Khó khăn vướng mắc và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Thi hành án dân sự - qua thực tiễn tỉnh Bắc Ninh Luận văn ThS. Luật (Trang 54)

2.2.3.1. Khó khăn vướng mắc:

* Nội dung Bản án (Quyết định) tuyên không rõ hoặc không phù hợp với thực tế:

Thi hành án dân sự là việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án và quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Thi hành án dân sự, khi các bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng được thi hành ngay. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành án thường phát sinh rất nhiều vấn đề mà khi xét xử Tòa án có thể chưa nhìn nhận hoặc khi đánh giá vụ việc có thể chưa thấy hết được vấn đề.

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, việc tổ chức thi hành án, cơ quan Thi hành án phải tuân thủ các trình tự, thủ tục một cách nghiêm ngặt, bắt đầu từ khi thụ lý, ra quyết định đến quá trình tổ chức thi hành án. Nhưng trên thực tế, các vấn đề tranh chấp dân sự thường diễn biến phức tạp qua nhiều giai đoạn, đến khi xét xử Tòa án chưa xem xét hoặc chưa điều tra kỹ lưỡng để đưa ra phán quyết phù hợp và đúng pháp luật dẫn đến khi cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành khó thực hiện trên thực tế. Điển hình vụ việc tại Bản án phúc thẩm số 48/2010/DSPT của TAND tỉnh Bắc Ninh đối với ông Nguyễn Văn Ý và bà Trần Thị Sử về việc giao thửa đất số 45 tại tờ bản đồ số 08 ở phường Đại Phúc - thành phố Bắc Ninh có diện tích 238,7m2 cho chị Giang và chị Linh, có tứ cận phía Bắc giáp nhà ông Ý, phía Đông, phía Nam và phía Tây giáp ngõ đi chung. Thực tế khi tiến hành kiểm tra mốc giới theo các ngõ đi chung như trong quyết định của bản án thì thửa đất số 45 này lại thiếu diện tích. Do đó đến nay chưa thi hành dứt điểm được.

* Vướng mắc khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án:

Luật thi hành án dân sự 2008 không quy định việc thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Điều 11 Nghị định số 58/2009/NĐ- CP của Chính phủ quy định “Quyết định phong tỏa tài khoản phải xác định số tiền bị phong tỏa” (Hiện nay, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã xác định rõ vấn đề này trong Điều 67). Như vậy, để xác định số tiền bị phong tỏa được chính xác, Chấp hành viên phải tiến hành các hoạt động thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng,… nhưng trên thực tế xảy ra, Chấp hành viên do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác, không đầy đủ và ra quyết định phong tỏa tài khoản không đúng đối tượng dẫn đến việc người phải thi hành án có cơ hội rút tiền trong tài khoản.

Khi áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, việc thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án do người được thi hành án tiến hành xác minh gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định “bảo mật” thông tin khách hàng của Ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo Điều 17 và Điều 104 Luật Các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, Điều 176 Luật Thi hành án dân sự 2008 chỉ quy định về trách nhiệm của Kho bạc, Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự chứ không quy định chế tài xử lý khi các tổ chức này không thực hiện trách nhiệm hoặc không thực sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tư pháp. Như vụ anh Nguyễn Nhật Minh ở phường Đông Ngàn - thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh phải thi hành tại Bản án số 45/2012/HSST của TAND tỉnh Bắc Ninh về khoản tiền bồi thường là 2.400.000.000đồng (hai tỷ bốn trăm triệu đồng) và tiếp tục duy trì số tiền 208.000.000đồng (hai trăm linh tám triệu đồng) phong tỏa tài khoản tại Quỹ Tín dụng phường Đông Ngàn. Trong giai đoạn điều tra vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra đã lập biên bản xác minh ngày 16/4/2012 với Quỹ Tín dụng phường Đông Ngàn về số tiền trên của anh Nguyễn Nhật Minh có tại Quỹ Tín dụng và gửi thông báo phong tỏa tài khoản cho Quỹ Tín dụng vào ngày 18/4/2012 (sau 02 ngày xác minh). Nhưng cùng ngày 18/4/2012 (ngày cơ quan điều tra gửi thông báo phong tỏa) Quỹ Tín dụng phường Đông Ngàn chi trả cho vợ Nguyễn Nhật Minh số tiền trên. Quỹ Tín dụng phường Đông Ngàn cho rằng, không có thông báo phong tỏa tài khoản của cơ quan điều tra. Việc làm của Quỹ Tín dụng phường Đông Ngàn đã gây khó khăn trở ngại việc thi hành bản án, nhưng vì Luật Thi hành án dân sự không có quy định nào về vấn đề này nên khó quy trách nhiệm cho Quỹ Tín dụng phường Đông Ngàn.

Như vậy, Luật trao quyền cho Chấp hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình thi hành án, nhằm ngăn chặn hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản của người phải thi hành án

nhưng nếu không có sự phối hợp của các ngành liên quan thì cơ quan THADS khó hoàn thành nhiệm vụ.

* Đương sự khởi kiện Trung tâm bán đấu giá trong quá trình thi hành án:

Theo Bản án số 21/DSPT ngày 10/4/2012 của TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dụng và bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Cảnh và bà Phạm Thị Mai, cùng trú tại thôn Ngọc Cục - xã Tân Lãng - huyện Lương Tài - tỉnh Bắc Ninh. Theo án tuyên buộc ông Cảnh, bà Mai phải trả ông Dụng tổng số tiền là 120.250.000đ. Sau khi thụ lý hồ sơ và ra Quyết định thi hành án dân sự theo đơn yêu cầu số 53/QĐ - THA ngày 06/6/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lương Tài, Chấp hành viên Chi cục đôn đốc thi hành án, mặc dù gia đình có điều kiện nhưng vợ chồng ông Cảnh, bà Mai không tự giác chấp hành. Do vậy, Chấp hành viên đã làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật xác minh về điều kiện thi hành án của vợ chồng ông Cảnh và bà Mai.

Sau khi tiến hành kê biên tài sản là nhà và đất của vợ chồng ông Cảnh, bà Mai và được Trung tâm Thẩm định giá Á - Âu định giá là 1.305.000.000đ. Qua 04 lần hạ giá và tổ chức bán đấu giá tài sản này mới có người mua. Toàn bộ quá trình từ kê biên, thẩm định giá, hạ giá và bán đấu giá vợ chồng ông Cảnh, bà Mai đều được thông báo và không có khiếu nại. Sau khi người trúng đấu giá tài sản nộp đầy đủ số tiền, ông Cảnh làm đơn khiếu kiện Trung tâm Bán đấu giá tài sản ra Tòa, bởi lẽ Luật THADS và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa quy định việc đương sự có quyền khởi kiện Trung tâm Bán đấu giá tài sản thời gian là khi nào, bao lâu và Tòa án thụ lý giải quyết khi nào? dẫn đến tình trạng người phải thi hành án lợi dụng nhằm kéo dài thời gian thi hành án, gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án. Đặc biệt, cơ

quan Thi hành án rất lúng túng trong việc xử lý khi có quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Đây là một “lỗ hổng” của hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự.

* Quy định của pháp luật về xử lý tài sản đấu giá không thành chưa cụ thể:

Điều 100 Luật Thi hành án dân sự về giao tài sản để thi hành án quy định: “Trường hợp đương sự thỏa thuận để người được thi hành án nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản thỏa thuận; việc giao lại tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thỏa thuận”. Như vậy, theo tinh thần điều luật này thì việc giao tài sản để thi hành án phải có được sự thỏa thuận của các bên đương sự. Tuy nhiên, Điều 104 Luật Thi hành án dân sự về việc xử lý tài sản bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá đã định. Trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án.

Trong trường hợp này Luật Thi hành án dân sự không quy định rõ là cần có thỏa thuận của các bên đương sự không? hay chỉ cần người được thi hành án đồng ý là cơ quan Thi hành án thực hiện việc giao tài sản cho người đó để khấu trừ vào số tiền thi hành án. Trong khi đó, hiện tại các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự cũng không quy định cụ thể thêm vấn đề này. Do vậy, trong trường hợp giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án đồng ý nhận tài sản bán đấu giá không thành, nhưng người phải thi hành án không đồng ý giao, thì chưa có cơ sở pháp lý để giao tài sản đó cho người được thi hành án.

Điều kiện kinh tế phát triển, những năm gần đây tỉnh Bắc Ninh có lượng án kinh doanh thương mại tăng rất nhiều với số tiền phải thi hành án rất lớn. Có những vụ việc, số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng rất cần áp dụng các quy định của pháp luật về trường hợp xử lý tài sản thế chấp không có người mua đấu giá. Trong khi đó quy định của pháp luật hiện hành vẫn không sửa đổi do vậy người được thi hành án là các tổ chức tín dụng, Ngân hàng muốn nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án cũng không được, do người phải thi hành án không đồng ý giao tài sản.

* Vướng mắc khi áp dụng văn bản pháp luật về việc xác minh điều kiện thi hành án:

Trong thực tiễn, việc xác minh điều kiện thi hành án cũng gặp không ít khó khăn. Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định về đơn yêu cầu thi hành án, thì nội dung “ thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” là nội dung bắt buộc phải có trong đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. Nếu thiếu nội dung này, cơ quan Thi hành án có thể căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2009/NĐ- CP ngày 13/7/2009 thông báo cho người được thi hành án bổ sung nội dung đó trước khi ra quyết định thi hành án.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế dẫn đến những quan điểm khác nhau, cách áp dụng khác nhau. Theo quan điểm người được thi hành án phải chịu chi phí cho việc xác minh điều kiện của người phải thi hành án nhưng chi phí đó hiện nay lại chưa có quy định cụ thể về định mức, thanh toán. Điều này làm cho các cơ quan Thi hành án rất lúng túng trong việc thu chi phí xác minh của người được thi hành án có yêu cầu xác minh. Đồng thời cũng dễ xảy ra tình trạng Chấp hành viên lợi dụng tự ý thu phí xác minh của người được thi hành án một cách tùy tiện, làm ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng và các cơ quan

bảo vệ pháp luật nói chung. Theo quan điểm người được thi hành án không phải chịu phí cho việc xác minh điều kiện của người phải thi hành án, Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành chủ động tiến hành xác minh, mọi chi phí cho việc xác minh do Nhà nước chi trả. Nếu theo hướng này thì Nhà nước phải mất một số lượng lớn kinh phí từ ngân sách cho công tác xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Thậm chí có những vụ việc để xác minh được rất tốn kém, nhất là đối với những vụ việc người phải thi hành án phải thi hành một khoản tiền, tài sản lớn, nhưng lại có nhiều tài sản ở nhiều nơi khác nhau.

* Vướng mắc về thi hành án giao con:

Đây là loại việc vô cùng phức tạp, bởi đối tượng thi hành án ở đây là con người mà không phải là tiền, tài sản - loại việc rất đặc thù và nhạy cảm. Pháp luật về thi hành án hiện nay lại chưa có quy định cụ thể và chi tiết nên trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc, Chấp hành viên đã gặp không ít khó khăn vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn. Điển hình như: Tại quyết định của Bản án số 08/2012/HNGĐ – ST của TAND huyện Lương Tài, tuyên chị Nguyễn Thị Trang (Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) ly hôn anh Nguyễn Văn Cương (Thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Anh Nguyễn Văn Cương phải giao cháu Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 2007) cho chị Trang chăm sóc nuôi dưỡng. Anh Nguyễn Văn Cương không phải đóng góp phí tổn nuôi con…

Sau khi án có hiệu lực, anh Cương làm đơn yêu cầu về việc giao cháu Toàn cho chị Trang nuôi dưỡng. Căn cứ Điều 23, Điều 31 và khoản 2 Điều36 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan Thi hành án dân sự huyện Lương Tài thụ lý và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và giao cho Chấp hành viên tổ chức thi hành. Chấp hành viên đã gửi giấy báo cho chị Trang, nhưng không thấy chị Trang đến cơ quan Thi hành án để giao nhận con theo quyết

định của bản án. Chấp hành viên tiến hành xác minh nơi ở tại địa phương, được biết chị Trang đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, không có mặt tại địa phương. Chấp hành viên hướng dẫn cho đương sự khởi kiện ra Tòa án để xem xét thay đổi việc nuôi con, nhưng anh Cương không đồng ý và kiên quyết đòi giao con cho chị Trang đúng như bản án đã tuyên.

Nếu là tài sản thông thường hoặc là vật đặc định thì cơ quan Thi hành án dân sự có thể nhận hoặc thuê người bảo quản, sau đó xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng đây là con người, không thể áp dụng như tài sản thông thường hoặc vật đặc định được. Cơ quan Thi hành án không thể ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án theo Điều 51 được? vì còn phải ra quyết định đình chỉ thi hành án do phải chờ hết thời hiệu?

Như vậy, thi hành án đối với việc giao con là rất khó khăn, phức tạp và trong nhiều trường hợp không biết cách xử lý thế nào? bởi pháp luật chủ yếu mới quy định quyền lợi của người được thi hành án mà chưa gắn trách nhiệm của họ đối với việc thi hành án dẫn đến nhiều việc thi hành án kéo dài.

* Vướng mắc về thanh toán tiền thi hành án:

Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định thứ tự thanh toán tiền thi hành án, đặc biệt trong trường hợp có nhiều người được thi hành án thì số tiền thi hành án sau khi trừ đi các chi phí thi hành án và các khoản quy định tại khoản 5 Điều 115, được chi trả tiền cấp dưỡng, tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động, tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; chi nộp tiền án phí và các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được chia theo tỷ lệ số tiền mà từng người được thi hành án.

Một phần của tài liệu Thi hành án dân sự - qua thực tiễn tỉnh Bắc Ninh Luận văn ThS. Luật (Trang 54)