Điều kiện để phát triển dịch vụ Bao thanh toán tại BIDV hiện nay

Một phần của tài liệu ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP MỞ DỊCH VỤ BAO THANH TOÁN VÀ HOÀN THIỆN NGHIỆP VỤ THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA BIDV (Trang 25 - 28)

3.4.3.1. Điều kiện khách quan

Trong những năm gần đây, hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam có những chuyển biến tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng, qua đó góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Biểu hiện ở các chỉ tiêu như GDP luôn tăng trưởng với tỷ lệ cao: 7,08% năm 2002, 7,34% năm 2003, 7,69% năm 2004, năm 2005 GDP tăng 8,4% và năm 2006 là 8,17%.

Nghiệp vụ Factoring hay còn gọi là nghiệp vụ BTT hiện nay tuy còn khá mới mẻ đối với nhiều tổ chức và doanh nghiệp, nhưng cũng không còn xa lạ với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Sau một số bài báo giới thiệu về nghiệp vụ BTT như bài viết của ông Nguyễn Mạnh Dũng – Vụ các ngân hàng đăng trên Thị trường tài chính tiền tệ số tháng 7.1999, rồi bài viết của TS. Nguyễn Văn Hà đăng trên tạp chí Phát triển kinh tế tháng 8.2004 thì đến tháng 9.2004 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN về quy chế hoạt động BTT của các tổ chức tín dụng. Quyết định này đã mở ra một hành lang pháp lý được coi là thông thoáng và thuận lợi cho sự phát triển loại hình dịch vụ mang lại nhiều tiện ích này.

Hiện nay Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng và là một mảnh đất màu mỡ để phát triển dịch vụ, bởi vì đó là nhu cầu cấp thiết từ phía khách hàng – chính là đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, cũng như nhu cầu từ phía nhà cung cấp – các tập đoàn tài chính ngân hàng như City Group, HSBC Holdings Plc, DBS Group Holdings Limited và các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Chính vì thế mà ở thời điểm cuối năm 2004, đầu năm 2005 diễn ra rất nhiều các cuộc hội thảo, báo cáo và quảng bá về dịch vụ này, như hội thảo về BTT do ngân hàng FENB của Mỹ tổ chức vào tháng 9/2004 nhằm giới thiệu và vận động sự tham gia cung cấp dịch vụ của một số ngân hàng thương mại cổ phần (Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Kỹ thương…), Hội thảo BTT tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 7.3.2005 với sự tham dự của đại diện các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và đại diện của Hiệp hội BTT thế giới, ông Jeroen Kohnstamm.

Đối với BIDV, là một ngân hàng lớn có bề dày lịch sử và thương hiệu tại Việt Nam, nên BIDV đã ngày càng có nhiều mối quan hệ với các tổ chức tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại trên thế giới nói riêng. Đây chính là một lợi thế rất lớn để BIDV thực hiện được các hợp đồng Bao TTQT.

Mục tiêu của BIDV đặt ra hiện nay là từng bước hội nhập với cộng đồng ngân hàng - tài chính khu vực và quốc tế, từ đó BIDV luôn chú trọng tăng cường các hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên, cải tiến và xây dựng quy trình nghiệp vụ, phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế .

Một sự kiện nổi bật gần đây nhất là được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập hiện diện thương mại tại Cộng hòa Séc phục vụ hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại 3 nước Ba Lan, Séc và Đức, BIDV đang khẩn trương phối hợp với các đối tác có uy tín tại Séc xúc tiến các công việc cần thiết để đưa Công ty cổ phần Đầu tư tài chính BIDV châu Âu (BIDV EUROPE) đi vào hoạt động tại Séc. Đối với thị trường Séc, vài năm gần đây, BIDV đã rất tích cực xúc tiến quan hệ hợp tác kinh doanh như đã thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng lớn của Séc gồm BAWAG Bank CZ a.s, Ceskoslovenska Obchodni Banka a.s, Cezch Export Bank (CEB), Komercni Banka a.s… trên nhiều lĩnh vực từ bảo lãnh, thanh toán, tài trợ thương mại, chuyển tiền kiều hối đến tài trợ các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm tại Việt Nam có sử dụng thiết bị công nghệ NK từ Séc.

Đặc biệt, BIDV đã có quan hệ hợp tác tài trợ các dự án rất hiệu quả cùng với CEB. Nhân dịp Thủ tướng Séc Mirek Topolanek sang thăm Việt Nam từ 19-24/3/2008 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, BIDV và CEB cũng đã ký kết thỏa thuận tài trợ dự án xây dựng Nhà máy bia Bình Dương công suất 200 triệu lít/năm giai đoạn 1 trị giá 60 triệu euro; thỏa thuận giữa BIDV, CEB và Vinashin tài trợ dự án phát triển xe buýt ở TP. Hồ Chí Minh với số vốn 20 triệu USD; thỏa thuận giữa BIDV, CEB và Công ty Phát triển đường cao tốc tài trợ dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng trị giá đầu tư 1,2 tỷ USD, trong đó CEB tài trợ 720 triệu USD cho gói thầu tư vấn giám sát, quản lý dự án và tài trợ 50% tổng giá trị đầu tư xây dựng tuyến đường; thỏa

thuận hợp tác đầu tư một trung tâm thương mại tại quận Letnany ở Praha có tổng giá trị đầu tư 170 triệu USD giữa BIDV (Công ty BIDV Land) và Công ty ELG của Séc…

Việc BIDV ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các đối tác của Séc vừa qua là nhằm khẳng định vai trò cầu nối cung ứng các dịch vụ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Séc trong quan hệ thanh toán, thương mại, nhất là hoạt động tài trợ các dự án trọng điểm tại Việt Nam được thiết lập bởi BIDV và CEB. Đặc biệt, BIDV đã cùng với các đối tác của Séc tiến hành khảo sát, nghiên cứu các quy định pháp lý, triển vọng đầu tư, tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp tại Séc để nắm bắt nhu cầu phục vụ cho việc thành lập BIDV EUROPE trong quý II/2008.

Sau sự kiện thành lập hiện diện thương mại tại Hồng Kông, việc thành lập BIDV EUROPE tại Séc là bước đi tiếp theo của BIDV trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động thành tập đoàn tài chính ngân hàng Việt Nam nhằm quốc tế hóa hoạt động, đa dạng thị trường và hoạt động kinh doanh. Theo đó, BIDV EUROPE có các chức năng hoạt động chính là tài trợ vốn, mua bán bất động sản, cho thuê bất động sản, môi giới mua bán và cho thuê bất động sản, quản lý bất động sản, tư vấn xúc tiến đầu tư.

Ông Lê Đào Nguyên, Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết: “BIDV EUROPE có vốn điều lệ ban đầu do BIDV và một số đối tác Séc đóng góp là 10 triệu USD. BIDV EUROPE sẽ là một công ty đầu tư tài chính chuyên nghiệp hoạt động theo thông lệ quốc tế, góp phần vào việc kết nối thị trường tài chính Việt Nam với thị trường tài chính thế giới; tăng cường sự hiểu biết của các nhà đầu tư quốc tế về thị trường Việt Nam; tạo ra một kênh huy động vốn ngắn, trung và dài hạn mới hỗ trợ hiệu quả và thiết thực cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc cũng như các nước Đông Âu có thêm nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.”

Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Séc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, BIDV EUROPE còn mang một sứ mệnh đặc biệt là làm cầu nối cho các hoạt động xúc tiến đầu tư từ Séc vào Việt Nam thông qua việc duy trì kênh thông tin liên tục cập nhật về môi trường đầu tư cũng như các dự án đầu tư tiềm năng của Việt Nam, làm tốt vai trò nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp về thị trường Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Séc ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, BIDV còn có một hệ thống cơ sở vật chất khá hoàn thiện so với các ngân hàng khác trong nước. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động luôn là mục tiêu được đầu tư và chú trọng hàng đầu đối với BIDV. Chính vì thế mà trong những năm qua, BIDV đã không ngừng triển khai, áp dụng các tiến bộ trong kỹ thuật đối với ngân hàng và hiện đại hoá các phương thức thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Mặt khác, hệ thống nhân viên của BIDV là những người có năng lực và chất lượng về trình độ nghiệp vụ khá cao, được đào tạo ở các trường Đại học có uy tín trong nước cũng như trên thế giới, vì vậy khả năng nắm bắt và triển khai các dịch vụ mới nói chung, và dịch vụ BTT nói riêng là hoàn toàn có thể thực hiện tốt.

Với các điều kiện về khách quan cũng như chủ quan có được như vậy, BIDV có thể nắm bắt cơ hội và phát triển tốt dịch vụ BTT, và phát triển nó trở thành một dịch vụ có thế mạnh để tăng sức cạnh tranh của BIDV trong thời kỳ hội nhập.

Một phần của tài liệu ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP MỞ DỊCH VỤ BAO THANH TOÁN VÀ HOÀN THIỆN NGHIỆP VỤ THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA BIDV (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(36 trang)
w