KẾT LUẬN CHƯƠNG

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁ THÀNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN XI MĂNG VÀ XÂY DỰNG QUẢNG NINH NĂM 2008 (Trang 29 - 32)

Qua phân tích tài chính và tình hình thực hiện giá thành của Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh trong năm 2008, ta có thể thấy một số nét nổi bật đáng chú ý sau:

Trước hết có thể khẳng định trong điều kiện còn nhiều khó khăn song với sự cố gắng của toàn thể cán bộ công nhân viên, Công ty đã đạt được những thành tựu nhất định. Một số chỉ tiêu đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Năm 2008 Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh đã đạt được kết quả đáng khen ngợi, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường rất khó khăn như giá cả vật chất tăng trong khi giá bán ở mức trung bình, vốn sản xuất thiếu phải đi vay, máy móc thiết bị mới công nhân chưa quen…

Tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2008 tuy có giảm so với năm 2007, nguyên nhân do Công ty đã gặp nhiều khó khăn mang tính khách quan và chủ quan tác động. Tuy nhiên công ty cũng đã đạt được những thành tựu nhất định và cũng còn một số hạn chế cần vượt qua.

Thành tựu nổi bật đó là sản lượng xi măng sản xuất đạt 434.275 tấn tăng 189.686 tấn so với năm 2007 và tăng 12.275 tấn so với kế hoạch đề ra của năm 2008. Sản lượng xi măng tiêu thụ tăng 80% so với năm 2007 và tăng 3% so với kế hoạch. Điều này cho thấy Công ty đã xây dựng kế hoạch sát với thực tế.

Tổng doanh thu của Công ty năm 2008 đã tăng 23,75% so với năm 2007 và tăng 21,15% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ xi măng và Clinke của Công ty tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về tổng quỹ lương, lương bình quân của Công ty cũng tăng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công nhân viên trong công ty được nâng lên rõ rệt, động viên tinh thần làm việc giúp thu được hiệu quả công việc cao nhất.

Giá thành thực tế năm 2008 giảm 42.452 đồng/ tấn xi măng bằng 7,3% so với năm 2007. Công ty còn có biện pháp nâng cao năng suất lao động cả về hiện vật và giá trị. Tổ chức công tác sản xuất tiến hành đi sâu vào trọng điểm là tập trung vào khâu sản xuất ra sản phẩm. Công ty đã đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện đời sống của công nhân lao động, nâng cao chất lượng xi măng, tăng doanh thu. Bên cạnh những thành tựu đó, Công ty còn một số mặt tồn tại cần khắc phục như năng lực sản xuất, nguồn vốn kinh doanh còn chưa chủ động còn phải vay ngoài nhiều.

Lợi nhuận thu được trong quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2008 giảm nhẹ so với năm 2007, so với kế hoạch thì tăng lên 37%. Điều này cho thấy công ty đã cố gắng rất nhiều khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2008.

Công ty có tình hình tài chính khá tốt, tuy nhiên nguồn vốn chủ sở hữu của công ty còn chiếm tỷ lệ thấp là 20,61% so với tổng nguồn vốn.

Bên cạnh những mặt mạnh trên, công ty cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Trong hoạt động tài chính, các khoản chi phí tài chính tăng cao do cần sự xúc tiến, đổi mới các bộ phận sản xuất và công tác tiêu thụ sản phẩm. Tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn về khả năng thanh toán. Thị trường trong nước và thế giới năm 2008 không ổn định ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu phát triển thị trường và sản lượng tiêu thụ.

Để phát huy những ưu điểm và khắc phục nhược điểm còn tồn tại trong những năm tiếp theo Công ty cần phải có những biện pháp tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất hợp lý hơn như tiếp tục nâng cao tay nghề của người lao động, nâng cao hơn nữa trình độ năng lực của cán bộ quản lý, tận dụng tối đa năng lực máy móc thiết bị. Tiếp tục đổi mới công nghệ áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Để thực hiện tốt yêu cầu đề ra công ty cần phải có phương án, phải chủ động lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trong đó kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng, nó quyết định và chi phối các khâu của toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty. Vì vậy việc lập kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sao cho phù hợp với khả năng, thực trạng của Công ty, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là công việc hết sức quan trọng và cần thiết đối với sự ổn định và phát triển của Công ty.

Để hiểu rõ hơn tình hình sản xuất và công tác tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của công ty, tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, từ đó đưa ra những đóng góp nhằm hoàn thiện hơn trong công tác này.

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁ THÀNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN XI MĂNG VÀ XÂY DỰNG QUẢNG NINH NĂM 2008 (Trang 29 - 32)