Kinh doanh tiền tệ là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Do đó luôn đòi hỏi phải có đầy đủ pháp luật và sự ràng buộc cao về pháp lý. Hơn nữa trong chính sách, cơ chế của Nhà nước thay đổi đột ngột, trong thời gian ngắn làm cho các doanh nghiệp kinh doanh gặp phải rủi ro: Trước khi vay vốn của Ngân hàng thì hệ thống chính sách của Nhà nước phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng đột nhiên trong một thời gian ngắn mà khi doanh nghiệp chưa kịp kinh doanh thu lãi thì Nhà nước thay đổi chính sách làm cản trở quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hoá, gây
ứ đọng, không thu được lợi nhuận thì lấy đâu tiền mà trả cho Ngân hàng. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng cần phải có tiềm lực tài chính và môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng để hoạt động. Vì thế việc hoàn thiện các văn bản pháp lý quy định về trích lập và sử dụng quỹ dự phòng bù đắp rủi ro trong tín dụng, về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh và các thủ tục giải quyết tài sản thế chấp để thu hồi nợ phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Sự bất bình đẳng trong tồn tại giữa các Ngân hàng trong và ngoài quốc doanh về việc hạch toán vào chi phí các dự phòng rủi ro cũng phải được loại bỏ. Theo nghị định 59/CP, chỉ các Ngân hàng quốc doanh được hạch toán như vậy là không công bằng. Thực tế đã xảy ra ở Việt Nam cho thấy không chỉ Ngân hàng quốc doanh mà ngay cả các Ngân hàng ngoài quốc doanh cũng đều phải chịu rủi ro như nhau trong hoạt động kinh doanh của mình. Đã thế rủi ro tín dụng thường mang tính lan truyền, gây nguy cơ phá sản và đổ vỡ hàng loạt các tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, chính phủ cần quy định các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh cũng phải được trích quỹ DPBĐRR từ chi phí hoạt động của mình như đối với các NHTM quốc doanh. Điều này vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho hoạt động tín dụng Ngân hàng nói chung và VCB nói riêng.
Nhà nước cần xem xét điều chỉnh chiến lược xuất nhập khẩu, hạn chế đến mức tối đa việc nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng mà trong nước đủ năng lực sản xuất và cung ứng bình thường trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Có chính sách kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu lậu hàng hoá. Quan trọng nhất là kiểm tra chặt chẽ các cơ sở tiêu thụ hàng ngoại không có danh mục trong giấy đăng ký kinh doanh.
Cần tạo lập một môi trường pháp lý hoàn chỉnh cho các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để hoạt động. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tham gia tích cực vào các bộ luật khác về những phần có liên quan đến hoạt động Ngân hàng. Việc tạo môi trường pháp lý về thế chấp cần có tài sản hợp lý và đầy đủ là rất cần thiết, cần phải có luật sở hữu và nhất là khâu hoàn chỉnh giấy tờ dịch chuyển
sở hữu để có thể nhanh chóng phát mại tài sản thu hồi vốn khi doanh nghiệp thua lỗ. Yếu tố pháp lý của hợp đồng tín dụng phải thực hiện một cách đầy đủ, các cơ bản luật pháp phải bảo vệ quyền lợi trên cơ sở hợp đồng cho các bên. Trong tình trạng hiện nay nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hoàn thiện dần sự đổi mới và phát triển, vì vậy tất yếu phải có sự thay đổi về chính sách, điều này đôi khi có tác động đến hoạt động Ngân hàng. Vì vậy nhà nước cần có một hệ thống chính sách hợp lý, ổn định và đồng bộ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể phát triển sản xuất. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập thị trường quốc tế, thì cần phải có một chính sách về ngoại thương một cách kịp thời, đầy đủ để có thể đối phó được sự biến động của thị trường. Sự hoàn thiện các chính sách và môi trường pháp lý phải đảm bảo cho việc kinh doanh của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng theo hướng giới hạn an toàn và phân tán rủi ro. Khi đó chắc chắn chất lượng tín dụng sẽ được cải thiện và nâng cao thêm một bước quan trọng.