội dung chính của IAS 2 về nguyên vật liệu:
+ Về phương pháp đánh giá nguyên vật liệu: Theo IAS 2, nguyên vật liệu được đánh giá theo giá gốc, trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá trị gốc thì tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Trong đó, giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kì SXKD, trừ đi chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng. Cụ thể như sau:
Giá gốc nguyên vật liệu nhập kho bao gồm: chi phí thu mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiệu quả.
Chi phí thu mua của nguyên, vật liệu bao gồm giá mua, các loại thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản trong quá trình mua hàng và các chi phí có liên quan trực tiếp đến việc mua vật liệu. Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng mua do hàng mua không đúng quy cách, phẩm chất được trừ khỏi chi phí mua.
+ Về phương pháp tính giá trị nguyên, vật liệu xuất, tồn kho, theo chuẩn mực gồm 4 phương pháp: phương pháp tính theo giá đích danh, phương pháp bình quân gia quyền, phương pháp nhập trước, xuất trước và phương pháp nhập sau - xuất trước (hiện nay phương pháp nhập sau – xuất trước đã bị loại bỏ) + Về việc lập dự phòng giảm giá: nguyên vật liệu là tài sản lưu động thuộc nhóm hàng tồn kho nên việc lập dự phòng giảm giá nguyên vật liệu cũng giống như lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Khi giá trị thuần có thể thực hiện
được của hàng tồn kho nhỏ hơn giá gốc thì phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được thực hiện trên cơ sở từng mặt hàng tồn kho.