Tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân theo BMI và albumin huyết

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG CỦA BỆNH NHÂN NẰM VIỆN VÀ VIỆC SỬ DỤNG DỊCH TRUYỀN DINH DƯỠNG Ở KHOA THẬN TIẾT NIỆU – BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 39)

Nồng độ albumin huyết thanh được sử dụng rộng rãi như là chỉ số tiêu chuẩn cho việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Sự suy giảm nồng độ albumin huyết thanh cho thấy có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở những bệnh nhân suy thận mạn. Vì vậy, nồng độ albumin còn được sử dụng như là chỉ số tiên lượng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay đang có tranh luận về độ nhạy của albumin trong việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng do có nhiều tác nhân ngoài dinh dưỡng có thể ảnh

hưởng đến sự suy giảm nồng độ albumin như: tình trạng nhiễm trùng, viêm, bệnh lý gan, bệnh lý hội chứng thận hư… Ngoài ra, albumin có thời gian bán thải khá dài (khoảng 20 ngày) và chiếm số lượng lớn trong huyết thanh nên biểu hiện nồng độ albumin giảm dưới giá trị bình thường thường xảy ra sau khi mất số lượng lớn albumin vài tuần trước đó. Do đó, giá trị chẩn đoán dinh dưỡng của albumin khá muộn sau khi tình trạng suy dinh dưỡng đã khởi phát. Mặc dù chỉ số albumin có độ nhạy thấp nhưng có độ đặc hiệu cao nên trong rất nhiều nghiên cứu đánh giá dinh dưỡng, albumin luôn là thông số đánh giá quan trọng không thể thiếu. [10] Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đánh giá tình trạng dinh dưỡng nên được tiến hành đánh giá trên nhiều chỉ số, kết hợp giữa chỉ số hóa sinh (albumin, prealbumin, transferrin) và các phương pháp nhân trắc học (chỉ số khối cơ thể - BMI, độ dày nếp gấp da vùng cơ tam đầu - triceps skin fold, chu vi giữa cánh tay), phương pháp đánh giá tổng thể tình trạng dinh dưỡng theo chủ quan (Subjective Global Assessment – SGA). Nhưng do điều kiện chưa cho phép nên ở nghiên cứu này chúng tôi đã tiến hành khảo sát tình trạng dinh dưỡng trên 2 chỉ số BMI và albumin huyết (trên các bệnh nhân không mắc hội chứng thận hư và/hoặc viêm cầu thận) và tính được tỷ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng tương ứng là 44,5 % và 34%. Trong khi đó với các nghiên cứu khác như nghiên cứu đánh giá tình trạng dinh dưỡng trên bệnh nhân suy thận có lọc máu và lọc màng bụng của Kitty J. Jager và cộng sự thì cho kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng theo BMI là 16% và theo chỉ số albumin là 32%. [22] Nghiên cứu đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo phương pháp SGA của Gurreebun F và cộng sự cho kết quả tỷ lệ bệnh nhân SDD theo BMI là 6,4% và theo albumin là 20,6%. [21] Hay nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân Anh tại khoa Thận nhân tạo – bệnh viện Bạch Mai mô tả tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân suy thận mạn tính – lọc máu chu kỳ cho kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng theo BMI là 41% và theo albumin là 32,3% cũng tương đối giống với kết quả của đề tài. [4]

Một phần của tài liệu KHẢO SÁT TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG CỦA BỆNH NHÂN NẰM VIỆN VÀ VIỆC SỬ DỤNG DỊCH TRUYỀN DINH DƯỠNG Ở KHOA THẬN TIẾT NIỆU – BỆNH VIỆN BẠCH MAI (Trang 39)