Là một quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa với bão và lũ lụt khá phổ biến trong mùa mưa ở nhiều vùng trên cả nước, Việt Nam đã sớm xây dựng và ban hành cách kế hoạch, chương trình có liên quan đến phòng tránh thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngay từ những năm 1970 của thế kỷ trước mà những chính sách này chỉ tập trung vào đối phó với bão và lũ lụt.
Vào đầu những năm 2000, khi vấn đề BĐKH thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều trên trường quốc tế, thì Việt Nam đã tham gia vào một số các hoạt
động về BĐKH nhằm thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto-với Bộ tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia của UNFCCC đồng thời là cơ quan thẩm quyền quốc gia về Cơ chế Phát triển Sạch (CDM). Các hoạt động chính trong giai đoạn khởi đầu này là việc soạn thảo Báo cáo Ban đầu của quốc gia, xây dựng các dự án và qui trình quốc gia liên quan đến CDM. Trong những năm gần đây, nhiều chính sách quốc gia đã lồng ghép BĐKH vào như quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các chính sách liên ngành khác như chính sách giảm nghèo hay vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Một số chính sách và chương trình chủ yếu về BĐKH của Việt Nam được trình bày dưới đây:
Báo cáo Ban đầu của Quốc gia cho UNFCCC (Bộ TNMT, 2003) là văn bản có tính chất chính sách đầu tiên của Việt Nam về BĐKH. Tuy nhiên, Báo cáo này chỉ xem xét đến các tác động của BĐKH và các biện pháp thích ứng cần thiết một cách sơ bộ và định tính (UNDP, 2007)[25].
Tháng 12 năm 2008, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Ứng phó với BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Chương trình này nhằm đưa các quan tâm về BĐKH vào Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội (giai đoạn 2011÷2020) cũng như vào các chính sách về giảm nhẹ thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, quản lý ven biển, cung cấp và sử dụng năng lượng (UNDP, 2009). Kế hoạch hành động đến năm 2015 cho từng ngành cũng như từng địa phương sẽ được xây dựng dựa trên khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Chương trình này còn hỗ trợ cho các nghiên cứu, các chương trình nâng cao nhận thức và việc điều phối thực hiện chương trình. Chương trình Mục tiêu Quốc gia cũng khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút được nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ cho công tác ứng phó với BĐKH sao cho đạt được 50% tổng kinh phí dự kiến cho toàn Chương trình (tức là khoảng 1000 tỷ đồng Việt Nam hay 53,3 triệu USD, tính theo tỷ giá qui đổi năm 2010).
Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được ban hành năm 2009, đã đề ra khuôn khổ quốc gia cho quản
lý thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chiến lược này ưu tiên việc nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, giảm tthiểu thiệt hại về người và của, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chung sống với lũ. Những hoạt động quan trọng khác của chiến lược này bao gồm: xây dựng các trung tâm cảnh báo thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan; xây dựng hành lang an toàn lũ ở miền Nam; tăng cường vai trò của trường học và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức; đề xuất lập một quỹ quốc gia về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, . . v.v.
Kế hoạch Hành động về Giảm thiểu và Ứng phó với BĐKH của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là một chính sách quan trọng nhằm đạt được sự phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Chiến lược này đã được Bộ NN và PTNT ban hành tháng 9 năm 2008. Kế hoạch đã tập trung vào: (a) đảm bảo an toàn và ổn định cho người dân ở các vùng khác nhau, đặc biệt là vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng, các khu vực miền trung và miền núi; (b) đảm bảo sản xuất ổn định và an toàn lương thực; và (c) đảm bảo duy trì hệ thống đê điều và các hạ tầng cơ sở khác nhằm đáp ứng yêu cầu của phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Kế hoạch này thậm chí còn có một nghiên cứu về tác động của BĐKH đến sản xuất muối và an toàn muối ở Việt Nam. Điều đặc biệt cần lưu ý ở đây là Kế hoạch hành động của Bộ NN và PTNT đã được Bộ Trưởng Bộ NN và PTNT phê chuẩn và ban hành trước khi Chương trình Mục tiêu Quốc gia ra đời. Điều này cho thấy một thực tế rằng ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp và các vùng nông thôn là những nơi chịu sự tác động mạnh mẽ của BĐKH. Do đó Bộ NN và PTNT không đợi chính sách quốc gia mà đã sớm chủ động xây dựng Kế hoạch của ngành mình nhằm ứng phó với BĐKH[1].
Ngoài một số chính sách quan trọng nêu trên, còn có rất nhiều các văn bản pháp qui, các chiến lược, kế hoạch và chương trình quốc gia trong đó chứa đựng những nội dung đáng kể liên quan đến BĐKH. Ví dụ như Chiến lược Bảo vệ Môi trường đến năm 2010 (2003), Chương trình Nghị sự 21 (2004) về phát triển bền vững, Luật bảo vệ Môi trường (2005), Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và Xóa đói Giảm nghèo (2002), Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo,
Chương trình quốc gia về chống sa mạc hóa giai đoạn 2006÷2010 và hướng tới năm 2020 (2006), Chương trình Nâng cao Nhận thức Cộng đồng về Quản lý Thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan dựa vào Cộng đồng (2009), đặc biệt từ 2011÷2012 Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong chính sách và chương trình liên quan đến BĐKH như: Chiến lược Quốc gia về BĐKH, Chương trình Khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH, Kế hoạch hành đông quốc gia ứng phó với BĐKH, Kịch bản BĐKH & Nước biển dâng (chi tiết hơn các kịch bản trước), Chiến lược tăng trưởng xanh, Khung ma trận chính sách BĐKH, . . v.v.
Mặc dù số lượng về các chính sách và chương trình có liên quan đến BĐKH ở Việt Nam là khá nhiều song vẫn còn có những bất cập. Hệ thống văn bản pháp qui hiện nay về ứng phó với BĐKH còn chưa đồng bộ. Một số chương trình được ban hành song thiếu cơ sở pháp lý cần thiết để có thể triển khai mọi hoạt động. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế điều phối cụ thể, rõ ràng giữa các Bộ, ngành và các địa phương, cũng như cơ chế hợp tác giữa mọi thành phần trong xã hội, giữa các cộng đồng với nhau nhằm thực thi các chương trình ứng phó với BĐKH.
Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Nông thôn và tổ chức ActionAid Việt Nam (2008) đã phát hiện ra rằng nhiều chính sách đề cập đến người trồng lúa song lại rất ít chính sách nhằm bảo vệ những ngư dân hay nông dân nuôi trồng thủy sản. Về góc độ vùng, các chính sách và chương trình đã tập trung nhiều hơn vào vùng ven biển và ĐBSCL trong khi vùng miền núi chưa được quan tâm thích đáng[23].