Những thách thức và các hạn chế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và đề xuất các giải pháp ứng phó tại huyện quỳnh lưu, nghệ an (Trang 39)

Từ năm 2002, sau khi trở thành thành viên chính thức của UNFCCC và Nghị định thư Kyoto, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia vào nhiều cuộc thảo luận về các thỏa thuận, tuyên bố và kế hoạch hành động liên quan đến BĐKH. Được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đóng vai trò rất quan trọng vì đây là Bộ được giao dẫn đầu các phái đoàn chính phủ tham gia quá trình đàm phán quốc tế.

Tuy nhiên, để có được một địa vị quốc gia tốt trong các quá trình đàm phán về BĐKH, cần phải có sự tham gia đóng góp nhiều hơn nữa từ nhiều cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội khác khi chuẩn bị văn kiện, tài liệu đàm phán quốc gia cũng như để xác định rõ hơn các nhu cầu và yêu cầu của Việt Nam. Dường như các vấn đề có liên quan đến BĐKH tại các cấp độ địa phương và quan điểm của nhiều nhóm dân cư khác nhau (như phụ nữ, nông dân làm ăn qui mô nhỏ…) chưa được phản ánh đầy đủ và thỏa đáng trong các văn kiện đàm phán. Một trong những nguyên nhân chính của hạn chế trên là do thiếu lôi cuốn mạnh mẽ sự tham gia của đại diện các cộng đồng bị ảnh hưởng của BĐKH vào quá trình chuẩn bị đàm phán, từ đó dẫn đến thiếu các minh chứng cụ thể, thuyết phục về tác động của BĐKH cũng như các tổn thất và thiệt hại do BDKH gây ra trong các văn kiện đàm phán.

Năng lực và kỹ năng đàm phán quốc tế còn hạn chế của một số đoàn đại biểu Việt Nam cũng cản trở nhất định mục tiêu đạt thỏa thuận chiến lược trong đàm phán đa quốc gia.

1.2.4. Thích ứng

Biện pháp thích ứng được hiểu gồm các biện pháp “thích nghi” và “ứng phó” được nhiều nghiên cứu chú ý (Nguyễn Hữu Ninh, 2007; WB, 2008; Lê Hoàng Anh Thư, 2008; Nguyễn Hồng Trường, 2008, . .v.v.).

Theo Nguyễn Hồng Trường (2008) chỉ ra 1 số quan niệm thích nghi như sau: - Sự thích nghi với khí hậu là một quá trình, qua đó con người làm giảm những tác động bất lợi của khí hậu đối với sức khỏe và đời sống, và sử dụng những cơ hội thuận lợi mà môi trường mang lại.

- Thích nghi có nghĩa là điều chỉnh một cách chủ động, tác động trở lại, hoặc dự tính trước nhằm làm giảm thiểu những hậu quả của biến đổi khí hậu.

- Tính thích nghi đề cập đến mức độ điều chỉnh có thể trong hành động, xử lý, cấu trúc của hệ thống đối với những biến đổi dự kiến có thể xảy ra hay thật sự sẽ xảy ra của khí hậu. Sự thích nghi có thể là tự phát hay được lập kế họach, và có thể được thực hiện thích ứng trong nhiều điều kiện khác nhau.

- Khái niệm “ứng phó” xuất phát từ tiếng Anh "cope" có nghĩa là ứng phó, đương đầu, đối mặt, thường là trong những tình huống bất thường, những tình huống khó khăn và stress.

Như vậy thích nghi được hiểu là có sự chủ động chuẩn bị từ xa hơn so với ứng phó (ứng phó vừa chuẩn bị trước, nhưng cũng xuất hiện ngay lúc đó để xử trí với những tình huống khẩn cấp, bất ngờ xẩy ra)[18].

Theo Refugee Studies Centre (Lê Hoàng Anh Thư, 2008) thì "thích nghi" cũng là một cách giảm thiểu nguy cơ thảm họa, chẳng hạn như việc lập bản đồ dự báo nguy cơ thảm họa, nâng cao chất lượng quy hoạch đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập hệ thống dự báo chính xác, hiệu quả, hệ thống bảo hiểm dễ tiếp cận, đồng đánh giá và kiểm soát những thảm họa. Nhiều minh chứng thực tế cho thấy sự chủ động giảm và các chương trình cho phép cộng thiểu nguy cơ thảm họa mang lại nhiều lợi ích hơn chi phí khắc phục nếu để sự cố xảy ra, chính vì vậy đẩy mạnh hoạt động thích nghi là cực kỳ cần thiết. Trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, cụ thể là trong kế hoạch hành động Bali, người ta cũng đã quan tâm đến yếu tố này[17].

Thực tế cho thấy, hoạt động sống của những người dân địa phương phụ thuộc rất lớn vào các hệ sinh thái trên lãnh thổ của họ. Nhưng cũng nhờ những hoạt động đó, những người dân bản địa làm cho các hệ sinh thái có độ đàn hồi tốt hơn với những biến động về môi trường và xã hội. Hơn nữa, những người dân bản địa hiểu rõ và cũng tác động trở lại đối với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu theo những cách sáng tạo riêng, dựa trên những kiến thức cổ truyền và các kỹ thuật khác để tìm ra giải pháp để có thể đương đầu với những thảm họa sắp xảy ra (Nguyễn Giang biên dịch, 2008)[8].

Rất nhiều nghiên cứu về chủ đề “thích ứng” (WB, 2008; Nguyễn Hữu Ninh, 2007; Hà Lương Thuần, 2007; Lê Hoàng Anh Thư, 2008; Nguyễn Hồng Trường,. . .). Trong số đó, báo cáo Phát triển con người của WB (2008) đã chỉ ra là tất cả các quốc gia sẽ phải tìm cách thích ứng, nghĩa là không cần phân biệt đối xử trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu và ở tất cả các cấp độ từ vi mô như cấp hộ, cấp cộng đồng tới vĩ mô như cấp quốc gia, cấp khu vực, cấp quốc tế. Nghiên cứu khẳng định đây là xu thế tất yếu khi tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng một “nóng” ở bất kỳ chương trình nghị sự nào và bất kỳ nơi đâu trên toàn Thế giới, và đang được đặt lên hàng đầu.

Các kết quả nghiên cứu trong bài này được phân nhóm các BPTU dựa vào 8 nhóm mà tác giả Butonet at al. 1993 đưa ra (Nguyễn Hồng Trường điểm luận) như sau:

1. Chấp nhận những tổn thất: chịu chấp nhận tổn thất khi không có cách nào khác hoặc khi mà giá phải trả cho các thích nghi cao hơn so với sự rủi ro/thiệt hại.

2. Chia sẻ những tổn thất: bảo hiểm, tương trợ, viện trợ để cứu trợ, phục hồi, tái thiết.

3. Làm giảm sự nguy hiểm: kiểm sóat hiểm họa môi trường, thiên nhiên như đào mương, đắp đê, ngăn đập hay giảm khí thải nhà kính, điều chỉnh ổn định nồng độ của khí nhà kính trong khí quyển.

4. Ngăn chặn các tác động: thường xuyên sử dụng các phương pháp thích nghi để ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu. Ví dụ như trong nông nghiệp chú ý tới quản lý mùa vụ, nước tưới và tiêu, quản lý dịch bệnh tốt.

5. Thay đổi cách sử dụng: Ví dụ dùng nhà nổi, giống chịu độ ẩm thấp, giống cây con chịu lũ, cho đất nghỉ, chuyển đất trồng trọt thành đồng cỏ hoặc rừng.

6. Thay đổi các địa điểm: Ví dụ có thể chuyển các họat động sản xuất trồng trọt ở vùng hay ngập lụt đến nơi khác cao hơn và thay thế bởi việc chăn nuôi trồng trọt những cây con chịu nước.

7. Nghiên cứu công nghệ mới và phương pháp thích nghi mới.

8. Giáo dục, thông tin, và khuyến khích thay đổi hành vi: Đây cũng là một kiểu thích nghi khi các thông tin, kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu được phổ biến rộng rãi nhằm thay đổi thói quen, hành vi. Điều này rất quan trọng bởi sự cần thiết về hợp tác, liên kết chặt chẽ của nhiều người, nhiều cộng đồng, nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu[18].

Việc hiểu biết về quy lụât, về đặc điểm, nguyên nhân phát sinh và các tác động của thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu để đưa ra các biện pháp thích nghi và ứng phó phù hợp, thông minh nhằm giảm thiểu tác động lên đời sống con người là vô cùng quan trọng trong tình hình trái đất nóng lên và tác động BĐKH ở mức toàn cầu như hiện nay.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu

Các biểu hiện và tác động của BĐKH. Các hộ dân có sản xuất nông nghiệp.

2.2. Nội dung nghiên cứu

1. Nghiên cứu BĐKH đã, đang và sẽ xảy ra tại địa phương.

2. Tìm hiểu các biểu hiện của sự tác động của BĐKH tới sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

3. Tìm hiểu các hoạt động thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp của địa phương hiện nay.

4. Đánh giá các khả năng của địa phương trong ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp. (con người, nhận thức, cơ sở vật chất, tài chính, . . .).

5. Tìm hiểu những hỗ trợ cho địa phương trong ứng phó với BĐKH. (chính sách, tài chính và kỹ thuật)

6. Đề xuất các biện pháp để ứng phó với BĐKH trong điều kiện của địa phương.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này gồm hai phần: nghiên cứu tại văn phòng và nghiên cứu thực địa. Các phương pháp được sử dụng bao gồm:

Thu thập các số liệu thứ cấp: bao gồm các tài liệu đã công bố, các tài liệu, dữ liệu cơ bản về khí hậu, các kịch bản về BĐKH, các chính sách và chương trình của Nhà nước liên quan đến BĐKH như Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về Phòng tránh Thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện, Kịch bản về nước biển dâng và BĐKH của Việt Nam, Sách, báo, các báo cáo Hội nghị khoa học, . . v.v. Các báo cáo hàng năm về kinh tế-xã hội của chính quyền các cấp, số liệu thủy văn, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Điều tra thực địa:

Nghiên cứu tại thực địa áp dụng phương pháp Đánh giá Nông thôn có sự tham gia (PRA) nhằm thu thập các thông tin định tính cũng như định lượng để qua đó có thể hiểu rõ hơn những tác động của BĐKH và tổn thất, thiệt hại do tác động đó gây ra đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp đồng thời tìm hiểu được các hành động của dân địa phương nhằm đối phó với hoàn cảnh. Một loạt các công cụ của phương pháp PRA đã được sử dụng như phỏng vấn qua bảng hỏi, lịch mùa vụ, ma trận xếp thứ hạng, quan sát, thảo luận nhóm...

Trước khi tiến hành điều tra, phỏng vấn và thảo luận nhóm tại điểm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã có một buổi làm việc với lãnh đạo và đại diện các ban ngành của xã. Trong các buổi làm việc, các thông tin cơ bản về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và một số biểu hiện của sự tác động BĐKH đến đời sống, sản xuất, khả năng của địa phương đã được tìm hiểu và thu thập. Chúng tôi tiến

hành thảo luận với lãnh đạo xã về các vấn đề liên quan đến hoạt động ứng phó với BĐKH.Tại các buổi thảo luận với lãnh đạo các xã và các ban ngành liên quan, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn ra các xóm đại diện để tiến hành điều tra, phỏng vấn và thảo luận nhóm. Tại mỗi xã, từ 3 đến 5 cộng tác viên là những người có kinh nghiệm trong sản xuất, có uy tín trong cộng đồng được mời tham gia thảo luận nhóm kết hợp phỏng vấn sâu. Một số công cụ như: lược sử địa phương, phân tích lịch mùa vụ, phân tích thuận lợi, khó khăn và giải pháp được áp dụng để trao đổi, thu thập và phân tích thông tin. Nội dung các buổi thảo luận nhóm tập trung vào việc xác định và phân tích biểu hiện của sự tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống của cộng đồng và các khả năng hiện có của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH. Sau khi thảo luận nhóm với các cộng tác viên, nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn các hộ dân.

Phương pháp phỏng vấn bán định hướng được sử dụng trong quá trình trao đổi và thu thập thông tin. Nhóm nghiên cứu cũng đã cùng với cộng tác viên tiến hành điều tra, khảo sát. Hộ gia đình được phỏng vấn đã kể những câu chuyện về việc thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra như thế nào, các hiện tượng khí hậu cực đoan đã ảnh hưởng ra sao đến sản xuất và đời sống của họ cũng như họ đã làm thế nào để ứng phó và phục hồi. Các hộ dân được chính quyền xã lựa chọn sao cho đảm bảo có đại diện của các loại hộ dân với điều kiện kinh tế khác nhau. Cụ thể điều tra 150 hộ. Những cuộc thảo luận nhóm có sự tham gia của người cao tuổi, hội phụ nữ, các hộ khá giả cũng như các hộ nghèo nhằm cùng đánh giá những tổn thất và thiệt hại do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra. Đồng thời nhóm thảo luận cũng đưa ra những đánh giá về vai trò của chính quyền và các đơn vị địa phương trong quá trình phòng tránh, phục hồi và thích ứng với thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các cuộc họp cũng như phỏng vấn sâu cũng được tổ chức tại huyện với sự tham gia của các phòng ban có liên quan nhằm có được bức tranh tổng thể về tình hình BĐKH tại địa phương. Quan sát hiện trường để phân tích, tìm hiểu và đánh giá vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp phân tích SWOT, tại mỗi điểm nghiên cứu chúng tôi tiến hành họp dân, cùng người dân phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức

của cộng đồng cũng như địa phương trong bối cảnh BĐKH. Từ đó cùng xây dựng các biện pháp thích ứng trong sản xuất nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm sẵn có của cộng đồng, kết hợp với các kiến thức của các cộng đồng khác, kiến thức khoa học...

Phương pháp này cũng được sử dụng với lãnh đạo và đại diện các ban ngành của xã nhằm có được những thông tin nhiều chiều và có được các biện pháp thích ứng phù hợp với cộng đồng nhất.

2.4. Xử lý số liệu, thông tin

Số liệu được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2003 và phần mềm SPSS 16.

2.5. Địa điểm, thời gian nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 12/2013 đến 08/2014. Nghiên cứu được tiến hành tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

CHƯƠNG 3

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

Quỳnh Lưu là huyện đồng bằng ven biển, với diện tích tự nhiên 43.762,87 ha, có 33 đơn vị hành chính (gồm 32 xã và 1 thị trấn), 406 thôn, bản, khối phố. Huyện có tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 48, đường sắt Bắc Nam, đường Tỉnh lộ 537 đi qua; có khu du lịch biển Quỳnh, vùng thị tứ đang hình thành và phát triển. Địa hình đa dạng, phức tạp được chia làm ba vùng gồm miền núi-bán sơn địa, đồng bằng và ven biển. Cơ cấu dân cư đa dạng, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống.

Phía Bắc huyện Quỳnh Lưu giáp thị xã Hoàng Mai, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Tân Kỳ và huyện Nghĩa Đàn, phía Tây Nam giáp huyện Yên Thành, phía Nam giáp huyện Diễn Châu.

Quỳnh lưu được chia làm 3 vùng rõ rệt:

- Vùng núi trung du bán sơn địa chiếm 70% diện tích tự nhiên (gồm 10 xã). Vùng này thuận lợi cho trồng cây công nghiệp như mía, dứa, cây ăn quả và hoa màu.

- Vùng đồng bằng (gồm 15 xã và thị trấn Cầu Giát). Đây là vựa thóc lớn của huyện và là trung tâm văn hóa, chính trị và xã hội của huyện. Có khu công nghiệp vừa và nhỏ, có đường sắt và quốc lộ chạy dọc huyện, có đường 48 lên Nghĩa Đàn và các huyện vùng cao, có hệ thống nông giang từ Đô Lương chạy về tưới tiêu thuận lợi cho vùng lúa, ngoài ra còn có nhiều hồ đập lớn như Vực Mấu khoảng 150 triệu m3 nước tưới quanh năm cho vùng Bắc Quỳnh Lưu.

- Vùng màu (bãi ngang, bãi dọc) và vùng ven biển. Vùng màu là một dải đất cát chạy dọc ven biển phù sa bồi lắng thành những bãi đất pha cát trải dài chạy dọc dãy núi Xước đến xã Quỳnh Thọ, Diễn Hùng. Vùng ven biển có 3 cửa lạch tạo thành một ngư trường đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trù phú.

Hình 3.1. Bản đồ Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

3.1.2. Điều kiện kinh tế-xã hội.

3.1.2.1. Dân cư

Quỳnh Lưu là một huyện kinh tế đa dạng và phong phú, dân số đông.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và đề xuất các giải pháp ứng phó tại huyện quỳnh lưu, nghệ an (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(151 trang)
w